Thừa Thiên Huế: Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa

Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, xác định rõ vị trí và vai trò quan trọng của văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua đã luôn quan tâm đến công tác xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của các tầng lớp nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nhà Văn hóa thôn Mong A, xã Vinh Thái, huyện Phú Vang 

Cụ thể, ngày 22/5/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 20/2013/QÐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch thiết chế văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 8140/UBND-GD ngày 31/10/2019 về việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh với mục tiêu xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với vị thế và xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước; xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa; kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn và phát triển, mang đậm bản sắc văn hóa Huế, đảm bảo các điều kiện để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.   

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa trên địa bàn tỉnh đang tồn tại những bất cập trong công tác xây dựng và tổ chức hoạt động. Để triển khai tốt việc xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa cơ sở, cần có sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo các cấp ở địa phương có thể coi đây là yếu tố đặc biệt quan trọng. Sự quan tâm ấy thể hiện qua việc quy hoạch quỹ đất xây dựng, đầu tư kinh phí, đào tạo nguồn nhân lực, các phương tiện, thiết bị chuyên ngành cùng với con người và tổ chức, hoạt động…

Về thực trạng tổ chức và hoạt động của hệ thống các Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa.

Hệ thống Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa cấp tỉnh hiện có 03 công trình: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao (được xây dựng năm 1977, có hội trường lớn với 1.000 chỗ ngồi); Trung tâm hoạt động Thanh Thiếu nhi tỉnh trực thuộc Tỉnh Đoàn (được xây dựng hoàn thành 2005, với nhà biểu diễn 2.500 chỗ ngồi); Nhà Văn hóa Lao động trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh (được đưa vào sử dụng 2011, có hội trường 500 chỗ ngồi). Ba công trình cấp tỉnh này có thể phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của tỉnh, khu vực và toàn quốc. 

Với chức năng nhiệm vụ của một thiết chế cấp tỉnh, các đơn vị có cơ cấu tổ chức bộ máy có chất lượng và rất ổn định. Lãnh đạo mỗi đơn vị gồm Ban Giám đốc và các phòng ban chuyên môn trực thuộc phụ trách các mảng hoạt động nghiệp vụ. Cán bộ lãnh đạo của các đơn vị có trình độ từ đại học trở lên với các chuyên ngành phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị.

Các đơn vị đã triển khai và thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, của ngành và tổ chức đoàn thể, đồng thời tạo ra nhiều hoạt động sôi nổi làm phong phú cho đời sống văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cán bộ, nhân dân, thanh thiếu nhi và người lao động trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện, thị xã và thành phố Huế. Đến nay, toàn tỉnh có 9 Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện, thị xã và thành phố Huế được thành lập, tuy nhiên vẫn còn 3 huyện, thị xã: Phú Vang, Phong Điền, Hương Trà chưa có Nhà văn hóa. Hầu hết các công trình được xây dựng đều có thời gian sử dụng khá lâu. Điển hình như công trình Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế xây dựng từ năm 1960, các công trình còn lại được xây dựng từ sau năm 1975 như công trình Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thị xã Hương Thủy, huyện A Lưới. Hội trường phục vụ các sự kiện chính trị văn hóa nghệ thuật có sức chứa từ 300 đến 1.000 chỗ ngồi.

Các phương tiện, thiết bị được đầu tư trang bị từ ngân sách địa phương và chương trình mục tiêu quốc gia, đáp được một số hoạt động tại chỗ về chính trị, văn hóa của địa phương.

Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ của các Trung tâm cấp huyện, thị xã và thành phố, hầu hết đều tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, nhiều năm công tác trong ngành. Một số cán bộ được đào tạo chuyên sâu phù hợp với hoạt động trên lĩnh vực văn hóa cơ sở. 

Các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan, liên hoan, hội thi, hội diễn, lễ hội văn hóa đã được các Trung tâm tổ chức thành công, hướng dẫn cơ sở tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, thành lập nhiều Câu lạc bộ (CLB) hoạt động có hiệu quả.

Sinh hoạt CLB Phòng, chống bạo lực gia đình ở NVH thôn 9, xã Thủy Phương, thị xã Hương Thủy

Hệ thống Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa cấp xã, thôn. Hiện nay, toàn tỉnh có 101 Nhà văn hóa cấp xã trên tổng số 145 xã, phường đạt tỷ lệ 69,6%; có 861 Nhà văn hóa thôn (bản, tổ dân phố), nhà sinh hoạt cộng đồng trên tổng số 1.132 làng (thôn, bản), tổ dân phố toàn tỉnh, đạt tỷ lệ 76% (số liệu tính đến 30/6/2020). Đây là những thiết chế đóng vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, đưa các chủ trương chính sách của Nhà nước đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu vùng xa. Hệ thống Nhà văn hóa đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của Đảng, Nhà nước; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ; phát triển CLB, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân; các hoạt động đang từng bước mở rộng, nội dung chương trình hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng và phù hợp với nhu cầu nhân dân.

Xác định được vai trò và tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa cấp xã, thôn, trong thời gian qua, chính quyền các cấp đã quan tâm đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, nhìn chung, hệ thống thiết chế Nhà văn hóa xã còn rất thiếu và cơ sở vật chất, trang thiết bị đang rất nghèo nàn. Hiện nay, theo ước tính có tới gần 75% số lượng Nhà văn hóa thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng đang hoạt động không có trang thiết bị âm thanh, nghe, nhìn cần thiết. Việc vận hành, quản lý và sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng ở nhiều địa phương chưa có quy chế rõ ràng; có nơi chưa khai thác và sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng gây lãng phí, xuống cấp công trình. 

Triển khai hoạt động du lịch cộng đồng tại NVH thôn A Hưa, xã Nhâm, huyện A Lưới

Về thuận lợi:

Các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế luôn quan tâm đến công tác xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở, công tác quy hoạch quỹ đất và đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa. Nhờ đó, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng… dần được bổ sung, cải thiện cả về số lượng, quy mô và chất lượng, đáp ứng nhu cầu tham gia hoạt động và hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân.

Người dân đã chủ động tích cực trong việc đóng góp vật chất, tinh thần để xây dựng, tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở. Các địa phương đã chủ động phát huy nguồn lực từ dân, góp phần vào việc tổ chức các hoạt động thiết thực tại thiết chế văn hóa cơ sở một cách đồng bộ hơn.   

Về khó khăn:

Một số Nhà văn hóa được xây dựng trước khi ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, hoặc sửa chữa từ nhà kho, nhà trẻ mẫu giáo nên quy mô nhỏ, thậm chí nhiều Nhà văn hóa dột nát, khuôn viên chật hẹp đang trong tình trạng xuống cấp nên số lượng Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đạt quy định của Bộ VHTTDL chưa cao. 

Tự thân các thiết chế văn hóa cơ sở ở một số địa phương chưa thể hiện rõ vai trò chủ động, chưa năng động tìm tòi đổi mới phương thức trong việc tổ chức, hướng dẫn hoạt động phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Có nơi không quan tâm duy trì hoạt động thường xuyên.

Đội ngũ cán bộ tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn bất cập về năng lực và chuyên môn nghiệp vụ, mới chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu công việc. Có nơi vẫn sử dụng cán bộ trái ngành, trái nghề chưa qua đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ dẫn đến việc thiếu kỹ năng trong công tác quản lý và tổ chức hoạt động. 

Việc xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ công tác tại hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở còn chậm, thiếu. Chế độ thù lao bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn còn thấp không đáp ứng với nhu cầu và xu hướng phát triển của nền kinh tế hiện nay.

Kinh phí tổ chức hoạt động còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu nội dung tổ chức hoạt động; công tác quản lý, tổ chức hoạt động còn nhiều bất cập, nặng cơ chế bao cấp, thiếu chủ động, sáng tạo.

Nguyên nhân hạn chế, khó khăn  

Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc quy hoạch xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; một số địa phương quan tâm đầu tư xây dựng nhưng quy mô, kiểu dáng, vị trí còn chưa đảm bảo; trang thiết bị thiếu thốn, xuống cấp không đủ điều kiện hoạt động. 

Công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, chưa có sự phân định rõ về cơ chế quản lý, sự phối hợp tổ chức hoạt động.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác  văn hóa cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, chưa có quy hoạch đào tạo cán bộ đủ năng lực làm việc với yêu cầu thực tế ở cơ sở.

Nội dung hoạt động còn chưa phong phú, có nơi chỉ quan tâm đến hoạt động trọng điểm, theo “kỳ”, “cuộc” mà chưa tổ chức hoạt động thường xuyên, chưa thể hiện vai trò chủ động trong tổ chức hướng dẫn hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trên địa bàn. 

Ban điều hành NVH thôn A Sách, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông

Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa.   

Để giải quyết vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn nói trên, cần phải có những giải pháp mạnh mẽ, tích cực và hiệu quả trong thời gian tới.

Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự quản lý điều hành kịp thời, chặt chẽ của UBND các cấp; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, đưa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa vào Nghị quyết của Đảng và kế hoạch nhà nước ở các cấp. Tuyên truyền làm chuyển biến về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các đoàn thể quần chúng, đặc biệt là ở cơ sở và các doanh nghiệp, người dân về vai trò, vị trí và sự cần thiết phải xây dựng các Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa hiện nay.   

Nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở và tổ chức hoạt động thiết thực, sát với nhu cầu của người dân nhằm phát huy mục tiêu, khai thác và sử dụng hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa để người dân coi thiết chế văn hóa là địa chỉ thân thuộc và gắn bó.

Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức các chương trình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đổi mới các nội dung phương thức hoạt động gắn với thực tiễn, nhu cầu đời sống xã hội, phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng, miền, các nhóm đối tượng và lứa tuổi; đặc biệt thu hút những người có năng khiếu nghệ thuật và có chuyên môn làm cộng tác viên trong các hoạt động của thiết chế văn hóa.

Sinh hoạt văn nghệ trước Nhà văn hóa thôn A Ka A Chi, xã A Roàng, huyện A Lưới

Cơ quan chuyên môn về văn hóa từ tỉnh đến cơ sở phải có trách nhiệm tham mưu cho cấp ủy và chính quyền các cấp những vấn đề liên quan đến xây dựng và tổ chức, hoạt động của hệ thống Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa như đề xuất về quy hoạch, vị trí xây dựng, thiết kế kiến trúc, mô hình tổ chức, cơ chế quản lý, nhân sự phụ trách và quy chế tổ chức, hoạt động…

Tăng cường đầu tư, hỗ trợ kinh phí kết hợp vận động xã hội hóa đóng góp nguồn lực để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất và trang thiết bị cho hoạt động Nhà văn hóa xã, thôn. Theo chủ trương xây dựng nông thôn mới, Nhà văn hóa xã phải được đầu tư đạt chuẩn để trở thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao của địa phương, vì vậy việc xây dựng phải có quy hoạch và huy động nguồn lực đảm bảo. Khi có công trình, việc đưa vào sử dụng phải có kế hoạch và học tập kinh nghiệm những nơi đã làm tốt để khai thác nhà văn hóa có hiệu quả. 

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn; sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội và sự huy động sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân; sự đầu tư về tài chính, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang bị phương tiện hoạt động.

Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, tổ chức tập huấn kỹ năng nghiệp vụ (mỗi năm 1-2 lần) cho cán bộ phụ trách Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.

Tăng cường vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia vào xây dựng và phát triển văn hóa cơ sở. Khuyến khích, hỗ trợ kinh phí và có chế độ thù lao cho các nghệ nhân để mở các lớp đào tạo, truyền dạy, hướng dẫn, sáng tạo các loại hình văn hóa, kiến thức khoa học kỹ thuật.

Thực hiện cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đối với các thiết chế văn hóa ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Đối với những vùng đặc biệt khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, Nhà nước đầu tư 100% ngân sách xây dựng Nhà văn hóa và trang thiết bị hoạt động cần thiết. Huy động, khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội đầu tư, đóng góp, ủng hộ xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng, xây dựng các thiết chế văn hóa.

Có chế độ phụ cấp và thù lao cho cán bộ phụ trách Nhà văn hóa cấp xã và các thôn, tổ dân phố; có chính sách khen thưởng xứng đáng đối với những tập thể, cá nhân, tổ chức có thành tích trong xây dựng đời sống văn hóa, đóng góp xây dựng các Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với cơ sở xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố… 

Cần có cơ chế quản lý, điều hành hoạt động một cách hiệu quả các Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa, tận dụng công trình làm nơi tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn; sử dụng Nhà văn hóa vào việc cho thuê để tổ chức các tiệc cưới, hỏi, liên hoan... nhằm thu phí hoạt động, duy tu bảo dưỡng công trình, tham khảo các mô hình Nhà văn hóa đã đi vào hoạt động có hiệu quả để vận hành, khai thác phát huy công năng. 

Thường xuyên tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, phổ biến những tấm gương của cá nhân và đơn vị, những điển hình tiên tiến, khắc phục những măt yếu kém trong các hoạt động và các phong trào liên quan đến công tác xây dựng, tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở.

UBND các cấp phải thật sự quan tâm chỉ đạo, phân bổ một nguồn ngân sách đảm bảo hoạt động ổn định hàng năm cho Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa. Có quy chế, nội dung hoạt động, điều khoản cụ thể về mục tiêu, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ sinh hoạt, cơ sở vật chất, đội ngũ cộng tác viên và mối quan hệ của các Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa.        

Đối với ngành cấp huyện, thị xã, thành phố, cấp tỉnh phải có sự kiểm tra, giám sát, theo dõi để chỉ đạo, đốc thúc địa phương trong việc tổ chức khai thác, sử dụng hệ thống các Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa ở cơ sở có hiệu quả.

Xây dựng và phát triển hệ thống Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa là một sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa phải tâm huyết, trách nhiệm và không ngừng sáng tạo, quyết tâm phấn đấu cùng với các ngành, các cấp và toàn xã hội thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng, phát triển và ngày càng hoàn thiện hệ thống Trung tâm Văn hóa, Nhà văn hóa, phục vụ tích cực cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... góp phần xây dựng tỉnh trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước.

Tác giả: Quang Cường

Nguồn: Tạp chí VHNT số 447, tháng 12-2020

 

;