Bàn về các tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa ở đô thị

Trong thời kỳ đổi mới, đô thị nước ta đang có những chuyển biến rất mạnh mẽ, phản ánh nhịp điệu phát triển mới của đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, môi trường văn hóa (MTVH) đô thị đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Nhiều biểu hiện tiêu cực của lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội đang có nguy cơ làm xói mòn những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc. Trên cơ sở đánh giá tổng quan về đô thị và một số vấn đề về MTVH ở đô thị, trong đó nhận diện những bất cập và những vấn đề đang đặt ra trong xây dựng MTVH đô thị hiện nay, bài viết xác định xây dựng tiêu chí xây dựng MTVH ở đô thị gồm 4 nhóm: Xây dựng cảnh quan và thiết chế văn hóa; Phát huy giá trị văn hóa truyền thống và xây dựng các giá trị, chuẩn mức văn hóa; Tổ chức các hoạt động và dịch vụ văn hóa ở đô thị; Sáng tạo và hưởng thụ các sản phẩm văn hóa ở đô thị.

1. Cơ sở xây dựng các tiêu chí MTVH ở đô thị

Xây dựng MTVH ở đô thị là sự tác động của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng cư dân nhằm tạo ra diện mạo MTVH lành mạnh, cư dân đô thị có cuộc sống ổn định, phát triển với lối sống mới, nếp sống mới văn minh, tiến bộ. Xây dựng MTVH đô thị là tổ chức cuộc sống của cư dân đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và môi trường sinh thái. Các tiêu chí MTVH ở đô thị được xác định dựa trên những định hướng chỉ đạo của Đảng và nhà nước. Nghị quyết T.Ư 9 khóa XI xác định nhiệm vụ xây dựng MTVH lành mạnh là: “Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Gắn kết xây dựng môi trường văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái”. Mục đích của xây dựng MTVH là xây dựng MTVH lành mạnh, phù hợp với bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập, MTVH phải là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách và phát triển con người. Nội dung xây dựng MTVH cũng được xác định bao gồm: “Xây dựng đời sống văn hóa ở các cơ sở; xây dựng gia đình, cộng đồng dân cư văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh; xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa; đẩy mạnh hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ...”. Xây dựng MTVH phải gắn với không gian, điều kiện và chủ thể của mỗi địa phương, mỗi cộng đồng, cơ quan, đơn vị; thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam.

Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17-9-2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “gia đình văn hóa”, “thôn văn hóa”, “làng văn hóa”, “ấp văn hóa”, “bản văn hóa”, “tổ dân phố văn hóa”, trong đó quy định tại Điều 6: Tiêu chuẩn của danh hiệu Gia đình văn hóa; Quy định tại Điều 12: Các tiêu chuẩn danh hiệu Khu dân cư văn hóa. Thông tư số 02/2013/TT-BVHTTDL ngày 24-1-2013 quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, trong đó tại Điều 4: “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” đã quy định những điều khoản cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, bao gồm cả tiêu chí về MTVH đô thị.

 Căn cứ vào Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh, trong đó, trọng tâm là Tiêu chí số 7: Văn hóa, Thể thao đô thị gồm: “1) Có Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Nhà văn hóa có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm, được quản lý sử dụng đúng mục đích; 2) 90% tổ dân phố thuộc phường; 80% tổ dân phố thuộc thị trấn có điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, hoạt động thường xuyên, hiệu quả; 3) Số hộ gia đình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và nếp sống văn minh đô thị theo các quy định của Trung ương, địa phương và quy ước của tổ dân phố; 4) Các đội văn nghệ, thể thao, các câu lạc bộ ở phường, thị trấn và các tổ dân phố thường xuyên hoạt động; 5) Có tủ sách pháp luật đảm bảo các đầu sách, thường xuyên được bổ sung, cập nhật các loại sách, báo, tài liệu tuyên truyền các quy định của pháp luật” (1).

Mục tiêu Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị (2) đề ra: Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa sẽ đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950-1.000 đô thị, năm 2030 khoảng 1.000-1.200 đô thị. Đến năm 2025, 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị. Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN… Quan điểm được đưa ra: Phát triển đô thị bền vững “theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực phát triển…”. Trong quy hoạch đô thị phải “lấy con người làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với CNH, HĐH, xây dựng nông thôn mới…”. Về kiến trúc, “Bảo đảm kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy…”.

Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam (3) khẳng định, đây là nhiệm vụ đề ra trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế, xã hội, phát triển đô thị của quốc gia và địa phương, là nội dung quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đô thị thông minh trong Quyết định về khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0) do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành (4), được quan niệm: “Đô thị thông minh bền vững là đô thị sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, phát huy hiệu quả các hoạt động và dịch vụ của đô thị, tăng khả năng cạnh tranh, trong khi vẫn bảo đảm đáp ứng các nhu cầu của hiện tại và tương lai đối với các khía cạnh về kinh tế, xã hội và môi trường”. Phát triển đô thị thông minh bền vững phải lấy người dân làm trung tâm. Phát triển phải dựa trên thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, bảo đảm tính thống nhất và tối ưu hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng ICT dựa trên Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh.

2. Yêu cầu đặt ra với các tiêu chí xây dựng MTVH ở đô thị

Xây dựng MTVH đô thị là xây dựng một MTVH với lối sống, nếp sống lành mạnh, có trật tự kỷ cương theo pháp luật của đô thị; người dân được tham gia sáng tạo, phát triển và hưởng thụ các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Để thực hiện xây dựng MTVH, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, cần chú ý đến các yêu cầu:

Xây dựng MTVH đô thị trong CNH, HĐH đất nước phải lấy khâu trung tâm là phát triển nhân cách con người. Chủ nhân của sự phát triển đô thị là người dân ở đô thị.

Xây dựng MTVH đô thị trước hết tập trung ở nơi công cộng, nâng cao ý thức chấp hành các luật lệ, quy tắc nơi công cộng của công dân.

Tập trung vào công tác xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa nhằm xây dựng MTVH lành mạnh từ gia đình đến cộng đồng dân cư, cơ quan, trường học, đơn vị. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường công cộng, giữ gìn trật tự và văn minh đô thị.

Xây dựng MTVH đô thị gắn với việc giữ gìn và phát huy được bản sắc độc đáo của văn hóa dân tộc, địa phương và hướng tới phát triển đô thị thông minh và bền vững.

3. Đề xuất một số tiêu chí cụ thể về xây dựng MTVH ở đô thị

Xây dựng MTVH đô thị phải gắn với việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn mặc, đi lại, quan tâm các nhu cầu văn hóa, tạo sự hài hòa giữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở đô thị. Việc hình thành nhân cách con người có nếp sống văn hóa đô thị là mục tiêu quan trọng của nhiệm vụ xây dựng MTVH đô thị. Xây dựng MTVH ở đô thị, thực hiện nếp sống văn minh đô thị cần tập trung vào một số tiêu chí theo các nhóm như sau:

Nhóm tiêu chí liên quan đến xây dựng cảnh quan và thiết chế văn hóa ở đô thị bao gồm các tiêu chí: Cảnh quan, môi trường tự nhiên của đô thị được bảo vệ; Trồng cây xanh công cộng tại các đường phố, khu vui chơi; Vệ sinh môi trường của các địa điểm công cộng được đảm bảo theo quy định; nước thải, rác thải được thu gom, xử lý đúng quy định; Cơ sở hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ và thuận tiện; Các di tích lịch sử văn hóa ở đô thị được bảo tồn, tu bổ theo các quy định của Luật Di sản văn hóa; Các thiết chế văn hóa gồm nhà hát, bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa, khu vui chơi giải trí… được khuyến khích đầu tư và hỗ trợ xây dựng; Không gian các địa điểm công cộng được xây mới đúng quy hoạch; có kiến trúc hài hòa, đảm bảo quy chuẩn phục vụ người dân; Nhà ở của người dân được xây kiên cố phù hợp với kiến trúc chung của đô thị; Đường phố được rải nhựa hoặc bê tông hóa theo quy hoạch; các tuyến phố chính đều có vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh, cây bóng mát; Hệ thống điều khiển giao thông, biển chỉ dẫn, biển báo được lắp đặt đầy đủ theo quy định; Người dân đô thị thường xuyên tham gia bảo vệ cơ sở hạ tầng đô thị và giữ gìn vệ sinh môi trường; Cộng đồng tham gia bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, giữ gìn các địa điểm vui chơi công cộng.

Nhóm tiêu chí liên quan đến phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và xây dựng các giá trị, chuẩn mực văn hóa ở đô thị bao gồm các tiêu chí: Người dân đô thị hiểu được truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương; Người dân đô thị nhận thức được về các di sản văn hóa của địa phương; Người dân đô thị phát huy được các giá trị truyền thống của địa phương; Giao tiếp và ứng xử văn hóa, văn minh ở nơi công cộng như nhà ga, điểm xe buýt, siêu thị, chợ, công viên, khu vui chơi giải trí, nhà hát…; Có ý thức hiểu biết và tôn trọng luật pháp, tôn trọng các quy tắc an toàn giao thông; Tổ chức tốt các dịch vụ vệ sinh ở những nơi công cộng; Phòng chống, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội; Trang phục văn minh, lịch sự ở nơi công cộng; Xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình; Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Xây dựng khu phố văn hóa; Xây dựng văn hóa công sở, cơ quan văn minh, lịch sự.

Nhóm tiêu chí liên quan đến tổ chức các hoạt động và dịch vụ văn hóa ở đô thị bao gồm các tiêu chí: Tổ chức các phong trào thể dục thể thao cộng đồng; Tổ chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn; Tổ chức các chương trình trưng bày thực tế tại bảo tàng/ di tích hoặc các địa điểm công cộng; Tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí; Tổ chức các sự kiện và lễ hội; Xây dựng các tấm gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến; Tổ chức các phong trào học tập, lao động sáng tạo, giáo dục truyền thống.

Nhóm tiêu chí liên quan đến sáng tạo và hưởng thụ các sản phẩm văn hóa ở đô thị gồm các tiêu chí: Phát huy vai trò của các chủ thể trong sáng tạo các sản phẩm văn hóa; Người dân đô thị được tiêu dùng/ hưởng thụ các sản phẩm văn hóa...

Trên đây là một số tiêu chí xây dựng MTVH ở khu vực đô thị nước ta hiện nay. Thiết nghĩ “nguyên tắc” hay “tiêu chí” chỉ là vấn đề lý luận, được rút ra từ thực tiễn nên không thể tránh khỏi ít nhiều mang tính tự biện và lý thuyết, cần phải cụ thể hóa trong thực tế - thực hành công tác xây dựng MTVH ở các đô thị thì mới có thể khẳng định được tính đúng đắn của chúng.

________________

1. Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định Tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh, 18-2-2022.

2. Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, 24-1-2022.

3. Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 950/QĐ-TTg, 1-8-2018.

4. Quyết định số 829/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0), 31-5-2019.

Tài liệu tham khảo

1. Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17-9-2018 của Chính phủ Quy định về xét tặng danh hiệu “gia đình văn hóa”; “thôn văn hóa”; “làng văn hóa”; “ấp văn hóa”; “bản văn hóa”; “tổ dân phố văn hóa”.

2. Đinh Thị Vân Chi, Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2015.

3. Trần Ngọc Khánh, Xây dựng môi trường văn hóa đô thị - kinh nghiệm nước ngoài, vanhoahoc.edu.vn, 5-7-2009.

4. Bùi Hoài Sơn, Cơ sở lý luận về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa, Kỷ yếu hội thảo Xác định khái niệm xây dựng môi trường văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, 2021.

TS NGYỄN THÀNH NAM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023

;