Thế giới nhân vật trong một số sử thi dân tộc Raglai

Nhân vật sử thi (akhàt jucar) của người Raglai qua một số tác phẩm đã được xuất bản - Ảnh: baodaknong.vn

Nhận định chung về nhân vật sử thi, M. Bakhtin cho rằng đó là con người của “quá khứ tuyệt đối và hiện tượng xa cách. Là con người như thế, nó hoàn tất và hoàn chỉnh toàn bộ”, “chúng tạo ra vẻ đẹp vô song, tính thuần toàn, trong sáng như pha lê và tính hoàn chỉnh nghệ thuật” (1).

Thiết nghĩ, điều đó cũng hoàn toàn đúng với nhân vật sử thi akhàt jucar của tộc người Raglai, một tộc người, mà nói như nhà nghiên cứu văn hóa Raglai Nguyễn Hải Liên, phát triển chậm hơn so với những tộc người khác cùng ngữ hệ trong khu vực Tây Nguyên. Tìm hiểu các nhân vật sử thi (akhàt jucar) của người Raglai qua 5 tác phẩm đã được xuất bản: Udai - Ujàc, Chàng Amã Chisa, Amã Cuvau Vongcơi, Sa Ea Awơi Nãi Tilơr, ta nhận thấy chúng vừa mang những đặc điểm chung, có tính phổ quát của sử thi nhân loại, vừa mang những đặc điểm riêng độc đáo, phản ánh lịch sử, văn hóa tộc người.

Nhân vật con người

Kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học đã chỉ ra rằng dân tộc Raglai có nguồn gốc đa đảo thiên di đến vùng rừng núi phía Nam của dãy Trường Sơn, Việt Nam. Thời gian chưa đủ dài để xóa nhòa đi những ký ức về nguồn cội trong họ. Có lẽ vì vậy mà qua cản thức nghệ thuật của người Raglai, đa số nhân vật trong các thiên sử thi của họ, đặc biệt là nhân vật trung tâm, là những người bị họ hàng ghẻ lạnh, chối bỏ hoặc bị mồ côi từ bé, lớn lên nhờ sự cưu mang nuôi dưỡng của dòng tộc, của cộng đồng.

Anh em Amã Cuvau Vongcơi và Awơi Cunãi Pu Via trong sử thi Amã Cuvau Vongcơi bị ông bà ngoại (nội đối với người Raglai) ruột Mỏq Sươn Pitoi Cơi Sươn Pinăng của mình đuổi ra khỏi nhà khi mẹ còn thai nghén (2) . Trong sử thi Udai - Ujàc, ở kiếp trước, Udai và em gái Tiluiq là hai đứa trẻ mồ côi. Khi bị Người cọp - Hổ tinh bắt mất em gái, chàng đã đơn độc chiến đấu để cứu em ra bờ sông to biển lớn. Sau khi cứu sống em và tắm rửa để xóa sạch mọi ám ảnh của nhà Người Cọp, Udai nhận ra rằng “không có mẹ tại ngực, không có cha trước mặt” và “đâu còn nhà mà về”. Ở kiếp sau, anh em Amã Ujàc và Nãi Tahla (hóa thân của Udai và Tiluiq) lại bị vứt bỏ, từ chối khi còn là bào thai trong bụng mẹ (3). Người anh hùng Amã Chisa, nàng Awơi Nãi Tilơr xinh đẹp, dũng cảm và tài giỏi trong các tác phẩm sử thi cùng tên cũng đều xuất thân là những đứa trẻ mồ côi được họ hàng nuôi nấng.

Sử thi là lịch sử - văn hóa của cộng đồng được tái hiện thông qua những câu chuyện về các nhân vật là những anh hùng của bộ tộc. Hay nói cách khác, cuộc đời của các nhân vật này là sự khúc xạ lịch sử - văn hóa của toàn thể cộng đồng. Có lẽ vì vậy mà tên của các sử thi Raglai (Amã Cuvau Vongcơi, Amã Chisa, Sa Ea, Awơi Nãi Tilơr, Udai - Ujàc) đều trang trọng mang tên của các anh hùng - nhân vật chính. Ngay cả sử thi Udai - Ujàc, thực ra chỉ là tác phẩm ngợi ca những chiến công của một con người thuộc cộng đồng Raglai đã anh dũng chiến đấu cứu em gái, trả thù cho mẹ, chống lại các thế lực thù địch, bảo vệ và dựng xây buôn làng. Thế nhưng con người ấy lại sống trong hai kiếp với hai cái tên Udai và Ujàc nên cả hai cái tên ấy vẫn được đặt song hành thành nhan đề tác phẩm.

Việc tên gọi của các sử thi cũng là tên các nhân vật chính là hiện tượng mang tính phổ biến. Điều này không chỉ có ở riêng sử thi Raglai mà thể hiện ở hầu hết các sử thi nhiều dân tộc khác. Sử thi Odyssey của Hy Lạp là bài ca về người anh hùng Odysseus - đại diện cho khát vọng khám phá, mở rộng địa bàn giao lưu văn hóa; tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp của người Hy Lạp cổ đại: tình yêu quê hương, tình yêu gia đình, lòng chung thủy, đức tính hiếu thảo… trên hành trình về lại quê hương sau mười năm tham gia cuộc chiến đầy tàn khốc ở thành Troy. Sử thi Ramayana ngợi ca chiến công và đề cao trách nhiệm, đạo đức của hoàng tử Rama, một biểu tượng đẹp đẽ của người Ấn Độ cổ đại. Sử thi Đăm Săn là khúc hùng ca của đại ngàn Trường Sơn về người tù trưởng Đăm Săn, đại diện cho cộng đồng người Ê Đê, với những chiến công giành lại vợ, mở rộng địa bàn cư trú…

Tiêu chí để đánh giá, ngợi ca người anh hùng sử thi là sự gan dạ, dũng cảm và những chiến công mà người ấy đạt được trong những cuộc giao tranh. Trong chiến tranh, ai giết được nhiều đối thủ, người ấy được gọi là anh hùng. Khái niệm chính nghĩa hay phi nghĩa hầu như chưa được đề cập đến. Điều đó có vẻ phù hợp với một số sử thi trên thế giới như sử thi Iliad của Hy Lạp chẳng hạn. Tuy nhiên, mỗi dân tộc lại có một nền lịch sử, văn hóa với những đặc điểm riêng mà sử thi là tấm gương phản chiếu sáng rõ. Vậy nên, nếu vận dụng quan điểm về tiêu chí trên vào việc đánh giá phẩm chất anh hùng của các nhân vật trung tâm trong sử thi Raglai thì e có điều khiên cưỡng. Trong sử thi Raglai nói riêng, việc các anh hùng, nhân vật trong sử thi Raglai tham gia vào những cuộc chiến tranh khốc liệt, đẫm máu là để chống lại các thế lực bạo tàn. Thế nên, sự tái hiện cảnh chiến tranh của sử thi Raglai có ý nghĩa ngợi ca lịch sử oanh liệt, truyền thống văn hóa, thể hiện ước mơ cuộc sống thanh bình. Những dũng sĩ “đầu gươm” lập được những chiến công hiển hách trong các cuộc chiến đấu thực sự là những người anh hùng được ca ngợi bởi lẽ họ đã chiến đấu vì danh dự, quyền sống và lẽ công bằng.

Chàng Amã Chisa trong sử thi Raglai Amã Chisa thuộc nòi rắn, mồ côi cha mẹ từ bé, được hai người cậu thuộc dòng dõi chim quạ và đại bàng nuôi dưỡng và truyền cho phép thuật. Đến tuổi trưởng thành, cũng như bao chàng trai Raglai khác, chàng kết hôn, sinh con và sống hạnh phúc cùng gia đình. Cuộc sống đang yên lành bỗng dưng bọn giặc Cur, Jawa đến gây sự. Hai người con gái của Amã Chisa là Nãi Chhia và Nãi Hara đang làm vợ hai chàng Amã Pahia, Amã Anga. Chúa Cur, Jawa ngang nhiên sai hai người con gái của mình là Pu mữh và Pu Via sang thay thế. Thương thuyết không thành, để bảo vệ danh dự, bảo vệ hạnh phúc của gia đình và buôn làng, Amã Chisa cùng vợ và những anh em, con cháu dũng sĩ Raglai đã hiên ngang bước vào cuộc chiến. Đi vào cuộc chiến, ngôn ngữ của Chisa thật điềm tĩnh, kiên quyết; hình dáng của chàng duyên dáng, xinh đẹp. Có cảm giác người anh hùng ấy đang đi dự một lễ hội nào đó của buôn làng chứ không phải đang sắp sửa đương đầu với một trận chiến đẫm máu: “Chúng ta đây/ Mình đi bằng ngựa quân, đi bằng ngựa bay, đi bằng tê giác thần/ Chủ đang đi áo bay bay/ Vải bay bay/ Đi với khăn chiếc bay bay về sau” (4).

Trong suốt hai cuộc chiến tranh, chống lại giặc Cur, Jawa và liên minh của chúng là quân của Vua thần Lửa Tumuh, vợ chồng Amã Chisa cùng với những chàng trai Raglai gan dạ, dũng cảm đã chém chết rất nhiều quân giặc: “Chém như sấm sét đùng đùng/ Đánh lôi đánh kéo tiệt diệt tận gốc/ Chém như đâm xuyên đám chuối trồng/ Dọn cỏ, dọn dẹp cho sạch” (5).

Nói đến nhân vật anh hùng trong sử thi, hình ảnh quen thuộc là những nam anh hùng trong những cuộc giao tranh giành lại vợ, cứu người đẹp, bảo vệ danh dự, quyền lợi của bản thân và cộng đồng. Trong cuộc chiến thành Troy ở sử thi Iliad, có sự tham gia của các nam anh hùng là Achilles, Hector, Patroclus… Trong sử thi của dân tộc Ê Đê, chàng Đam Săn chiến đấu tay đôi với M’tao M’xây, M’tao Grư để cứu vợ, để bảo vệ danh dự của một tù trưởng và để mở rộng buôn làng. Còn trong sử thi Raglai, để đạt được thành quả trong đấu tranh chế ngự thiên nhiên; để chiến thắng trong chiến tranh bảo vệ danh dự, bảo vệ buôn làng, người “đi đầu gươm” không những là các chàng trai anh dũng như Amã Cuvau Vongcơi, Amã Chisa, Sa Ea, Udai - Ujàc… mà còn có cả những cô gái anh hùng như Awơi Cunãi Puvia, Away Tulơr, Nãi Tahla… Một trong những nữ anh hùng của dân tộc Raglai, mà tài năng, đức độ không hề thua kém các đấng nam nhi là nàng Awơi Nãi Tilơr. Nàng đã làm nên những chiến công hiển hách, tìm được “trầm hương to bằng đùi, ngà voi cao bằng đầu người” để cống nạp theo lệnh của thần Biển khơi Putau Tuwaq và chúa thần mẫu Via Valìaq sau khi các chàng dũng sĩ Amã Dưh, Tumữh, Chi Granưh, Chi Gaval… trở về tay không. Cũng chính nàng đã rút gươm thách chém hai người con gái của thần Biển vì đã dám có những lời nói xấc xược. Trong những cuộc chiến kinh hoàng, long trời lở đất với 17 đầu vua chúa và các thần ác, cũng chính Awơi Nãi Tilơr là dũng sĩ đầu gươm. Tên nàng cũng chính là tên của pho sử thi đồ sộ của người Raglai mà dung lượng không hề thua kém những pho sử thi nổi tiếng của thế giới.

Khi khắc họa nhân vật, sử thi Raglai không chỉ ngợi ca sự bình tĩnh, gan dạ, dũng mãnh, tài ba mà còn đề cao trí tuệ, sự mẫn tiệp, thông minh ở họ. Trong sử thi Udai - Ujàc, bị Người cọp - Hổ tinh bắt mất em gái, Udai vô cùng tức giận, một mình chàng quyết tâm đi cứu em. Chàng giả vờ đến hỏi cưới con gái của Người cọp - Hổ tinh là nàng Chi Capa Via Rawơi và sau đó lập mưu làm cho cả nhà Người cọp - Hổ tinh ngủ say như chết để cứu em gái. Chàng đưa xác em gái ra sông to biển lớn, niệm chú, hồi sinh cho nàng. Ở sử thi Sa Ea, để vừa cứu được nàng Anãi Ublala, vừa diệt trừ rắn ác khổng lồ năm hồng mao lại vừa giữ được yên bình xứ sở, chàng Sa Ea, với tài năng và trí tuệ của mình, đã đến làm khách nhà ông Masih bà Bala. Tại đây, chàng đã tìm hiểu cặn kẽ công việc “tát nước, vớt rác” của họ. Vin cớ rằng sắp xảy ra chuyện trời sập đất đổ, sắp chết hết con người ở cõi đất bằng, Sa Ea dò hỏi và mượn của ông Masih bà Bala bốn cây cột sắt chống trời để tiêu diệt rắn ác.

Anh hùng mà giản dị, tài năng, dũng cảm mà rất đỗi khiêm nhường cũng là tính cách đáng ca ngợi của các hình tượng nhân vật sử thi, hiện thân của người Raglai cổ đại. Ở sử thi Amã Cuvau Vongcơi, sau những thắng lợi huy hoàng trong cuộc chiến với giặc Cur, Jawa và quân viện trợ của vua Chăm, trở về với cuộc sống đời thường, người anh hùng Raglai lại vô cùng bình dị. Chàng nói với cha mẹ: “Cha mẹ đừng có lo buồn gì cho tôi cả đâu/ Tôi chỉ là con, là chàng trâu thôi/ Tôi ở dưới đất thôi/ Tôi ở dưới đất đai làm cúng bái tẩy rửa nhang cũng được” (6).

Trong sử thi Amã Chisa, chúa Cur, Jawa ngang ngược đưa hai người con gái của mình là Pu mữh và Pu Via sang thay thế hai người con gái của Amã Chisa là Nãi Chhia và Nãi Haralàm để làm vợ hai chàng Amã Pahia, Amã Anga. Điều này hoàn toàn trái ngược với phong tục, đạo đức của cộng đồng Raglai: “Bị nước cuốn củi đổ, bể sập cái nhà/ Tan tành cỗ rượu bàn đan, tan tành khay bản có chân…/ Chết tai họa thành kiếp hổ báo/ Tai họa đổ máu trú ẩn mãi đời dòng giống không dung tha” (7).

Bị xúc phạm đến như vậy nhưng nhân vật Amã Chisa vẫn nhẫn nại, khiêm nhường thương thuyết. Chỉ khi cuộc thương thuyết không thành và bọn giặc Cur, Jawa hùng hổ bao vây đánh chiếm, chàng mới cùng cả buôn làng chống lại.

Đạo đức, phẩm hạnh cũng là đặc điểm nổi bật trong tính cách của các nhân vật sử thi Raglai. Ở họ luôn có sự cân bằng giữa phẩm giá và sức mạnh, giữa khát vọng và lý trí, giữa tài năng và đạo đức. Cũng trong sử thi Amã Chisa, buộc phải chiến đấu với kẻ thù nhưng khi giành được vinh quang, bắt được vua thần Lửa Tumuh, Amã Chisa đã không giết chết hoặc làm nhục đối phương như cách Achilles trong sử thi Iliad đã làm với Hector mà giữ lại mạng sống cho hắn. Hành động của chàng xuất phát từ đạo đức, từ lợi ích của con người. Vì nếu vua thần Lửa chết thì con người sẽ bị diệt vong. Sau nhiều năm chinh chiến vất vả để bảo vệ dân làng, bảo vệ danh dự, hạnh phúc gia đình, Amã Chisa đã cùng với vợ con, buôn làng giành chiến thắng vinh quang, ca khúc khải hoàn và sau đó lại tất bật dựng xây cuộc sống thanh bình. Cũng như Amã Chisa, sau khi đánh bại quân Cur, Jawa và quân viện trợ của vua Chăm, Cuvau Vongcơi - nhân vật trong sử thi Amã Cuvau Vongcơi vẫn không truy sát đối phương đến cùng mà chấp nhận lời cầu hòa của bọn họ. Chàng còn sai em gái làm phép để cứu sống trâu và vô số quân lính của vua Chăm đã bị chết. Trong Sa Ea, vì sinh mệnh của những thần dân vô tội bị bọn Chay Grăm Chay Garăm lừa dối; vua thần lửa Tamul bắt ép ra trận, chàng Yuhea, mặc dù trong tay gươm báu sáng loáng, nhưng vẫn không chém giết. Chàng nói: “Gươm balik, đừng sát phạt dân/ Dân như búp măng thôi/ Quân dân chỉ nghe lệnh vua thôi” (8).

Việc Anãi Ubala (Sa Ea) nghe lời chiếc còng xâu chuỗi mách bảo, chủ động ra bến tắm gặp Yuhea và kết hôn cùng chàng cũng như việc Yuwa nghe lời khuyên của Mã la kết nghĩa anh em với Yuhea, nhường Anãi Ubala cho Yuhea để ngày sau kết duyên cùng Anãi Udalim - em gái Yuhea là những hành động tuân thủ đạo đức, chống lại sự vi phạm luật tục về hôn nhân, cưới xin của tộc người Raglai.

Nhân vật thần linh và nhân vật của đời sống tín ngưỡng

Bên cạnh hình ảnh con người, thế giới nhân vật sử thi Raglai còn có sự hiện diện đông đảo các nhân vật thần linh. Điều đó phản ánh sinh động quan niệm vạn vật hữu linh trong đời sống tinh thần của người Raglai. Khác với thần linh trong một số sử thi nổi tiếng của thế giới, được phân định ngôi thứ, tầng bậc rõ ràng; có nơi ngự trị riêng biệt, cụ thể. Trong sử thi Iliad, đỉnh Olympus là nơi ngự trị của đa số các vị thần. Trong đó, thần Zeus được xem là vị thần tối cao, quản lý tất cả mọi chuyện và có quyền ra lệnh cho các thần khác. Ở sử thi Mahabharata, miền đất linh thiêng, nơi tiếp giáp giữa cõi trời và cõi trần gian, nơi trú ngụ và đi về của các thần linh là đỉnh núi Himalaya hùng vĩ. Thần linh trong sử thi Raglai hiện diện ở khắp mọi nơi và can dự vào hầu hết mọi sự kiện đời sống của người Raglai cổ đại. Trong cảm thức của người Raglai, thần linh là những hình ảnh của tự nhiên có thể là thân thiện hoặc chống đối, đe dọa con người mà với tư duy cổ sơ, con người chưa thể lý giải nổi. Là cư dân có nguồn gốc đa đảo nên những hình ảnh, sự vật, hiện tượng thuộc về sông biển, thuộc về nước, mang yếu tố âm tính, vốn đã từng thân thuộc, được người Raglai coi là những vị thần thiện. Các vị thần này đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho người Raglai trên hành trình lịch sử chinh phục và khám phá. Ngược lại, những hình ảnh, sự vật, hiện tượng thuộc về núi rừng, mang yếu tố dương, vốn còn mới mẻ, xa lạ và đầy thách thức mà con người phải đối mặt khi di cư đến vùng đất mới, bị xem là những vị thần ác.

Ngoài những nhân vật thần linh, sử thi Raglai còn có sự xuất hiện rất thường xuyên các hình ảnh cây cau thần một bụi, chú gà trống thần, bác gà trắng, chiêng thần, mã la… Những hình ảnh có tính nhân cách hóa này đóng giữ vai trò như một loại nhân vật đặc biệt chi phối đời sống văn hóa tinh thần của người Raglai. Có thể gọi đây là những nhân vật của đời sống tín ngưỡng. Hình ảnh cây cau thần một bụi liên quan mật thiết đến nguồn gốc của dòng họ Raglai. Nó là điểm tựa tinh thần vững chắc cho người Raglai. Vì vậy, mà mỗi lần chuẩn bị xuất quân chống lại các thế lực hắc ám hoặc khi đã chiến thắng quân thù, họ lại kéo quân đến tụ họp nơi tảng đá thần, cây cau thần một bụi. Hình ảnh bác Gà trắng, chú Gà Trống thần - biểu tượng quen thuộc trong những nền văn hóa Đông Nam Á hải đảo - là bậc huynh trưởng mách bảo mọi điều sắp tới, chỉ dẫn những ứng xử khôn ngoan, đồng thời như một vị thần bảo trợ buôn làng. Trong các sử thi Sa Ea, Udai - Ujàc, vào những thời khắc quan trọng của cộng đồng, các vật thiêng mã la, chiêng thần luôn xuất hiện và đưa ra những dự báo, những lời khuyên bảo thông thái. Chẳng hạn, ở sử thi Sa Ea, khi Yuwa phản ứng quyết liệt trước việc Yuhea hỏi cưới nàng Anai Ubala, mã la đã khuyên Yuwa nhường Anai Ubala cho Yuhea để ngày sau kết duyên cùng nàng Anai Udalim, em gái Yuhea, vì như mã la dự báo “ngày sau sẽ mệt mỏi vì tai họa chiến tranh”. Nghe theo lời khuyên của thần Chiêng Poh Way Takai, Amã Sa Ea và em gái Away Dara Bia Patih đã đến thăm nhà Yuhea. Tại đây, Sa Ea đã kết hôn cùng nàng Away Makia (hóa thân của thần Chiêng Poh Way Takai), làm con rể Yuhea; em gái Away Dara Bia Patih của Sa Ea kết hôn cùng Chay Chumrak hình thành nên thế hệ anh hùng thứ hai, chuẩn bị cho cuộc chiến kinh hoàng chống quân của Chay Grăm Chay Garăm và vua thần Lửa Tamul. Những “nhân vật” tín ngưỡng này có phải chăng là truyền thống văn hóa, là niềm tin dân tộc của người Raglai?

Giống như sử thi của các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên nói riêng và sử thi của nhân loại nói chung, sử thi Raglai tập trung phản ánh những vấn đề lớn lao, trọng đại của cộng đồng trong buổi đầu xác lập địa bàn cư trú. Nghiên cứu các sử thi Raglai, có thể thấy những vấn đề lớn lao, trọng đại mà các tác phẩm này phản ánh thể hiện qua 3 đề tài chủ yếu: chiến tranh; khai phá, chế ngự thiên nhiên; hôn nhân và đời sống sinh hoạt. Qua thế giới nhân vật, sử thi phản ánh tất cả những đặc điểm lịch sử, văn hóa, xã hội của tộc người này. Ngoài con người, thế giới nhân vật sử thi Raglai còn có sự tham gia của đông đảo các thần linh và những “nhân vật” tín ngưỡng được nhân cách hóa. Các loại nhân vật được nhân cách hóa này góp phần tạo nên bức tranh kỳ vĩ về đời sống văn hóa, xã hội, phản chiếu quan niệm vạn vật hiển linh và biểu hiện sâu sắc văn hóa tinh thần của tộc người Raglai thời cổ.

__________________

1. M. Bakhtin, Phạm Vĩnh Cư dịch, Lý luận và tiểu thuyết, Trường Viết văn Nguyễn Du, 1992, tr.67, 69.

2, 6. Vũ Anh Tuấn, Sử thi Raglai (quyển 3), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014, tr.12, 141.

3. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Udai - Ujàc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.28-30.

4, 5, 7. Trần Kiêm Hoàng, Chamaliaq Tiẻnq, Chàng Amã Chisa - Akhàt jucar Raglai (quyển 1), Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2014, tr.232, 249, 199.

8. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Kho tàng sử thi Tây Nguyên - Sử thi Raglai Sa Ea (quyển 2), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009, tr.1.785.

Ths NGUYỄN THANH TÙNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024

;