Vào các ngày từ 2 đến 4/8 vừa qua, diễn ra vở diễn Đối diện với vô cùng tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, Rạp Hồng Hà (51A Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là sự sáng tạo độc đáo của các nghệ sĩ trẻ khi đã kết hợp Tuồng với Vinahouse.
Trang phục trong Tuồng cổ được lồng ghép khéo léo trong vở diễn
Làm mới diễn ngôn về tuồng sao cho hấp dẫn
Đối diện với vô cùng là dự án hợp tác giữa Lên Ngàn với Nhà hát Tuồng Việt Nam, biên đạo múa Tú Hoàng và XplusxStudio. Dự án này là sự nối dài thanh sắc vang vọng lâu đời của Tuồng. Bởi trước đó, Lên Ngàn đã thành công với Âm Thanh Sắc Màu (2019), Cõi Thinh Không (2020), Thanh Cảnh (2023),… Đáng chú ý là Vọng Âm, tiết mục mở màn cho chương trình Khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.
Trở lại trong năm 2024, Lên Ngàn làm mới chất liệu Tuồng, và đưa vào vở diễn này có sự kết hợp với nhạc Vinahouse. Vở diễn gồm 3 chương lần lượt là Nối kiếp điêu linh; Chẳng còn gì phía sau; Muôn thuở chiêm bao. Làm mới các loại hình nghệ thuật dân gian có lẽ không còn là điều mới lạ nữa. Song, việc Tuồng được kết hợp với Vinahouse lại gây được tiếng vang lớn với khán giả Thủ đô. Vốn dĩ, Tuồng là nghệ thuật truyền thống gắn với yếu tố cung đình, đề cao tính bác học, hàn lâm. Sẽ không ngoa khi đánh giá đây là một trong những loại hình đỉnh cao của sân khấu nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Còn Vinahouse là nhạc sàn, thuộc dòng nhạc House do người Việt tạo ra. Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh - người sáng lập Lên Ngàn nhận thấy, Vinahouse thuộc về văn hóa đại chúng, tất cả những người nghe đều có thể hòa mình theo điệu nhạc bằng vũ đạo được sáng tác có thể là tức thời, theo cảm hứng cá nhân. Bởi loại nhạc này chưa được nâng lên thành trình thức biểu diễn.
Từng chuyển động trên sân khấu là sự nghiên cứu kỹ lưỡng của biên đạo múa Tú Hoàng
Ý tưởng kết hợp với dòng nhạc hiện đại có lẽ đến từ việc biên đạo múa Tú Hoàng xem được các video mọi người nhảy say sưa trên nền nhạc Vinahouse trong các đám cưới trên mạng xã hội. Tú Hoàng cảm thấy rất lôi cuốn trước năng lượng từ tập thể tạo ra trong từng động tác nhảy. So với nhiều điệu nhạc khác, việc mọi người nhảy theo nhạc Vinahouse thường là dựa vào cảm hứng, mà chưa có động tác quy chuẩn nào. Hiện lên trong suy nghĩ của anh, sẽ ra sao nếu kết hợp một dòng nhạc hiện đại, mang tính đại chúng cao như Vinahouse với Tuồng - loại hình nghệ thuật mang dáng vẻ xưa cũ, đôi khi khó tiếp cận khán giả đương thời.
Để có thể kết hợp Tuồng và Vinahouse, thử thách đầu tiên đặt ra cho các nghệ sĩ là phải tìm ra điểm giao thoa giữa 2 loại hình nghệ thuật này. Qua phát hiện của Nguyễn Quốc Hoàng Anh, cả 2 loại hình nghệ thuật này đều đạt đến sự xuất thần. Nghệ sĩ khi thả mình vào vai diễn trong vở tuồng, họ như bước vào hành trình tìm về thân phận con người thông qua những vai diễn phản ánh mối quan hệ vua tôi, quân thần, nghĩa khí huynh đệ,… Còn khi nhảy múa trong điệu nhạc Vinahouse, người ta dường như xóa nhòa khoảng cách xa lạ để cùng hòa chung vào giai điệu, đó cũng là sự xuất thần.
Chìm đắm trong không gian của hình và thanh
Lên Ngàn lựa chọn hình thức sân khấu đương đại thể nghiệm, một chất liệu “đo ni đóng giày” cho quá trình thực hành nghệ thuật thong dong, điềm tĩnh vốn có của các nghệ sĩ. Xuyên suốt tác phẩm, các chi tiết mang chất liệu cổ truyền đan xen với các yếu tố xã hội mang tính đại chúng. Chúng đóng vai trò như phép ẩn dụ ý nhị về xung đột trong những bước chuyển giao của xã hội. Từng phép ẩn dụ đan xen trong các lớp lang của vở diễn như thể bóc tách những lễ nghi cổ truyền, tập quán xưa cũ, quy tắc trong xã hội tồn tại trong xã hội giữa người với người.
Giai điệu Vinahouse được kết hợp với thanh âm của Tuồng khiến cho khán giả chìm đắm vào không gian nghệ thuật
Thách thức tiếp theo với nhóm nghệ sĩ là làm sao để truyền tải những ý tưởng trừu tượng dưới hình thức biểu diễn trên sân khấu múa đương đại. Nguyễn Quốc Hoàng Anh cùng với Tú Hoàng, cố gắng kết hợp một số yếu tố từ nghi lễ thờ cúng truyền thống của người Việt, các động tác nhân vật điển hình trong Tuồng cổ và một số biểu tượng nhất định từ triết học phương Đông, để đưa vào các điệu múa và hình ảnh trong tác phẩm. Cùng với đó, âm nhạc trong Đối diện với vô cùng do Nguyễn Quốc Hoàng Anh đảm đương, góp phần giúp vở diễn không chỉ mãn nhãn với hình ảnh, mà còn mãn nhĩ với âm thanh sống động. Sự sống động ấy được thổi bừng nên nhờ sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống, nhạc điện tử,… “Bằng cách kết hợp khéo léo các yếu tố nghệ thuật của thẩm mỹ phương Đông, dự án hy vọng có thể truyền tải tới khán giả các giá trị cuộc sống bàn địa và khám phá một góc nhìn hoàn toàn mới về “cảm giác sinh tồn”trong xã hội đương đại để trình bày đến khán giả”, Nguyễn Quốc Hoàng Anh chia sẻ.
“Từ sự kết hợp đó, nó tạo ra một trải nghiệm “vô cùng’ lắm”, theo chia sẻ của Nguyễn Quốc Hoàng Anh. “Vô cùng” theo Nguyễn Quốc Hoàng Anh là lời các bạn trẻ thường nói đùa với nhau khi gặp một điều gì khó mà chẳng thể lý giải được. Đó là những điều mà đôi khi ta không biết trước được nó là gì, nó xảy đến như thế nào. Nguyễn Quốc Hoàng Anh cùng nhóm nghệ sĩ táo bạo lựa chọn đối diện với nó. “Chúng tôi muốn nhìn vào điểm tận cùng - sự vô hạn của đời sống, đặt nó ra phía trước để đối diện với những khái niệm của truyền thống”.
Cũng chính từ đây, ý tưởng cho cái tên Đối diện với vô cùng được ra đời. Mà ở đó cùng tồn tại quá khứ và tương lai, những đại lượng không thể mường tượng và mang trong nó cả truyền thống và hiện tại. Con người đối diện với cả cái có và không, cả ký ức và những gì chưa đến. Các nhân vật đối diện với nhau và đối diện với bản thân mình trong mối tương quan với di sản bản địa và xã hội đương đại đa tầng biến động cùng lúc ở thế lưỡng nan - giữa bên trong và bên ngoài, phương Đông và phương Tây.
Nhân vật trong vở diễn, họ là ai?
Các nhân vật trên sân khấu Đối diện với vô cùng không chỉ như người tạo ra chuyển động vũ đạo, mà như một người thực hành văn hóa. Quá trình thực hành văn hóa ấy đưa người xem tìm về nguồn gốc bản lại diện của dân tộc. Về hình thức, đó là tìm cách trở lại mạch nguồn văn hóa tâm linh của dân tộc Việt, thể hiện qua vũ điệu tựa như những vũ công khắc trống đồng thời Hùng Vương hay tạc trên điêu khắc đình làng Bắc Bộ. Về góc độ nội dung, Đối diện với vô cùng tìm cách phục hồi lại việc nhảy múa không như một thực hành giải trí thẩm mỹ hiện đại, mà như một thao tác tâm linh. Trong tác phẩm điều này thể hiện bằng cách phân chia tuyến nội dung, nhân vật theo quan niệm 4 phương theo nền vuông (mặt đất) của người Việt cổ. Mỗi nhân vật Đông - Tây - Nam - Bắc đại diện cho các thái cực: hy vọng, cô đơn, khoái lạc, hạnh phúc, khổ đau. Và cuối cùng là cái chết. Nghiên cứu và phát triển vũ đạo của nghệ thuật Tuồng để kiến tạo nên ngôn ngữ chuyển động đương đại mới, vừa có giá trị về mặt hình tượng (nhân vật Tuồng) vừa có giá trị về mặt di sản. Ở góc độ hình tượng, dự án tìm cách phục hồi vai trò người nghệ sĩ trong tổng hòa vị trí tác phẩm (biên đạo múa, vũ công, nhạc sĩ, đạo diễn...), không như người thợ, rồi tới kẻ sáng tạo (theo truyền thống phương Tây), mà như một thầy pháp (theo góc nhìn tâm linh), hay một hiền giả (theo góc nhìn văn hóa Việt).
Nhiều nhân vật xuất hiện trên sân khấu là vậy, tuy nhiên tác phẩm lại xoay quanh một nhân vật chính, không mang danh xưng gì, mà là “cái tôi”. “Cái tôi” ấy đã trải qua sự do dự, bất lực, đau đớn và sợ hãi trước cái chết. Đến cuối cùng, “cái tôi” lựa chọn đối diện với sự hữu hạn của đời sống, vượt ra ngoài mục đích vật chất, để tìm ra giá trị mới cho sự tồn tại.
Đối diện với vô cùng đã thể hiện mạnh mẽ cách các nghệ sĩ trẻ Việt Nam có thể dung hoà những kỹ thuật và ngôn ngữ chuyển động mang tính biểu tượng của phương Tây, và đem đến cho nó một nét văn hóa mới - một thẩm mỹ khác về Việt Nam hiện đại. Đó là một sự tái hiện thú vị dựa trên các khái niệm của con người đương đại về vòng đời và sự tái sinh cũng như sự thống nhất không thể chia cắt giữa con người và cảm giác quê hương.
NGỌC DIỆP - Ảnh: TUẤN ĐÀO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 580, tháng 8-2024