Toàn cầu hóa văn hóa và sự phát triển văn hóa Việt Nam hiện nay

Toàn cầu hóa văn hóa đã và đang tác động đa chiều đến sự phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở nước ta hiện nay. Bài viết trình bày quan niệm về toàn cầu hóa và toàn cầu hóa văn hóa; khái quát về sự phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đồng thời, bài viết cũng đưa ra những tác động của toàn cầu hóa văn hóa đến sự phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Chương trình giao lưu văn nghệ chào Xuân qua biên giới và Liên hoan Nhân dân biên giới Việt Nam - Trung Quốc năm 2024, tại quảng trường Đinh Lễ, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai - Ảnh: dangcongsan.org.vn

1. Quan niệm về toàn cầu hóa và toàn cầu hóa văn hóa

Toàn cầu hóa được hiểu là một quá trình xác lập, phổ biến các giá trị, các chuẩn mực mang tính quốc tế trên phạm vi toàn cầu. Điều này đã từng được C.Mác và Ph.Ăngghen dự báo trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản (năm 1847) khi các ông khẳng định sự xuất hiện của xu thế toàn cầu hóa kinh tế: “Do bóp nặn thị trường thế giới của giai cấp tư sản sẽ làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới (...) Những ngành công nghiệp dân tộc cũ bị tiêu diệt và thay thế bởi những ngành công nghiệp mới, tức là những ngành công nghiệp mà việc du nhập chúng trở thành một vấn đề sống còn đối với tất cả các dân tộc văn minh” (1). Toàn cầu hóa đã tạo ra một thế giới phẳng trong đời sống nhân loại. Thomas L. Friedman - phóng viên báo New York Time đã đưa ra con số 10 nhân tố làm phẳng thế giới: “1. Sự sụp đổ của Bức tường Berlin ngày 11 tháng 9 năm 1989 đã dẫn đến sự kết thúc của chiến tranh lạnh ngay sau đó, và sự ra đời cùng thời điểm của phần mềm Windows; 2. Sự xuất hiện của các website lần đầu tiên trên mạng ngày 9 tháng 5 năm 1995; 3. Sự ra đời của phần mềm quản lý công việc và những tiêu chuẩn website mới nhất, đây chính là bước quyết định sự làm phẳng thế giới; 4. Sự tải lên mạng mọi thông tin tri thức, quản lý, tâm sự cá nhân... khiến cho mỗi cá nhân đều có thể trao gửi với cả thế giới, tăng cường sức mạnh của cộng đồng; 5. Làm thuê bên ngoài (lãnh thổ quốc gia), theo đó một người ở Ấn Độ có thể làm nhân viên của hãng máy bay sắp xếp việc bay cho hành khách tại Mỹ; 6. Chuyển sản xuất ra nước ngoài; 7. Chuỗi cung cấp hàng hóa (kể cả đặc sản của từng vùng) trên toàn cầu; 8. Hệ thống chăm sóc khách hàng UPS toàn cầu; 9. Hệ thống cung cấp thông tin mạng; 10. Các nhân tố xúc tác: tính chất số, di động và ảo…” (2).

Cùng diễn ra với toàn cầu hóa kinh tế là toàn cầu hóa văn hóa. Theo nhiều nhà nghiên cứu, toàn cầu hóa văn hóa là quá trình mở rộng không gian tiếp nhận, ảnh hưởng và tiếp biến các yếu tố văn hóa (ngôn ngữ, hệ thống giá trị, chuẩn mực, lối sống, phong tục tập quán, văn chương, nghệ thuật…) ra phạm vi toàn cầu nhằm xác lập, phổ biến những giá trị và chuẩn mực chung, đồng thời tôn trọng giá trị riêng của văn hóa mỗi dân tộc, từ đó tạo nên sự đa dạng hóa của văn hóa nhân loại.

Trên thực tế, có thể nhận thấy những điều kiện cần để toàn cầu hóa văn hóa được diễn ra như sau: Thứ nhất, toàn cầu hóa kinh tế là điều kiện quan trọng nhất của toàn cầu hóa văn hóa được xuất hiện. Thứ hai, sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, bùng nổ công nghệ thông tin với internet và mạng xã hội tạo nên xã hội thông tin được cho là điều kiện cơ bản sẽ thúc đẩy mạnh mẽ toàn cầu hóa văn hóa trên khắp hành tinh. Thứ ba, giao lưu văn hóa là một điều kiện đặc thù, rất quan trọng để thúc đẩy toàn cầu hóa văn hóa được diễn ra tại các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Xem xét tiến trình lịch sử nhân loại, nhiều nhà khoa học đã thừa nhận rằng, cùng với giao lưu kinh tế thì giao lưu văn hóa (hay còn gọi là sự quốc tế hóa đời sống văn hóa) đã diễn ra từ lâu, gắn liền với cuộc vượt biển tìm ra châu Mỹ của Christopher Columbus năm 1492, với chuyến thám hiểm vòng quanh thế giới của Ferdinand Magellan năm 1522, với con đường tơ lụa từ Đông sang Tây của những lái buôn Trung Hoa, với các thể chế quốc tế hóa, từ việc sử dụng vàng làm bản vị trao đổi (Gold Standard, 1870) giữa các loại tiền tệ cùng với sự bành trướng của Đế quốc Anh hồi TK XIX… Tuy nhiên, cho tới ngày nay, nhân loại mới đang ở trong một thời kỳ đạt tới cấp độ giao lưu kinh tế toàn cầu và cũng đạt đến một cấp độ mới của giao lưu văn hóa rộng mở là toàn cầu hóa văn hóa, mà ở đó, văn hóa các dân tộc, thông qua giao lưu, dung hợp, thẩm thấu và bổ sung lẫn nhau, không ngừng phá vỡ tính khu vực, quốc gia mà đạt được tính hòa đồng rộng rãi, chuyển các nguồn khu vực của văn hóa thành nguồn thụ hưởng, sở hữu chung của loài người. Ở tầng sâu của đời sống xã hội, văn hóa của một dân tộc với tính cách là tổng hòa các giá trị sống, luôn tỏ ra định hình hơn, bền vững hơn so với những thứ văn hóa tiêu dùng có thể du nhập và cập nhật liên tục trong thời toàn cầu hóa văn hóa. Sở thích về nhạc Rock, phim Mỹ, đồ ăn Mc Donald’s, thường xuyên truy cập internet... đã và đang có thể trở thành nhu cầu thường nhật, không thể thiếu của nhiều người, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc dễ dàng làm thay đổi bảng giá trị mang nặng dấu ấn cộng đồng riêng của họ. Có thể nói, giao lưu kinh tế không đòi hỏi phải dựa trên sự đồng nhất về văn hóa. Ngược lại, chính sự khác biệt về văn hóa lại là chất xúc tác thúc đẩy sự giao lưu kinh tế, thúc đẩy trao đổi, buôn bán hàng hóa và khiến loài người xích lại gần nhau hơn.

Giao lưu văn hóa của nhân loại từ chỗ diễn ra trong khung cảnh nhỏ hẹp đã tiến tới những tầm với của giao lưu liên văn hóa, với những hình thức hội nhập cao, đạt được sự dung hợp, thống nhất, chia sẻ giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Trong sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, chủ thể của các nền văn hóa khác nhau đã tiếp xúc với nhau thường xuyên hơn trong không gian của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa thông qua mạng truyền thông toàn cầu và điều này đã tạo ra đặc trưng mới của giao lưu văn hóa trên cấp độ toàn cầu.

Ngày nay, toàn cầu hóa văn hóa được hiểu theo nghĩa là quá trình xây dựng những giá trị văn hóa chung của toàn nhân loại - nền tảng giúp các cộng đồng có thể hợp tác với nhau hiệu quả hơn trong việc cùng nhau tìm ra giải pháp cùng tồn tại và phát triển. Trước đây, viết Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, C.Mác và Ph.Ăng ghen đã dự báo về xu thế toàn cầu hóa văn hóa: “…Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới” (3). Kết quả của toàn cầu hóa văn hóa có thể làm nảy sinh một nền văn hóa toàn cầu rộng lớn (mà biểu hiện cụ thể là sự xuất hiện các đơn vị văn hóa chung đối với mọi quốc gia và vùng lãnh thổ như: mốt, thể thao, du lịch, văn hóa đại chúng…) và đương nhiên, bên cạnh một số xung đột về văn hóa, vẫn có sự chung sống của các nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa với thái độ tôn trọng sự khác biệt.

2. Khái quát về sự phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới

Năm 1998, tại Nghị quyết hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Đảng ta đã nêu rõ: “Văn hóa Việt Nam là thành quả của hàng nghìn năm lao động và sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Trong thời đại Hồ Chí Minh, với đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta, văn hóa Việt Nam tiếp tục được phát huy, đã góp phần quyết định vào những thắng lợi to lớn của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội” (4).

Con người là chủ thể sáng tạo, phát triển văn hóa và khi môi trường văn hóa hình thành, con người các thế hệ sau chính là sản phẩm của môi trường văn hóa. Trên thực tế, văn hóa thường vận động, phát triển theo ba quy luật: Văn hóa vận động, phát triển trong sự kế thừa di sản văn hóa trong lịch sử; Văn hóa vận động, phát triển trong quá trình giao lưu và tiếp biến giữa các nền văn hóa; Văn hóa vận động, phát triển trong mối quan hệ biện chứng với kinh tế, chính trị và xã hội.

Phát triển văn hóa là hoạt động của các chủ thể văn hóa tham gia sáng tạo, sản xuất, phát minh, sáng chế, điều chỉnh, kế thừa, giao lưu, học hỏi, bổ sung, truyền bá, đánh giá, thụ hưởng và thưởng thức các giá trị văn hóa thông qua hệ thống sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể, làm biến đổi cả nền văn hóa về quy mô và chất lượng hệ giá trị văn hóa theo hướng tiến bộ đi lên, đạt chuẩn chân, thiện, mỹ ở mức độ ngày càng cao, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ, thúc đẩy toàn bộ các lĩnh vực hoạt động văn hóa, tạo môi trường văn hóa lành mạnh làm động lực thúc đẩy quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi nói tới phát triển nền văn hóa Việt Nam là nói tới sự phát triển toàn diện và đồng bộ các yếu tố cấu thành nên nền văn hóa dân tộc bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, từ văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần, từ văn hóa cá nhân đến văn hóa gia đình và cộng đồng, từ văn hóa chính trị đến văn hóa giáo dục, văn hóa nghệ thuật, văn hóa khoa học tới văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, phong tục, tập quán…

Trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, Đảng ta nêu rõ quan điểm quyết tâm: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đồng thời xác định các lĩnh vực cơ bản của nền văn hóa cần tập trung lãnh đạo là: 1) Vấn đề xây dựng con người, trọng tâm là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống; 2) Lĩnh vực xây dựng môi trường văn hóa; 3) Lĩnh vực giáo dục - đào tạo; 4) Lĩnh vực khoa học - công nghệ; 5) Lĩnh vực văn học nghệ thuật; 6) Lĩnh vực thông tin đại chúng; 7) Lĩnh vực văn hóa các dân tộc thiểu số; 8) Lĩnh vực văn hóa trong tôn giáo; 9) Lĩnh vực giao lưu văn hóa quốc tế; 10) Lĩnh vực xây dựng thể chế văn hóa. Tất nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa, phải căn cứ vào tình hình cụ thể để xác định yếu tố nào là trọng tâm để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tránh lối cào bằng máy móc, cơ học, dàn hàng ngang, không có trọng tâm, trọng điểm.

Việc phát triển đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực khác nhau của nền văn hóa phải chú ý đến chất lượng, đến “cốt cách”, “bản sắc”, “bản lĩnh” của nền văn hóa, tránh chủ nghĩa hình thức, chạy theo phong trào, không quan tâm đến chiều sâu và chất lượng của nền văn hóa. Từ những hoạt động đó, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người được hình thành, có ý nghĩa là tiêu chí cho sự phát triển nhân cách, hình thành phẩm chất đạo đức và năng lực của con người. Xét cho cùng, phát triển con người là vấn đề trung tâm của phát triển văn hóa nhằm tạo ra sức mạnh nội sinh quyết định sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

3. Tác động của toàn cầu hóa văn hóa đến sự phát triển văn hóa Việt Nam

Tác động tích cực

Toàn cầu hóa văn hóa đã thúc đẩy quá trình giao lưu văn hóa nước nhà với văn hóa toàn nhân loại về tiến trình, quy mô, tốc độ, chất lượng, hiệu quả. Quảng đại quần chúng nhân dân sẽ được tiếp xúc, tiếp nhận và hưởng thụ nhiều thành quả văn hóa, văn minh nhân loại. Xu thế toàn cầu hóa văn hóa sẽ bồi đắp những tinh hoa giá trị mới, làm giàu cho văn hóa Việt Nam, hiện đại hóa văn hóa nước nhà, giúp cho văn hóa Việt được quảng bá, lan tỏa rộng rãi trên toàn thế giới.

Toàn cầu hóa văn hóa còn gợi mở các xu hướng vận động, thúc đẩy văn hóa Việt Nam phát triển trên những tầm cao mới. Trong quá trình toàn cầu hóa văn hóa, các giá trị nhân văn, nhân bản của nhân loại sẽ có sự gặp gỡ, lan truyền và nhân rộng dẫn tới việc xác lập, phổ biến những giá trị và chuẩn mực mang tính nhất thể hóa trên phạm vi toàn cầu. Và chính sự đa dạng của các nền văn hóa trong sự chung sống làm nảy sinh nhu cầu giao lưu và đối thoại văn hóa.

Khát vọng hòa bình và an ninh đã trở nên bức thiết hơn bao giờ hết trong tình hình thế giới hiện nay, đòi hỏi nhân loại phải tiến sang một giai đoạn lịch sử mới với những nhận thức mới và trách nhiệm mới đối với hòa bình toàn cầu. Bởi vậy, toàn cầu hóa văn hóa với sự đối thoại rộng mở chắc chắn sẽ tìm được tiếng nói chung. Những giá trị cơ bản và các nguyên tắc chung của loài người như lòng bao dung, tinh thần coi trọng nhân quyền, dân chủ, thượng tôn pháp luật và coi trọng đa dạng văn hóa… được xem là những giá trị chung, được thống nhất và phổ biến trên toàn thế giới.

Tác động trái chiều

Vừa qua, các đợt sóng xung kích của toàn cầu hóa văn hóa tràn qua các quốc gia và vùng lãnh thổ đã chi phối mạnh mẽ đời sống văn hóa tinh thần của con người và xã hội ở nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh những yếu tố tích cực, toàn cầu hóa văn hóa còn là một quá trình đụng độ và mâu thuẫn về văn hóa ở các vùng miền trên trái đất. Tham gia toàn cầu hóa văn hóa, chủ thể văn hóa của quốc gia, dân tộc vừa tìm kiếm những giá trị văn hóa nhân loại phổ quát, vừa mong muốn bảo vệ nét văn hóa đặc thù, cho dù trong khi thâm nhập vào nhau, trong những tình huống cụ thể đã và đang có thể có sự đụng độ, xung đột. Bởi vậy, toàn cầu hóa văn hóa sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp, làm biến đổi văn hóa của các quốc gia, dân tộc.

Khi các nền văn hóa tiếp xúc, xâm nhập vào nhau, những giá trị phổ biến xâm nhập vào những giá trị cá biệt, những vùng có giá trị cá biệt sẽ gây ra những phản ứng cực đoan. Tuy nhiên, cho dù có những phản ứng như thế thì nhân loại vẫn không lùi bước trong xu thế toàn cầu hóa văn hóa.

Gần đây, toàn cầu hóa văn hóa có xu hướng đang áp đặt các giá trị ngoại lai, tạo ra một kiểu văn hóa đồng phục, mô phỏng những yếu tố ngoại lai một cách giáo điều, máy móc và từ đó kích hoạt sự khác biệt văn hóa giữa các thế hệ người Việt. Trong thời đại toàn cầu hóa văn hóa, văn hóa Việt Nam đang có nguy cơ biến đổi hết sức quan ngại. Một bộ phận lớp người trẻ tuổi đang có xu hướng sùng ngoại cực đoan, không mặn mà với văn hóa trong nước, thậm chí vô cảm, lãng quên quá khứ. Điều đó đang tạo ra nguy cơ đứt gẫy văn hóa truyền thống.

 Điều kiện cơ bản để nền văn hóa dân tộc gia nhập vào không gian văn hóa thế giới là hội nhập mà không hòa tan, không đóng kín khuôn khổ nền văn hóa dân tộc, mở cửa với nhân loại, mà vẫn giữ được bản sắc riêng. Trên thực tế, sự tác động qua lại giữa toàn cầu hóa và văn hóa bản địa có thể cho thấy những kết quả khác nhau: Một là, văn hóa bản địa được thay thế bằng văn hóa toàn cầu; Hai là, văn hóa toàn cầu và văn hóa bản địa cùng tồn tại mà không có bất cứ một sự dung hợp nào; Ba là, diễn ra sự tổng hợp giữa văn hóa toàn cầu mang tính chất phổ quát và văn hóa bản địa, hoặc văn hóa bản địa hùng mạnh phủ nhận văn hóa toàn cầu.

Trong bối cảnh xu hướng tự do hóa thương mại được đẩy mạnh và xu thế toàn cầu hóa kinh tế và toàn cầu hóa văn hóa ngày càng tăng, nhân loại đang chứng kiến một thế giới trở nên gắn kết với nhau hơn và hòa nhập hơn. Tuy nhiên, quá trình này đang diễn ra một số vấn đề nan giải như: chủ nghĩa khủng bố quốc tế, việc phổ biến các vũ khí hủy diệt hàng loạt, sự lan rộng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cũng như sự không khoan dung về sắc tộc và tôn giáo… đang trở thành những mối đe dọa cấp thiết đối với cộng đồng quốc tế, thách thức công cuộc xây dựng một thế giới hòa hợp và hòa bình.

Phải khẳng định rằng, nhân loại được hưởng lợi nhiều từ quá trình toàn cầu hóa văn hóa, nhưng vẫn có không ít sự thua thiệt. Thế giới ngày nay vẫn phải chứng kiến những xung đột sắc tộc, tôn giáo như các cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông, vùng Vịnh, nhiều nước châu Á, châu Phi, vùng Ban Căng hay ở Đông Timor... Những phản ứng cực đoan như khủng bố, xung đột sắc tộc hay xung đột về tôn giáo trên thế giới đã phản ánh tình trạng lạc hậu, bảo thủ về văn hóa của một bộ phận nhân loại. Đó là những vấn đề hết sức quan ngại hiện nay mà nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới đang phải đối mặt và giải quyết.

4. Kết luận

 Gắn liền với các vấn đề đặt ra trong thực tiễn đời sống nhân loại, việc nhận thức về toàn cầu hóa văn hóa luôn có ý nghĩa thiết thực đối với nhân loại nói chung và sự phát triển của các quốc gia nói riêng. Toàn cầu hóa văn hóa là xu thế tất yếu khách quan của thời đại mà hầu như không một quốc gia nào có thể đứng ngoài xu thế này. Thời cơ mà toàn cầu hóa văn hóa mang lại rất lớn, giúp cho những giá trị văn hóa các quốc gia dân tộc được công khai trao đổi và được tôn trọng. Tuy nhiên, những thách thức mà toàn cầu hóa văn hóa mang lại cũng không hề nhỏ. Nhằm mục đích kiềm chế và giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay trong các mối quan hệ văn hóa trên thế giới, các quốc gia, dân tộc có liên quan cần tổ chức đối thoại văn hóa với thái độ tôn trọng sự khác biệt, cố gắng tìm được tiếng nói chung, đối thoại để chia sẻ những thành tựu, khắc phục những hiểm họa đe dọa cuộc sống nhân loại, vì sự ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới, hướng tới sự phát triển bền vững.

_________________

1, 3. C.Mác và Ph.Ăng ghen, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.82, 83.

2. Thomas L. Friedman, Thế giới phẳng: Tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ XXI , Nxb Trẻ, 8-2006, tr.81.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998, tr.40-41.

Ths NGUYỄN VIỆT THÁI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 578, tháng 8-2024

;