Tọa đàm và trưng bày chuyên đề “Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng sắt son”

Sáng 1-11, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), 75 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2025), Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề “Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng sắt son” đúng vào dịp 100 năm ngày sinh Nhà báo Lý Văn Sáu (5/11/1924-5/11/2024).

Toàn cảnh tọa đàm

Tham dự sự kiện có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; PGS, TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,  Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; nhà báo Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

Phát biểu tại Tọa đàm, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết: Nhà báo, Nhà ngoại giao Lý Văn Sáu được sinh ra trong thời kỳ đất nước đầy biến động, khi tuổi đời còn rất trẻ, người thanh niên Lý Văn Sáu đã sớm bước vào con đường báo chí đầy gian nan, thử thách; ông năng nổ tham gia các hoạt động tuyên truyền của đội Thanh niên Cứu quốc, được giao nhiệm vụ Trưởng Ty thông tin tỉnh Khánh Hòa, trở thành chủ bút báo Thắng (tiền thân của báo Khánh Hòa ngày nay). Ông vừa làm báo tiếng Việt, vừa làm báo tiếng Pháp, trước khi chuyển sang làm báo phát thanh tại Đài Tiếng nói miền Nam Liên khu V.

Được tôi luyện và trưởng thành trong môi trường sôi nổi của báo chí kháng chiến, Lý Văn Sáu đã nỗ lực vượt khó, kiên trì học tập chính trị, trau dồi chuyên môn, mài sắc ngọn bút để hoàn thành tốt mọi công việc được giao.

 

Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu

Năm 1954, tập kết ra miền Bắc và tiếp tục làm công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, tham gia phái đoàn thường trực của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Cuba, trở thành cố vấn, người phát ngôn của phái đoàn Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, Lý Văn Sáu đã trở thành một cái tên vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, vang lên tại nhiều diễn đàn và sự kiện quốc tế. Ở đó, ông đã thể hiện xuất sắc bản lĩnh, tài năng, sự sáng tạo và trí thông minh, khéo léo của một người làm báo cách mạng khi tham gia hoạt động thông tin tuyên truyền đối ngoại.

Đất nước thống nhất, người tự nhận mình là “sống với báo, chết với báo” ấy đã tiếp tục có nhiều đóng góp cho lĩnh vực phát thanh - truyền hình, thông tấn, cho hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam – Cu Ba.

Dù ở vị trí, công việc nào, nhà báo Lý Văn Sáu cũng dành nhiều tâm huyết, hiến dâng trọn vẹn những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp báo chí cách mạng.

“Cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Lý Văn Sáu đã minh chứng cho phẩm chất cao quý của một nhà báo cách mạng, một nhà báo chiến sĩ, sống và cầm bút vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân” – Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh. 

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, hướng tới hai sự kiện đặc biệt của giới báo chí cả nước là Ngày kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam và 75 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra trong quý II năm 2025, Trưng bày chuyên đề và Tọa đàm khoa học về Nhà báo, Nhà ngoại giao Lý Văn Sáu sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những đóng góp, những di sản to lớn của các thế hệ đi trước để lại cho mai sau, đồng thời cũng là sự nhắc nhở, khơi gợi, khích lệ cho thế hệ trẻ hôm nay với niềm tự hào, nhân lên những khát vọng, những nỗ lực, vươn lên mạnh mẽ trong hành trình đổi mới và hội nhập.

Sự kiện gồm hai phần: Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề. Phần tọa đàm có sự tham gia phát biểu tham luận của các diễn giả là các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, các cơ quan báo chí, chuyên gia lịch sử, ngoại giao, nhà báo lão thành như: Hà Đăng, Phạm Quang Nghị, Việt Tùng, Phan Khắc Hải, Tôn Nữ Thị Ninh, Nguyễn Thế Kỷ, Trần Đức Nuôi…

Phần trưng bày gồm 100 tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu, nêu bật những đóng góp của ông đối với sự nghiệp báo chí cách mạng và sự nghiệp ngoại giao Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại chia sẻ tại sự kiện

Tại sự kiện, đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ: Nhà ngoại giao, nhà báo Lý Văn Sáu là một người có kiến thức sâu rộng, xuất sắc. Để làm tốt công việc ngoại giao, làm tốt công việc phát ngôn báo chí cho một hoạt động quan trọng trong phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Paris đòi hỏi không chỉ biết ngoại ngữ, kiến thức về quốc tế, còn phải có một lượng lớn kiến thức sâu sắc về văn hóa của dân tộc Việt Nam. Từ đó kết hợp được tinh hoa của dân tộc Việt Nam với tinh hoa của nhân loại và truyền đạt thông điệp một cách sâu sắc nhất nhằm tác động được đến trái tim của bạn bè quốc tế- là những điều mà nhà ngoại giao, nhà báo Lý Văn Sáu đã làm được.

Nhà báo, NSNA Vũ Huyến chia sẻ: Điều chúng tôi được học tập nhiều nhất từ bác Sáu là sự tận tụy, niềm tin, trung thành với lý tưởng của Đảng, cũng như với sự nghiệp làm báo

Nhà báo, NSNA Vũ Huyến chia sẻ: Nhà ngoại giao, nhà báo Lý Văn Sáu đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp báo chí, ngoại giao, chính vì thế, thế hệ chúng tôi rất biết ơn và ngưỡng mộ ông. Đồng thời, nhà ngoại giao, nhà báo Lý Văn Sáu cũng chính là người đã dìu dắt thế hệ chúng tôi trong phương thức làm việc, giúp chúng tôi hiểu hơn về công tác tuyên truyền đối ngoại, đấu tranh ngoại giao… Điều chúng tôi được học tập nhiều nhất từ bác Sáu là sự tận tụy, niềm tin, trung thành với lý tưởng của Đảng, cũng như với sự nghiệp làm báo.

Thế hệ trẻ học được lòng yêu nước, bản lĩnh, ý chí kiên cường đấu tranh cho lợi ích quốc gia dân tộc, độc lập chủ quyền toàn vẹn thống nhất đất nước và cuộc sống hạnh phúc ấm no trong hòa bình của nhân dân, không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới.

Không gian trưng bày chuyên đề

Trưng bày và tọa đàm nhằm góp phần tôn vinh nhà báo Lý Văn Sáu – một trong những gương mặt tiêu biểu, có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Suốt cuộc đời làm báo và có nhiều cống hiến trên lĩnh vực thông tin – tuyên truyền đối ngoại và xây dựng ngành phát thanh và truyền hình, thông tấn; để lại nhiều dấu ấn quan trọng trên mặt trận chính trị- ngoại giao phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhà báo Lý Văn Sáu (1924-2012) là một trong những nhà báo thuộc lớp trí thức đã dành chọn những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời minh cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông tham gia sáng lập Báo Thắng khi mới 22 tuổi (1946); góp phần xây dựng Đài Tiếng nói Nam Bộ và Đài Tiếng nói miền Nam ngay từ thời kỳ đầu; trở thành người phát ngôn xuất sắc của phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Paris (1968-1973). Đất nước thống nhất, ông gắn bó với công tác quản lý báo chí, với hoạt động nghề nghiệp tại Hội Nhà báo Việt Nam, là một trong những lãnh đạo kỳ cựu của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và tiếp tục có nhiều đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao.

 

Tin, ảnh: NGỌC BÍCH

;