Từ ngày 31-8 đến hết ngày 11-9, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, diễn ra triển lãm “Truyền thống hiếu học”, nhân kỷ niệm 77 năm ngày Quốc khánh 2-9 và chào đón ngày khai giảng năm học mới.
TS Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội; NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội VHNTVN đã đến dự khai mạc.
Giám đốc Bảo tảng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh phát biểu khai mạc Triển lãm
Tại buổi khai mạc triển lãm, TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tảng Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục. Ngày 15-9-1945, trong thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường năm học mới đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
Với 50 tác phẩm của 44 tác giả được sáng tác từ những năm sau 1945 cho đến nay bằng nhiều thể loại tạo hình như hội họa, đồ họa, điêu khắc trên các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, màu nước, gỗ, thạch cao, gang,... đã thể hiện tinh thần hiếu học của nhân dân Việt Nam từ khi đất nước hòa bình, thống nhất, học tập được mở rộng, không chỉ là việc học chữ trên ghế nhà trường, mà còn là sự trao đổi kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp, trao truyền tri thức, kỹ năng của thế hệ trước và cho đến sau này; tất cả đã được thể hiện sinh động qua bút pháp của các thế hệ họa sĩ, nghệ sĩ. Đây cũng chính là mảng đề tài đã được nhiều nghệ sĩ khai thác thành công.
Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện Ảnh phát biểu tại buổi lễ
Đại diện cho các họa sĩ có tác phẩm trưng bày, họa sĩ Vi Kiến Thành chia sẻ: “Các tác phẩm được trưng bày lần này là của các họa sĩ nhiều thế hệ cả phía Nam và Hà Nội, đặc biệt một số tác giả đã không còn nữa nhưng các tác phẩm của họ cùng nhiều tác phẩm của các họa sĩ khác đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đánh giá và khẳng định bằng chất lượng tạo hình mỹ thuật và giá trị lịch sử của các tác phẩm để tạo nên bộ sưu tập này. Nhiều tác phẩm rất ấn tượng, độc đáo đã khắc họa chân thực, sinh động giai đoạn lịch sử này như Lớp học bình dân làng Bền (Trần Văn Cẩn), Bủ Đường biết đọc (Tô Ngọc Vân), Bình dân học vụ (Nguyễn Thế Vinh)... đã được khẳng định đạt đến trình độ nghệ thuật và tiêu chí được tuyển chọn để ra mắt công chúng yêu nghệ thuật lần này”.
Trước những cảm xúc trân trọng đối với các tác phẩm về tinh thần hiếu học của nhân dân ta từ trước đến nay, PGS, TS Bùi Hoài Sơn trao đổi trước phóng viên báo chí: “Triển lãm những tác phẩm mỹ thuật lần này, không chỉ là nói đến tinh thần truyền thống hiếu học về mặt thời gian mà nó giúp chúng ta hướng đến những giá trị về giáo dục và truyền cảm hứng đến cho tất cả mọi người; từ đó dân tộc ta có được những kiến thức vững chắc hơn để hội nhập tốt hơn cùng thế giới và thông qua những tác phẩm để chúng ta thấy rằng, trải qua những khó khăn về tinh thần học tập, chúng ta sẽ luôn giữ vững sức mạnh về tinh thần học tập, hướng đến những giá trị nhân văn, đạo trí nhằm lan tỏa đến cả những giá trị truyền thống khác của con người Việt Nam”.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội xem tác phẩm điêu khắc
Triển lãm tôn vinh truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, động viên thế hệ trẻ tiếp nối cha ông học tập, rèn luyện, phấn đấu để trở thành chủ nhân tương lai đích thực của đất nước. Nhiều tác phẩm lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng trong phong trào Bình dân học vụ, với mục tiêu Diệt giặc dốt, Chống nạn mù chữ... do Bác Hồ phát động là những bước đi đầu tiên, quan trọng, định hướng của Chính phủ Lâm thời Việt Nam cho việc tiếp nối truyền thống học tập, không phân biệt lứa tuổi, dân tộc, vùng miền. Chiến tranh tàn khốc không ngăn cản được sự nghiệp giáo dục phát triển. Mặc dù trường học phải sơ tán, thậm chí học dưới hầm, nhưng việc học luôn được quan tâm và triển khai rộng khắp: Lớp học miền núi (Hoàng Đạo Khánh), Lớp 5 dưới lòng đất (Ngô Tôn Đệ), Lớp học bổ túc ở Tây Nguyên (Nguyễn Thế Vinh), Giờ học văn hóa nữ du kích Củ Chi (Đào Hữu Phước), Giúp đỡ bạn (Đào Văn Can), Đi học đêm (Nguyễn Thế Minh)…
Các đại biểu tham quan triển lãm
Tác phẩm: "Lớp học bình dân" - Nguyễn Thế Vinh (Nguyễn Vĩnh Nguyên), khắc màu, 1961
Tác phẩm: "Lớp trung học đầu tiên" - Diệp Minh Châu, giấy chì, 1948
Tác phẩm: "Lớp 5 dưới lòng đất" - Ngô Tôn Đệ, giấy chì, 1967
Tác phẩm: "Học nhóm" - Hứa Tử Hoài, thạch cao, 1978
Tin, ảnh: UÔNG MAI HƯƠNG