Tự hào 100 năm Xiếc Việt Nam

Sáng ngày 5-12, tại Rạp xiếc Trung ương, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã trang trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 100 năm Xiếc Việt Nam (5/12/1922 - 5/12/2022), tôn vinh những đóng góp to lớn của cố NSND Tạ Duy Hiển – người khởi tạo những viên gạch đầu tiên cho nghệ thuật xiếc hiện đại ngày nay.

Tham dự Lễ Kỷ niệm có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cục, vụ, các cơ quan đơn vị, các nghệ sĩ lão thành, tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại Lễ Kỷ niệm - Ảnh: Quốc Hội

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, ngày 5-12-1922, cách đây tròn 100 năm về trước, chương trình biểu diễn mang tên “Xiếc Việt Nam”, do cố NSND Tạ Duy Hiển đặt tên và ra mắt khán giả đã đi vào lịch sử của Xiếc Việt Nam. Cố NSND Tạ Duy Hiển với tinh thần tự tôn dân tộc và tình yêu đất nước đã khởi tạo những viên gạch đầu tiên cho nghệ thuật xiếc hiện đại ngày nay. Cố NSND Tạ Duy Hiển đã làm việc, cống hiến nhiều tài sản, đất đai phục vụ cho kháng chiến. Tình yêu nghề và sự sáng tạo, tận hiến của người nghệ sĩ đã góp phần viết lên những trang đẹp nhất của lịch sử nghệ thuật xiếc Việt Nam. Với những đóng góp lớn lao đó, cố NSND Tạ Duy Hiển được Đảng, Nhà nước ghi nhận, các thế hệ nghệ sĩ coi Cụ là tấm gương để sống và đam mê theo đuổi con đường nghệ thuật Xiếc.

Tiếp nối những giá trị nghệ thuật Xiếc quý báu do cố NSND Tạ Duy Hiển để lại, các thế hệ lãnh đạo, nghệ sĩ, viên chức, người lao động của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã không ngừng cố gắng, học hỏi để gìn giữ và phát huy nghệ thuật xiếc Việt Nam. Trải qua 66 năm thành lập và phát triển, Liên đoàn Xiếc Việt Nam luôn là cánh chim đầu đàn của ngành Xiếc, nơi hội tụ đội ngũ nghệ sĩ tài năng, tâm huyết đã vượt qua mọi khó khăn, không ngừng phấn đấu, gắn liền với những chặng đường phát triển của nền văn nghệ cách mạng, đóng góp quan trọng cho thành tựu của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cục, vụ, các cơ quan đơn vị, các nghệ sĩ lão thành, tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động Liên đoàn Xiếc Việt Nam - Ảnh: Ngọc Bích

Nhờ sự nỗ lực vượt bậc, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập Hạng 1, Huân chương Lao động Hạng Nhất, Hạng Nhì, Hạng Ba, Cờ Chính phủ... Nhiều năm liền là đơn vị lá cờ đầu của Bộ VHTTDL, nhiều nghệ sĩ được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.

Tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông khẳng định, trong bối cảnh giao lưu văn hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã năng động tìm tòi, đổi mới, sớm thích ứng với cơ chế thị trường và thực hiện tốt công tác xã hội hóa. Từ năm 2015 đến nay, Liên đoàn Xiếc thực hiện cơ chế thí điểm tự chủ về tài chính; đặc biệt năm 2020, 2021  là năm gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng Liên đoàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Bộ VHTTDL giao, đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, trên cơ sở đó tiếp tục phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, khẳng định vị thế, tạo chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng trong nước và quốc tế.

Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Tạ Duy Ánh phát biểu tại Lễ Kỷ niệm - Ảnh: Quốc Hội

“Chúng ta tự hào và xúc động khi nhớ về những đóng góp lớn lao của NSND Tạ Duy Hiển và truyền thống của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Lịch sử truyền thống của đơn vị đã tạo nên nguồn động lực, không chỉ trong thi đua sáng tạo nghệ thuật, mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.  

Thứ trưởng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng Lễ kỷ niệm 100 năm Xiếc Việt Nam với những đóng góp lớn lao cho nghệ thuật Xiếc của cố NSND Tạ Duy Hiển, cũng như những thành tích đã đạt được của Liên đoàn Xiếc trong 66 năm qua.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và các đồng chí lãnh đạo, các nghệ sĩ lão thành, tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động Liên đoàn Xiếc Việt Nam tại Lễ dâng hương tượng đài NSND Tạ Duy Hiển - Ảnh: Quốc Hội

Để Liên đoàn ngày càng phát triển vững mạnh và đạt được nhiều thành tích trong hoạt động nghệ thuật, đáp ứng sự nghiệp phát triển Ngành và hiện thực hóa niềm tin, sự kỳ vọng của xã hội, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị Liên đoàn Xiếc Việt Nam tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật xiếc quý báu do cố NSND Tạ Duy Hiển để lại. Giữ vững truyền thống tốt đẹp của 66 năm xây dựng, phát triển, Liên đoàn cần phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được, không ngừng đoàn kết, phấn đấu cùng nhau khắc phục khó khăn, chú trọng đào tạo nghệ sĩ có trình độ cao về chuyên môn để nâng cao chất lượng trong sáng tác, dàn dựng, biểu diễn ở trong và ngoài nước; xây dựng các tác phẩm nghệ thuật mới có chất lượng cao nhằm tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi hơn nữa nghệ thuật xiếc Việt Nam với nhân dân trong nước, đặc biệt là khán giả trẻ, người nước ngoài; tập trung mọi nguồn lực, phát triển cơ sở vật chất, tăng cường hợp tác quốc tế…, chủ động vươn lên trong tình hình mới; vững bước đi lên, nâng cao đời sống của nghệ sĩ, diễn viên, người lao động…

Lễ cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm cố NSND Tạ Duy Hiển - Ảnh: Quốc Hội

Cùng trong Lễ kỷ niệm, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Xiếc truyền thống trong xu thế mới”.

Tại Hội thảo, PGS, TS Phạm Duy Khuê đã trình bày tham luận “Khát vọng sáng tạo tác phẩm Xiếc đương đại”, tham luận cũng nêu rõ, “…cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với 4 lĩnh vực trụ cột của nó là: trí tuệ nhân tạo, công nghệ số hóa, công nghệ sinh học, công nghệ vật lý. Con người hoạt động trong 4 lĩnh vực ấy, những mối quan hệ người mới mẻ cũng được tạo sinh ra trong quá trình hoạt động ứng xử với nhau tại các lĩnh vực: văn hóa tài nguyên, văn hóa vật chất, văn hóa cơ chế, văn hóa tâm thức. Chính những mối quan hệ ứng xử ấy tổng hòa lại đã hình thành nên những phẩm chất, những tính cách con người mới…

PGS, TS Phạm Duy Khuê trình bày tham luận “Khát vọng sáng tạo tác phẩm Xiếc đương đại” - Ảnh: Ngọc Bích

PGS, TS Trần Trí Trắc với tham luận “Nhiệm vụ tiếp cận hiện đại của Xiếc Việt Nam ngày nay” - Ảnh: Ngọc Bích

Đối với thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 xuất hiện và triển khai thực hành, phát triển khẩn trương, sáng tạo ra nhiều thành tựu có hiệu quả sâu sắc cho đời sống nhân loại... Với những tính chất nêu trên của hiện thực mà nghệ thuật Xiếc có thể đồng hành thì bản thân các ngành công nghệ hiện đại đã và đang phát minh ra vô vàn loại sản phẩm hữu thể và vô thể, trong đó, có thể có những sản phẩm được tuyển chọn và xiếc hóa – theo quy luật tiếp biến biện chứng, để trở thành đối tượng phản ánh hoặc ngôn ngữ thích hợp của những tác phẩm Xiếc đương đại… Vấn đề ở đây là những người làm nghệ thuật Xiếc Việt Nam có dám dấn thân học hành, mở rộng tần suất trải nghiệm cuộc sống, phát triển cảm thức – suy cảm và tư duy sáng tạo nghệ thuật Xiếc của mình trên tầm cao mới ra sao?; phát hiện, phản ánh những vấn đề đời sống đương đại mà nhân dân quan tâm như thế nào?...

Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: Ngọc Bích

Với tham luận “Nhiệm vụ tiếp cận hiện đại của Xiếc Việt Nam ngày nay” của PGS, TS Trần Trí Trắc đã đặt ra vấn đề, nghệ thuật Xiếc Việt Nam cho đến nay vẫn chưa xuất hiện một đội ngũ tác giả chuyên nghiệp, thì làm sao có được tác phẩm nghệ thuật sánh vai cùng bạn bè bốn biển năm châu, và cạnh tranh nổi với những loại hình nghệ thuật khác trong cơ chế thị trường…; đồng thời, chuyên ngành lý luận, phê bình ở trong nghệ thuật xiếc Việt Nam chưa có… Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để xiếc Việt Nam thực hiện được mục đích cao cả của mình: “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, sánh vai hòa nhập cùng với xiếc hiện đại của thế giới, thì nghệ thuật xiếc phải có những nhà biên đạo chuyên nghiệp, những nhà nghiên cứu lý luận phê bình xiếc chuyên nghiệp và những nhà kỹ sư khoa học công nghiệp xiếc chuyên nghiệp. Ba chuyên ngành này thống nhất biện chứng với nhau trong quá trình phát triển xiếc hiện đại Việt Nam. Nếu không có sự hiện diện của những bộ phận mang tính chuyên nghiệp này thì khó mà bàn được điều gì hữu ích, thiết thực cho sự phát triển của xiếc Việt Nam trong tương lai.

Chương trình nghệ thuật Tôn vinh cố NSND Tạ Duy Hiển - Ảnh: Ngọc Bích

Nhân dịp này, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã khánh thành Khu tưởng niệm cố NSND Tạ Duy Hiển; dâng hương tri ân nghệ sĩ; tổ chức chương trình nghệ thuật “Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển - Tự hào xiếc Việt”.

NGỌC BÍCH

;