Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề chiếu cói Nga Sơn vào phát triển du lịch

trên địa bàn làng nghề chiếu cói Nga Sơn, bài viết đã phân tích và khẳng định các giá trị của làng nghề chiếu cói Nga Sơn trên các phương diện: giá trị lịch sử; giá trị không gian, cảnh quan; giá trị văn hóa - xã hội; giá trị kinh tế; giá trị du lịch. Đây là nguồn tài nguyên văn hóa độc đáo để tạo lập nên các sản phẩm, chương trình du lịch mang bản sắc riêng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề hướng tới mục tiêu phát triển bền vững kinh tế, xã hội.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, người dân vẫn giữ gìn và phát triển làng nghề chiếu cói Nga Sơn- Ảnh: baothanhhoa.vn

1. Đặt vấn đề

Làng nghề chiếu cói Nga Sơn là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của xứ Thanh, nằm cách trung tâm huyện Nga Sơn khoảng 3km về phía Đông Nam, là một khu vực rộng lớn, chạy dài với 8 xã ven biển có tổng diện tích 4.9998,5ha. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, hiện nay, làng nghề chiếu cói Nga Sơn đã phát triển trở thành huyện nghề ở Thanh Hóa với 8 xã, 37 làng, hơn 1.500 lao động tham gia làm nghề (1). Trải qua lịch sử hàng trăm năm, làng nghề không chỉ là không gian văn hóa nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng dân cư, mà còn là tổ chức kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện cuộc sống của người dân. Vừa hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, vừa hàm chứa những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc, di tích lịch sử, kinh tế... Chính vì vậy, việc bảo tồn các làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề chiếu cói Nga Sơn đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Ngày 25-9-2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Quy hoạch các điểm du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 3136/QĐ-UBND). Trong 15 làng nghề được quy hoạch, chiếu cói Nga Sơn là làng nghề truyền thống mang trong mình nhiều tiềm năng và lợi thế đặc biệt phù hợp để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp - nông thôn... Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc khai thác các giá trị của làng nghề vào phát triển du lịch tại huyện Nga Sơn còn nhiều hạn chế như: chưa hình thành được chính sách, mô hình quản lý du lịch chưa phù hợp; chưa xây dựng được chương trình tham quan dành riêng cho làng nghề; sản phẩm du lịch đơn điệu; số lượng khách ít ỏi; hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch còn sơ sài... Do đó, việc nghiên cứu nhận diện các giá trị của làng nghề chiếu cói Nga Sơn, đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề vào phát triển du lịch là nhiệm vụ cần thiết, có ý nghĩa trên cả phương diện lý luận và thực tiễn.

2. Những giá trị tiêu biểu của làng nghề chiếu cói Nga Sơn

Giá trị lịch sử 

Được hình thành khoảng TK XVII-XVIII, làng nghề chiếu cói Nga Sơn nằm ở vùng ven biển, cách thành phố Thanh Hóa 40km về hướng Ðông Bắc, trên địa bàn các xã Nga Liên, Nga Thái, Nga Thủy, Nga Thanh, Nga Tân, Nga Tiến, Nga Điền, Nga Phú. Đây là một vùng triều màu mỡ, ngoài trồng sú vẹt, thì chỉ trồng được cây cói. Bên cạnh hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, đa phần các hộ gia đình trong các làng đều trồng cói và làm nghề thủ công truyền thống là dệt chiếu cói. Đó là cơ sở để hình thành nên các làng nghề chiếu cói có tiếng như: làng Ngọc Vương, Hồ Vương (xã Nga Liên); làng Tiến An, Tiến Thành, Tiến Hải, Hải Tiến, Tiến Giáp (xã Nga Tiến); làng Quy Nhân, Tân Châu Đức, Đức Sơn, Vạn Liên, Chí Thiện (xã Nga Thanh); làng Hưng Đạo 1, Hưng Đạo 2, Đô Lương 1, Đô Lương 2, Hoàng Long 2, Hoàng Long 3 (xã Nga Thủy) (2)... Từ xa xưa, chiếu cói Nga Sơn cùng chiếu cói của Kim Sơn (Ninh Bình) là một trong những vật cống tiến triều đình, được các bậc vua chúa, quý tộc ưa dùng. Ngày nay, làng nghề chiếu cói Nga Sơn mở rộng mẫu mã sản phẩm, bên cạnh chiếu cói đã có thêm tấm thảm lót sàn, chiếu xe đan, làn, dép đi trong nhà, đồ dùng trang trí... Các mặt hàng này rất được ưa chuộng tại các thị trường nước ngoài như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức...

Giá trị văn hóa 

Giá trị văn hóa của làng nghề chiếu cói Nga Sơn trước hết thể hiện ở kỹ thuật và bí quyết làm nghề đã tạo ra một hệ thống tri thức nghề nghiệp quý báu được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nghề chiếu cói là một nghề vất vả, trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo và tình yêu nghề, óc sáng tạo của người lao động từ kỹ thuật trồng, thu hoạch, sơ chế, dệt chiếu. Những bí quyết nghề này đã tạo nên sự khác biệt, khó lẫn của nghề chiếu Nga Sơn so với vô vàn làng nghề dệt chiếu trong cả nước. 

Giá trị văn hóa của làng nghề còn thể hiện ở ngay trong những sản phẩm đặc trưng. Sản phẩm chiếu Nga Sơn đa dạng về chủng loại và màu sắc, là kết tinh thành quả sáng tạo của các thế hệ nghệ nhân dựa trên nguồn nguyên liệu cói truyền thống kết hợp vốn tinh hoa tri thức dân gian và kỹ năng “tay nghề” đã tạo ra những sản phẩm vừa có giá trị sử dụng cao, vừa có giá trị thẩm mỹ. Cái đẹp quyến rũ của chiếu Nga Sơn nằm ở sự óng chuốt, mềm mại của sợi cói; sự tỉ mẩn của kỹ thuật dệt thủ công; ở hoa văn, họa tiết, màu sắc... Chiếu không chỉ là vật dụng hằng ngày mà còn là biểu tượng văn hóa. Để chuẩn bị đón năm mới, các gia đình làm nghề dù rất bận, nhưng họ đều tự dệt những chiếc chiếu để sử dụng vào những ngày đầu năm với ước nguyện một năm sung túc, đủ đầy. Các đôi trai, gái trong làng ở độ tuổi uyên ương cũng được cha mẹ dệt cho đôi chiếu để sử dụng trong ngày cưới với mong muốn đôi vợ chồng trẻ sống tâm đầu ý hợp, hạnh phúc với nhau trọn đời. Chiếu trong ngày cưới được sử dụng theo cặp, khi trải một chiếc chiếu thì phía dưới mặt trái, một chiếu trên trải mặt phải, hai chiếc phải được trải thật phẳng, không trải lệch. Sản phẩm của làng nghề chiếu cói Nga Sơn được tập trung tại chợ Hói Đào (xã Nga Liên), từ chợ này các sản phẩm từ cói được phân phối đi các nơi hoặc bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Ngày nay, trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, các làng nghề và nghệ nhân làm nghề cũng phải thích ứng với nhu cầu và xu hướng của thị trường và xã hội. Do đó, các bí quyết từ làng nghề truyền thống đã được kết hợp với kiến thức, công nghệ và nguồn lực mới để tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có chất lượng cao, độc đáo, đa dạng, tuy vậy những giá trị nghề nghiệp của làng nghề không hề thay đổi. 

Một môi trường tồn tại và phát triển khác của làng nghề là không gian văn hóa phi vật thể của làng nghề. Làng nghề chiếu cói chất chứa nét đẹp của nếp sinh hoạt cộng đồng với những tín ngưỡng, lễ hội, phong tục tập quán hình thành nên trong quá trình lao động sản xuất. Vùng đất này có 43 di tích, trong đó 5 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 37 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Cùng với hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú, đây cũng là mảnh đất với nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc: lễ Cầu Ngư, lễ hội Từ Thức, lễ hội Mai An Tiêm... Hệ thống các tín ngưỡng, phong tục, tập quán độc đáo của địa phương chính là tiềm năng văn hóa để phát triển các hoạt động du lịch tại làng nghề. 

Giá trị của không gian, cảnh quan

Không gian cảnh quan của làng nghề bao gồm các điều kiện tự nhiên từ dòng sông, bến nước, cây đa, cho tới cổng làng, những di tích lịch sử - văn hóa, nhà thờ tổ nghề… Tất cả đều là môi trường vừa nuôi dưỡng vừa thể hiện ra các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương, dân tộc thông qua văn hóa làng nghề. Điểm đặc trưng riêng biệt của các làng quê vùng ven biển Nga Sơn suốt dọc từ cửa sông Càn đến cửa lạch Sung chính làng xóm quần tụ dọc theo là những ruộng cói xanh mướt. Làng quê mang đặc trưng của nông thôn vùng đồng bằng sông Mã truyền thống với đặc trưng chung về không gian, cảnh quan: các tổ hợp công trình công cộng truyền thống với không gian tự nhiên (ao, cây cổ thụ…); cảnh quan đường làng chính và các ngõ xóm được lưu giữ với hình ảnh các bức tường thấp hai bên, thấp thoáng nhà chính (thường là nhà một tầng) và khuôn viên sân vườn phía trước, cửa nhà không mở trực tiếp ra ngõ. Đây có thể xem là lợi thế của Nga Sơn khi phát triển hoạt động du lịch gắn với làng nghề, là cơ sở để tạo lập nên các sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn độc đáo gắn với trải nghiệm và sản xuất nghề. 

Giá trị kinh tế           

Trước kia, do điều kiện kinh tế, xã hội còn hạn chế, làng nghề chiếu cói Nga Sơn khi mới hình thành có quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Trải qua thời gian, với các chính sách phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề dệt chiếu cói huyện Nga Sơn đã liên kết nhiều làng cùng làm nghề hình thành tổ hợp nghề tại khu vực làng nghề sản xuất chiếu cói cụm công nghiệp liên xã, thị trấn Nga Sơn. Theo báo cáo của huyện Nga Sơn, năm 2011 có 1.055 hộ gia đình làm nghề, nhưng đến nay chỉ còn hơn 500 hộ sản xuất dạng quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, phân tán. Các cơ sở sản xuất có quy mô vừa và lớn tăng, thời điểm năm 2011 toàn huyện chỉ có 5 doanh nghiệp, 17 tổ hợp tác đến nay đã tăng 13 doanh nghiệp, 23 tổ hợp tác (3). Như vậy, cho đến nay việc sản xuất ở làng nghề chiếu cói Nga Sơn được tiến hành với quy mô rộng lớn hơn. Việc hình thành các doanh nghiệp nghề đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương, nâng cao mức thu nhập, cải thiện đời sống; đồng thời, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương. 

Song song với tạo việc làm, thu nhập cho người lao động địa phương, làng nghề chiếu cói Nga Sơn còn có tiềm năng lớn trong phát triển hoạt động du lịch. Giá trị du lịch ở làng nghề chiếu cói Nga Sơn thể hiện không chỉ ở không gian văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với khung cảnh làng quê (không gian tổng thể làng nghề khang trang, sạch sẽ; đan xen là đình làng, cây đa, bến nước, chùa, đền, miếu, các trò chơi dân gian, các không gian trình diễn nghệ thuật dân ca, dân vũ…), mà còn là không gian văn hóa nghề trong từng hộ gia đình (mỗi hộ gia đình là một điểm đón tiếp du khách tham quan trải nghiệm và là một nhân tố quan trọng tạo thành không gian văn hóa nghề, du khách được xem, nghe và cùng làm để tạo ra sản phẩm và được mua đem về làm kỷ niệm). Không gian văn hóa nghề truyền thống kết hợp với các tài nguyên du lịch tự nhiên của địa phương Nga Sơn sẽ mở ra cơ hội để hoạt động du lịch có đà phát triển, từ đó tiếp tục mang lại thu nhập, việc làm và cơ hội phát triển cho người dân nông thôn và làng nghề. 

3. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề gắn với phát triển bền vững 

Quyết định số 1985/QĐ - UBND năm 2017 phê duyệt Đề án Phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030, làng nghề chiếu cói Nga Sơn được lựa chọn là một trong những điểm du lịch làng nghề. Du lịch làng nghề đã là một hướng đi cần thiết để giới thiệu, tôn vinh văn hóa làng nghề, qua đó giới thiệu văn hóa địa phương, văn hóa dân tộc là giải pháp quan trọng góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững, đồng thời phát triển du lịch làng nghề góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, xã hội, mở rộng cơ cấu lao động việc, góp phần tăng cường tính kế thừa và phát triển nghề nghiệp truyền thống của cha, mẹ, dòng họ và làng nghề thủ công truyền thống. Để hiện thực hiện hóa mục tiêu xây dựng trong Đề án cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Đối với chính quyền UBND huyện Nga Sơn

 Cần xác định tầm quan trọng của hoạt động du lịch với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và xây dựng các chính sách, chương trình phát triển du lịch làng nghề tại làng nghề chiếu cói Nga Sơn trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo tài nguyên du lịch nhân văn và tự nhiên của địa phương. Xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo chuyển tải được giá trị đặc trưng, khác biệt của làng nghề chiếu cói Nga Sơn.

Đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú và đa dạng hóa các dịch vụ phục vụ để phát triển du lịch; chủ động tăng cường kêu gọi nhà đầu tư, các tổ chức và các công ty du lịch xây dựng các chương trình du lịch mang bản sắc của địa phương. Nghiên cứu thành lập Ban xúc tiến thương mại và Du lịch của làng nghề để nghiên cứu cơ chế, chính sách làm việc với các tổ chức, cơ quan du lịch nhằm sớm đưa được các tour du lịch đến với làng nghề. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề. 

Thực hiện việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch cho làng nghề thông qua việc tổ chức chương trình đào tạo kỹ năng du lịch cho cộng đồng địa phương đặc biệt là thế hệ trẻ. 

Nghiên cứu xây dựng các tour, tuyến, sản phẩm du lịch làm đa dạng trải nghiệm của du khách, khai thác tối đa không gian văn hóa làng nghề, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, trải nghiệm văn hóa, lịch sử làng nghề.

Xây dựng các địa điểm trình diễn và giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, nghiên cứu bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa từ tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội và các phong tục tập quán để kết nối thành các chuỗi, các điểm du lịch cho du khách có thể tham quan, khám phá. 

Đối với chính quyền địa phương các xã nơi có làng nghề

 Cần nhận thức được vai trò của việc phát triển du lịch làng nghề đối với địa phương để có chính sách khai thác phù hợp. Tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về du lịch, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng khi tham gia vào các mô hình du lịch. 

Các xã có làng nghề truyền thống cũng xác định các sản phẩm chính, sản phẩm truyền thống của làng. Từ đó, mở rộng quy mô sản xuất, tập trung thành các phân khu sản xuất, phân khu trưng bày… Phát triển đa dạng các sản phẩm từ cói. Ứng dụng khoa học kỹ thuật, kết hợp với kỹ thuật truyền thống nhằm đổi mới các sản phẩm sao cho phù hợp với thị hiếu khách hàng, xu hướng thị trường nhằm thu hút khách du lịch dừng chân lâu hơn ở các khu bán hàng, trưng bày… 

Lựa chọn, bồi dưỡng, hỗ trợ một số hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh có hiệu quả không chỉ làm nòng cốt thu hút lao động nhàn rỗi của địa phương mà còn trở thành nơi tham quan, trải nghiệm trong các hoạt động du lịch làng nghề. 

Chính quyền địa phương cũng cần kịp thời ghi nhận, nêu gương những đóng góp tích cực của những nghệ nhân, thợ giỏi, những doanh nhân, chủ cơ sở trong làng nghề, những người có phát minh sáng chế, cải tiến máy móc thiết bị sản xuất phục vụ cho sự phát triển của làng nghề.

Đối với người dân địa phương tại làng nghề

Để phát triển làng nghề, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề, vai trò của người lao động rất quan trọng. Cần phải tiếp tục duy trì và phát triển về số lượng cũng như chất lượng nguồn lao động. Do đó, người dân địa phương ngoài tham gia tích cực các lớp đào tạo nâng cao tay nghề còn phải trao truyền kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp cho các thế hệ làm nghề để tạo ra một lớp người yêu nghề qua đó lưu trữ được những tinh hoa văn hóa của làng nghề. 

Người dân làm nghề cũng tích cực áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ để tạo ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. 

Ngoài ra, người dân trong các hộ gia đình nghề, doanh nghiệp nghề tham gia với vai trò chủ thể của hoạt động du lịch cần phải tham gia các lớp trong chương trình giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong cách ứng xử, giao tiếp với khách du lịch như: nghệ thuật mời khách, hướng dẫn khách, nói chuyện với khách…; cách làm ra tăng giá trị sản phẩm của làng nghề… Xây dựng không gian cảnh quan tham quan, trải nghiệm du lịch như: quy hoạch ruộng cói; tạo lập các khu sản xuất trình diễn nghề; các khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm, khu bán sản phẩm lưu niệm, khu trải nghiệm cho du khách.... 

Đối với công ty du lịch lữ hành

Các doanh nghiệp du lịch tăng cường các hoạt động xúc tiến quảng bá cho du lịch làng nghề để khẳng định thương hiệu điểm đến trong tâm trí khách hàng. Xây dựng các tour, điểm du lịch một cách đa dạng, phong phú, tạo dựng chuỗi liên kết các giá trị giữa làng nghề và các điểm đến khác. 

Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đưa các làng nghề vào các tour du lịch. Lợi nhuận của việc bán tour du lịch doanh nghiệp có trách nhiệm trích lại một phần cho địa phương phục vụ công tác bảo vệ tài nguyên nhân văn, tự nhiên của làng nghề. Hình thức chung tay của các bên sẽ giảm bớt đi gánh nặng cho chính quyền địa phương, người dân làng nghề đang phải nỗ lực bảo vệ di sản hằng ngày.

4. Kết luận 

Nghề và làng nghề chiếu cói Nga Sơn có lịch sử phát triển hàng trăm năm, mang trong mình những giá trị lịch sử - văn hóa sâu sắc cùng với không gian, cảnh quan làng nghề và các sản phẩm trong hoạt động nghề truyền thống là những giá trị tiêu biểu, riêng biệt của dải đất ven biển vùng đồng bằng sông Mã, đồng thời là cơ sở cho sự xuất hiện loại hình du lịch làng nghề ở Nga Sơn. Việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập, giải quyết nguồn lao động địa phương mà còn là một cách thức để gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây được coi là nhiệm vụ rất cấp thiết của chính quyền huyện Nga Sơn trong giai đoạn hiện nay, nhằm hướng tới bảo tồn, phát huy văn hóa làng nghề và phát triển du lịch bền vững các làng nghề, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế và xã hội của đất nước nói chung trong giai đoạn mới hiện nay.

___________________

1, 2, 3. UBND huyện Nga Sơn, Báo cáo tình hình phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn huyện Nga Sơn giai đoạn 20211-2020. Nhiệm vụ, giải pháp và thực hiện giai đoạn 20211-2025, định hướng đến năm 2030, 2020.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Thị Hiền, Nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch đường sông, biển gắn với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Đề tài NCKH cấp tỉnh, Sở KHCN Thanh Hóa, 2021.

2. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Nga Sơn, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Phả học Việt Nam (Bộ Tài liệu nghiên cứu khoa học lưu hành nội bộ), Địa chí huyện Nga Sơn, 2016.

3. Nguyễn Thị Việt Hưng, Nghiên cứu sự kế thừa nghề nghiệp giữa các thế hệ trong gia đình tại một số làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Đề tài cấp cơ sở, Trường Đại học Hồng Đức, 2024.

4. Nguyễn Thị Thục, Nghiên cứu giá trị các làng nghề trên địa bàn Thanh Hóa và đề xuất giải pháp khai thác phục vụ phát triển du lịch của tỉnh, Đề tài NCKH cấp tỉnh, Sở KHCN Thanh Hóa, 2021.

5. Phạm Côn Sơn, Làng nghề truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2004.

TS NGUYỄN THỊ VIỆT HƯNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024

;