Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã giữ vững thương hiệu của cơ quan nghiên cứu lý luận về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật

Nhân dịp Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật kỷ niệm 50 năm thành lập (1973-2023), TS Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTTDL đã trả lời phỏng vấn Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật về những kết quả đạt được cũng như định hướng của Tạp chí trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, năm nay Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) kỷ niệm 50 năm thành lập. Xin đồng chí đánh giá về những đóng góp của Tạp chí đối với sự nghiệp phát triển của ngành VHTTDL?

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Tạp chí VHNT là một trong những cơ quan ngôn luận của Bộ VHTTDL và đã có quá trình hình thành phát triển 50 năm. Trong quá trình đó, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Tạp chí VHNT luôn nỗ lực cố gắng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Bộ VHTTDL giao. Đồng thời, Tạp chí đã giữ vững được thương hiệu là một trong những cơ quan nghiên cứu lý luận về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và đồng hành trong công tác truyền thông với báo chí cả nước.

 Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng như định hướng, chỉ đạo của Bộ VHTTDL về việc xây dựng các cơ quan báo chí của Bộ theo hướng “chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”, Tạp chí đã triển khai trên cơ sở bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình trong đó tập trung vào mảng nghiên cứu lý luận văn hóa, nghệ thuật và gia đình; xây dựng nội dung, triển khai thực hiện theo các kỳ chuyên đề về văn hóa, nghệ thuật, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Cùng với việc cụ thể hóa quan điểm, chỉ đạo, định hướng của Bộ VHTTDL gắn với chủ đề công tác chuyên môn, Tạp chí đã tổ chức được nhiều diễn đàn, hội thảo chuyên đề gắn với các hoạt động lớn của Bộ, ngành. Trong đó, có các hội thảo liên quan đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp, các diễn đàn lý luận để tham vấn ý kiến các chuyên gia nhân dịp kỷ niệm 80 năm “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” và gần đây nhất Tạp chí đã tổ chức hội thảo theo định hướng của ngành VHTTDL với chủ đề “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - những vấn đề đặt ra từ thực tiễn”, qua đó cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII gắn với việc phát triển và chấn hưng văn hóa Việt Nam trong tình hình mới.

Bộ VHTTDL nhận định Tạp chí VHNT thực sự xứng đáng là một trong những đơn vị truyền thông tạo được niềm tin, sự tín nhiệm và hưởng ứng của các nhà khoa học, nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Với nhiều sáng tạo trong việc triển khai thực hiện công tác chuyên môn, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, viên chức, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, người lao động, trong suốt 50 năm trưởng thành, phát triển, Tạp chí đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng nhằm ghi nhận những đóng góp của tập thể lãnh đạo cũng như các thế hệ đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động.

Về phía Bộ VHTTDL, chúng tôi luôn tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào sự nỗ lực, cố gắng, sáng tạo, vượt lên mọi khó khăn của tập thể cán bộ, viên chức, những người làm báo của Tạp chí VHNT. Mong rằng, trong thời gian tới, Tạp chí VHNT tiếp tục nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để có nhiều đóng góp xứng đáng đối với sự nghiệp phát triển VHTTDL như định hướng, mong muốn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như của Lãnh đạo Bộ VHTTDL.

Phóng viên: Để phát huy thành tích đạt được, Tạp chí sẽ phải làm gì để tiếp tục hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Để phát huy thành tích đã đạt được trong suốt thời gian qua, đặc biệt là cụ thể hóa quan điểm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về công tác báo chí nói chung, về VHTTDL nói riêng và những chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ VHTTDL đối với công tác truyền thông của ngành, chúng tôi mong muốn Tạp chí VHNT luôn bám sát, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và đúng chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí, xứng đáng là một tạp chí dẫn đầu về công tác nghiên cứu lý luận về văn hóa, nghệ thuật trên cả nước cũng như của ngành VHTTDL.

Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, Bộ VHTTDL đã yêu cầu Tạp chí xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định nhiệm vụ tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn của Tạp chí, đồng thời tiếp tục thực hiện nhiệm vụ định hướng thông qua xây dựng các mảng nội dung chuyên đề về nghiên cứu lý luận văn hóa, nghệ thuật, xây dựng đời sống văn hóa, qua đó tập trung và huy động sự tham gia của các nhà nghiên cứu khoa học về VHNT hàng đầu của đất nước; là cơ quan truyền thông của Bộ VHTTDL, Tạp chí VHNT sẽ góp phần định hướng, dẫn dắt, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp góp phần chấn hưng văn hóa Việt Nam cũng như cụ thể hóa những nhiệm vụ mà Lãnh đạo Đảng, Nhà nước yêu cầu.

Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Tạp chí VHNT tuyên truyền các quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và định hướng trong: Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời gian tới.

Đặc biệt, Lãnh đạo Bộ VHTTDL mong muốn Tạp chí VHNT sẽ tiếp tục giữ vững đoàn kết nội bộ, phát huy truyền thống đoàn kết của toàn thể cán bộ, viên chức, phóng viên, biên tập viên, người lao động, phát huy năng lực, sức sáng tạo của mỗi cá nhân để đóng góp cho sự phát triển chung của Tạp chí, cũng như của Bộ, ngành VHTTDL trong những năm tiếp theo.

Phóng viên: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một trong những vấn đề đang được Bộ VHTTDL quan tâm thực hiện trong thời gian hiện nay. Vậy, Thứ trưởng có thể cho biết công tác nghiên cứu, lý luận cần phải đẩy mạnh như thế nào để góp phần vào việc thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển kinh tế đất nước?

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định tầm quan trọng trong việc đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào sự phát triển của đất nước. Bộ VHTTDL đang tham mưu cho Chính phủ sẽ ban hành Quyết định về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam từ nay đến năm 2030, trong đó sẽ cụ thể hóa những định hướng chung cũng như nhiệm vụ về từng lĩnh vực như: điện ảnh, công nghiệp sáng tạo, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, nâng cao di sản văn hóa Việt Nam trong phát triển văn hóa du lịch và các ngành công nghiệp văn hóa khác.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng đã giao cho Tạp chí VHNT bám sát các quan điểm chỉ đạo đó để cụ thể hóa trong việc xây dựng các chuyên mục trong các kỳ của Tạp chí, cụ thể là các bài viết học thuật chuyên sâu cả về lý luận, đến bài học và kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt, trong đó sẽ có các bài viết về những bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã có sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, các nước châu Âu…

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chụp ảnh lưu niệm với Tập thể cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, viên chức
Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (tháng 12-2021)

 Tôi tin tưởng rằng, Tạp chí VHNT với bề dày kinh nghiệm của mình sẽ là một trong những cầu nối, gắn kết sự tham gia của các cơ quan thông tấn báo chí cùng quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, Bộ VHTTDL tin tưởng Tạp chí sẽ thực hiện tốt vai trò là cơ quan nghiên cứu lý luận và thực tiễn, dẫn dắt đối với nhiệm vụ cụ thể này và sẽ tạo ra được diễn đàn đối với các cơ quan thông tấn báo chí về tuyên truyền vai trò, vị trí của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội. Qua đó, góp phần huy động được sự tham gia một cách toàn diện các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân vào sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Để làm được việc đó, chúng tôi cho rằng công tác nghiên cứu lý luận và tuyên truyền đóng vai trò hết sức quan trọng và chúng tôi đặt kỳ vọng vào nỗ lực của Tạp chí VHNT trong thời gian tới.

Phóng viên: Là cơ chủ quản, Bộ VHTTDL sẽ quan tâm và tạo điều kiện như thế nào để Tạp chí VHNT ngày càng phát triển và hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ Bộ giao phó, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Chúng tôi xác định, Tạp chí VHNT giữ vai trò quan trọng trong định hướng phát triển công tác VHTTDL, vì vậy Lãnh đạo Bộ VHTTDL hết sức quan tâm đến công tác thông tin, tuyên truyền nói chung, trong đó có quan tâm đến Tạp chí VHNT. Hiện nay, Lãnh đạo Bộ VHTTDL đang chỉ đạo quyết liệt trong việc xây dựng các cơ quan truyền thông của Bộ theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Chúng tôi đã có định hướng phát triển Tạp chí VHNT trong việc nâng cao hoạt động nghiệp vụ, công tác chuyên môn, đồng thời cũng quan tâm đến việc bố trí cơ sở vật chất cho Tạp chí. Hiện nay, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các cơ quan liên quan trong việc khẩn trương hoàn thiện cơ sở vật chất để Tạp chí có cơ sở làm việc ổn định, đáp ứng được yêu cầu công tác chuyên môn.

Bên cạnh đó, chúng tôi đang chỉ đạo Tạp chí trong việc tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, trong đó yêu cầu không chỉ nâng cao chất lượng chuyên môn về nghề nghiệp mà còn phải học hỏi, nâng cao thêm các kỹ năng khác như: ứng dụng công nghệ hiện đại trong thực hiện chuyên môn, tăng cường hơn nữa khả năng phối hợp, kết nối với các cơ quan thông tấn báo chí nói chung, đặc biệt là kết nối với các cơ quan nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật trên cả nước để có thể huy động được sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu đồng hành về văn hóa nghệ thuật nhằm nâng cao chất lượng nội dung của Tạp chí.

Điều quan trọng nữa là chúng tôi đang có chỉ đạo các cơ quan liên quan trong việc tăng thêm nguồn lực nói chung cho Tạp chí VHNT, từ trang thiết bị làm việc đến có cơ chế chính sách động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động Tạp chí để họ có thể yên tâm, gắn bó lâu dài với Tạp chí, đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao

 Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

 

NGỌC BÍCH thực hiện

Ảnh: TUẤN MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023

;