Từ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghĩ về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới

Xưa kia, với tư tưởng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”, Thân Nhân Trung đã cho thấy yếu tố con người luôn đóng vai trò quyết định đến sự thịnh - suy của một quốc gia. Ngày nay, vẫn tư tưởng coi trọng người vừa có tài vừa có đức đối với sự phát triển của đất nước và củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề cập những nội dung liên quan đến xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đây là nội dung xuyên suốt có tính kế thừa các nghị quyết trước đó, vừa phát triển, bổ sung, vừa có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Ở Nghị quyết Đại hội XII, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ được đánh giá ngay ở phần đầu, là một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người cán bộ với những phẩm chất cơ bản nhưng hết sức đầy đủ. Đất nước ta đang ở giai đoạn có những phát triển quan trọng, từng bước khẳng định vị trí, tầm quan trọng trên trường quốc tế, vì vậy, đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành bại của cách mạng và sự vững mạnh của quốc gia, dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Người còn nói: “Bất cứ chính sách công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”. Ở hiện tại, đã có những minh chứng cho thấy tính đúng đắn của câu nói trên, cùng là một điều kiện, hoàn cảnh, nhưng kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ quan, đơn vị lại khác nhau do chất lượng đội ngũ cán bộ khác nhau, trước hết là người đứng đầu. Chính vì vậy, đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững, phải có công cụ, phương pháp đo lường mức độ đầu tư, đánh giá cán bộ bằng sản phẩm thu được. Do dó, quán triệt sâu sắc, toàn diện các quan điểm của Nghị quyết Đại hội XII là vấn đề cần được quan tâm trước hết để việc triển khai nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Nghị quyết Đại hội XII đã chỉ ra được nhiệm vụ cũng như những yếu tố cần có của đội ngũ cán bộ trong tình hình mới: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đây được xem như sự khẳng định vị trí then chốt của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ trong công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, rộng lớn hơn là đối với toàn bộ sự nghiệp đổi mới. Khi xác định được vị trí của công tác cán bộ thì cấp ủy, nhất là những người đứng đầu các cấp phải dành mối quan tâm đặc biệt, đầu tư xứng đáng cả tâm lực và tài lực cho công tác cán bộ một cách bài bản, khoa học, tỉ mỉ với trách nhiệm cao nhất, tránh trường hợp cấp ủy, người đứng đầu một số nơi nhận thức còn đơn giản, chưa thật sự chăm lo, quan tâm và đầu tư đúng tầm cho đội ngũ cán bộ.

Không phải tự nhiên mà nhiệm vụ trọng tâm tập trung xây đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược lại được đặt lên hàng đầu. Điều đó chứng tỏ vai trò lãnh đạo của cán bộ cấp chiến lược quyết định đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng, sự tồn vong của chế độ. Nói đến cán bộ cấp chiến lược là nói đến lực lượng những con người hội tụ tinh hoa trong xã hội, có trí tuệ, năng lực và phẩm hạnh vượt trội, trong đó có ít nhất năm tố chất (1):

Trước hết, họ là những người có năng lực tư duy vượt trội, có khả năng thấu hiểu quy luật vận động của tự nhiên, xã hội, cảm nhận được những biến thiên của đất, trời, thấu tỏ muôn triệu nhân tâm, để dự báo được quá trình hình thành, phát triển, diệt vong và sự tuần hoàn sinh, tử của vạn vật. Để đạt được tố chất này, ngoài trí tuệ thiên bẩm, họ còn phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện liên tục, nghiêm khắc.

Thứ hai, họ là những người có khả năng tổng kết thực tiễn, tường minh thực trạng, biết rõ được, mất và phải biết làm gì để đạt được mục tiêu đề ra. Để có được tố chất này, ngoài năng lực tư duy vượt trội, họ phải biết nắm bắt, quan sát toàn diện những diễn biến của thời cuộc, biết lắng nghe tiếng nói chung của hàng triệu người.

Thứ ba, họ là những người có khả năng tổ chức lực lượng vật chất, sức mạnh tinh thần của cộng đồng xã hội một cách khoa học, hợp lý để triển khai đường lối, chính sách chiến lược trong thực tiễn. Để đạt được tố chất đó, họ phải có năng lực phân tích, đánh giá chính xác các nguồn lực vật chất hiện có, hiểu được công năng, lợi thế tiềm tàng của từng nguồn lực để sắp xếp, bố trí theo trật tự ưu tiên.

Thứ tư, họ phải là những người có lòng tự trọng và liêm sỉ, hội tụ đủ các phẩm chất nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Với bản thân thì hết mực liêm chính, khiêm cung, biết đề cao lòng tự trọng của kẻ sĩ. Với công việc, họ coi trọng danh dự, nhân phẩm của cá nhân và tập thể; biết tiến, thoái đúng thời, không ham hố hư danh. Trong hành xử, họ biết bảo vệ cái đúng, lên án cái sai; bao dung, độ lượng, nhưng rất mực nghiêm khắc với các hành vi trái đạo.

Thứ năm, họ là những người chí thành tâm huyết, dốc lòng, dốc sức đem hết khả năng cống hiến, phụng sự cho tổ quốc và nhân dân mà không màng đến lợi ích cá nhân và gia đình. Đây chính là phẩm hạnh vượt trội tạo nên ảnh hưởng sâu rộng của những bậc hiền tài đối với xã hội và hệ thống chính trị...

Thế mới thấy, để chọn lọc ra được đội ngũ cán bộ đủ tâm đủ tài là một quá trình đòi hỏi sự nghiêm túc cao độ, liên tục và thận trọng. Ngày nay, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới với trình độ cao hơn, nhiệm vụ từ đó cũng trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Càng hội nhập sâu rộng, hòa chung nhịp độ tăng trưởng, phát triển của các nước trên thế giới, Việt Nam càng phải tập trung xây dựng nền dân chủ và nhà nước pháp quyền XHCN; đồng thời giải quyết hài hòa mối quan hệ nhà nước - thị trường - xã hội; đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường; thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư với nền kinh tế số, kinh tế tri thức và sự biến đổi khí hậu; sự tác động thường xuyên, mạnh mẽ, nhiều chiều từ mặt trái kinh tế thị trường... Thực tiễn đó yêu cầu Đảng ta phải xử lý, giải quyết một cách khoa học, hiệu quả cả về lý luận và thực tiễn, trong đó xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, uy tín, ngang tầm trong tình hình mới là mục tiêu số một.

Tuy nhiên, để chọn lọc ra được đội ngũ cán bộ là những con người mới, “hợp thời”, phát triển tâm lực cùng với hướng đi hiện đại của xã hội, không bị tụt hậu so với đội ngũ cán bộ của các nước phát triển trên thế giới, Đảng và Nhà nước cần có những đầu tư thích đáng và xem khoản đầu tư này là đặc biệt cần thiết, kết quả thu được không phải ngay trước mắt mà về lâu dài. Vì vậy, cần huy động nguồn lực xứng đáng để đầu tư cho phát triển đội ngũ cán bộ, từ đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng đến chính sách tiền lương, nhà ở, bảo đảm đời sống, tạo động lực cho cán bộ. Cán bộ được đầu tư cả nguồn lực tài chính và phi tài chính cho học tập, đào tạo và rèn luyện… mới có cơ hội nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng, đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, có thể thích ứng với môi trường thay đổi. Khi những nhu cầu này được đáp ứng, đảm bảo thì người cán bộ mới yên tâm cống hiến. Song song với sự đầu tư về mặt vật chất, là sự đầu tư, giáo dục tư tưởng chính trị, phát huy truyền thống văn hóa, lòng tự hào dân tộc cho đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng cần tạo điều kiện, mở rộng không gian, môi trường, khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, phấn đấu và dám đột phá vì lợi ích chung, tránh tư tưởng an phận thủ thường làm thui chột tài năng, nhuệ khí, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh.

Ngoài ra, xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay phải dựa trên cơ sở nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng và thu hút, trọng dụng nhân tài. Công tác cán bộ tiến hành hoàn chỉnh, trọn vẹn không bao giờ xa rời với quá trình nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực. Một nền giáo dục tiên tiến, nhân văn, phù hợp sẽ có ý nghĩa tích cực vào việc đào tạo nguồn cán bộ cho đất nước. Bên cạnh đó, khả năng phát hiện, trọng dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cũng là khâu hết sức quan trọng, phải diễn ra một cách dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch thì mới sử dụng ở mức cao nhất, hiệu quả nhất các tài năng trong xã hội, kể cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Mỗi thời kỳ lịch sử ứng với nhiệm vụ cách mạng cụ thể và lực lượng cán bộ tương ứng. Nhiệm vụ của thời kỳ cách mạng từ nay đến năm 2030 là đưa đất nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại theo hướng XHCN, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh và hạnh phúc. Đây là nhiệm vụ nhưng cũng chính là động lực to lớn thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới cũng như tạo môi trường cho cán bộ rèn luyện, phấn đấu vì lợi ích của nhân dân. Qua những kết quả đạt được có thể sàng lọc ra những cán bộ ưu tú mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân, đồng thời cũng có thể đào thải những cán bộ yếu kém, thoái hóa, biến chất, đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử đã hình thành nên nhiều lớp cán bộ ngày càng trưởng thành cả về mặt số lượng lẫn chất lượng. Thế hệ cán bộ mới kế thừa thành tựu, kinh nghiệm của thế hệ cán bộ trước nên nhanh chóng hòa nhập, thích nghi với tình hình mới của đất nước. Kế thừa cũng là một trong những phương pháp xây dựng đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, Đảng ta đã không máy móc, rập khuôn mà chỉ kế thừa những hạt nhân hợp lý, sáng tạo nên giá trị mới cho đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, loại bỏ những yếu tố bất hợp lý, cũ kỹ, lạc hậu. Kế thừa bảo đảm cho các giá trị của lịch sử, quá khứ không bị đứt gãy, gián đoạn mà luôn được thu nhận, tiếp diễn trong hiện tại và tương lai, không vấp phải tình trạng khủng hoảng khi chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Đổi mới, phát triển là tiền đề cho kế thừa và ổn định; nếu không đổi mới và phát triển mà chỉ dậm chân tại chỗ thì sẽ trở thành lạc hậu, trì trệ, không phù hợp với thời đại.

Ngày nay, với tốc độ phát triển như vũ bảo của công nghệ thông tin, mạng xã hội, báo chí, truyền thông… đang có những tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Vì vậy, phải có chủ trương biến báo chí và truyền thông trở thành công cụ, phương tiện tuyên truyền người tốt việc tốt, xả thân vì dân vì nước, cũng như góp phần phát hiện những gương điển hình tiên tiến, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để bảo vệ, phổ biến và tạo sức lan tỏa sâu rộng. Đồng thời, phát hiện những tiêu cực trong đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ; phê phán, đấu tranh với những thói hư tật xấu, tiêu cực, biểu hiện tha hóa quyền lực. Ngoài ra, báo chí truyền thông cũng có thể trở thành kênh thông tin chính thống, phản ánh những nhu cầu, nguyện vọng, khiếu nại của nhân dân trước những hành động, việc làm của cán bộ, từ đó góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngày một chất lượng và gắn chặt với lợi ích của đất nước, của nhân dân.

_______________

1. Phát biểu của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội tại Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XII, Hà Nội, 7-5-2018.

 

Tác giả: Ngô Huyền

Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 - 2018

 

;