Tập trung hoàn thiện thể chế, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Sáng ngày 25-12-2022, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, các bộ, ban, ngành và trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự hội nghị tại Trụ sở Chính phủ có: Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Viện KSND Tối cao; TAND Tối cao; các tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực công nghệ, thông tin...

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Năm 2022 có thể nói là một năm rất là khó khăn đối với chúng ta, tác động từ những yếu tố bên ngoài và yếu tố bên trong, tuy nhiên cho đến giờ này  có thể khẳng định là chúng ta đã đạt được kết quả khá tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt. Về kinh tế vĩ mô thì cơ bản  ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, kiểm soát lạm phát dưới 1%, tăng trưởng thì trên, dưới 8%.

Thủ tướng cho rằng, trong kết quả chung đó phải nói là có sự đóng góp chung của tất cả các ngành, các cấp, đặc biệt  là chuyển đổi số. Sau Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã xác định rất rõ là chúng ta phát triển nhanh, bền vững dựa trên đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trên thực tế xu hướng hiện nay, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, yêu cầu khách quan của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc… Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc bởi vì chúng ta có hội nhập, và giao lưu quốc tế rất lớn. Vì vậy việc chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành. Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi và là một nước đang phát triển, vì vậy chúng ta càng phải đẩy mạnh chuyển đổi số.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu tham dự Hội nghị thẳng thắn đánh giá rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể về việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2022 của Ủy ban chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 - Ảnh: VGP

Nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và đặc biệt triển khai Tổ công tác Đề án 06 là rất nặng nề. Chúng ta vừa phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; phát triển Chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị thẳng thắn đánh giá rõ ràng, khách quan những công việc đã làm được, cũng như những tồn tại, phân tích nguyên nhân, rút ra các bài học chỉ đạo, lãnh đạo trong điều hành,  tổ chức thực hiện, quản lý.

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, những giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số quốc gia, nhất là Đề án 06; Cơ sở dữ liệu quốc gia rất là quan trọng trong chuyển đổi số, phải kết nối và khai thác cho hiệu quả. Cần thống nhất nhận thức xây dựng một sơ sở dữ liệu quốc gia, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và người dân phải tham gia vào tiến trình này.

Thủ tướng chỉ rõ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia chứ không phải dữ liệu của bộ, ngành nào. Tuy nhiên phải cân nhắc, thống nhất để đi đến hành động về việc đặt cơ sở dữ liệu quốc gia ở đâu để đảm bảo thuận lợi, phát triển, an toàn, hiệu quả trong quản lý, khai thác.

Xác định rõ các quan điểm định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới cũng như trước mắt và lâu dài. Về thể chế, cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi số như thế nào, vấn đề nhân lực chuyển đổi số, xây dựng, chia sẻ kết nối các nền tảng số và cơ sở dữ liệu, bảo đảm an ninh, an toàn trên môi trường mạng, tăng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến của người dân là những vấn đề hết sức quan trọng.

Theo Thủ tướng, năm 2023, tình hình dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ thuận lợi.

Thủ tướng đặt vấn đề, việc chuyển đổi số quốc gia nói chung, việc thực hiện Đề án 06 và công tác chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương nói riêng đóng góp như thế nào trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, phục hồi và phát triển nhanh và bền vững, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

"Chúng ta làm thế nào để thực hiện được mục tiêu này, vấn đề chuyển đổi số, quản lý dân cư, thực hiện Đề án 06 sẽ có ý nghĩa rất lớn trọng việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm 2023"- Thủ tướng nói.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc báo cáo tóm tắt sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 - Ảnh: VGP

Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc báo cáo tóm tắt sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng thay mặt Cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số báo cáo tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Ngoài ra các đại biểu đã được nghe các tham luận báo cáo về công tác chuyển đổi số của các bộ ngành, địa phương: Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân Hàng Nhà nước, UBND Thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Bình Dương, UBND Thành phố Đà Nẵng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Đại diện doanh nghiệp tư nhân Tập đoàn FPT, Bộ Công an.

Các báo cáo, tham luận, phát biểu đã nêu rõ những kết quả cụ thể, đáng ghi nhận trong chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 năm 2022. Đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra được những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân. Qua đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của Bộ, ngành, địa phương; góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số thời gian tới.

Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam phát biểu - Ảnh: nhandan.vn

Phát biểu tại Hội nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, nhấn mạnh: Đây là công việc mới, chưa có tiền lệ, ban đầu chỉ chú ý đến khía cạnh chuyên môn về công nghệ thông tin, càng ngày càng thấy không phải chỉ có vấn đề về công nghệ thông tin mà nó là thay đổi cách nghĩ, cách làm tất cả các tổ chức, cá nhân, mà đi đầu phải là các cơ quan hành chính để thực hiện minh bạch hóa, công khai hóa, nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Tiến tới Chính phủ số, kinh tế số, công dân số, xã hội số. Chính phủ phải đi tiên phong, điểm này rất là quan trọng.

Vì xu thế thế giới, chúng ta không thể không làm, bài học bắt đầu từ khi đưa internet vào Việt Nam, phải cố gắng tăng cường quản lý nhà nước để làm sao kịp được sự phát triển chứ không phải căn cứ vào năng lực quản lý nhà nước.

Chúng ta rất phấn khởi là kinh tế số tăng hơn 30%/năm, nhưng phần lớn là do doanh nghiệp nước ngoài làm phần cứng. Thương mại điện tử tăng trưởng rất nhanh nhưng  cơ bản là của nước ngoài.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải nhìn thẳng vào sự thật để chúng ta phải cố lên. Chúng ta lưu ý rằng chuyển đổi số và đặc biệt là Chính phủ số, các nước đều đưa vào, nhưng nước càng đông dân càng khó thực hiện. Vì thế một đất nước đông dân như là Việt Nam thì tính thống nhất quy mô toàn quốc là quyết định, mở rộng sáng tạo thế giới nhưng mà quy mô toàn quốc phải thống nhất. Vì thế Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia, Ban chỉ đạo Đề án 06 có vai trò quyết định thành bại. Làm sao để hướng dẫn ra, bên dưới cứ thế làm theo.

Theo Phó Thủ tướng, Đề án 06 rất được kỳ vọng, đến giờ phút này sau 1 năm, có thể nói đề án tiếp tục thực hiện được. Thứ nhất là dựa trên Luật Căn cước công dân; Thứ 2, đây là đề án đầu tiên có đầu tư bài bản, cân đối; Thứ 3, quan trọng nhất là chúng ta có lực lượng tham gia đến tận cơ sở để triển khai.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, từ Đề án 06 chúng ta sẽ tạo ra cách làm mới về chuyển đổi số quốc gia, kết nối cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương. Đây là đề án mở đường ra, có những việc trước đây đã làm rồi nhưng qua 1 năm chúng ta thấy, nhận rõ hơn và cùng nhau đồng hành để làm. Năm 2023 chúng ta chọn là Năm Dữ liệu. Qua một năm, chúng ta rút ra được những bài học: đầu tiên là phải có dữ liệu; thứ hai là rất nhiều văn bản pháp luật; thứ ba là phải đầu tư; thứ tư là nhân lực; cuối cùng là phải kỷ cương đồng bộ, nói đi đôi với làm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số phát biểu kết luận Hội nghị - Ảnh: VGP

Năm 2023: xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia

Phát biểu chỉ đạo kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự chuẩn bị của các cơ quan liên quan, các đại biểu báo cáo tâm huyết, thể hiện sự hiểu biết của mình đối với chuyển đổi số cũng như thực hiện Đề án 06. Thủ tướng cũng giao Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, chọn lọc những ý kiến xác đáng của các đại biểu, các tài liệu đã có để hoàn thiện các hồ sơ phê duyệt chương trình hoạt động của năm 2023.

Thủ tướng khẳng định, khó nhất là nhận thức và chuyển đổi thói quen, năm 2022 chúng ta đã từng bước chuyển đổi được nhận thức và chuyển đổi thói quen từ môi trường thực sang môi trường điện tử, môi trường số. Nhiều sản phẩm dịch vụ số phục vụ người dân doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả... tạo tiền đề thúc đẩy, từ bỏ thói quen và nó đi sâu vào tâm trí, vào công việc, đi sâu vào quá trình thực hiện của chúng ta nhiều năm.

Thứ hai là công tác hoàn thiện thể chế, ngoài việc đề xuất Quốc hội sửa đổi luật, Chính phủ năm 2022 đã ban hành 16 văn bản bao gồm 4 Nghị định, 1 Nghị quyết của Chính phủ, 10 Quyết định, 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ góp phần vào đột phá chung.

Thứ ba là hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển, trong đó các doanh nghiệp đã vào cuộc rất tích cực cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Thứ tư là các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành được đẩy mạnh, triển khai xây dựng và kết nối chia sẻ… Kết nối liên thông với 47 bộ, ngành địa phương, tập đoàn, tổng công ty trên cả nước… Cấp trên 76 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử, đồng bộ trên 234 triệu thông tin tiêm chủng, kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử, xác định thông tin chính xác gần 50 triệu thuê bao di động… đó là những cơ sở dữ liệu chúng ta đã làm được.

Thứ năm là Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp gần 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4, gấp 3 lần năm 2021…

Thứ sáu là an toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm. Chúng ta có cơ sở dữ liệu nhưng phải đảm bảo được bí mật, đảm bảo được quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và Pháp luật.

Thứ bảy là nhân lực chuyển đổi số được quan tâm đầu tư và đạt được kết quả tích cực. Hiện nay một số các cơ quan, bộ ngành nhất là địa phương hình thành mô hình tổ công nghệ số cộng đồng bước đầu phát huy hiệu quả, với 9 nghìn tổ và hơn 320 nghìn thành viên. Thủ tướng đề nghị các địa phương đăng ký rút kinh nghiệm từ một số tỉnh đã làm có kết quả để triển khai.

Thứ tám là kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…

Thứ chín là chúng ta hoàn thành 9/12 chỉ tiêu của năm 2022, 101/107 nhiệm vụ trong Kế hoạch của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, hoàn thành 45/56 nhiệm vụ theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp trước, hoàn thành 59/225 nhiệm vụ của Đề án 06 và đang tiếp tục triển khai 166 nhiệm vụ. Liên quan đến Đề án 06, Thủ tướng đề nghị các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt giao cho Bộ Công an việc này.

Thủ tướng đã biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, với vai trò nòng cốt của lực lượng công an nhân dân, sự đồng lòng ủng hộ, tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp, chúng ta mới đạt được kết quả như vừa qua.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế, cần cố gắng hơn nữa:

Thứ nhất là vai trò lãnh đạo của người đứng đầu: phải nhận thức rõ, từ nhận thức đến hành động cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn, phải quyết tâm hơn. Vẫn còn nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều người lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm.

Thứ hai là thể chế, cơ chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số.

Thứ ba là hạ tầng số, các nền tảng số quốc gia chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra; các nền tảng số phục vụ giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội còn thiếu.

Thứ tư là nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành triển khai còn chậm. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả, còn tình trạng "cát cứ thông tin", manh mún, chia cắt. Thủ tướng đề nghị các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, các ngành, các địa phương phải tích lũy và đồng thời chia sẻ.

Thứ năm là chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao còn hạn chế, chưa thực sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, cứ 10 lần người dân thực hiện thủ tục hành chính thì có khoảng gần 7 lần vẫn phải thực hiện bằng hình thức trực tiếp.

Thứ sáu là chuyển đổi số còn khoảng cách lớn giữa thành thị và nông thôn. Một số địa phương thiếu tầm nhìn tổng quát, dài hạn và chưa nhất quán trong chỉ đạo chuyển đổi số. Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, vẫn còn 266 thôn, bản chưa được phủ sóng di động, thiếu điện.

Thứ bảy về an toàn, an ninh mạng nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là khi số vụ tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia có xu hướng ngày càng tăng, gấy mất an toàn an ninh mạng.

Thứ tám là nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều; còn hiện tượng "chảy máu chất xám" ra nước ngoài. Thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai chuyển đổi số.

Thủ tướng cũng nhận định: năm 2023 dự báo thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn. Vì vậy chúng ta cần thúc đẩy chuyển đổi số, thúc đẩy Đề án 06 để góp phần giảm bớt khó khăn, tạo thêm thời cơ và thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng nhận định, năm 2023 dự báo thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn - Ảnh: VGP

Thủ tướng đã đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo:

Một là chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số; đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả  hoạt động quản lý, quản trị, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Chuyển đổi số hiện nay là chuyển đổi trạng thái, không phải chuyển đổi dự án hay chuyển đổi công việc bình thường, xác định đây là việc hết sức quan trọng trong quá trình chuyển đổi trạng thái từ làm theo thói quen, làm thủ công sang một trạng thái mới là môi trường số dựa trên các công nghệ tiên tiến, công nghệ thông tin và các môn khoa học khác.

Thứ hai, chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm, cần phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Thứ ba, chuyển đổi số nói chung, trong đó có Đề án 06, là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động tổng lực, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị sự tham gia tích cực của toàn dân. Chuyển đổi số triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm việc nào dứt điểm việc đấy; Chuyển đổi số triển khai trên tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề; dễ làm trước, khó làm sau, làm từ đơn giản đến phức tạp, làm từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, nhưng phải đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống". Thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", tránh hình thức, chồng chéo, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, tránh hình thức.

Thứ tư, chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nguồn lực cho mục tiêu chuyển đổi số như là thực hiện Đề án 06. Người dân được thụ hưởng từ thành quả của chuyển đổi số và Đề án 06 một cách thực chất và hiệu quả.

Thứ năm, chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Về nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương:

Tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030. Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, lưu ý vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; khẩn trương hoàn thiện và quyết liệt triển khai Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ năm 2023. Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc phát sinh để xử lý, không để chậm trễ.

Các bộ, ngành, địa phương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số phải thực chất, tránh hình thức, phù hợp với điều kiện của mình gắn kết chặt chẽ với bố trí nguồn lực phù hợp. Các nhiệm vụ trong Kế hoạch phải cụ thể, rõ ràng, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát. Chủ động hướng dẫn, tổ chức triển khai số hóa, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện thông qua mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, CSDL đồng bộ, thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung hoàn thiện nền tảng cung cấp dịch vụ công toàn diện trên môi trường mạng.

Tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu (tại Đề án 06 và Quyết định 422 của Thủ tướng Chính phủ), nhất là 10 dịch vụ công đã quá hạn trong năm 2022. Đồng thời, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã cung cấp trên môi trường mạng, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán các dịch vụ, chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội thông qua các hệ thống về chuyển đổi số, không dùng tiền mặt, xác thực tài khoản ngân hàng…

Các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương không cát cứ, không có cục bộ, xây dựng chia sẻ dữ liệu chung. Rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Khẩn trương khắc phục những hạn chế bất cập về lỗ hổng bảo mật, tình trạng lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả về đào tạo, tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ nhân lực chuyển đổi số, nhất là nhân lực chất lượng cao; hạn chế tình trạng chảy máu chất xám. Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng yêu cầu, trong năm 2023, dứt khoát phải xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, đây là tài sản của quốc gia chứ không phải của bộ ngành nào. Giao Bộ Công an chuẩn bị về cơ sở vật chất, các phương tiện cần thiết, trên tinh thần chung là chúng ta phải có cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung. Khai thác như thế nào để đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, đảm bảo quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật thì chúng ta phải thiết kế các công cụ được pháp luật thừa nhận thì chúng ta sẽ tiến hành được. Trên tinh thần không  bảo thủ, không cát cứ, không cục bộ địa phương, bộ, ngành.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ - Ảnh: VGP

Về công việc cụ thể, Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương:

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Đề án 06. Trong đó, khẩn trương hoàn thành cung cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp, mã định danh cá nhân và thực hiện nhiệm vụ phát sinh cần thiết để triển khai hiệu quả mục tiêu chung của Đề án 06. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương.

Bảo đảm tích hợp, chuẩn hóa, cập nhật và chia sẻ thông tin trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương. Tăng cường hỗ trợ người dân thực hiện thuận lợi, đơn giản các dịch vụ công có sử dụng thông tin về công dân, nhất là thời gian đầu bỏ hộ khẩu giấy. Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng khẩn trương xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác.

Tiếp tục hoàn thiện ứng dụng định danh, xác thực điện tử, tích hợp các dịch vụ thiết yếu để dần thay thế các giấy tờ liên quan đến công dân. Phấn đấu đến quý II-2023 cấp được 40 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân.

Tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thí điểm 2 nhóm dịch vụ đang thực hiện và triển khai ở một số tỉnh rồi nhân rộng ra. Báo cáo kết quả triển khai Đề án 06 để thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện và trình Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phê duyệt Kế hoạch hoạt động năm 2023.

Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát các lộ trình bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đúng quy đinh, đúng với tình hình thực tiễn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì tổng hợp tham mưu bố trí vốn cần thiết để làm. Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp tham mưu bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cho triển khai chuyển đổi số năm 2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính cần phải xây dựng các cơ sở dữ liệu liên quan tới doanh nghiệp.

Bộ Giáo dục và Đào khẩn trương hoàn thành những nhiệm vụ trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 (Đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số; ban hành chuẩn chương trình khối ngành công nghệ thông tin, nghiên cứu đưa ra các yêu cầu về kỹ năng công nghệ thông tin và các chuẩn chương trình đào tạo).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh triển khai Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành Cơ sở Dữ liệu đất đai quốc gia, sớm cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến lĩnh vực đất đai phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng phải hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến nhà ở.

Bộ VHTTDL khẩn trương đề xuất chương trình, kế hoạch, giải pháp thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: "Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư…".

Văn phòng Chính phủ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương là đầu mối kết nối, theo dõi, tham mưu cho Ban chỉ đạo, tham mưu cho đồng chí Đại tướng Tô Lâm trong thực hiện Đề án 06; tham mưu cho các đồng chí lãnh đạo chỉ đạo các lĩnh vực của mình.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt và sớm xây dựng, ban hành các Thông tư hướng dẫn triển khai.

Bộ Nội vụ phải xây dựng cơ sở dữ liệu về tổ chức, về nhân sự và cải cách thủ tục hành chính.

Bộ Ngoại giao phải xây dựng cơ sở dữ liệu triển khai chuyển đổi số để quản lý công dân, quản lý cán bộ, các quản lý liên quan đến xuất nhập cảnh cùng với Bộ Công an.

Các bộ, ban, ngành địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 một cách chủ động, tích cực, hiệu quả.

Thủ tướng lưu ý, "Chủ đề của năm 2023 là “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả".

Với những kết quả đạt được trong năm 2022, Thủ tướng tin tưởng rằng chương trình chuyển đổi số với trọng tâm là Đề án 06 sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Các đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL tham dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Bộ - Ảnh: Văn Chính

THANH DANH 

;