Du lịch là một ngành kinh tế có tiềm năng phát triển lớn. Việc tận dụng giá trị văn hóa để phát triển ngành Du lịch không chỉ giúp tăng thu nhập cho địa phương mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa. Ngoài ra, việc thu hút du khách đến với các địa điểm văn hóa cũng giúp tăng cường mối quan hệ giữa các dân tộc, góp phần xây dựng hòa bình và thịnh vượng. Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (làng Thái Hải) của tỉnh Thái Nguyên là một trong những nơi đã và đang làm tốt việc khai thác giá trị văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Trình diễn nghệ thuật của đồng bào Tày tại một sự kiện được tổ chức ở Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải - Ảnh tư liệu: Minh Quân
Vài nét về làng Thái Hải
Làng Thái Hải (xóm Cường, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), là một trong những điểm đến du lịch sinh thái độc đáo tại Thái Nguyên. Với diện tích 70ha, làng là một nơi lý tưởng để tìm về với thiên nhiên trong lành. Làng Thái Hải trở thành đại diện duy nhất khu vực Đông Nam Á nhận Giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022” của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO). Giải thưởng nhằm vinh danh những ngôi làng lấy du lịch làm mục tiêu và cơ hội để phát triển, cam kết đổi mới, định hướng tăng trưởng kinh tế, xã hội và môi trường bền vững, bên cạnh đó cũng tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc cộng đồng.
Làng Thái Hải là nơi cư ngụ của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Những ngôi nhà sàn truyền thống của họ được xây dựng bằng gỗ, giúp giữ ấm trong mùa đông và mát mẻ vào mùa hè, có những ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm. Các căn nhà được bố trí xung quanh đồi núi, rừng rậm và suối nước tạo nên một bức tranh tự nhiên tràn đầy sức sống. Đến với làng Thái Hải, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành, ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên đẹp, đồng thời tìm hiểu về văn hóa, tập quán, phong tục của những cộng đồng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, du khách còn có thể tham gia các hoạt động như câu cá, trồng rau, hái chè...; khám phá nghề truyền thống, ẩm thực và trải nghiệm những nét đặc trưng văn hóa dân tộc (nghe đàn tính, hát then).
Điều đặc biệt của làng Thái Hải đó là những giá trị văn hóa ở đây được giữ gìn và phát huy rất tốt bởi cộng đồng địa phương. Những người dân trong làng đã truyền lại những giá trị văn hóa đó cho các thế hệ sau, thậm chí còn phát triển thêm những sản phẩm mới dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Những gia đình sinh sống tại làng Thái Hải vừa tích cực hoạt động sản xuất nông nghiệp, vừa năng nổ hoạt động du lịch cộng đồng; cùng nhau duy trì và bảo vệ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Những kết quả đạt được trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại làng Thái Hải
Với vẻ đẹp hoang sơ, những ngôi nhà sàn truyền thống của người dân tộc Tày cùng văn hóa ẩm thực đặc trưng, khu bảo tồn này đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm.
Làng Thái Hải không chỉ giúp du khách khám phá và tìm hiểu về văn hóa dân tộc, mà còn đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất này. Được khai thác từ năm 2014 đến nay, làng Thái Hải đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc khai thác và bảo tồn giá trị văn hóa.
Đầu tiên, việc khai thác giá trị văn hóa tại khu bảo tồn đã giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, việc tôn vinh và bảo tồn nhà sàn truyền thống của người Tày đã giúp duy trì và phát triển một phong cách kiến trúc độc đáo và đặc trưng của vùng đất này, giúp cho du khách hiểu rõ và cảm nhận được sự đa dạng văn hóa của Việt Nam.
Khác với những khu du lịch thông thường, mục đích xây dựng và phát triển ban đầu của khu này không phải để làm du lịch mà là để gìn giữ, bảo tồn những ngôi nhà sàn và truyền thống văn hóa của dân tộc Tày vùng ATK trước nguy cơ mai một. 30 ngôi nhà sàn của các dân tộc Tày, Nùng từ Định Hóa được chủ Khu du lịch sinh thái mua lại, vận chuyển và phục dựng nguyên bản tại xóm Mỹ Hào. 30 ngôi nhà sàn cũng chính là nơi sinh sống của 30 gia đình nhiều thế hệ người Tày, Nùng. Chính họ, trong sắc áo chàm truyền thống, vừa chăn nuôi, trồng trọt, lao động, sản xuất, vừa tham gia phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ ngơi, du lịch.
Ngoài ra, những nét phong tục truyền thống đặc thù trong cuộc sống của đồng bào nơi đây như: rửa tay, rửa mặt tại nước giếng đầu làng như một nghi thức gột rửa trước khi vào làng, nghe hát then hay ngâm chân bằng nước thuốc nóng... cũng thu hút sự tò mò và hấp dẫn khách du lịch khi đến đây.
Bên cạnh đó, hoạt động của khu Thái Hải còn tạo nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương. Theo Báo cáo năm 2021 của Ban quản lý làng Thái Hải, số lượng du khách đến tham quan khu bảo tồn đã tăng đáng kể so với các năm trước đây. Từ năm 2017-2020, số lượng khách đến đây đã tăng gấp đôi, từ khoảng 20.000 lượt lên tới hơn 40.000 lượt du khách. Đặc biệt, khu bảo tồn nhà sàn Thái Hải đã trở thành một điểm đến được nhiều du khách trong nước và quốc tế lựa chọn khi đến Thái Nguyên.
Tổng doanh thu từ các hoạt động kinh doanh và du lịch tại làng đã tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của cộng đồng địa phương. Theo báo cáo tài chính của Khu bảo tồn làng nhà sàn sinh thái Thái Hải năm 2021 đạt doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng; năm 2022, doanh thu của Khu bảo tồn đã tăng lên đáng kể, đạt khoảng 3 tỷ đồng.
Các công việc ở khu Thái Hải bao gồm hướng dẫn viên du lịch, nhân viên quản lý khu bảo tồn, nhân viên bảo vệ, hướng dẫn viên trải nghiệm và nghệ nhân sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống. Việc phát triển du lịch sinh thái tại đây đã tạo ra nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương, giúp họ cải thiện đời sống và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, việc khai thác giá trị văn hóa tại khu bảo tồn cũng giúp giáo dục và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Tại đây, du khách và các em học sinh có cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm và học hỏi về nền văn hóa, lịch sử và phong tục tập quán của dân tộc Tày, Nùng. Đây là cách giúp duy trì và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Và cũng nhờ vào khai thác giá trị văn hóa, các sản phẩm du lịch độc đáo ở đây về ẩm thực, du lịch, văn hóa đã mang đến cho du khách một cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa dân tộc thiểu số, qua đó góp quảng bá du lịch Thái Nguyên, thu hút khách du lịch và đẩy mạnh phát triển du lịch địa phương.
Một số giải pháp nhằm phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa tại làng Thái Hải
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại làng Thái Hải một cách bền vững, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, để thu hút khách du lịch đến tham quan khu bảo tồn, cần tiếp tục tăng cường các hoạt động quảng bá và truyền thông về giá trị văn hóa độc đáo của làng Thái Hải, trong đó, chú ý loại hình quảng cáo trực tuyến như trên trang web, fanpage, YouTube, Facebook, Instagram...
Hai là, duy trì đảm bảo tính nguyên bản của văn hóa bản địa. Bên cạnh cảnh quan, đường sá, môi trường tự nhiên cần chú trọng bảo tồn: nhà sàn gỗ, các lễ hội, hát then, đàn tính, các nghề thủ công truyền thống… Mục đích lớn nhất là để du khách thực sự cảm nhận được sự nguyên sơ, được hòa mình vào thiên nhiên và tham dự một phần vào chính đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương. Để giải quyết được vấn đề này, cộng đồng phải thực sự chủ động với vị thế là chủ thể. Bên cạnh đó, rất cần sự tư vấn của các chuyên gia du lịch, văn hóa để bảo đảm phát triển du lịch văn hóa và sinh thái bền vững. Mô hình tối ưu sẽ là sự kết hợp của các nhóm đối tượng sau: người dân, cộng đồng người Tày - chủ thể; chính quyền, cơ quan quản lý - hỗ trợ; chuyên gia - tư vấn; xã hội - đồng thuận, ủng hộ.
Ba là, để người dân sinh sống tại làng Thái Hải thực sự phát huy được vị thế của chủ thể, cần chú trọng đến công tác đào tạo người lao động, giáo dục, tuyên truyền về giá trị của văn hóa truyền thống, các kỹ năng hoạt động du lịch cộng đồng…
Bốn là, các hoạt động văn hóa và lễ hội địa phương là cơ hội để khai thác và giới thiệu giá trị văn hóa của làng Thái Hải đến đông đảo du khách. Các hoạt động này cần được tổ chức thường xuyên và có sự tham gia đa dạng của cộng đồng địa phương để giữ vững và phát triển giá trị văn hóa truyền thống.
Năm là, làng Thái Hải có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm nông sản, đặc biệt là cây chè và các loại lá thuốc của người dân tộc. Các sản phẩm này có thể được bán tại các cửa hàng, quầy hàng tại khu bảo tồn hoặc thông qua các kênh thương mại điện tử để tiếp cận đến khách hàng xa.
Sáu là, tiếp tục chú trọng, gìn giữ không gian xanh, sạch; bố trí, sắp xếp vị trí các bãi đỗ xe, các thùng chứa rác thải sao cho khoa học, phù hợp với không gian văn hóa. Môi trường đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, rác thải được phân loại trong quá trình thu gom, xử lý là một trong những tiêu chí quan trọng để du khách đánh giá mức độ thu hút của điểm du lịch và cộng đồng du lịch.
Bảy là, làng Thái Hải cần tìm kiếm và hợp tác với các đối tác trong ngành Du lịch, các công ty lữ hành để đẩy mạnh việc quảng bá, tiếp thị, khai thác giá trị văn hóa và phát triển các sản phẩm du lịch. Hợp tác với các đối tác còn giúp khu bảo tồn có thêm nguồn lực, kiến thức và kinh nghiệm để phát triển ngành Du lịch, đồng thời tạo ra lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương.
Tóm lại, khai thác giá trị văn hóa là một giải pháp tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch tại làng Thái Hải. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và bảo tồn di sản văn hóa của khu bảo tồn, cần có sự đồng tâm và nỗ lực của chủ thể các bên liên quan.
________________
Tài liệu tham khảo
1. Trịnh Thị Hạnh, Văn hóa - Nguồn vốn cần bổ sung trong lý thuyết nghiên cứu về khung sinh kế bền vững, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 461, 2021.
2. Trung tâm Từ điển học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2008.
3. Hà Thu, Ấn tượng trải nghiệm làng nhà sàn Thái Hải, truyenhinhdulich.vn, 20-2-2019.
4. Gia Linh, Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải - Kết nối giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch, didulich.net.
Ths ĐẶNG THỊ KIM DUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023