TS Bùi Thế Đức: Đảng, Nhà nước đã sử dụng sức mạnh tổng hợp để phát triển văn hóa trong giai đoạn mới

Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” sắp diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Trước thềm Hội thảo, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật điện tử, TS Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương nhận định, Hội thảo Văn hóa 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng, qua đó cho thấy, Đảng, Nhà nước đã sử dụng sức mạnh tổng hợp để phát triển văn hóa trong giai đoạn mới.

PV: Hội thảo Văn hóa 2022 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL, tỉnh Bắc Ninh thực hiện sắp diễn ra, theo ông, Hội thảo có tầm quan trọng như thế nào trong thời điểm hiện nay?

TS Bùi Thế Đức: Hội thảo Văn hóa 2022 được tổ chức xuất phát từ quan điểm của Đảng phải đặt văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế. Điều này không chỉ bây giờ mới nhắc đến mà đã có trong nhiều văn bản, gần nhất là Nghị quyết 33-NQ/TW về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa”; đặc biệt, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, với  bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh về vai trò quan trọng của văn hóa. Trong đó Tổng Bí thư đã chia sẻ quan điểm: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, điều đó cho thấy việc xây dựng và phát triển văn hóa trong giai đoạn mới là hết sức quan trọng. Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất chủ trì, phối hợp với các cơ quan Nhà nước tổ chức, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Qua đó cho thấy, Đảng, Nhà nước đã sử dụng sức mạnh tổng hợp để phát triển văn hóa trong giai đoạn mới.

TS Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng phê bình lý luận VHNT Trung ương - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

PV: Một trong những vấn đề quan trọng sẽ được bàn luận trong Hội thảo lần này đó là nguồn lực (con người và tài chính) cho phát triển văn hóa, đây là vấn đề được đông đảo đội ngũ những người sáng tác quan tâm. Ông nguyên là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đã từng phụ trách lĩnh vực sáng tác VHNT và hiện nay là Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng phê bình, lý luận VHNT Trung ương, ông đánh giá về điều này như thế nào?

TS Bùi Thế Đức: Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất quan trọng, trong đó đồng chí Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh về những thành tựu, cũng như thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại của văn học nghệ thuật. Có thể nói, từ khi có Đề cương văn hóa năm 1943 do đồng chí Trường Chinh soạn thảo, rồi các Nghị quyết sau này thì Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân đều quan tâm đến sự phát triển văn hóa. Nhưng có một câu hỏi đặt ra “tại sao có sự quan tâm như vậy nhưng văn hóa chưa ngang hàng với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội?”.

Đây là vấn đề mà Đảng, Quốc hội, Nhà nước và các nhà quản lý còn rất nhiều trăn trở, quan tâm. Đối với Hội đồng lý luận, phê bình VHNT Trung ương thấy rằng thời gian qua, công tác lý luận phê bình đã có những thành tựu, nhưng so với tiềm năng yêu cầu của giai đoạn mới còn hạn chế. Việc sáng tác những tác phẩm văn học nghệ thuật trong thời điểm hiện nay, còn thiếu những tác phẩm đỉnh cao về tư tưởng và nghệ thuật. Điều này chúng ta đã nói đến rất nhiều, phải chăng một trong những nguyên nhân là còn một bộ phận văn nghệ sĩ chưa bám sát thực tiễn lớn lao của đất nước, như Tổng Bí thư phát biểu trong Lễ kỷ niệm 70 năm Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Nhất là từ khi đất nước đổi mới đến nay, chúng ta được sống trong hòa bình, thì chưa có nhiều các tác phẩm xuất sắc. Điều đó cho thấy, việc xây dựng các tác phẩm đỉnh cao về tư tưởng và nghệ thuật gắn với lịch sử đất nước hiện nay là rất cần thiết.

Để có được những tác phẩm xuất chúng, thì yếu tố nguồn lực - con người là rất quan trọng. Nguồn lực đó phải được đào tạo trong các ngôi trường chuyên nghiệp và tìm ra những người có tài năng thực sự. Đối với văn học nghệ thuật để có được thành công thì phải có tài năng, chứ không phải là chăm chỉ. Cùng với đó, đội ngũ sáng tác phải được đi tham quan thực tế, trải nghiệm thực tiễn, chứ không phải ngồi ở phòng lạnh để sáng tác.

Bên cạnh đó, cũng rất cần sự quan tâm, đầu tư hơn nữa về chính sách đối với văn nghệ sĩ, từ đó họ sẽ yên tâm trong hoạt động sáng tác. Ai cũng biết rằng, “cơm áo không đùa với khách thơ”, nhưng mặt khác không chỉ có tiền mới làm nên tác phẩm. Trong lịch sử đã cho thấy, thế kỷ XVIII trong bối cảnh bất an đã xuất hiện thi hào Nguyễn Du; hay như nhà văn Balzac viết bộ Tấn trò đời trong tình cảnh nợ nần triền miên… Nên ngoài vấn đề về chế độ, chính sách cũng nên đặt ra câu hỏi, tại sao trong thời kỳ chiến tranh gian khổ, ác liệt như vậy vẫn xuất hiện những tài năng lớn với những tác phẩm có giá trị. Hiện nay, khi chúng ta được sống hạnh phúc trong hòa bình, sau những năm tháng nhiều thế hệ phải đổ xương, đổ máu, hy sinh mất mát, thì chúng ta càng phải nhìn vào điều đó để nhân lên và có những tác phẩm xứng đáng.

Còn nói về tài chính cũng rất cần thiết, nhưng không phải là tất cả, mà phải nhìn nhận đây là sự hỗ trợ của nhà nước. Theo tôi, không phải cứ đầu tư nhiều tiền là có tác phẩm hay, mà yếu tố then chốt là bên cạnh tố chất tài năng, còn là sự nhiệt huyết cống hiến của các văn nghệ sĩ.

PV: Vậy, ông có những kỳ vọng gì đối với Hội thảo Văn hóa 2022 sắp tới?

TS Bùi Thế Đức: Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thông qua tiếng nói của các đại biểu trong Hội thảo do Quốc hội chủ trì tổ chức, sẽ có những đóng góp hết sức quan trọng đối với ngành văn hóa. Tôi hy vọng, thông qua Hội thảo này, bằng những biện pháp cụ thể và đồng bộ, bằng cơ chế, chính sách sẽ có những hoạch định để đưa ý chí, nghị quyết, văn bản đi vào cuộc sống.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp và đạt được kết quả như kỳ vọng!

NGỌC BÍCH

 

;