Tiếng Hoa, tiếng Hán, tiếng Trung...

Một nữ đồng nghiệp đã trao đổi với tôi: “Anh ạ, có mấy sinh viên mới của tôi đang muốn học tiếng Trung, vì các em kháo nhau sinh viên biết ngoại ngữ này rất “đắt khách” ở ta. Khi tôi nói, tiếng Hán là ngôn ngữ khó học, khó viết thì các em giãy nảy: “Không, em học tiếng Trung Quốc chứ có học tiếng Hán đâu?”. Hình như họ cho rằng tiếng Hán khác tiếng Trung, học tiếng Trung thì “mốt” chứ học tiếng Hán dễ bị coi là “ông đồ, bà đồ”… Anh hiểu thế nào?”.

Câu hỏi của chị làm tôi giật mình và phải suy nghĩ khá lâu để hình dung ra đầy đủ vấn đề. Bởi tiếng Việt hiện nay đang tồn tại khá nhiều cách nói: tiếng Trung/ tiếng Trung Quốc, tiếng Hoa, tiếng Tàu. Các khái niệm này hoàn toàn đồng nhất để chỉ một khái niệm “đồng sở chỉ” đó là tiếng Hán. Tiếng Hán là ngôn ngữ của dân tộc Hán ở Trung Quốc, thuộc hệ Hán - Tạng, đang có số lượng người sử dụng đứng vào hàng bậc nhất trên thế giới (1.446.994.690 người, tính đến tháng 2-2022). Văn tự ghi tiếng Hán là chữ Hán (ta còn gọi là chữ Nho - chữ của các nhà Nho, phân biệt với chữ Nôm) là một văn tự biểu ý. Mỗi ký hiệu tượng hình (chữ) dùng để ghi một từ hay một hình vị. Tiếng Hán trước đây có tới 50 ngàn đơn vị ký hiệu và để học tinh thông hệ chữ này phải mất rất nhiều thời gian.

Tiếng Tàu chỉ là lối nói khẩu ngữ (Tiếng Tây em thuộc đã làu/ Lại đây anh dạy mấy câu tiếng Tàu - ca dao). Nó thường dùng để nói một cách dân dã, cho vui: hàng Tàu, đồ Tàu, Ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật, ở nhà Tây (tục ngữ)… Còn tiếng Hoa là cách dùng khi nói ngôn ngữ của cộng đồng Hoa kiều ở một số nơi (ở khu Chợ Lớn - TP.HCM, Singapore… chẳng hạn). Đây là một biến thể của tiếng Hán khi có sự chia tách và hòa nhập của những người từ Trung Quốc đến một quốc gia khác, gọi chung là cộng đồng người Hoa.

Nhưng gần đây, từ tiếng Trung, chữ Trung Quốc đang được sử dụng phổ biến trong giao tiếp tiếng Việt. Các biển quảng cáo “Dạy tiếng Trung Quốc cấp tốc”, “Dạy tiếng Trung theo yêu cầu”, “Sách học tiếng Trung”… xuất hiện khắp nơi. Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội có Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc; Trường Đại học Hà Nội có Khoa Tiếng Trung Quốc; Đại học Ngoại thương, Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, Học viện Ngoại giao, Học viện Khoa học Quân sự… đều mở Khoa Tiếng Trung với lượng sinh viên khá đông. Không có trường nào sử dụng tổ hợp “chữ Hán” đi kèm cả. Điều này dễ làm cho nhiều người hiểu là, tiếng Trung Quốc khác tiếng Hán, hoặc tiếng Trung là tiếng Hán thời kỳ hiện đại đã có sự thay đổi và khác biệt nhiều so với trước.

Đúng là tiếng Hán hiện đại đã có sự cách tân, thay đổi. Nhưng điều này chỉ diễn ra trên phương diện chữ viết. Người Trung Quốc gần đây đã dùng chữ giản thể (chỉ dùng khoảng 4-7 nghìn ký hiệu) thay chữ phồn thể (dùng tới 50 ngàn ký hiệu) để đơn giản hóa cách viết (chữ phồn thể phải viết rất nhiều nét) nhằm giúp cho người đọc tiếp cận nhanh hơn với việc học chữ, từ đó mà dành thời gian cho việc học tri thức. Dù thay đổi tự dạng, nhưng bản chất tiếng Hán vẫn thế. Dù là tiếng Hán hiện đại đến mấy thì vẫn cứ là tiếng Hán của dân tộc Hán. Do vậy, các nhà khoa học Việt Nam thường chỉ sử dụng thuật ngữ tiếng Hán (Chinese Language), chữ Hán (Chinese Script) chứ không thêm một biến thể nào (1).

Dĩ nhiên, chúng ta cũng không cứng nhắc tới mức khăng khăng loại bỏ các cách nói khác. Sở dĩ, người Việt hiện nay dùng tiếng Trung/ tiếng Trung Quốc là nhằm nói tới “ngôn ngữ đang được đa số người Trung Quốc sử dụng”. Nó gắn liền với văn tự và văn hóa. Ta nói học Trung văn với ý “học tiếng Hán và văn học Trung Quốc thể hiện (chủ yếu) qua chữ Hán”. Học văn hóa Trung Quốc cũng nhằm mục đích “học chữ Hán và văn hóa Trung Quốc mà cốt lõi là văn hóa Hán”. Nói chữ Hán, tiếng Hán thì nội hàm sẽ hẹp hơn, không khả dụng bằng tiếng Trung, chữ Trung Quốc (dễ gần với bối cảnh giao tiếp hiện nay). Tuy nhiên, khi chỉ đích danh ngôn ngữ của dân tộc Hán, chúng ta phải dùng tiếng Hán/chữ Hán. Do đó, tôi lấy làm lạ là các cuốn từ điển song ngữ của ta gần đây nhất loạt thay “Từ điển Hán - Việt”, “Từ điển Việt - Hán” thành “Từ điển Trung - Việt”, “Từ điển Việt - Trung (Quốc)”…

__________________

1. Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 1, tập 4, Nxb Từ điển Bách khoa, 1995, 2005.

TS PHẠM VĂN TÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022

;