Ngày 26-3, tại Hà Nội, Nxb Kim Đồng phối hợp với Dự án Sách nhà mình và Trường Trung học Vinschool Times City tổ chức chương trình giao lưu “Trường Sa nơi ta đến”. Sự kiện diễn ra nhân dịp Tháng Thanh niên và kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh chương trình
Chủ đề sách về biển đảo luôn là đề tài được Nxb Kim Đồng chú trọng xuất bản trong nhiều năm qua, nhằm giới thiệu đến độc giả thiếu nhi những ấn phẩm góp phần giúp các em thêm hiểu, thêm yêu và ý thức trách nhiệm giữ gìn những vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong năm học 2024-2025, Biển đảo là chủ đề được Nxb Kim Đồng và Dự án Sách nhà mình lấy làm trọng tâm trong hoạt động sự kiện trường học. Tiếp nối chuỗi chương trình Biển đảo quê hương, sự kiện giao lưu Trường Sa nơi ta đến diễn ra ngày 26-3-2025, đúng ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, càng thêm ý nghĩa bởi gắn với tinh thần ngày thanh niên. Được các em học sinh trường Trung học Vinschool Time City gọi là “hải trình đặc biệt”, chương trình do chính các Vinsers là thuyền trưởng, thủy thủ đoàn, phóng viên hiện trường để dẫn dắt toàn bộ hành khách tới thăm Trường Sa thông qua các bức ảnh khổ lớn rất đẹp, được trích xuất từ cuốn sách cùng tên của tác giả Nguyễn Mỹ Trà.
Tại buổi giao lưu, các học sinh đã được nghe chia sẻ của các khách mời: Nhà thơ Trần Đăng Khoa - tác giả cuốn Đảo chìm; nhà báo Nguyễn Mỹ Trà - tác giả của Trường Sa - Nơi ta đến và nhà văn Nguyễn Xuân Thủy với Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu tại buổi giao lưu
Mở đầu chương trình là những chia sẻ đầy xúc động của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Nơi nào ở biên cương cũng có cột mốc nhưng cột mốc ở Trường Sa rất đặc biệt, vì làm bằng xương máu của các chiến sĩ đã hy sinh và còn có một cột nữa cũng rất quan trọng, đó là những tác phẩm viết về Trường Sa - Hoàng Sa. Câu ca dao xưa: Trường Sa mây nước trập trùng/ Người đi thì có mà không thấy về của cha ông ta cho thấy ngay từ thời xa xưa, các bậc tiền nhân đã có ý thức với chủ quyền của dân tộc. Nhưng nếu xa xưa ra đảo chỉ đi thuyền đi mủng, sóng gió khốc liệt cản bước chân về thì nay, hải trình ra Trường Sa đã khác xưa. Nghe câu ca dao ấy, chúng ta cảm nhận được cột mốc chủ quyền biển đảo càng thêm quý giá. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng hóm hỉnh nói rằng, các khách mời là ba thế hệ cùng viết về Trường Sa. Nếu tác giả của Đảo Chìm kể câu chuyện từ khi ông có mặt ở Trường Sa từ năm 1976, thì nhà văn Nguyễn Xuân Thủy và nhà báo Nguyễn Mỹ Trà lại kể cho các em nghe những câu chuyện và hình ảnh của Trường Sa thời hiện tại.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, một người lính có nhiều năm gắn bó với Trường Sa cũng đưa đến các em học sinh những câu chuyện đẹp về biển, những khoảnh khắc thú vị, kỳ lạ trên hải trình của mình. Anh kể về những chuyến tàu chở vật liệu xây dựng ra để bồi đắp cho lãnh thổ, để từ đảo chìm thành đảo nổi, được những người lính dùng một từ thiêng liêng là “kê cao Tổ quốc”. Nếu nhà thơ Trần Đăng Khoa kể rằng xưa kia đi ra đảo phải đi bằng tháng, bằng năm, thì ngày nay chuyến đi đã rút ngắn hơn. Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ, khi viết sách anh hướng đến độc giả là các em nhỏ, kể cho các em nghe những câu chuyện kỳ thú ở Trường Sa để các em thêm yêu biển đảo của Tổ quốc mình. "Biển ở Trường Sa mặn hơn những vùng biển khác. Biển mặn hơn bởi những giọt nước mắt của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo và hàng nghìn những người con Việt Nam có mặt ở Trường Sa mỗi năm”. Nhìn thấy những giọt nước mắt của các em sau khi nghe những câu chuyện xúc động, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy bộc bạch: “Tại hội trường hôm nay, tôi đã thấy những giọt nước mắt Trường Sa”.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy xúc động chia sẻ cảm xúc của mình
Nhà báo Mỹ Trà cũng kể lại những kỷ niệm khi chị tác nghiệp ở Trường Sa, những khoảnh khắc thiêng liêng được chị ghi lại qua ống kính của mình. Đó là khi chị leo lên nóc nhà, với cái nóng trên 50 độ của mái nhà trong thời tiết oi bức ở đảo sau cơn mưa ngắn để có được tấm ảnh Hải đăng Đá Tây đẹp như Lâu đài cổ tích với cầu vồng sau cơn mưa. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: “Chụp ảnh ở đảo Trường Sa rất khó vì biển ở đâu cũng như nhau, nhà thơ Hữu Thỉnh từng phải thốt lên “nhờ có đảo mà biển không lặp lại mình”. Bởi vậy, bộ ảnh của nhà báo Nguyễn Mỹ Trà rất đáng khâm phục vì được thực hiện trong thời tiết, môi trường rất khắc nghiệt, sóng gió dữ dội. Tàu không buông neo được, lúc nào cũng chòng chành, nhưng tác giả đã chụp được những tấm ảnh rất quý, chớp được nhiều khoảnh khắc hiếm có trong muôn mặt của Trường Sa. Nhờ chị mà chúng ta như có được Trường Sa ngay trước mắt!”.
Các em học sinh tự tin dẫn dắt chuyến hải trình khám phá Trường Sa
Tại chương trình, những phần giao lưu, tương tác của các em học sinh không chỉ mang đến nhiều kiến thức thú vị mà còn khiến không khí hội trường càng trở nên sôi nổi. Đó là phần “Lắng nghe tiếng sóng khơi xa” nhắc nhớ những nội dung về lịch sử biển đảo qua các thời đại bằng hoạt động nối từ, hỏi nhanh đáp gọn. Đó là “Thao thức Trường Sa” giúp các bạn trẻ thả sức tưởng tượng và chia sẻ những điều mình suy nghĩ, dẫn dắt hành khách theo hành trình của mình. Phần “Vẻ đẹp Trường Sa” lại cho các em chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Trường Sa qua sự kiên cường bất khuất của biết bao thế hệ lính đảo, từ những cái cột mốc không chỉ bằng sắt thép xi măng, từ những ngọn đèn hải đăng, những đảo chìm đảo nổi, những nhà giàn sừng sững trên mặt biển xanh ngăn ngắt, từ thiên nhiên kỳ thú, từ những thanh âm của cuộc sống đời thường như tiếng cười con trẻ, tiếng chuông chùa, ngọn rau xanh...
Ở phần “Kỷ niệm Trường Sa”, các em lại được thỏa sức tưởng tượng: nếu mình là lính đảo Trường Sa thì sẽ có một ngày, một tháng, một năm thế nào? Nhiều bạn trẻ đã chia sẻ cảm nhận, cũng như đặt câu hỏi về những cuốn sách của các tác giả khách mời trong chương trình.
Triển lãm ảnh về Trường Sa được trưng bày trong không gian buổi giao lưu
Bên cạnh những bức tranh được chọn lựa từ cuốn sách chủ điểm được trưng bày trong sự kiện, chia sẻ của các khách mời giúp các em học sinh hiểu thêm về đảo Trường Sa nói riêng cũng như biển đảo quê hương nói chung. Những góc nhìn, góc cảm về Trường Sa của ba thế hệ tác giả viết về Trường Sa đã bồi đắp thêm tình yêu, lòng tự hào và tinh thần trách nhiệm với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cho các em học sinh. Đó là cách xây dựng ý thức chủ quyền biển đảo một cách vững chắc tới các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN