Rà soát công tác chuẩn bị Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Chiều 31-10, tại Bộ VHTTDL, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII) đã họp rà soát về công tác chuẩn bị tổ chức Liên hoan phim (LHP). Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng Ban chỉ đạo và Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đồng chủ trì buổi họp.

Toàn cảnh buổi họp

Cùng dự buổi họp có: Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành - Trưởng Ban Tổ chức; các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức LHP.

Báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, về việc lựa chọn các phim tham dự LHP, Ban Tổ chức đã thành lập hội đồng sơ tuyển phim, làm việc từ tháng 3-2024. Hội đồng sơ tuyển đã xem và sơ tuyển phim dài, phim ngắn từ hơn 500 phim gửi đến tham dự, của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đến ngày 29-10-2024 đã chọn được tổng số phim tham dự vào các chương trình trong LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII là 117 phim (bao gồm 65 phim nước ngoài và 52 phim Việt Nam). Tất cả các phim đều đã được thẩm định về nội dung và cấp Giấy phép phân loại phim.

Chương trình phim dài dự thi gồm 11 phim (10 phim từ các nền điện ảnh trên thế giới và 1 phim Việt Nam, là phim Ngày xưa có một chuyện tình – đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, Công ty Cổ phần Sản xuất phim Hoan Khuê sản xuất) và được chọn chiếu Phim Khai mạc Liên hoan.

Chương trình phim ngắn dự thi gồm 19 phim, trong đó: 11 phim ngắn bao gồm phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình có độ dài dưới 60 phút từ các nền điện ảnh trên thế giới; 8 phim ngắn Việt Nam.

Chương trình toàn cảnh Điện ảnh thế giới (Panorama) gồm 39 phim, trong đó có 24 phim dài và 15 phim ngắn từ các nền điện ảnh trên thế giới.

Chương trình phim Việt Nam đương đại gồm 34 phim, trong đó có 12 phim ngắn (tài liệu, hoạt hình); 22 phim truyện.

Chương trình phim về Hà Nội, kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô gồm 9 phim Việt Nam, trong đó có 4 phim truyện, 1 phim tài liệu và 4 phim hoạt hình.

Chương trình tiêu điểm điện ảnh một quốc gia: “Điện ảnh Đức” gồm 6 phim.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức LHP

Về công tác tổ chức các chương trình chiếu phim, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, hạng mục phim dự thi được tuyển chọn từ tất cả các nền điện ảnh trên thế giới, với điều kiện các phim chưa từng dự thi tại một LHP quốc tế nào ở châu Á đối với phim truyện.

Về tổ chức các sự kiện khác, trong đó có Chợ Dự án làm phim được tổ chức từ ngày 8 đến 10-11-2024 tại khách sạn Daewoo, đối tác thực hiện là Công ty TNHH BHD Việt Nam. Có 8 dự án tham gia, trong đó có 4 dự án phim nước ngoài thuộc các nước: Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Băng-la-đet; và 4 dự án phim Việt Nam.

Trong khuôn khổ của LHP sẽ có 2 cuộc Hội thảo được tổ chức. Hội thảo 1 với chủ đề “Tiêu điểm Điện ảnh Đức” vào ngày 8-11; Hội thảo 2 có chủ đề “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học” vào ngày 9-11.

Triển lãm do Viện Phim Việt Nam phối hợp tổ chức với chủ đề “Các di sản của Việt Nam được UNESCO” công nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh”, được khai mạc vào lúc 11 giờ ngày 7-11, diễn ra đến ngày 11-11 tại khách sạn Daewoo (Hà Nội).

Về các rạp chiếu phim, Ban Tổ chức đã làm việc với các cụm rạp: Trung tâm Chiếu phim Quốc gia; BHD Phạm Ngọc Thạch; CGV Nguyễn Chí Thanh. Các cụm rạp sẽ phối hợp công việc như: chiếu phim phục vụ Ban Giám khảo và chiếu phim miễn phí phục vụ khán giả; tuyên truyền chương trình chiếu phim (trước Khai mạc LHP); tổ chức giao lưu nghệ sĩ đối với các phim dự thi, phim Việt Nam và một số phim trong các chương trình khác; Tiểu ban Chiếu phim tổ chức bình chọn phim Việt Nam được khán giả yêu thích nhất…

Tại cuộc họp, các thành phần trong Ban Tổ chức đã báo cáo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao, cũng như nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị tổ chức LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII nhằm đảm bảo tiến độ đề ra. 

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai phát biểu tại buổi họp

Phát biểu tại buổi họp, Phó TrưởngBban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban chỉ đạo LHP nhấn mạnh: Các phim tham dự Liên hoan phải đảm bảo chất lượng về chính trị tư tưởng, có định hướng về thẩm mỹ, và mang tính giáo dục. Các phim phải hướng đến giới thiệu nét đặc sắc của các nền văn hóa, cũng như quảng bá về con người các quốc gia.

Bà Đinh Thị Mai đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL phối hợp chặt chẽ với UBND, Sở VHTT Hà Nội triển khai công tác phối hợp thực hiện LHP hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an… trong công tác đối ngoại cũng như công tác an ninh trật tự, nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất trong việc tổ chức LHP.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, thời gian diễn ra LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII không còn nhiều, các thành viên trong Ban Tổ chức cần tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao. Trong đó, về nội dung các bộ phim dự thi LHP phải được bảo đảm, đúng với định hướng tư tưởng chính trị; về Hội thảo với chủ đề “Tiêu điểm Điện ảnh Đức” cần tiếp tục phối hợp thực hiện nội dung kịch bản rõ ràng, ăn khớp…; phối hợp chặt chẽ với Cục Hợp tác quốc tế trong công tác đón tiếp chu đáo nghệ sĩ các nước tham dự LHP; Sân khấu và chương trình trong Lễ Khai mạc và Bế mạc LHP phải hoành tráng, tạo ấn tượng đối với người xem; sự kiện thảm đỏ cần tạo được điểm nhấn, đẹp và trang trọng…

Nhấn mạnh, để LHP thành công rất cần sự phối hợp nhịp nhàng của các thành viên trong Ban Tổ chức, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị các thành viên cần tiếp tục triển khai công việc, phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay đồng lòng nhằm tổ chức thành công các hoạt động trong LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII, góp phần quảng bá hình ảnh con người, vẻ đẹp Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Tin, ảnh: NGỌC BÍCH

;