Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035: Đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn

Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, sáng 1-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã nghe Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; Thẩm tra Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Bộ trưởng cho biết, đối tượng thụ hưởng của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là người dân, cộng đồng dân cư tại các vùng miền của Tổ quốc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cá nhân hoạt động trực tiếp trong hoặc liên quan đến lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, công chúng, khán giả, đặc biệt là công chúng trẻ; Các di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia, các di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO, di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và một số di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; Các di sản tư liệu được ghi danh vào Danh sách quốc gia, khu vực và thế giới; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; Các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa, sáng tạo; không gian văn hóa công cộng; đội tuyên truyền lưu động; các đồn biên phòng; các cơ sở, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; các cơ sở giáo dục, đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã được xác định.

Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, sân khấu, múa...); văn học; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc (văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số,…); văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa…

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035

Chương trình thực hiện với quy mô cả nước, bao gồm tất cả các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn trên phạm vi cả nước; một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035, chia làm các giai đoạn:

Năm 2025: thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.

Giai đoạn 2026-2030: tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030.

Giai đoạn 2031-2035: tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.

Cơ quan, đơn vị thực hiện chương trình/ dự án gồm hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và toàn xã hội, trong đó chủ thể là nhân dân, lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, người thực hành văn hóa tại các cộng đồng địa phương.

Chương trình gồm 7 mục tiêu tổng quát: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc; Huy động sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc; Huy động nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân; Xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến đáp ứng các thị trường nước ngoài; Phát huy tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng của văn hóa thông qua đầu tư để bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, với nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng; Hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình, đến năm 2030 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể sau: Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam được triển khai thực hiện trên cả nước thông qua các bộ quy tắc ứng xử; Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Bảo tàng, Thư viện), 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn, đảm bảo vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã, thôn; Phấn đấu 95% di tích quốc gia đặc biệt (tương đương khoảng 127 di tích) và 70% di tích quốc gia (tương đương khoảng 2.542 di tích) được tu bổ, tôn tạo; Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước; Phấn đấu 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa; 90% văn nghệ sĩ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn; Các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, điện ảnh, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc, chất lượng cao được hỗ trợ sáng tác, công bố, phổ biến; Hằng năm, có ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.         

Đến năm 2035 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể sau: Phấn đấu 90% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã; 100% thư viện trong mạng lưới thư viện đáp ứng điều kiện thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Thư viện; Phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và ít nhất 80% di tích quốc gia;  Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước; Hoàn thiện Thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế; 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật; 100% văn nghệ sĩ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tiếp cận, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn; Hằng năm có từ 10-15 tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tầm quốc gia về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước; Hằng năm, có ít nhất 4-6 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam. 

Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần

Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; xây dựng hệ giá trị đạo đức, chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Thúc đẩy quyền, nghĩa vụ, văn hóa sống và làm việc theo pháp luật; Phát triển thể lực, tầm vóc và kỹ năng sống cho con người Việt Nam; Phát triển gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả: Phát triển hệ thống hạ tầng, thiết chế văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao, hướng đến đẳng cấp quốc tế; Nâng cao năng lực vận hành, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở; Thúc đẩy vai trò của trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực văn hóa cơ sở, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, tuân thủ pháp luật; Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; Hỗ trợ phát triển văn hóa đọc gắn với các thiết chế thư viện; Phát triển hệ thống không gian văn hóa công cộng nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo, giáo dục thẩm mỹ của người dân, đặc biệt là giới trẻ; Xây dựng, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa trong hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống bệnh viện.

Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; Phát huy vai trò của cơ quan truyền thông, báo chí, hệ thống thông tin cơ sở nhằm quảng bá, tăng cường thông tin đối ngoại, lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp, phản bác, đấu tranh với các thông tin sai trái, thù địch, xấu độc; Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật, di sản văn hóa.

Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác thông tin, tuyên truyền tại cơ sở, đặc biệt là các địa bàn vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số: Bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; Bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Bảo tồn phục hồi, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Bảo tồn phát huy giá trị di sản tư liệu, cổ vật, bảo vật quốc gia; Nâng cao năng lực và vận hành hiệu quả của hệ thống bảo tàng; Tăng cường trợ giúp pháp lý về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật: Hỗ trợ phát triển hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật; Phát triển hoạt động lý luận, phê bình, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn học nghệ thuật; Hỗ trợ cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển văn học nghệ thuật; Đầu tư có trọng điểm các công trình, tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao của Việt Nam; Hỗ trợ quảng bá, phổ biến tác phẩm, thành tựu văn học nghệ thuật có chất lượng đến đông đảo nhân dân.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa: Hỗ trợ phát triển các trung tâm công nghiệp văn hóa; Hỗ trợ phát triển thị trường cho các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; Hỗ trợ phát triển thương hiệu, doanh nghiệp các ngành công nghiệp văn hóa có năng lực cạnh tranh cao; Nâng cao hiệu quả bảo hộ bản quyền tác giả trong việc phát triển công nghiệp văn hóa.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa: Quản lý văn hóa trên môi trường số, xây dựng văn hóa số, xã hội số; Số hóa dữ liệu, xây dựng, bảo vệ cơ sở dữ liệu văn hóa quốc gia trên môi trường số; Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nghiên cứu cơ bản để phát triển văn hóa và thúc đẩy thị trường văn hóa trên môi trường số.

Phát triển nguồn nhân lực văn hóa: Phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa; Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa, nghệ thuật, di sản văn hóa; Tạo môi trường để các chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ tài năng và học sinh, sinh viên có năng khiếu vượt trội, tài năng lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được sáng tạo, cống hiến, rèn luyện phát triển tài năng; Phát triển nguồn nhân lực các nghành công nghiệp văn hóa; Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới: Phát huy vai trò các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; Quảng bá văn hóa Việt Nam tại nước ngoài thông qua các hình thức đa dạng; Tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam, hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật thông qua giao lưu văn hóa; Phát triển văn hóa trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Tăng cường công tác giám sát đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, truyền thông, tuyên truyền về Chương trình: nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; Tăng cường năng lực công tác quản lý, điều phối thực hiện Chương trình các cấp, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về Chương trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh báo cáo tóm tắt thẩm tra báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035

Chương trình đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn

Báo cáo tóm tắt thẩm tra báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhất trí với sự cần thiết chủ trương đầu tư Chương trình và cho rằng việc xây dựng Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; hồ sơ Chương trình đã đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật. Đồng thời thống nhất với đề xuất của Chính phủ về thời gian thực hiện Chương trình, từ năm 2025 đến hết năm 2035.

Ông Nguyến Đắc Vinh cho biết Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, nhiều ý kiến góp ý cần tiếp tục được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng, thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi và triển khai thực hiện Chương trình.

Cơ bản nhất trí với các mục tiêu của Chương trình, tuy nhiên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cần xem xét tính khả thi của 2 mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Mục tiêu số 5 (Phấn đấu 100% các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4) và Mục tiêu cụ thể số 6 (100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa). 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, thu hẹp mục tiêu, nhiệm vụ, bảo đảm việc bố trí nguồn lực của Chương trình được trọng tâm, trọng điểm, khả thi nhằm tạo ra các đột phá trong phát triển văn hóa; quan tâm đầu tư phát triển văn hóa ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tốt hơn cho Nhân dân.

“Ủy ban nhất trí với phạm vi của Chương trình như dự thảo Nghị quyết và nhất trí với đề xuất đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài vì nội dung này phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; thống nhất quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết để bảo đảm cơ sở pháp lý (cơ chế đặc thù thực hiện khác quy định của Luật Đầu tư công)” – ông Nguyễn Đắc Vinh khẳng định.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư xây dựng một số Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với nguồn lực hiện có. Có ý kiến nhất trí về chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài theo hình thức đầu tư công nhưng đề nghị không sử dụng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia mà sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, Ủy ban cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ về thời gian thực hiện Chương trình, từ năm 2025 đến hết năm 2035. Có ý kiến đề nghị rà soát, chỉnh sửa một số mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, trong đó cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên, tạo sự đột phá trong phát triển văn hóa, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước của cả giai đoạn 2026-2030 và giai đoạn 2030-2035.  

Ủy ban nhận thấy Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành Chương trình theo nguyên tắc thu hẹp đầu mối quản lý; ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp hướng dẫn chung việc thực hiện Chương trình.

Quan điểm chung của Đảng, Nhà nước là phân cấp tối đa cho địa phương. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện đúng nguyên tắc này, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò của hệ thống chính trị, sức mạnh của Nhân dân trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Ủy ban nhận thấy, Hồ sơ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư đã bao gồm đầy đủ các nội dung theo quy định của Luật Đầu tư công. Ủy ban cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo Nghị quyết và sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan, Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tại Báo cáo thẩm tra số 2457/BC-UBVHGD ngày 23-5-2024 và phụ lục kèm theo trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi; chịu trách nhiệm về việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện Chương trình theo các nguyên tắc, nội dung được Quốc hội thông qua.

NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

;