Bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Lịch sử Quân sự Địa đạo Củ Chi

Di tích Địa đạo Củ Chi có hệ thống đường hầm hơn 200km, được Thủ tướng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2016. Về phạm vi, không gian, thời gian, Địa đạo Củ Chi đã có từ thời kháng chiến chống Pháp, nhưng quy mô nhỏ, tác dụng không lớn. Đến giai đoạn chống Mỹ, quy mô phát triển rộng khắp trên địa bàn Củ Chi giai đoạn 1961-1965 và tập trung ở 6 xã phía Bắc của Củ Chi. Với hệ thống liên hoàn bao gồm địa đạo, hầm, hào... quy mô rộng lớn, Địa đạo đã góp phần bảo đảm cho quân, nhân dân Củ Chi và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn bám trụ, sản xuất, chiến đấu, hoạt động trong điều kiện vô cùng gian khổ, ác liệt. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được sự quan tâm lãnh đạo của Thành ủy và UBND TP.HCM, sự chỉ đạo của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh thành phố, cùng các cơ quan ban ngành hữu quan, hệ thống Địa đạo Củ Chi từng bước được quy hoạch, tôn tạo và bảo tồn. Trong đó, khu tưởng niệm đền Bến Dược được xây dựng trang trọng uy nghi, để tưởng nhớ công lao các chiến sĩ anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và đất nước. Hệ thống địa đạo cùng với quần thể di tích ở Củ Chi đã trở thành điểm du lịch tâm linh và điểm du lịch về nguồn để tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong cả nước. Đây là điểm đến thu hút khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu về cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đến nay, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi không chỉ có giá trị tiêu biểu về di tích lịch sử văn hóa, mà còn là tài nguyên du lịch, điểm về nguồn, nơi hàm chứa các giá trị disản văn hóa thiêng liêng của dân tộc.

UBND thành phố đã giao cho các sở, ngành chức năng xây dựng hình ảnh Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước bằng nhiều giải pháp như: tạo nhiều sản phẩm du lịch mới, bảo đảm chất lượng và đa dạng; phát triển điểm đến khu di tích trên cả tuyến đường bộ và đường sông; tăng cường quảng bá, giới thiệu ý nghĩa lịch sử của bến Dược; khảo sát nhu cầu sử dụng xe buýt từ trung tâm thành phố đến khu di tích... Để giúp du khách có thể cảm nhận được sự ác liệt của cuộc chiến tranh, cùng sức chiến đấu kiên cường của đồng bào và chiến sĩ Củ Chi, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi đã đầu tư xây dựng lại Khu tái hiện vùng giải phóng sa bàn đánh bại trận càn Cedar Falls của quân đội Mỹ vào vùng “Tam giác sắt” năm 1967. Trận càn thể hiện trên sa bàn được đánh giá hiện đại nhất Việt Nam, với sự phối hợp âm thanh, ánh sáng cùng sự chuyển động cơ học của các mô hình và cách bố trí khói lửa hài hòa, tất cả đều đem lại những khoảnh khắc sống động như đang hòa mình vào trận chiến chống kẻ thù xâm lược.

Di tích Địa đạo Củ Chi - Ảnh: Vi Trần

Những năm qua, di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi đã được đưa vào Chương trình hành động quốc gia về du lịch của Chính phủ do Tổng cục Du lịch tổ chức thực hiện, luôn được vinh danh trong tốp các di tích lịch sử, văn hóa, nghệthuật tiêu biểu thuộc chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị”, và gần đây là được xác lập kỷ lục châu Á về địa đạo dài nhất (1). Hầu hết các công ty du lịch trong và ngoài nước đều tổ chức đưa khách đến với Củ Chi trong chương trình tham quan TP.HCM. Những dịch vụ ăn uống, tham quan, trải nghiệm… đã dần hình thành và hoàn thiện từng bước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách Việt Nam và quốc tế. Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp và đầu tư của nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy tốt giá trị di tích lịch sử mang tầm quốc gia.

Bên cạnh những mặt làm được, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích hiện nay còn gặp một số hạn chế: đối với các di tích địa đạo ở nước ta do hoàn toàn nằm trong lòng đất nên dễ bị hư hỏng. Qua khảo sát tìm hiểu ở khu địa đạo bến Dược Củ Chi, chúng tôi nhận thấy di tích thường bị hư hỏng do khí hậu ẩm ướt, mưa nhiều và lượng mưa lớn nên dễ gây sụt lở. Ngoài ra, địa đạo còn bị ảnh hưởng do rễ cây mặt đất ăn lan vào địa đạo và do các loại mối phá hoại. Ban quản lý chọn giải pháp gia cố bằng xi măng và bê tông, nhằm bảo đảm an toàn cho khách tham quan. Để khắc phục những hạn chế trên, làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích một cách có hiệu quả cần thực hiện mộtsố vấn đề:

Thứ nhất, xác định mục tiêu quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phục dựng

TP.HCM đã giao trọng trách quản lý Khu di tích Địa Đạo Củ Chi cho Bộ Tư lệnh Thành phố quản lý. Bộ Tư lệnh Thành phố có tầm nhìn bao quát về di tích Địa Đạo Củ Chi cũng như các di tích lịch sử quân sự cách mạng trên toàn thành phố, có điều kiện thuận lợi để thu thập thông tin, thu thập hiện vật, chứng cứ lịch sử, khai thác lợi thế của lực lượng vũ trang trong việc khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Khu di tích lịch sử quân sự Địa Đạo Củ Chi. Tuy nhiên, cần phối hợp chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà khoa học và nhà tư vấn để bảo tồn, phát huy di tích một cách hiệu quả nhất.

Thứ hai, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Giải pháp quan trọng nhất về nhân sự ở các di tích lịch sử quân sự là việc sử dụng hợp lý nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng đến tình nguyện viên. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ di tích. Cần tuyển dụng những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được đào tạo đúng ngành, đúng nghề, có phẩm chất đạo đức, có lòng yêu nghề, nhiệt tình với công việc. Chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích thông qua mở lớp tập huấn, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên về kiến thức lịch sử, văn hóa, ngoại ngữ, quân sự, lối ứng xử với du khách và cộng đồng.

Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn hợp pháp khác để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn phát huy giá trị di tích

Đây là việc cần tiến hành khoa học, lâu dài và cơ bản, vì ngân sách của nhà nước không đáp ứng được. Trong những năm qua, nhiều đơn vị quân đội và các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân đã tham gia vào việc tu bổ, bảo vệ các di tích lịch sử quân sự đạt hiệu quả. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng không chỉ tạo được nguồn lực tài chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực, huy động nguồn vốn trong xã hội để đầu tư kinh phí tu bổ, phục hồi di tích tại địa phương.

Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về di tích lịch sử quân sự Địa đạo Củ Chi

Cần tuyên truyền về Địa đạo Củ Chi như là một công trình khoa học quân sự mang tính kế thừa và có giá trị về nhiều mặt. Đặc biệt là nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân vô cùng phong phú, sáng tạo, phát triển đến đỉnh cao trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, đã tạo cho địa đạo một tầm vóc độc đáo không những đối với trong nước mà cả thế giới, thể hiện sự sáng tạo và ý chí rất cao của con người. Địa đạo Củ Chi là một kỳ quan văn hóa quân sự của nhân loại, những giá trị của di tích cần được tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng và du khách để họ có trách nhiệm tham gia hoạt động quản lý di tích.

Thứ năm, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện của Khu di tích Địa đạo Củ Chi

Trong thời đại ngày nay, sự tác động của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông tới mọi lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội ngày càng gia tăng, trong đó có lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Công nghệ số hóa, in 3D, kết nối mạng internet, robot chỉ đường, truyền hình thực tế, tổ chức sự kiện... đã và đang đi vào các lĩnh vực hoạt động khác nhau của Khu di tích Địa đạo Củ Chi. Việc ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào mọi lĩnh vực tổ chức, quản lý nhân sự, marketing thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế, duy tu và bảo dưỡng hiện vật, tư liệu hóa các hiện vật và bổ sung tư liệu, hiện vật mới, xây dựng, phục dựng nhiều sự kiện lịch sử, nghiên cứu, phỏng vấn, tư liệu hóa những nhân chứng lịch sử, xây dựng hồ sơ về khu di tích... đều cần có sự đóng góp của trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng. Việc sáng tạo và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện của Khu di tích Địa đạo Củ Chi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để lan tỏa các giá trị của khu di tích tới đời sống văn hóa cộng đồng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng địa phương, cộng đồng trong cả nước và bạn bè quốc tế tới tham gia tìm hiểu khu di tích (2).

Nhận thấy Địa đạo Củ Chi đáp ứng một số tiêu chí có giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và tính xác thực theo hướng dẫn thực hiện Công ước di sản thế giới UNESCO, UBND TP.HCM đã chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là di sản thế giới. Tuy nhiên, đây là công trình mang ý nghĩa quan trọng về quân sự, Bộ VHTTDL đã đề nghị TP.HCM xin ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng về chủ trương này. Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng, UBND TP.HCM sẽ chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện các bước tiếp theo. Việc đề xuất công nhận di sản văn hóa thế giới không chỉ nhằm giới thiệu tới bạn bè thế giới mà còn là cơ hội để người Việt Nam có dịp nhìn lại, trân trọng hơn đối với di tích này.

_______________

1. Nhiều tác giả, Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2017; Lâm Nhân, Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến ở Việt Nam trong phát triển du lịch, Nxb Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, 2017.

2. UBND TP.HCM: Công văn kiến nghị Bộ Quốc phòng có ý kiến thống nhất về chủ trương lập hồ sơ di tích lịch sử địa đạo Củ Chi để trình Tổ chức UNESCO ghi vào danh mục di sản thế giới, ngày 9-9-2020. 36 Số 467 Tháng 7-2021

Tài liệu tham khảo

1. Trương Quốc Bình, Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2014.

2. Vũ Thiên Bình, Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam, Nxb Lao động, 2017.

3. Bộ VHTTDL, Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững, Hà Nội, 2018.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

5. Nguyễn Thị Hằng, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh trong đời sống văn hóa cộng đồng hiện nay, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2020.

6. Nguyễn Quốc Hùng, Di tích cách mạng - Bằng chứng của sự thay đổi, Tạp chí Di sản văn hóa, 2012, tr.18.

7. Luật Di sản văn hóa số 10/ BHN- VPQH ngày 23-7-2013.

8. Nguyễn Đức Nguyên, Phát huy giá trị của các di tích cách mạng - kháng chiến trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2018.

9. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội phối hợp với Ủy ban UNESCO Việt Nam, Hội thảo khoa học 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long Hà Nội, 2020.

10. Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu Bảo tồn và Bảo quản các tài sản sản văn hóa (ICCROM), Hội thảo quốc tế về Bảo tồn - cơ hội và thách thức cho các giá trị di sản văn hóa, 2018

Tác giả: Ths Đỗ Linh Giang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021

;