TP.HCM là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, ẩm thực khác nhau. Với sự cởi mở của mình, TP.HCM hội tụ nhiều loại hình văn hóa trên cả nước, trong đó có văn hóa ẩm thực. Nhiều món ăn dân dã, đặc trưng của ba miền đất nước đã được đưa vào phục vụ du khách tại các nhà hàng, khách sạn hạng sang, trở thành điểm nhấn quan trọng trong việc thu hút du khách nước ngoài để phát triển du lịch tại TP.HCM.
1. Đặt vấn đề
Ngày nay, ngành Du lịch nước ta đang trong giai đoạn phát triển để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch, các nhóm ngành liên quan ngày càng tập trung vào nhu cầu và mong đợi của khách hàng. Hàng loạt các nhu cầu cơ bản của con người ngày càng được đáp ứng, cùng với đời sống ngày càng được cải thiện. Đánh giá về chế độ ăn uống hiện đại không chỉ dựa trên số lượng mà còn dựa trên chất lượng và tính thẩm mỹ. Nhu cầu ăn uống là một trong những nhu cầu mang tính chất quan trọng của con người với mục đích sinh tồn, do đó, nền ẩm thực ra đời khẳng định tầm vóc và đặc điểm riêng biệt cho mỗi quốc gia và lãnh thổ. Hiện nay, ẩm thực (ăn uống) đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong kinh doanh du lịch. Ẩm thực du lịch liên quan đến văn hóa, tài chính và địa phương của quốc gia cũng như sức khỏe của du khách. Ẩm thực của mỗi quốc gia trên thế giới có những đặc điểm riêng biệt, tạo nên một nền văn hóa độc đáo không giống như bất kỳ nền văn hóa nào khác.
Ngoài ra, ẩm thực thể hiện nét văn hóa, cốt cách của người dân địa phương thông qua các món ăn đặc trưng, làm nổi bật bản sắc dân tộc người Việt. Nền văn hóa ẩm thực Việt Nam đã chinh phục được những người đam mê ẩm thực và được ghi tên vào các giải thưởng: kênh truyền hình CNN đã xếp hạng TP.HCM là Kinh đô ẩm thực Việt Nam và xếp hạng thành phố trong Top 23 thành phố có món ăn đường phố ngon nhất thế giới vào năm 2017; năm 2019, World Travel Awards lại xướng tên Việt Nam tại giải thưởng Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ẩm thực bản địa được công nhận hoàn toàn vì giá trị kinh tế hoặc thương mại của nó như một sản phẩm phục vụ khách sạn. Bởi vì thực phẩm là một thành phần cơ bản của trải nghiệm nhà hàng nên không thể nghi ngờ rằng thực phẩm đã và sẽ tiếp tục có tác động lớn đến sự hài lòng của người tiêu dùng và quay trở lại. Ngoài ra, những khách hàng quan tâm đến sức khỏe đã ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng thông tin mong muốn trên thực đơn nhà hàng và các quán ăn. Vì lý do này, người ta có thể cho rằng khách du lịch thường chú trọng đáng kể đến cảm giác của họ ở một điểm đến và cách họ trải nghiệm những gì điểm đến mang lại, bằng cách lựa chọn cẩn thận nhà hàng hoặc thức ăn, thức uống đặc biệt có thể đáp ứng mong muốn cá nhân cụ thể. Ngoài ra, sản phẩm ẩm thực bao gồm tất cả những gì đáp ứng được nhu cầu của khách hàng cũng như đáp ứng các nhu cầu khác, như: nhu cầu trải nghiệm một nền văn hóa khác, chiêm ngưỡng các thiết kế nội thất hoặc ghé thăm một địa điểm nổi tiếng.
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, vấn đề giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đang được quan tâm, đặc biệt là mối quan hệ phát triển kinh tế với bảo tồn nền văn hóa dân tộc mang bản sắc riêng biệt của thời kỳ toàn cầu hóa. Chúng ta cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển nói chung và phát triển du lịch nói riêng.
2. Nội dung
Bản sắc văn hóa dân tộc là tổng hòa những giá trị văn hóa bền vững, phản ánh diện mạo, sắc thái, cốt cách, tâm hồn, tâm lý… của một dân tộc, được thường xuyên hun đúc, bổ sung và lan tỏa trong lịch sử dân tộc, trở thành tài sản tinh thần đặc sắc, tạo nên sức mạnh gắn kết cộng đồng và để phân biệt sự khác nhau giữa dân tộc này với dân tộc khác trong thế giới phẳng ngày nay.
Bản sắc văn hóa dân tộc là những gì tinh hoa nhất mà con người để lại từ thế hệ này qua thế hệ khác, bản sắc đó được biểu hiện ở lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc. Lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống và sự tinh tế trong ẩm thực. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa sự ảnh hưởng của ẩm thực đến việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là tất yếu khách quan và sự tác động đó tạo điều kiện cho nước ta trong việc mở rộng giao lưu giữa các nền văn hóa trên thế giới, sáng tạo ra giá trị mới, trực tiếp bổ sung, làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc, thông qua sự hội nhập đó cũng kiểm chứng tính bền vững của giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, trong đó có ẩm thực, với sự hòa nhập chung của thời đại, du lịch nước ta từng bước góp phần nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực và trên thế giới.
Sự tồn tại và phát triển của con người trên trái đất nhờ có ăn uống hằng ngày. Nhưng việc ăn uống của mỗi cộng đồng dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng có sự khác nhau do các yếu tố địa lý, môi trường, văn hóa và phương thức sản xuất... Theo nghĩa Hán Việt, ẩm nghĩa là uống, thực nghĩa là ăn, ẩm thực là uống và ăn. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, người Việt đều nói là ăn uống chứ không nói uống ăn. Đây là những hoạt động quan trọng duy trì sự sống của con người.
Ẩm thực là hoạt động trong đời sống hằng ngày của con người thể hiện thông qua việc ăn và uống để đảm bảo cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Như vậy, ẩm thực Việt có thể được hiểu là: phương thức chế biến có sự kết hợp một cách có chọn lọc giữa các nguyên liệu và gia vị tạo nên mùi vị đặc trưng trong món ăn người Việt, từ đó phản ánh những giá trị sáng tạo và thói quen sinh hoạt trong ăn uống của người dân Việt Nam.
Luật Du lịch 2017 được Quốc hội thông qua ngày 19-6-2017 và Nghị quyết 08- NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030 là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước trong giai đoạn tới, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác trong phát triển kinh tế nói chung. Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc; tăng cường liên kết trong nước và quốc tế. Phát triển du lịch đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu, khám phá cảnh quan, di sản thiên nhiên, ẩm thực và văn hóa của đất nước; tôn trọng và đối xử bình đẳng đối với khách du lịch từ tất cả các thị trường.
Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, TP.HCM trở thành một đầu mối giao thông của Việt Nam với Đông Nam Á và các nước trên thế giới, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không. Với nhiều công trình lịch sử như: chợ Bến Thành, Bảo tàng Lịch sử, Dinh Độc lập, chợ Bình Tây… đặc biệt, đây là nơi hội tụ ẩm thực của nhiều vùng miền, là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch đến TP.HCM.
Về mặt pháp lý, Luật Du lịch 2017 cũng khẳng định một luận điểm quan trọng là lấy văn hóa dân tộc làm cơ sở chính cho mọi hoạt động du lịch. Một số điều khoản quan trọng của Luật Du lịch không chỉ định hướng cho ngành Du lịch mà còn định hướng cho các ngành nghiên cứu và hoạt động liên quan đến vấn đề văn hóa dân tộc. Luật Du lịch khẳng định: Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động du lịch, đảm bảo phát triển du lịch theo hướng du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Quan điểm xem văn hóa dân tộc là cơ sở quan trọng của hoạt động du lịch của Nhà nước ta không chỉ dừng lại ở việc quy định bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và để khai thác lâu dài mà còn nhằm tuyên truyền giới thiệu các giá trị văn hóa quốc gia và các vùng miền cụ thể với du khách nước ngoài thông qua hoạt động ẩm thực.
Việc xác định, đánh giá vị trí, vai trò của ẩm thực đối với việc xây dựng và phát triển một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để phát triển du lịch như một hệ quả mang tính lịch sử, nhất là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng vào quốc tế trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong phát triển kinh tế du lịch.
Ẩm thực trong du lịch không chỉ là đáp ứng nhu cầu về ăn uống của du khách mà còn mang lại cho du khách những trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo và mang đặc trưng của bản sắc văn hóa dân tộc đó. Ngoài ra, thức ăn và thức uống được người sản xuất, chế biến và kinh doanh ở những nơi như nhà hàng, quán ăn trong các khu nghỉ dưỡng cao cấp, trong khách sạn và ngay cả những quán ăn đường phố, khu vực lễ hội để phục vụ du khách và cư dân địa phương.
Hiện nay, ẩm thực, văn hóa ẩm thực đã và đang trở thành một trong những điểm sáng quan trọng đưa hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến gần với bạn bè quốc tế. Văn hóa ẩm thực tạo được sức hút và độ tin cậy cao với du khách. TP.HCM được biết đến là điểm đến nổi bật về phát triển du lịch của Việt Nam, được xem là trung tâm ẩm thực của Nam Bộ và của cả nước, là điểm giao của các vùng miền, du nhập mạnh mẽ các nền văn hóa ẩm thực trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Nhật Bản… Tuy có nền ẩm thực phát triển tại TP.HCM hiện vẫn chưa được khai thác đúng nghĩa về mặt giá trị của nó cũng như vẫn thiếu những khu ẩm thực, phố ẩm thực, trung tâm ẩm thực theo từng vùng, miền xứng tầm để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước mỗi khi đến du lịch tại TP.HCM.
Văn hóa ẩm thực về bản chất được xem như một di sản văn hóa có giá trị rất lớn trong phát triển du. Trong cuốn sách Recent Advances in Social Sciences (Những tiến bộ gần đây trong khoa học xã hội), tác giả cho rằng xu hướng ẩm thực mới trên thế giới: Fusion Food, xu hướng ẩm thực hiện đại đang được nhiều quốc gia ứng dụng, được hiểu rằng nhiều cơ sở thực phẩm và đồ uống ở các điểm đến khác nhau, ngày nay họ cố gắng nỗ lực để tạo cho khách những trải nghiệm khác biệt, và do đó duy trì tính cạnh tranh. Kết quả của những nỗ lực này, một xu hướng ẩm thực mới đã xuất hiện trong những năm gần đây kết hợp các nền văn hóa ẩm thực khác nhau và xu hướng này đã thành công trong việc đi vào văn hóa ẩm thực với tên gọi “ẩm thực kết hợp” (Fusion Food hay Fusion Cuisine), đây đang là một trong những xu hướng rất nhiều quốc gia đã áp dụng, trong đó có Việt Nam.
Trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu hiện nay, yêu cầu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được đặt ra đối với bất kỳ dân tộc hay quốc gia nào trên thế giới. Từng bước bảo đảm sự hài hòa giữa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra của thực tiễn. Các giá trị văn hóa trong đó có văn hóa ẩm thực của dân tộc Việt Nam có cơ hội vượt qua thách thức, ngày càng hoàn thiện, chắt lọc các giá trị làm nên bản sắc ẩm thực Việt Nam. Đó cũng chính là những gì quý báu, là trầm tích bản sắc văn hóa dân tộc luôn không ngừng được giữ gìn, trao truyền, tiếp nối và thực hành trong đời sống xã hội thông qua ẩm thực qua các thế hệ của người dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống phải được bảo tồn và tích hợp với giá trị của đời sống văn hóa mới, trên cơ sở phương châm làm cho cuộc sống của con người ngày càng tốt đẹp hơn, dần loại bỏ những yếu tố chưa phù hợp. Văn hóa ẩm thực không chỉ là tiếp thu tinh hoa quá khứ, xử lý tốt mối quan hệ trong hiện tại, mà còn phải luôn hướng tới nền văn hóa ẩm thực đích thực vì sự phát triển du lịch bền vững.
Trong thời kỳ toàn cầu hóa, để phát triển du lịch tại TP.HCM một cách bền vững và triển khai việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua hoạt động ẩm thực. Trong phạm vi bài viết chúng tôi nêu ra một số vấn đề cần được quan tâm như sau:
Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác quảng bá, tuyên truyền về du lịch thông qua hoạt động ẩm thực, nhằm phát huy vai trò của ẩm thực trong việc phát triển kinh tế du lịch để phục vụ khách du lịch.
Thứ hai, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực chuyên sâu về ẩm thực; để chúng ta có những chuyên gia hàng đầu về ẩm thực đáp ứng nhu cầu hội nhập trong thời kỳ toàn cầu hóa.
Thứ ba, xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa du lịch tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh du lịch.
Thứ tư, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, chú trọng việc bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống, nghi lễ tín ngưỡng dân gian, những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, các hội nghệ nhân dân gian, các kiến trúc cơ sở tôn giáo.
Thứ năm, giữ gìn bản sắc của ẩm thực Việt để không bị mai một là nét đặc trưng mà khách du lịch tới Việt Nam muốn được trải nghiệm và khám phá.
Thứ sáu, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là quy luật khách quan, nhưng trong tương quan khả năng lại nghiêng về các nước phát triển, các nước lớn, các trung tâm văn hóa, kinh tế, du lịch trên thế giới và khu vực. Chính vì vậy, Việt Nam cần thận trọng, uyển chuyển các mối quan hệ trong quá trình hội nhập quốc tế để không bị hòa tan.
3. Kết luận
Toàn cầu hóa trải qua những chặng đường: giao lưu, hợp tác, đối thoại và cả vấn đề di dân. Đối thoại là bình đẳng, không có cao thấp, nhưng muốn đối thoại được phải có bản sắc riêng. Hội nhập văn hóa ẩm thực, du lịch có những đặc thù riêng, không giống hội nhập trong các lĩnh vực khác. Hội nhập văn hóa ẩm thực, du lịch thống nhất giữa “nhận” và “cho”. “Nhận” cái mới của nước ngoài, nhưng chúng ta cũng phải “cho” thế giới bên ngoài, đóng góp cho thế giới những điều đặc sắc trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Thực tiễn hội nhập văn hóa ẩm thực thời gian qua, chúng ta đang “nhận” nhiều mà “cho” ít. Vì vậy, cần có sáng tạo mang dấu ấn bản sắc văn hóa ẩm thực Việt để vươn ra thế giới. Cần tuyên truyền, khuyến khích các nhà hàng, quán ăn, các khu vực ăn uống gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các yếu tố truyền thống trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Lưu giữ yếu tố văn hóa truyền thống ẩm thực của người Việt, của mỗi vùng miền ngày càng phát triển và không bị mai một.
Hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho những nhà hàng, quán ăn, cho lực lượng lao động trong ngành Du lịch và những ngành liên quan phát triển, trở thành thương hiệu nổi tiếng là điều cần thiết, giúp quảng bá cho du lịch ẩm thực Việt Nam. Trên nền ẩm thực phong phú, độc đáo, được chắt lọc, đúc kết qua hàng nghìn năm lịch sử cùng với những lợi thế nhất định, ẩm thực đã có vai trò lớn trong việc thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chúng ta cần tích cực phát huy thế mạnh, khai thác triệt để lợi thế và tiềm năng phát triển của ẩm thực; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, tổ chức, quy hoạch một cách cụ thể, lâu dài để đưa ẩm thực vào chương trình chiến lược phát triển của ngành Du lịch Việt Nam.
TP.HCM là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, ẩm thực khác nhau. Với sự cởi mở của mình, thành phố luôn hội tụ nhiều loại hình văn hóa trên cả nước, trong đó có văn hóa ẩm thực. Khi đến thành phố, du khách có thể thưởng thức tinh hoa ẩm thực của các vùng, miền trên cả nước mà không cần phải đi đâu xa. Chính sự hội tụ về ẩm thực vùng, miền đã tạo lợi thế cho thành phố có thể đẩy mạnh phát triển du lịch. Hiện nay, ngoài việc đưa ẩm thực vào các lễ hội du lịch do thành phố tổ chức, nhiều nhà hàng, khách sạn nổi tiếng trên địa bàn cũng rất quan tâm đến việc giới thiệu ẩm thực, văn hóa ẩm thực Việt Nam đến với du khách trong nước và quốc tế. Nhiều món ăn dân dã, đặc trưng của ba miền đất nước đã được đưa vào phục vụ du khách tại các nhà hàng, khách sạn hạng sang, trở thành điểm nhấn quan trọng trong việc thu hút du khách nước ngoài đến du lịch TP.HCM.
________________
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Chính trị, Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, 2017.
2. Bộ VHTTDL, Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện công tác văn hóa, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, Hà Nội, 14-7-2021.
3. Quốc hội, Luật Du lịch 2017, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2018.
4. Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương, Văn học nghệ thuật sau 15 năm thực hiện nghị quyết số 23- NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2024.
5. La Côn, Toàn cầu hóa bắt đầu một chu kỳ mới, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2009.
6. Nguyễn Trọng Chuẩn, Những vấn đề toàn cầu trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2006.
7. Trần Thị Minh Hòa (chủ biên), Du lịch Việt Nam thời kỳ hội nhập, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015.
8. Phan Huy Xu, Võ Văn Thành, Những mảng màu du lịch Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019.
TS ĐOÀN NGỌC TUẤN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024