Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò quan trọng của gia đình

Xây dựng gia đình văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng con người, xây dựng xã hội văn minh hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Khi mặt trái của cơ chế thị trường cùng những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài tác động đến con người, thì việc xây dựng gia đình văn hóa bền vững, hạnh phúc, trong giai đoạn hiện nay càng trở nên cấp bách. Trong sự nghiệp đó, thấm nhuần và thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò quan trọng của gia đình có ý nghĩa hết sức to lớn.

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò, vị thế của gia đình. Người nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”(1). Gia đình và xã hội có quan hệ mật thiết với nhau, xã hội lành mạnh sẽ tạo điều kiện cho các gia đình tiến bộ, gia đình hạnh phúc góp phần cho sự phát triển hài hòa của xã hội. Gia đình còn là cầu nối mỗi người với xã hội, nhiều thông tin về xã hội tác động đến con người thông qua gia đình. Nhận thức về một con người sẽ đầy đủ và toàn diện hơn khi nhận rõ hoàn cảnh của người ấy. Thực tế cho thấy, nhiều nội dung quản lý xã hội không chỉ thông qua hoạt động của các thiết chế xã hội, mà còn thông qua hoạt động của gia đình để tác động đến con người.

Những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách… được hình thành, phát triển và giữ gìn, vun đắp, phát huy trong mỗi gia đình Việt Nam. Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng gia đình phải phát triển bền vững. Thông qua giáo dục gia đình, thế hệ trẻ được tiếp thu những tinh hoa văn hóa tốt đẹp, hình thành nhân cách, lối sống, ứng xử…

Theo Bác, con người Việt Nam chỉ có thể được trang bị những phẩm chất tốt đẹp nếu có một môi trường xã hội tốt. Môi trường đó trước hết là từ mỗi gia đình, mỗi tế bào của xã hội. Các gia đình chịu trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm của gia đình mình, phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái, cung cấp cho xã hội những công dân có ích.     

Cùng với nhà trường, gia đình tham gia tích cực nhiệm vụ “dạy người, dạy chữ”, tạo ra lực lượng lao động tương lai có chất lượng. Bác nhấn mạnh, gia đình là nơi tiếp thu, giữ gìn và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thông qua các câu chuyện cổ tích, qua các câu ca dao, tục ngữ, cha mẹ, ông bà là những người thầy đầu tiên dạy dỗ, nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển tư duy và từng bước giáo dục hình thành nhân cách cho mỗi con người. Qua lao động, qua việc xử lý các mối quan hệ hằng ngày, gia đình đã truyền cho con trẻ những nét đẹp của truyền thống gia đình, dòng họ, truyền thống văn hóa dân tộc. Từ đó, mỗi cá nhân hình thành và bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình cộng đồng, lòng nhân ái, tinh thần tự lực, tự cường, anh hùng trong chiến đấu, chăm chỉ, cần cù trong lao động sản xuất…

Dân tộc ta vốn có truyền thống yêu nước, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động sản xuất. Những truyền thống quý báu đó luôn được bảo tồn và phát huy dựa trên cơ sở nền nếp của mỗi gia đình và cộng đồng dân cư. Trong gia đình đều lấy tình nghĩa làm nền tảng, mỗi thành viên đều có tinh thần sống vì người khác; con cháu, cha mẹ, ông bà đều phấn đấu làm tròn nghĩa vụ, bổn phận của mình. Không chỉ có thế, mỗi gia đình còn gắn bó chặt chẽ với cộng đồng làng, nước. Khi nước mất thì nhà tan, Tổ quốc chưa độc lập thì gia đình không thể hạnh phúc. Đất nước có giặc giã thì cả nước đánh giặc, cha con chung một chiến hào, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, đó chính là truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Với tư cách là hạt nhân của xã hội, gia đình là nơi sản sinh ra và nuôi dưỡng con người, duy trì và phát triển nòi giống. Cùng với trường học, xã hội, gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng những chuẩn mực tình cảm, vun đắp nhân cách, đạo lý làm người, tạo điều kiện chắp cánh cho thế hệ tương lai của đất nước ngày càng phát triển. Muốn có gia đình hòa thuận, hạnh phúc, theo Hồ Chí Minh, cần phải quan tâm công tác giải phóng phụ nữ, xây dựng mối quan hệ bình đẳng giữa nam và nữ, vợ và chồng. Người thường mượn câu tục ngữ “Thuận vợ, thuận chồng tát bể Đông cũng cạn” để nhắc nhở, giáo dục những người chồng, người vợ sống phải hết lòng yêu thương nhau. Hạt nhân của xã hội là gia đình, những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách… được hình thành, phát triển và giữ gìn, vun đắp, phát huy trong mỗi gia đình Việt Nam. Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng gia đình phải phát triển bền vững. Thông qua môi trường giáo dục gia đình, thế hệ trẻ được tiếp thu những tinh hoa văn hóa tốt đẹp, hình thành nhân cách, lối sống, ứng xử…

Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Người căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta phải quan tâm, chăm sóc phụ nữ:

“Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Chính sự bình đẳng ấy sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Trong gia đình, bên cạnh mối quan hệ vợ chồng còn có nhiều mối quan hệ khác như ông bà, bố mẹ với con cái, anh chị với các em, mẹ chồng với nàng dâu… Để giải quyết tốt những mối quan hệ đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh cần giữ vững sự hòa thuận trên dưới, không thiên tư, thiên ái. Khi bàn về chữ hiếu, Người đề cao việc xây dựng nhân cách, bổn phận của con cái đối với cha mẹ, vẹn toàn tình nghĩa với họ hàng, làng xóm, với người sống và cả người đã khuất. Mặt khác, con người không chỉ có hiếu với cha mẹ mà còn phải có hiếu với nước, với dân. Quan niệm về gia đình của Hồ Chí Minh đã thể hiện cao độ sự thống nhất biện chứng giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa Tổ quốc và gia đình. 

Bác Hồ cho rằng, trong giáo dục, nếu thiếu sự giáo dục gia đình hoặc giáo dục gia đình không phù hợp với yêu cầu của xã hội sẽ hạn chế nhiều kết quả giáo dục. Vì vậy, nhà trường, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên.

Giáo dục trong gia đình, theo Người là mỗi người nhắc nhở, dạy bảo nhau, các cụ phụ lão thi đua, đốc thúc con cháu tham gia mọi công việc, các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp đỡ người lớn, “vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo”. Bác nhắc nhở trong gia đình các bậc cha mẹ phải gương mẫu trước con em, trẻ em hay bắt chước cho nên các thầy giáo, cha mẹ đều phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm.

Trong xã hội có nhiều tệ nạn, thị phi thì gia đình chính là thành lũy kiên cố bảo vệ và giúp cho con em mình duy trì được lối sống văn hóa. Lý tưởng đầu tiên của con trẻ về chân, thiện, mỹ được hình  thành bởi sự liên lạc giữa con trẻ và bố mẹ. Và chính gia đình là nơi khai sinh ra những ý tưởng đầu tiên của con trẻ về sự tự chủ, vâng lời, về sự thật, sự tha thứ, hình thành lối sống văn hoá tốt đẹp…  

Tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình đã được Đảng và Nhà nước quán triệt trong các văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng và trong những bộ luật liên quan, với nội dung hướng tới việc củng cố vị trí, vai trò và chức năng của gia đình. Trong Văn kiện Đại hội XI, Đảng ta đã nêu rõ sự cần thiết phải “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội” (2). Đây là định hướng quan trọng, khẳng định sự cần thiết phải chăm lo, củng cố và phát triển gia đình trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình đã được thể hiện trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với nội dung nêu cao trách nhiệm các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức trong việc chăm lo xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, ngày càng có thêm nhiều gia đình văn hóa, để các thành viên trong gia đình phát huy hết khả năng và đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

_______________

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.300.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.77.

Tác giả: Lê Đức Thọ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 450, tháng 1-2021

;