Triển lãm tranh “Con đường”

Ngày 7-10-2022, tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội), Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Latoa Indochine đã tổ chức khai mạc triển lãm tranh chủ đề “Con đường”, với gần 100 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc được giới thiệu đến công chúng Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2022).

Lễ cắt băng khai mạc Triển lãm

Triển lãm trưng bày gần 100 tác phẩm nghệ thuật được thực hiện bởi nhóm nghệ sĩ tại Latoa Indochine. Tất cả tác phẩm đều là đề tài tranh dân gian quen thuộc như tranh Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng nhưng được làm mới hoàn toàn trên chất liệu sơn mài khắc (kết hợp giữa sơn mài và khắc).

Tranh sơn mài khắc là sự kết hợp sáng tạo và độc đáo của hai phương pháp làm tranh lâu đời là sơn mài (1930) và sơn khắc (1945). Với cách thể hiện đặc biệt mới mẻ này, triển lãm sẽ mang đến cho những người yêu nghệ thuật một góc nhìn thú vị, đầy sáng tạo về dòng tranh truyền thống của dân tộc, đồng thời, góp phần phát triển một nét văn hóa xưa lên tầm cao mới, hòa quyện giữa dân gian bình dị trong dòng chảy hiện đại, cấp tiến.

Đến với triển lãm, khách tham quan được chiêm ngưỡng những bức tranh nổi tiếng, được trưng bày theo 3 nhóm tranh chính. Tranh dân gian được ứng dụng, sáng tác với các màu sắc phong phú như bức Thần Kê - tranh Kim Hoàng, Ngũ Hổ - tranh Hàng Trống…; Tranh danh nhân Nguyễn Trãi (1380-1442) được chuyển thể sang chất liệu sơn mài khắc, kích thước 106 cm x 106cm; Tranh Phật giáo được phóng tác với hai bức tranh Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồHương Vân Đại Đầu Đà.

Khách tham quan triển lãm

Đây là những sáng tác của các nghệ sĩ Latoa Indochine sau một thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tác, thử nghiệm về tranh dân gian, sơn mài với trăn trở làm sao để giữ gìn, lan tỏa được di sản văn hóa mà cha ông để lại, đồng thời nâng tầm giá trị tranh dân gian Việt Nam trên chất liệu sơn mài khắc. Hình ảnh trong tranh sơn mài khắc đều được thể hiện sắc nét, có chiều sâu và khi quan sát kỹ sẽ thấy tầng tầng lớp lớp màu được mài rất tỉ mỉ. Tất cả những điều đó khiến tranh dân gian trở nên đẹp hơn, hiện đại, sang trọng hơn, giá trị văn hóa nghệ thuật cũng được nâng lên một tầm cao mới.

Thông qua triển lãm mong muốn bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp giá trị, văn hóa lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa các dòng tranh dân gian nói riêng, tạo cho Bảo tàng Hà Nội thành một điểm đến của công chúng yêu nghệ thuật truyền thống, muốn tìm hiểu về tranh dân gian. Từ đó tạo tiền đề phát triển tranh dân gian trên sơn mài thành một sản phẩm văn hóa đặc sắc của Thủ đô.

Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà: Đây là một sự kiện rất ý nghĩa góp phần quan trọng trong Dự án Bảo tồn tranh dân gian Việt Nam. Bảo Tàng Hà Nội và Latoa Indochine mong muốn đưa quý vị “đi đến tận cùng của truyền thống” trở về những ngày của hội họa dân gian xưa để ngắm nhìn, cảm nhận và trân quý một nét đẹp vang bóng một thời, để cùng nhau gìn giữ, lan tỏa trên chặng đường phát triển mạnh mẽ của thời cuộc.

Triển lãm trưng bày đến ngày 31-12-2022.

Tin: THANH DANH - Ảnh: THÚY VI

;