Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Năm 2022, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã chủ động, sáng tạo, đề xuất các nhiệm vụ thiết thực

Ngày 14-12, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ 2023. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí trong Ban Lãnh đạo: Hoàng Hà, Quyền Tổng biên tập; các Phó Tổng biên tập: Ngô Thị Minh Nguyệt, Đặng Xuân Mã; cùng cán bộ, viên chức và người lao động của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

Thay mặt Ban Lãnh đạo Tạp chí, Phó Tổng biên tập Ngô Thị Minh Nguyệt trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Theo đó, năm 2022, các kỳ xuất bản Tạp chí in và ấn bản điện tử đã thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, là cơ quan nghiên cứu, thông tin lý luận của Bộ VHTTDL, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hằng tháng, Tạp chí đều có các bài viết được Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, biểu dương.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tạp chí đã tập trung thông tin, tuyên truyền các ngày lễ lớn của đất nước; chủ đề công tác năm 2022 của ngành VHTTDL “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”; mở chuyên mục “Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”; thông tin về Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games lần thứ 23; Hội nghị Thế giới về Chính sách văn hóa và Phát triển bền vững (MONDIACULT 2022) tại Mexico; Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022; các hoạt động của Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam, Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào; những điểm mới của Luật Điện ảnh (sửa đổi), dự thảo Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình; tuyên truyền phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giới thiệu gương người tốt việc tốt, giữ gìn đạo đức, lối sống, trao đổi nghiệp vụ văn hóa cơ sở…

Về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Tạp chí, đó là mở chuyên mục “Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” từ tháng 2-2022 trên tất cả các ấn phẩm in và điện tử. Tính đến ngày 30-11-2022 đã có 161 tin, bài  viết chuyên sâu thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý (Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, Lãnh đạo Sở VHTTDL Hà Giang, Lãnh đạo các Cục, Vụ trực thuộc Bộ…); các nhà nghiên cứu; doanh nghiệp, cộng tác viên… Qua các bài viết đã thể hiện sự quan tâm, đồng thuận cao của xã hội đối với định hướng phát triển văn hóa của Nhà nước, phản ánh một số mô hình hoạt động có hiệu quả, đồng thời kiến nghị, đề xuất Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư và có chính sách ưu đãi thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa nhất là một số lĩnh vực như: di tích, điện ảnh...; có những cơ chế, chính sách đặc thù cho các ngành nghệ thuật, tạo môi trường hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật…

Quyền Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà trao đổi về những nhiệm vụ trọng tâm của Tạp chí năm 2023

Tạp chí đã đăng tải 6 tác phẩm tham gia Giải búa Liềm vàng, trong đó mỗi tác phẩm hầu hết có từ 3 kỳ đăng trở lên, bao gồm 21 bài viết gồm: chùm 5 bài “Những định hướng sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển đất nước” giới thiệu tới bạn đọc những nội dung quan trọng của cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư, trên một số lĩnh vực: chính trị; văn hóa; đạo đức, lối sống; văn học, nghệ thuật; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; các tuyến bài 3 kỳ: “Xây dựng đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên - những vấn đề đặt ra”, “Xây dựng môi trường văn hóa số thích ứng với xã hội hiện đại”, “Ngành Du lịch Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19”, “Nhận diện và phát huy giá trị áo dài truyền thống trong bối cảnh hội nhập”; 4 kỳ: “Bảo tồn âm nhạc truyền thống trong cộng đồng - những hướng đi cần lan tỏa” đều cùng ở thể loại chuyên luận, góp phần bảo vệ nền tư tưởng của Đảng, phân tích làm sáng tỏ các vấn đề về xây dựng Đảng, cụ thể hóa quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa, du lịch.

Tạp chí cũng đăng tải 6 tác phẩm tham gia giải báo chí quốc gia với tổng cộng 8 bài viết góp phần phản ánh những vấn đề đặt ra từ thực tiễn của xây dựng văn hóa, nghệ thuật, đạo đức, lối sống.

Ngoài ra, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã phối hợp với Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Văn hóa doanh nghiệp - Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch”. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và tham luận của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, cơ quan truyền thông, doanh nghiệp… Hội thảo là hoạt động thực hiện kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021; góp phần thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và triển khai chủ đề công tác năm 2022 của ngành VHTTDL là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”, đồng thời lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thông điệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong toàn xã hội. Hội thảo đã nhận được 29 bài tham luận có hàm lượng khoa học và thực tiễn cao cùng nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi, thiết thực…

Phó Tổng biên tập Ngô Thị Minh Nguyệt trình bày báo cáo tổng kết

Đại diện các Ban chuyên môn phát biểu và đề xuất ý kiến

Bên cạnh đó, các công tác hành chính, pháp chế, công tác đảng, đoàn thể luôn được Lãnh đạo và chi ủy Tạp chí quan tâm sát sao, chỉ đạo kịp thời; đời sống cán bộ, viên chức và người lao động ổn định.

Tại Hội nghị, Quyền Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà đã bày tỏ cảm ơn về sự quan tâm, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ VHTTDL trong công tác thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của Tạp chí. Đồng chí Hoàng Hà cũng nêu một số nhiệm vụ trọng tâm mà Tạp chí sẽ thực hiện trong năm 2023, đó là: bên cạnh việc tham dự giải Búa liềm Vàng, giải báo chí quốc gia, Tạp chí sẽ tích cực tham gia giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất do Bộ VHTTDL chủ trì; Đề án chiến lược phát triển Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đến năm 2026, định hướng đến năm 2030 hiện nay đang chỉnh lý và lấy ý kiến chuyên gia, dự kiến trong quý I-2023 sẽ báo cáo Lãnh đạo Bộ; năm 2023 cũng là năm kỷ niệm 50 năm thành lập Tạp chí, bên cạnh công tác chuyên môn thì Tạp chí sẽ tổ chức hội thảo và các hoạt động thiết thực khác…

Cũng tại hội nghị, đại diện các Ban chuyên môn của Tạp chí đã báo cáo rõ thêm về hoạt động công tác và đề xuất với Lãnh đạo Bộ VHTTDL một số nội dung nhằm tăng cường kết nối thông tin hơn nữa với cục, vụ thuộc Bộ; quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trụ sở tòa soạn...  

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy ghi nhận và đánh giá cao về những kết quả đạt được trong năm 2022 của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động đã nỗ lực, quyết liệt vượt qua khó khăn triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch công tác của Tạp chí dù vẫn còn nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ đặt ra của Tạp chí, đã bám sát chủ trương, chính sách, định hướng của Đảng, Chính phủ, đặc biệt là những chỉ đạo của lãnh đạo Bộ đối với định hướng hoạt động của các cơ quan báo chí thuộc Bộ VHTTDL như: chủ đề công tác năm của Bộ “Năm xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”; Kết luận của Bộ trưởng tại Hội nghị công tác truyền thông VHTTDL từ đầu năm… Tạp chí đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí của Bộ để triển khai thực hiện nhiệm vụ của Bộ liên quan đến triển khai công tác truyền thông của ngành. Tạp chí đã chủ động, sáng tạo, đề xuất các nhiệm vụ như tổ chức "Hội thảo Văn hóa doanh nghiệp - điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch", đã tạo ra hiệu ứng tích cực, đây cũng là vấn đề mà Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm…; về các công tác khác, Tạp chí đã triển khai hết sức bài bản và “đều tay” như: công tác  hành chính, pháp chế; xây dựng đảng và đoàn thể... đã tạo ra những thành tựu nổi bật được Đảng ủy Bộ, BCH Công đoàn đánh giá cao.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy mong muốn, trong phương hướng nhiệm vụ của năm 2023, Tạp chí cần có sự đầu tư hơn nữa về công tác chuyên môn và để lại dấu ấn khác biệt hơn so với các năm trước, vì sẽ có hoạt động chính trị lớn gắn với Tạp chí đó là sự kiện Kỷ niệm 50 năm thành lập. Bởi, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật được Bộ VHTTDL đánh giá là đơn vị có bề dày về lịch sử, cũng như những đóng góp đối với ngành văn hóa, nghệ thuật của nước nhà.

Bên cạnh những đề xuất nhiệm vụ đã nêu trong Báo cáo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị, Tạp chí nên xây dựng những chuyên trang, chuyên mục, trong đó sẽ có các tuyến bài viết nghiên cứu sâu về: kết quả 1 năm triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021; những vấn đề đặt ra của Hội thảo “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”; 3 vấn đề lớn là thể chế, chính sách và nguồn lực mà Hội thảo Văn hóa 2022 đề cập đến… Với các chuyên trang, chuyên mục đó sẽ góp phần nâng cao vị thế về chất lượng nội dung của Tạp chí, đồng thời sẽ tạo ra chất liệu có thể tham gia giải báo chí của Đảng, Nhà nước và của ngành.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, viên chức, người lao động Tạp chí 

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy mong rằng, Ban Lãnh đạo cũng như đội ngũ viên chức, người lao động Tạp chí sẽ quyết liệt hơn trong việc nghiên cứu, đề xuất nội dung; chủ động hơn đối với nhiệm vụ chuyên môn và phối hợp với các đơn vị liên quan để khai thác, tuyên truyền hoạt động của ngành; sáng tạo hơn trong hoạt động, chuyển đổi số cũng như huy động nguồn đầu tư… Với những điều đó, hy vọng sẽ mang lại hiệu quả, kết quả nổi bật hơn trong năm 2023...

Về một số đề xuất, kiến nghị của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết sẽ quan tâm, chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn. 

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

 

 

 

;