Thạnh Phú đánh thức tiềm năng du lịch miệt biển

Thạnh Phú là huyện biển của tỉnh Bến Tre, nằm ở cuối cù lao Minh, chân đạp sóng biển Đông (với bờ biển dài 25 km, tính từ Vàm Rỏng đến Khâu Băng), với bãi biển mang vẻ đẹp hoang sơ, là điểm đến khá thú vị, hút hồn du khách.

Khu du lịch “Di tích đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre” (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú), được UBND tỉnh công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh đồng thời công trình điện gió đang được xây dựng mang đến tiềm năng lớn cho phát triển du lịch
 

Đánh thức tiềm năng du lịch miệt biển Thạnh Phú

Những năm gần đây, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) đã đầu tư phát triển du lịch, xây dựng nhiều công trình và mô hình hiệu quả như: Mô hình du lịch sinh thái rừng phòng hộ tại xã Thạnh Phong; du lịch homestay kết hợp tham quan các di tích văn hóa – lịch sử; du lịch tâm linh. Bên cạnh những tài nguyên du lịch biển, Thạnh Phú còn có nhiều tài nguyên nhân văn, di tích lịch sử, văn hóa, những địa danh, làng nghề nổi tiếng như: Khu du lịch “Di tích đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre” (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú), nhà cổ Huỳnh Phủ (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú) và đặc biệt ngư dân vùng biển ở đây nổi tiếng với Lễ hội nghinh Ông Nam Hải (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú)... Sự hòa quyện giữa chiều dài lịch sử của các di tích đan xen với tiềm năng du lịch biển đã biến Thạnh Phú thành điểm đến thu hút khách du lịch.

Thời gian qua, du lịch huyện Thạnh Phú đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng. Lượng du khách, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng theo từng năm; kết cấu hạ tầng xã hội được tập trung đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho nhà đầu tư và du khách tiếp cận các vùng quy hoạch du lịch; cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch phát triển nhanh về số lượng và thường xuyên được đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang; nhiều khu, điểm du lịch được hình thành và đưa vào khai thác có hiệu quả. Trong 5 năm (2017 – 2022), lượng khách đến Thạnh Phú đạt 1,45 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 315 tỷ đồng. Nghề kinh doanh, dịch vụ du lịch đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động và tiêu thụ số lượng lớn mặt hàng thủy, hải sản tại địa phương.

Hiện nay, Cồn Bửng đang chuyển mình trở thành điểm du lịch biển hấp dẫn, thu hút du khách bằng sự chất phác, đôn hậu của người dân xứ biển Thạnh Phú. Trước khi ra bãi biển, tại Cồn Bửng, du khách có thể tham quan Đền thờ cá ông. Ở đây, người dân lập đền thờ 2 con cá Ông, mỗi con dài từ 22 đến 24m, nặng hàng chục tấn. Tục thờ cúng cá ông tạo ra một lễ hội trong đời sống văn hóa các xã vùng biển đó là Lễ hội Nghinh Ông. Lễ hội này là dịp để người dân làm nghề biển thư giãn sau những ngày lao động vất vả, đồng thời tỏ lòng biết ơn đối với một sinh vật thiêng của biển mà ngư dân chứa đựng niềm tin về sự giúp đỡ của cá ông mỗi khi ra khơi. Đến bãi biển, cái nóng dường như biến mất, thay vào đó là những làn gió dương mát dịu, cảm nhận được cái lành lạnh của đại dương khiến con người thư thái, quên cả chuyến đi dài.

 

Đầu tư du lịch phát triển bền vững

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thạnh Phú (nhiệm kỳ 2020 – 2025) và tầm nhìn đến năm 2030, Thạnh Phú sẽ là một trong những trung tâm du lịch và trung tâm năng lượng sạch của tỉnh Bến Tre. Để làm được kỳ vọng này, hiện Thạnh Phú đang triển khai đột phá tạo ra 7.500 ha đất đai từ bãi biển để phục vụ các dự án năng lượng sạch và du lịch sinh thái. Trong đó khu du lịch “Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre” trở thành trung tâm du lịch sinh thái cấp vùng đã được lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương chấp thuận chủ trương và UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch thực hiện đến năm 2030, với tổng mức đầu tư 1.500 tỉ đồng.

Ông Đào Công Thương, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú cho biết: Thanh Phú sẽ tập trung phát triển kinh tế hướng Đông (kinh tế biển), vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, khu đô thị lấn biển, phát triển đồng bộ kinh tế thủy sản (bao gồm khai thác, nuôi trồng, chế biến theo hướng công nghệ cao) và phát triển du lịch kết nối tuyến TP Hồ Chí Minh – Thạnh Phú – Côn Đảo.

“Tận dụng thế mạnh hiện có của mình, tạo ra sản phẩm đặc trưng trong phát triển du lịch, Thạnh Phú chú trọng phát triển với 3 loại hình du lịch: du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng; du lịch trải nghiệm biển và du lịch văn hóa, lịch sử – tâm linh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến; xây dựng sản phẩm du lịch, tạo ra nét đặc thù riêng để không bị trùng lắp nơi khác, khai thác tốt các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc tạo nên sản phẩm khác biệt qua các kỳ lễ hội. Liên kết với người dân địa phương để phát triển, hướng đến sự đồng thuận, nâng cao nhận thức về du lịch, giải quyết việc làm cho người dân chú trọng tạo sức hấp dẫn cho du lịch để Thạch Phú là điểm đến an toàn, thân thiện, hiếu khách...” - ông Công Thương nói.

Đến miệt biển Thạnh Phú ngoài tận hưởng nhiều khung cảnh đẹp vùng biển, du khách còn được đắm chìm trong muôn ngàn các loại hải sản phong phú và đa dạng. Để phục vụ du khách và phát triển cạnh tranh với các tỉnh, Thạnh Phú đã đầu tư các nhà hàng, khách sạn các sản phẩm du lịch: mô tô nước, dịch vụ câu cá, du lịch văn hóa – xã hội, du lịch tham quan làng nghề đa dạng và hấp dẫn với quy mô lớn để phục vụ du khách khi đến đây.

 

PHƯƠNG NGHI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 558, tháng 1-2024

 

;