Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân chủ động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan

Ngày 11-9, tại TP.HCM, Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTTDL, đã tổ chức Hội nghị Tuyên truyền, phổ biến Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL ngày 2-6-2023 quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan và công tác đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Hội nghị có sự tham dự của đại biểu đến từ Hiệp hội Công nghiệp ghi âm, Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM và các công ty phần mềm, nhà xuất bản, trang web, công ty phát sóng, trường đại học, tổ chức tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan; cơ quan báo chí…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, trong những năm gần đây, lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đang được xã hội rất quan tâm, nhất là trong thời điểm Việt Nam thi hành các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc đã ký kết, phê chuẩn. Do đó, việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được xã hội chú trọng và hưởng ứng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 3, ngày 16-6-2022 và có hiệu lực thi hành vào ngày 1-1-2023 có các quy định sửa đổi, bổ sung tại Chương V về Chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Theo đó, để triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, ngày 26-4-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; ngày 2-6-2023, Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Quang cảnh Hội nghị

Hội nghị được tổ chức với mục đích tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL và các nội dung khác có liên quan đến các nhóm đối tượng là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này.

Đồng thời trao đổi, thảo luận và hướng dẫn về hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất các kiến nghị, giải pháp triển khai trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, bà Phạm Thị Kim Oanh đã giới thiệu Tổng quan quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, bao gồm: Việt Nam tham gia các điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan (Berne, TRIPS, WCT, WPPT, Marrakest...); hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan; 6/7 nhóm chính sách liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan, sở hữu trí tuệ; 5 nhóm nội dung cơ bản quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; hướng dẫn tìm hiểu những nội dung cơ bản của Nghị định số 17/2023/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; thành lập, xóa tên, thay đổi thông tin của tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, liên quan...

Tiếp đó, các chuyên viên phòng Đăng ký Quyền tác giả, quyền liên quan của Cục Bản quyền tác giả thuyết minh và hướng dẫn chi tiết về thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan cho từng loại hình tác phẩm như: điện ảnh và sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, xuất bản, ghi âm, ghi hình...; giới thiệu Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL quy định chi tiết về 8 mẫu tờ khai trong đăng ký quyền tác giả đối với từng loại hình tác phẩm như: điện ảnh và sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, chương trình máy tính, văn học, bài giảng, giáo trình, sách giáo khoa, kiến trúc, công trình khoa học và một mẫu tờ khai đăng ký quyền liên quan...

Theo số liệu của Cục Bản quyền tác giả, số giấy chứng nhận quyền tác giả, quyền liên quan (GCNQTG,QLQ) tăng trung bình khoảng 8-10%/năm, cụ thể: năm 2018 là 7036; năm 2019 là 8388; năm 2020 là 10265; năm 2021 là 9851 (giảm bởi đại dịch COVID-19), năm 2022 là 11199; và 8 tháng của năm 2023 ước tính gần 7500 GCNQTG,QLQ. Khi ý thức về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan tăng lên, đồng thời đặt ra yêu cầu về công khai, minh bạch trong hoạt động và công tác đăng ký bản quyền. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 17/2023/NĐ-CP, Thông tư 08/2023/TT-BVHTTDL... góp phần giảm bớt thủ tục và có sự hướng dẫn chi tiết, rõ ràng tạo những điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tích cực chủ động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, tuân thủ theo quy định của luật pháp Việt Nam và công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ.

XUÂN HƯỚNG

;