Từ 24 - 27/7: Triển lãm “75 năm đền ơn, đáp nghĩa”

69 tác tác phẩm sẽ được trưng bày tại triển lãm "75 năm đền ơn, đáp nghĩa", diễn ra từ ngày 24 đến 27-7 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Triển lãm do Bộ VHTTDL giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022).

Triển lãm được tổ chức nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong toàn xã hội, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; khơi dậy nguồn lực trong xã hội, góp phần thực hiện tốt nhất các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Với 69 tác phẩm mỹ thuật của 62 tác giả, triển lãm thể hiện những góc nhìn chân thực về hình tượng người chiến sĩ, những ký ức không quên về các cuộc chiến tranh đã qua và tình cảm, lòng tri ân đối với những người mẹ Việt Nam anh hùng, những dân quân, y sĩ, bác sĩ và rất nhiều những tấm gương bình dị đã lặng lẽ dâng hiến tuổi thanh xuân, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Các tác phẩm tại triển lãm sẽ là những câu chuyện, chân dung sinh động, tái hiện hình ảnh người lính bộ đội Cụ Hồ. Đó có thể là những bức ký họa Đồng chí Trung KiênĐồng chí Khương y tá trong trận Bình Giã (họa sĩ Cổ Tấn Long Châu)... và các lực lượng đã chung sức làm nên những chiến công như Mở đường thắng lợi (Ngô Mạnh Lân), Nuôi quân (Nguyễn Trọng Hợp), Rừng cười (Nguyễn Trường Linh)… Hay chân dung các anh hùng đã hy sinh quên mình và tên tuổi của các anh còn lưu danh mãi mãi được khắc họa trong các tác phẩm Nguyễn Văn Trỗi (Đạo Khánh), Tô Vĩnh Diện chèn pháo (Dương Hướng Minh), Phan Đình Giót (Huy Toàn). Những vết thương chiến tranh cũng là đề tài được các nghệ sĩ khai thác, như: Anh thương binh (nhà điêu khắc Phạm Mười), Ca mổ trong hang sơ tán (Trần Ngọc Hải)… và cả những nỗi đau sau cuộc chiến như tác phẩm Không trở về, Sau cuộc chiến, Người đồng đội được tìm lại, Người đàn bà ở phố Khâm Thiên, Dioxin

Triển lãm “75 năm đền ơn, đáp nghĩa” gồm: Khu triển lãm chung; Khu vực trưng bày toàn xã hội với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật.

Khu triển lãm chung sẽ trưng bày những tư liệu, hình ảnh hoạt động phản ánh sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng; trưng bày hình ảnh, số liệu, bảng trích về một số hoạt động trong phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với cách mạng, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, tu bổ nghĩa trang; trưng bày sách, các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài thương binh, liệt sĩ; triển lãm tranh cổ động “Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022).

Khu vực trưng bày có nội dung: Toàn xã hội với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” giới thiệu các chương trình xây dựng nhà tình nghĩa; chương trình ổn định đời sống thương binh, bệnh binh; chương trình xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa”; chương trình tặng sổ tiết kiệm “Tình nghĩa”; chương trình chăm sóc bố, mẹ, vợ liệt sĩ già yếu, cô đơn, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng. Khu vực này cũng sẽ trưng bày 3 triển lãm với các chủ đề: “Sáng ngời đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”; “Công an nhân dân - 75 năm đền ơn đáp nghĩa” và triển lãm “Hà Nội 75 năm trọn nghĩa vẹn tình”.

NGÔ HUYỀN

;