Tập quán trong nghi lễ tang ma của người Nùng Cháo ở huyện Văn Quan, Lạng Sơn

Tang ma là một nghi thức rất quan trọng trong cuộc đời mỗi người, là nghi lễ cuối cùng trong chu kỳ đời người, là tập tục không thể thiếu trong đời sống xã hội của bất kỳ tộc người nào. Đối với người Nùng nói chung và người Nùng Cháo ở huyện Văn Quan, Lạng Sơn nói riêng, tang ma là một nghi lễ thể hiện rõ nhất đặc trưng văn hóa tộc người, là biểu hiện sinh động về quan niệm sống, về thế giới quan, nhân sinh quan và vũ trụ quan của con người. Họ quan niệm rằng con người có hai phần: phần linh hồn và phần thể xác. Linh hồn là phần không nhìn thấy được, nó tồn tại bên trong, là yếu tố quyết định sự sống hay chết của mỗi con người. Nếu một người đã chết thì hồn vía không còn tồn tại trong con người nữa, lúc này hồn sẽ về với tổ tiên hoặc sang thế giới khác do thần linh cai quản, vĩnh viễn không thể trở lại. Nghi lễ tang ma có thời gian kéo dài nhất trong các nghi lễ chu kỳ đời người, được tiến hành theo trình tự, hệ thống nhằm lý giải đường đi của con người từ cõi dương về cõi âm.

1. Quan niệm và tập quán

Người Nùng Cháo ở Văn Quan, Lạng Sơn quan niệm rằng có hai thế giới tồn tại song song: thế giới của người đang sống (cõi dương) và thế giới của người đã chết (cõi âm). Chết không phải là hết, sau khi chết, con người sẽ từ cõi dương đi về cõi âm, tiếp tục sống ở cõi âm, nơi có ông bà, tổ tiên và thần linh. Như vậy, người Nùng Cháo tin rằng, để một người chết có thể thanh thản đi về cõi âm, phải tiến hành các thủ tục tang ma theo trình tự cúng bái của thày tào một cách thành tâm, tin tưởng tuyệt đối. Họ cũng cho rằng việc thực hiện chu đáo nghi lễ tang ma là thể hiện lòng tiếc thương, sự hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, làm an lòng người đã khuất ở thế giới bên kia, để họ phù hộ con cháu ở cõi dương.

Trong mỗi gia đình người Nùng Cháo, thông thường, khi ông bà, bố mẹ già ốm nặng, con cháu thường xuyên thay nhau về chăm sóc và có mặt đông đủ khi gia đình có người mất. Vai trò của người con trai trưởng rất quan trọng, là người triệu tập các anh em trong gia đình để bàn bạc việc lo hậu sự cho người chết, có quyền quyết định chính trong việc mời thày tào và tổ chức tang lễ. Các anh chị em trong gia đình đều tuân theo sự chỉ đạo của người con trai trưởng.

Sau khi người ốm tắt thở, các con cháu trong gia đình quây quần xung quanh, người con trai trong gia đình vuốt mắt, cho ít gạo, muối và đồng tiền xu vào miệng người chết. Người Nùng Cháo cho rằng, làm như vậy thì người chết sẽ không trở thành ma đói, có thêm lộ phí trên đường đi về thế giới bên kia. Việc giữ cho miệng người chết luôn ngậm lại cũng là để người chết không thể nói chuyện được với ma quỷ, tránh mọi điều không tốt cho người đang sống.

Ở Văn Quan, Lạng Sơn, người vừa mất sẽ được các con chuẩn bị nước lá bưởi, lá thơm để tắm rửa, thay quần áo. Quần áo được mặc là bộ quần áo mà khi còn sống người đó hay mặc/ thích mặc nhất, đi tất tay, tất chân, tay cầm tiền xu và các ngón chân cài tiền xu. Việc thay quần áo này phải là con trai hoặc cháu nội (nếu người chết là đàn ông) và con gái, con dâu trưởng (nếu người chết là đàn bà). Sau đó, gia đình làm lễ tiếp đất: trải một chiếc chiếu ra nền đất giữa nhà, đặt thi thể lên, đầu hướng ra cửa; đặt dưới chân người chết một mâm gồm: bát hương, bát gạo, bát muối, 3 chén rượu, hoa quả, nến, xôi, gà. Buổi tối gia đình mắc màn cắt đi một góc cho thi hài người chết. Các con cháu chia hai bên, bên nam, bên nữ, nằm ngủ quanh thi hài. Người Nùng Cháo quan niệm: lúc này là người đó chưa chết, coi như chỉ đang ngủ, cho nên buổi tối vẫn mắc màn ngủ bình thường, con cháu ngủ xung quanh thi hài, không ai được nằm trên giường, đặc biệt là các con đẻ và con dâu. Màn của người chết cắt đi một góc, còn 3 góc hình tam giác. Trên thi hài đắp một tấm vải màu đỏ, mặt phủ một mảnh vải (giấy) màu trắng, khoét lỗ ở hai mắt và mũi. Thi hài đặt nằm thẳng, trên nền đất trải chiếu và một tấm vải trắng, đầu hướng ra cửa chính của nhà. Con cháu trong gia đình, tính từ khi ông bà cha mẹ chết thì không được ngủ giường, không được đi dép. Đến nay tập quán này vẫn còn tồn tại trong cộng đồng người Nùng Cháo ở Văn Quan, Lạng Sơn.

Khi làm lễ tiếp đất, gia đình chưa được báo tang cho hàng xóm, thôn bản biết, chỉ sau khi đi mời thày về xem kỹ ngày giờ và sau khi bàn bạc gia đình thì mới báo tang và tổ chức khâm liệm, phát tang cùng các nghi thức tang lễ. Gia đình cử 2 cháu ngoại: một người đi mời thày tào, một người đi báo tin cho anh em họ hàng thân tộc, chính quyền xã. Thày tào thường là người đã được gia đình nhờ giúp khi có người ốm nặng khó qua khỏi, được thày nhận lời từ trước. Khi có người mất, gia đình chuẩn bị thẻ hương, ít tiền vàng, bát muối, bát gạo mang đến nhà thày tào để thày làm lễ khấn xin tại nhà thày, xin thần linh cho phép thày đến làm tang ma cho gia đình.

Kể từ khi làm lễ tiếp đất, không được động tay làm các việc nhà và các việc liên quan đến tang ma, không đi ra khỏi nhà, không mời thày. Các con ruột, con dâu không được đi báo tang mà chỉ ở trong nhà. Con ruột, con dâu còn không được rửa mặt, đánh răng, không chải đầu, không thay quần áo, không nói chuyện, không vào bếp nấu nướng, chỉ ăn chay, ngồi cạnh thi hài người chết đến khi mang đi chôn. Mọi việc bếp núc, cơm nước, cỗ bàn, chuẩn bị mâm cúng, tiếp đón khách... đã có “hội phe” của làng xã, thôn xóm đến giúp. Khi chưa báo cáo tổ tiên và khi thày chưa làm lễ thì coi như là chưa mất, chỉ là đang ngủ hoặc đang nằm nghỉ ngơi, coi như vẫn sống và sinh hoạt ăn ngủ cùng con.

Các cháu trai, con rể, cháu rể của người chết bê những tảng đá ong to, xếp thành hình vuông rồi đặt tấm phản lên, trải chiếu để thày tào ngồi làm lễ trong suốt quá trình tang ma. Trên tấm phản đặt một chiếc bàn ngỏ gồm 1 bát gạo muối cắm 3 chân hương được rút ra từ bát hương đặt dưới chân người chết khi làm lễ tiếp đất. Các con cháu thực hiện công việc dưới sự chỉ đạo của người con trai trưởng. Các em gái, con gái, con dâu, cháu gái ngồi gấp tiền vàng để chuẩn bị cho thày tào làm lễ. Tiền vàng làm bằng giấy bản trắng, gấp làm nhiều mảnh dọc nhỏ, cắt ra, sau đó được gấp thành hình lục giác nhỏ bằng bàn tay. Các con gái, con dâu, em gái, anh em họ hàng đều mang theo một tấm vải đỏ hoặc trắng đắp lên thi hài, lật khăn che mặt nhìn mặt người chết lần cuối. Họ khóc thương nhưng tuyệt đối không được làm rơi nước mắt vào người chết. Hành động mua những tấm vải đắp lên thân thể người đã khuất được coi là bày tỏ lòng hiếu nghĩa dành cho người đã khuất.

Gia đình người chết chuẩn bị bát gạo, nén hương quấn giấy trắng để đến đón thày tào về làm lễ. Thông thường, việc mời thày tào đến nhà làm lễ đã được thông báo với thày từ hôm trước, ngay sau khi gia đình có người mất được 1-2 tiếng, gia đình đã cử người đến đặt vấn đề với thày, hôm sau chỉ việc đến đón thày.

Khi thày tào đến làm tang ma, các con trai của người chết xếp hàng lần lượt từ con trưởng đến con út, con nuôi lưng đeo dao, quỳ xuống trước cửa nhà để đón thày, người con trai trưởng hai tay bưng chiếc đĩa đựng 4 chiếc chén (2 chén rượu, 2 chén trà) bê ngang qua trán. Thày tào cầm cuốn sách đọc lời khấn với quan thần linh, sau đó cầm sợi vải tang trắng buộc lên đầu các con trai của người chết. Thày tào tiến hành cúng và khấn từ cổng vào đến trong nhà, tháo màn của người chết, gọi các con cháu đến xung quanh để chuẩn bị làm lễ nhập quan. Các con cháu ngồi thẳng, khoanh chân, lưng không được dựa vào tường hay bất cứ vật gì khác, không được khóc, không được nói chuyện. Thày tào ghi chép tên tuổi của các thành viên trong gia đình, người thân, con cháu ruột thịt của người chết để chuẩn bị làm lễ, bàn bạc và quyết định ngày, giờ nhập quan, ngày giờ đưa tang và ngày giờ chôn cất. Việc chọn ngày giờ này nhất định phải nghe theo thày tào.

 Thày tào giữ vai trò chính trong suốt quá trình tổ chức tang lễ. Thày tào hỏi rất kỹ về gia đình, gia phả dòng họ, thứ tự ông, bà, cụ nội, cụ ngoại, ai trước ai sau, nhà có bao nhiêu anh chị em (của người chết) để ghi vào tờ sớ bằng chữ nho, chuẩn bị làm lễ. Thày tào cũng ghi ngày tháng năm sinh của người chết vào một tờ giấy bản và ghi một bản chữ nho trên giấy màu vàng, dán lên tường trước bàn cúng. Ý nghĩa của tờ giấy này là để mời Ngọc hoàng, mời ông Thánh xuống chứng kiến việc lễ tang.

2. Các nghi lễ

Tang ma truyền thống của người Nùng Cháo có rất nhiều nghi lễ, được thực hiện liên tục trong nhiều ngày, mỗi nghi lễ thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan và niềm tin vào thần linh, trời đất, luật nhân quả luân hồi và những giá trị tốt đẹp. Các nghi lễ được thực hiện theo trình tự thời gian, theo sự hướng dẫn của thày tào và được các con cháu của người chết thực hiện một cách thành kính.

Lễ rửa mặt cho người chết

Để làm lễ này, gia đình chuẩn bị một chậu nước lá bưởi, lá thơm, gừng, hương nhu, lá chanh, lá sả đun sôi, để ấm, một chiếc khăn mặt mềm mại, sạch sẽ. Lần lượt các con cháu tiến hành rửa mặt tượng trưng, lau nhẹ nhàng vào mặt người chết, đầu tiên là con trai trưởng, con trai thứ, rồi đến con dâu trưởng, con dâu thứ, con gái cả, con gái thứ, cháu nội, cháu ngoại, con rể và anh em trong họ tộc. Người Nùng Cháo quan niệm rằng, lễ rửa mặt này là để tẩy mọi thứ bụi bẩn của trần gian, để linh hồn người chết được mát mẻ, siêu thoát. Sau khi làm lễ rửa mặt, cũng có nghĩa là lần cuối cùng các con cháu được chạm vào thân thể, nhìn mặt và chăm sóc cho người đã mất. Sau lễ này, thày tào tiến hành nghi lễ nhập quan và phát tang.

Lễ nhập quan

Thày tào tụng kinh, gõ chũm chọe, chiêng, trống, dùng con dao lớn gõ vào các góc của quan tài theo hướng đông - tây - nam - bắc - trung tâm. Sau đó, các con cháu rải lần lượt từng lớp nilon, chè và hạt xốp xuống đáy quan tài. Sau khi trải quan, con cháu đứng ở bốn góc nhấc cả chiếu khiêng thi hài vào áo quan, buộc ngang 3 đoạn vải trắng vào thi thể người chết ở bụng, cổ, chân, sau đó lần lượt xếp các đồ dùng cá nhân của người chết: quần áo, chăn màn, mũ khăn, thuốc lá, giày dép... vào quan tài để người chết mang về thế giới bên kia. Thày tào và các con cháu cũng thả một chút tiền lẻ vào quan tài để người chết được vui vẻ. Sau đó, các con cháu sẽ đóng nắp quan tài lại, kết thúc lễ nhập quan.

Lễ phát tang

Lễ phát tang được tiến hành ngay sau lễ nhập quan. Lễ cúng gồm: xôi, gà, vàng mã, bánh kẹo, rượu, hoa quả, nến, được bày lên bàn vong trước quan tài. Lúc hành lễ, tang phục được chuẩn bị sẵn từ trước, đặt ở cạnh quan tài. Thày tào làm lễ và phát tang phục cho từng thành viên trong gia đình. Tang phục: con gái và con dâu buộc sợi dây chuối khô ngang bụng, cài một chiếc khăn mặt ở mông hoặc hông (chiếc khăn quàng vào dây chuối) để lau nước mắt trong suốt quá trình tang lễ. Con trai: lưng đeo dây chuối, trên dây có con dao và chiếc mõ, đội mũ ba que, khăn mặt vắt lên vai. Con dao đeo trên người có ý nghĩa rằng, trước đây, nếu người chết được chôn ở trong rừng sâu thì dùng con dao đó để phạt đường, phạt bụi rậm, chiến đấu với thú dữ để bảo vệ thi hài bố mẹ, con dao cũng là vật trừ tà khí, chống ma quỷ quấy nhiễu vong linh bố mẹ. Đây là hành động hiếu thảo, mang ý nghĩa đền đáp công ơn cha mẹ.

Sau khi mặc tang phục, con cháu của người chết đi vòng quanh quan tài 3 lần, mỗi lần 7 vòng theo sự hướng dẫn của thày tào. Sau khi đi vòng quanh, các con trai của người chết ngồi trước quan tài rót rượu mời bố. Thày tào tiến hành cúng liên tục, và sau mỗi một hồi trống là một lần các con trai rót rượu mời. Nhập quan xong thì các con trai, con nuôi của người chết có thể bỏ con dao đeo trên người ra, chỉ đeo chiếc mõ.

Lễ nhập quan và phát tang thường được làm vào buổi chiều tối, kéo dài đến khoảng 20h tối. Sau đó gia đình mời thày tào ăn cơm tối và ở lại để chuẩn bị cho các lễ của ngày hôm sau. Bữa cơm tối được “hội phe” chuẩn bị, bày xung quanh quan tài, các con cháu ăn và ngủ xung quanh quan tài cho đến khi mang đi chôn.

Lễ cúng cơm 3 ngày

Lễ này có ý nghĩa là mời người chết ăn cơm trưa. Người Nùng Cháo quan niệm, phải làm lễ cúng cơm này xong thì con cháu mới được ăn trưa. Trong lễ này, các con trai và con nuôi (trai) của người chết chống gậy đứng trước quan tài, các con gái, con dâu ngồi xung quanh quan tài. Mâm cơm cúng gồm: xôi nắm, cơm nắm nhỏ, 5 chén rượu nhỏ, mâm ngũ quả, trà, thuốc, nến, nước lọc. Lần lượt các con rót rượu cúng vào chén. Con trưởng sau khi rót rượu thì uống một ngụm ở chén còn lại. Các con trai miệng ngậm khăn (chiếc khăn mặt vắt lên vai). Các con gái, con dâu ra vái lạy, lần lượt rót rượu mời người chết. Trong lúc các con cháu của người chết rót rượu vái lạy thì thày tào cùng cộng sự gõ chiêng trống, cầm que tre treo giấy sớ bùa chú màu trắng, miệng đọc tên các con cháu vào dâng rượu cúng cơm.

Lễ nhập gia tiên

Sau lễ cúng cơm, thày tào làm lễ nhập gia tiên. Lễ này được dựng ở ngoài trời. Chuẩn bị lễ: hội phe chuẩn bị những cọc tre, kê những tấm phản lớn (hoặc có thể tận dụng những cánh cửa đã hỏng) lên những chiếc ghế nhựa theo hình chữ U. 4 góc tấm phản này buộc cố định những cọc tre cao khoảng 1,5m và những thanh tre ngang tạo khung mái.

Lễ tế ngựa

Nếu người chết là nữ thì có lễ tế ngựa, cây tiền lễ này do nhà thông gia bên ngoại mang đến tế lễ, họ mang theo cả thày tào để cúng. Khi thày tào của nhà thông gia đến, thì thày tào đang làm lễ tang ma cho gia chủ sẽ nhường lại bàn cúng cho thày tào của nhà thông gia làm lễ, chỉ ngồi cạnh hỗ trợ khi cần thiết. Sau khi cúng xong thì thày tào của gia chủ lại làm tang ma cho người chết như bình thường. Theo phong tục, đối với người phụ nữ có chồng khi chết, anh em bên ngoại phải sắm một con ngựa (màu đỏ hoặc đen), thuyền bè, cùng một mâm lễ chay mặn, tiền vàng, vải, câu đối... đến nhờ thày tế vào ngày thứ hai của nhà đám. Nghi thức tế ngựa này không phải là việc báo hiếu hay trả công, mà ý nghĩa xuất phát từ việc bên ngoại nhớ đến lúc khi chưa lấy chồng, cô gái ở nhà làm lụng vất vả, hôm nay người chết nằm xuống, anh em bên ngoại có ngựa, của cải... gọi là chút hồi môn để vong hồn người chết về bên kia có lễ trình diện tổ tiên.

Lễ tế tiền của các con gái (pưn xèn)

Lễ này được thực hiện vào đêm trước ngày đưa tang. Các con gái, cháu gái đã đi lấy chồng mang cây tiền, cây núi (cây sa) cùng lợn vào tế gọi là trả công lao cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng. Cây tiền được làm theo thứ tự bậc cấp khác nhau: bậc con bảy tầng, bậc cháu năm tầng, bậc chắt ba tầng. Lễ tế cây tiền phải có một con lợn thịt cùng gà vịt, gọi là lợn của con rể về tế đệm chân cây tiền. Nếu như nhà có đông con gái đi lấy chồng mà kinh tế khó khăn thì có thể mấy chị em chung nhau một con lợn tế, còn nếu ai có điều kiện thì mỗi người tế một con. Sau khi tế xong, bên con rể có thể biếu một phần lợn cho gia đình hoặc mang về hết cũng được. Với người Nùng Cháo, việc tế lễ do bên con rể mời một phường thày khác về tế lễ. Mỗi phường thày tế có khoảng từ 3 đến 5 người, trong đó có một thày chính gọi là pò căm hu (người cầm đầu). Đoàn tế của con rể khi vào tới đầu bản phải dựng bàn hương để thày làm thủ tục trình báo trời đất, thần linh, sau đó phường thày mới thổi tù và, khua chiêng báo vào cho trong nhà biết có lễ của con rể về tế, nay con rể xin phép phường thày trong nhà cho đoàn vào tế. Phường thày trong nhà nhận được tín hiệu của phường thày con rể sẽ thổi tù và, đánh chiêng hỏi lại là đoàn từ đâu về, con rể thứ mấy theo phương thức đã quy định trong các phường thày. Sau hồi đáp bằng tù và, phường thày trong nhà sắp xếp công việc cho hợp lý, sẽ phát tín hiệu bằng tù và mời đoàn con rể vào tế. Khi hai phường thày gặp nhau sẽ có lễ loỏng tâng (nghi lễ chào hỏi múa nhảy chéo nhau, hình thức để thử tay nghề, độ nhanh nhẹn giữa các phường thày) khoảng 20 phút, sau khi hai phường thày đã hiểu nhau, họ sẽ cùng bắt tay uống rượu rồi bên nào làm việc của bên ấy. Các cây tiền và lễ của con gái mang về phải để ở ngoài sân. Thày được mời về sẽ lập đàn tế rồi gọi vong của bố mẹ ra ngoài nhận lễ vật của con gái, con rể tiến dâng, các con gái, cháu gái quỳ bên cây tiền, cây núi và khóc bài tế cây tiền. Sau khi nhận lễ xong, cây tiền và cây núi của con gái được mang vào nhà, treo ở đầu quan tài. Ngoài việc báo hiếu cha mẹ, cây tiền còn có ý nghĩa là vật trang trí, mua sắm của con gái dành cho bố mẹ khi chuyển đến nhà mới, nơi ở mới. Khi bố mẹ rời trần thế, mọi tài sản đều để lại cho con trai và con dâu, thì con gái có lễ dâng cây tiền để chuẩn bị của cải cho bố mẹ mang về thế giới bên kia, để bố mẹ có tiền bạc mà chi tiêu sinh hoạt. Ở một số xã trong huyện Văn Quan, người Nùng Cháo còn có tục hát đối đáp giữa con gái và con dâu trong lễ tế cây tiền. Người con gái sẽ khóc ở ngoài sân khi thày tào gọi vong hồn ra ngoài nhận lễ, lời khóc của con gái thể hiện lòng biết ơn với công sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ. Sau khi người con gái hát xong, bên trong nhà người con dâu cũng khóc đáp lời, bài khóc có lời hát khen bố mẹ khi xưa biết nuôi dạy con gái, biết gả con gái vào nhà tử tế, đến ngày bố mẹ nằm xuống, con rể cũng thành tâm sắm đầy đủ lễ vật về tế lễ để trả công ơn. Có thể nói, nhũng nghi thức tế lễ này là biểu hiện cao độ tình đoàn kết thương yêu nhau trong gia đình người Nùng Cháo, một tộc người theo chế độ phụ quyền rất rõ, có nề nếp gia phong rõ ràng. Giữa con gái và con dâu, con rể và con trai, cháu nội và cháu ngoại luôn có một ranh giới phân biệt nhất định nhưng cũng rất gần gũi, thân tình.

Lễ đưa tang

Lễ đưa tang diễn ra trong ngày cuối cùng của tang ma. Sau khi khóc mời ăn sáng xong, con gái trong nhà sẽ đốt một bó đuốc thật to cùng một gánh đồ lễ tế ra ngoài mộ, có cả tiền vàng để rải dọc đường đi trước quan tài. Người Nùng Cháo quan niệm, ban ngày ở trần gian là ban đêm ở âm phủ, vì thế phải có ánh sáng soi đường để xua đi bóng đen của ma quỷ, còn tiền vàng rải dọc đường có nghĩa là tiền mua đường để đoàn đưa tang đi qua được thuận lợi. Khi người con gái đốt đuốc mang gánh lễ ra cửa thì trong nhà khóc gọi bài hát Lục slao khòn toỏng, có ý nghĩa gọi mẹ dậy đi ra đồng.

3. Kết luận

Qua nghiên cứu và tham dự một số đám tang ở huyện Văn Quan, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi những nghi lễ truyền thống vẫn được thực hiện gần như đầy đủ. Mặc dù chính quyền các cấp đã có những văn bản quy định việc tổ chức tang ma theo đời sống mới nhưng dường như, đồng bào vẫn tin rằng phải tổ chức như các nghi lễ truyền thống thì mới trọn vẹn được tâm nguyện của cả người sống và người đã chết. Nhiều tập quán trong tang ma vẫn còn tồn tại như việc cúng tế lợn của nhà thông gia, cúng tế ngựa của nhà ngoại, cúng tế cây tiền cây núi của các cháu gái, cháu dâu, việc con gái vác bó đuốc to đi đầu đoàn đưa tang để soi đường đi cho cha mẹ đã chết, các con trai phải vác gậy và quỳ để đưa quan tài qua đầu khi đưa tang, hay việc kiêng kị con cái không được chải đầu, không được đánh răng, không được đi dép, không được thay quần áo trong suốt quá trình tổ chức tang lễ cho cha mẹ mình.

Nhận diện những giá trị văn hóa tốt đẹp trong tang ma của người Nùng Cháo, không thể không nhắc đến tính cố kết cộng đồng chặt chẽ trong dòng họ, làng bản. Vai trò của hội phe, hội hiếu rất quan trọng trong việc tổ chức tang lễ, bởi vì họ là những người giúp tang quyến làm tất cả các công việc liên quan đến chuẩn bị, hận cần như: nấu cơm, nấu cỗ, chuẩn bị đồ cúng tế, tiếp đón khách viếng, đưa tang, đào huyệt, hạ huyệt chôn cất,... bởi vì theo truyền thống, con cháu của người chết không được phép đụng tay vào bất cứ việc gì, phải ngồi cả ngày cả đêm bên linh cữu cha mẹ đã mất. Hội phe tiến hành nấu nướng tại sân bếp, vườn của gia đình, các con cháu ruột thịt không tham gia vào việc nấu nướng. Những người nấu chủ yếu là đàn ông trong làng. Ngày xưa, người Nùng Cháo rất sợ bị đuổi ra khỏi hội phe, bởi vì nếu bị đuổi thì khi nhà mình có tang ma, sẽ không ai đến giúp. Mỗi gia đình trong thôn bản, làng xóm đều có con cháu trong nhà tham gia hội phe của làng xã, nhà ai có đám tang thì đều đến giúp nhiệt tình, không quản khó khăn, vất vả, thậm chí còn góp của cải giúp đỡ tang chủ trong trường hợp nhà tang chủ quá khó khăn, quá neo người. Đây cũng là điểm nổi trội trong nét văn hóa tốt đẹp của người Nùng nói chung và người Nùng Cháo nói riêng.

 

Tác giả: Hoàng Thùy Dương

Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 - 2018

 

;