Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại Bình Định: Những dấu ấn đậm nét

Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại Bình Định, năm 2023 đã diễn ra trong ba ngày từ 8 đến 10-9-2023 đã thành công, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, tôn vinh và lan tỏa mạnh mẽ bản sắc văn hóa của các dân tộc miền Trung đến với người dân trong nước và quốc tế.

Ngày hội văn hóa các dân tộc được Bộ VHTTDL cùng 11 tỉnh miền Trung (Bình Thuận, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Bình) luân phiên tổ chức, nhằm tôn vinh những tinh hoa văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc miền Trung Việt Nam; đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

“Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung bình đẳng – đoàn kết – hội nhập và phát triển”, Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần này được tổ chức tại Bình Định là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc miền Trung trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước theo tinh thần của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận số 76-KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Nhiều hoạt động đặc sắc trong Ngày hội

Tại Ngày hội, 11 tỉnh đã mang đến 44 tiết mục với nội dung và hình thức phong phú, được các nghệ nhân, diễn viên biểu diễn đã thu hút đông đảo khán giả đến thưởng thức. Trong trang phục truyền thống, các nghệ nhân, diễn viên đã thể hiện các giai điệu dân ca, hòa với âm hưởng của các nhạc cụ dân tộc như trống, chiêng, cồng... đã lay động, cuốn hút người dân và du khách.

Những tiết mục đã được các nghệ nhân sáng tạo và biểu diễn chứa đựng tình cảm, tình yêu cuộc sống, lao động, thiên nhiên đất nước, Đảng, Bác Hồ, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước, xây dựng gia đình, tình làng, nghĩa xóm, niềm tin vào cuộc sống sẽ ngày càng trở nên ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, mang đậm bản sắc, nét đẹp đặc trưng văn hóa ở từng địa phương, từng địa bàn, làm nổi bật các giá trị di sản văn hóa của từng dân tộc với tinh thần hội tụ, tỏa sáng trong Ngày hội.

Các nghệ nhân, diễn viên quần chúng đồng bào dân tộc tham gia trình diễn giới thiệu trang phục của mình, với sự tự tin đã tôn lên vẻ đẹp tự nhiên, hồn nhiên, hấp dẫn riêng, tạo nên lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Hy vọng rằng, trang phục truyền thống của các dân tộc sẽ tiếp tục được gìn giữ và trao truyền đến các thế hệ nối tiếp.

Cùng với các tiết mục biểu diễn là điểm nhấn trong Ngày hội, còn có các phần thi thu hút đông đảo các tỉnh tham gia như: trình diễn trang phục truyền thống, được các nghệ nhân, diễn viên trình diễn và giới thiệu các bộ trang phục được thêu, dệt với nhiều họa tiết, kiểu dáng, được thể hiện qua sự khéo léo của đôi bàn tay của các bà, các mẹ của đồng bào Chăm, Ba Na, Cơ Tu, Hrê, Raglai, Thái, Khơ mú,… Đó là các trang phục được người dân sử dụng trong đời sống thường ngày, các lễ hội, thực hiện nghi lễ, hát giao duyên, cưới hỏi...; trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống, được các địa phương lựa chọn và dàn dựng 1 trích đoạn lễ hội thể hiện nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc ở địa phương mình.

Các lễ hội, nghi thức, sinh hoạt văn hóa đã mô phỏng một cách khái quát đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc, diễn ra trang trọng đúng phong tục nhằm tạ ơn đất trời, tổ tiên, cầu mong an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt…. Giới thiệu ẩm thực cũng đã được mỗi đoàn kỳ công chuẩn bị và chế biến. Mỗi đoàn đều đem đến nét văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú từ phương pháp chế biến tới trưng bày, hay cách thưởng thức và công dụng mang lại sức khỏe của từng món ăn…

Thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc với sự tham gia của 10 tỉnh, tranh tài ở 4 môn thể thao dân tộc và trò chơi vận động dân gian là: Đẩy gậy, Kéo co, Bắn nỏ, Bắn ná, đã thu hút 262 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên quần chúng (37 HLV, 125 VĐV nam, 100 VĐV nữ). Đặc biệt, Ngày hội đã trưng bày ảnh “Các dân tộc thiểu số miền Trung đồng hành cùng sự phát triển của đất nước” với không gian trưng bày gần 200 bức ảnh với 5 chủ đề gồm: Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào dân tộc thiểu số; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đồng bào dân tộc thiểu số; những thành tựu nổi bật qua góc nhìn văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số miền Trung; vẻ đẹp vùng miền Trung Việt Nam; cộng đồng 54 dân tộc qua góc nhìn văn hóa.

Ngày hội là cơ hội để bản sắc văn hóa các dân tộc được lan tỏa

Đánh giá về hiệu quả của Ngày hội, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung nhấn mạnh, Ngày hội Văn hóa các dân tộc với nhiều hoạt động là sợi dây kết nối xây dựng sự đoàn kết giữa các địa phương, các đoàn nghệ nhân, diễn viên quần chúng của các tỉnh. Đây là cơ hội để bản sắc văn hóa các dân tộc được lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm đồng thời cũng là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương đặc biệt là các nghệ nhân (chủ thể văn hóa) đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các của các dân tộc miền Trung trong vườn hoa đa sắc của 54 dân tộc anh em.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung: Ngày hội là cơ hội để bản sắc văn hóa các dân tộc được lan tỏa

Thông qua các hoạt động sôi nổi, giàu bản sắc văn hóa của Ngày hội, những ngày qua, du khách gần xa đã được tham dự, chứng kiến và được thưởng thức những giai điệu âm thanh, giàu bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc 11 tỉnh miền Trung giúp cho chúng ta hiểu biết, yêu quý, trân trọng và giữ gìn các di sản văn hóa quý giá của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào các dân tộc miền Trung nói riêng.

“Sau Ngày hội này tin tưởng rằng các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng có thêm động lực cùng nhau đoàn kết tiếp tục phát huy tinh thần của Ngày hội về với bản làng, có thêm kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình” – Vụ trưởng Nguyễn Thị Hải Nhung nhấn mạnh.

Giám đốc Sở VHTT tỉnh Bình Định Tạ Xuân Chánh cũng đánh giá: “Sau ba ngày diễn ra sôi nổi, đến thời điểm hiện tại, sau khi bế mạc có thể khẳng định Ngày hội đã thành công rất tốt đẹp, mang lại hiệu quả rất lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Đồng bào dân tộc trên các tỉnh miền Trung đã hội tụ về đây với sự đoàn kết keo sơn, gắn bó, chia sẻ, đồng thời nâng cao trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc miền Trung cũng như các dân tộc trên cả nước”.

Giám đốc Sở VHTT tỉnh Bình Định Tạ Xuân Chánh: Ngày hội góp phần nâng cao trách nhiệm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc miền Trung cũng như các dân tộc trên cả nước

Ông Tạ Xuân Chánh cũng cho biết Sở VHTT Bình Định đã xây dựng nhiều đề án nhằm bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc của địa phương, việc tổ chức Ngày hội cũng là một trong những kế hoạch về bảo tồn văn hóa. Thực hiện chỉ đạo của ngành, đặc biệt là Bộ VHTTDL, Sở VHTT Bình Định đã nỗ lực, cố gắng hết sức mình để gắn bó, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục  phối hợp với các địa phương trong việc hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một như các hình thức sinh hoạt văn hóa, tập quán xã hội, nhạc cụ, kiến trúc truyền thống, trang phục truyền thống, các môn thể thao truyền thống...; xây dựng mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù các dân tộc thiểu số, mô hình bảo vệ văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số; mô hình xây dựng đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số; mô hình di sản kết nối, gắn với hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng… 

Nêu cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo tồn truyền thống văn hóa

Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hương: Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV đã diễn ra hiệu quả và mang nhiều ý nghĩa. Thành công của Ngày hội, đầu tiên đó chính là sự tham gia đầy đủ của 11 tỉnh thuộc miền Trung. Cùng với đó, giữa các đoàn có sự đoàn kết, gắn bó, chia sẻ kinh nghiệm, điều đó rất quan trọng, vì thông qua Ngày hội, những người làm công tác văn hóa, các nghệ nhân, diễn viên đã nêu cao ý thức trách nhiệm cũng như tinh thần học hỏi trong việc bảo vệ, giữ gìn bản sắc của chính dân tộc mình, từ đó phát huy, trình diễn, lan tỏa đến với người dân cả nước.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hương: Thông qua Ngày hội các nghệ nhân, diễn viên nêu cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo tồn

Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế Hồ Xuân Hoàng: Chúng tôi đã tham gia nhiều Ngày hội, Lễ hội, như năm ngoái là Lễ hội Hoa Ban với nhiều hoạt động ý nghĩa, phong phú của bà con dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biện và Tây Bắc, qua đó bảo tồn, tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên. Năm nay, đến với Ngày hội tại Bình Định cũng rất tuyệt vời, với cách thức tổ chức độc đáo về quy mô, quy tụ lực lượng diễn viên đông đảo, chất lượng nghệ thuật cũng ngày càng được nâng cao. Bộ VHTTDL và tỉnh Bình Định năm nay đã chuẩn bị rất tốt trong công tác thực hiện, đặc biệt về sân khấu rất hoành tráng. Tôi hy vọng, những năm tiếp theo chất lượng ngày càng được nâng cao hơn nữa, bên cạnh công tác bảo tồn thì góp phần khích lệ bà con dân tộc ngày càng yêu và gìn giữ bản sắc văn hóa. Vì không gì tốt hơn khi chính chủ thể văn hóa kế thừa, giữ gìn, phát huy giá trị tinh hoa của chính họ.

Trưởng phòng quản lý Văn hóa của Sở VHTTDL Quảng Nam Trần Văn Dũng cũng nhấn mạnh, hiệu quả lớn nhất ở Ngày hội đó là các dân tộc tỉnh Quảng Nam đã giới thiệu đến với các dân tộc của tỉnh bạn và nhân dân Bình Định về những nét đặc trưng của đồng bào dân tộc mình, đặc biệt là đồng bào Cơ Tu, Giẻ Triêng tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, đây là dịp đồng bào các dân tộc được giao lưu, gặp gỡ, học hỏi về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc anh em.

Trưởng phòng quản lý Văn hóa của Sở VHTTDL Quảng Nam Trần Văn Dũng

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa hiện nay ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm, tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn công tác bảo tồn phát huy vai trò của các nghệ nhân cần được quan tâm nhiều hơn nữa, bởi chính các nghệ nhân là những người sẽ lan tỏa giá trị văn hóa trong cộng đồng dân tộc. Trong khi các nghệ nhân đồng bào thiểu số còn rất nhiều khó khăn, chúng tôi rất mong muốn sẽ có những chính sách, cơ chế đối với đồng bào, để giúp họ có cuộc sống tốt hơn, từ đó họ mới an tâm lưu giữ, bảo tồn và truyền dạy cho các thế hệ sau những giá trị đặc sắc của dân tộc.

Mong muốn có nhiều hoạt động lễ hội, Ngày hội văn hóa các dân tộc hơn nữa

Đến từ huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, nghệ nhân Bo Bo Hùng cho biết: Tôi là nghệ nhân chơi đàn đá, một nhạc cụ đặc sắc của đồng bào dân tộc Raglai, tôi thấy rất vui mừng khi được tham gia Ngày hội. Đây là cơ hội để chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các anh em dân tộc thiểu số miền Trung. Thông qua Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung, sẽ góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc chúng tôi nói riêng, các dân tộc thiểu số nói chung. Tôi mong muốn có thêm nhiều cuộc thi, Lễ hội, Ngày hội để chúng tôi được trình diễn nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của các đồng dân tộc thiểu số đến với người dân trong nước và quốc tế. 

Nghệ nhân Bo Bo Hùng đến từ huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa

Diễn viên Lan Hoàng Yến, dân tộc Ba Na, tỉnh Phú Yên

Chia sẻ cảm xúc khi được tham gia Ngày hội, diễn viên Lan Hoàng Yến, dân tộc Ba Na, tỉnh Phú Yên cho biết: Tôi rất vui khi được tham gia biểu diễn trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc lần thứ IV tại tỉnh Bình Định. Để thực hiện tốt các phần trình diễn, chúng tôi đã phải di chuyển khá vất vất, tập luyện nhiều ngày, nhưng vẫn cảm thấy rất hào hứng và thích thú.

Điều thú vị đối với tôi khi tham gia Ngày hội chính là được giao lưu, học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ các bạn dân tộc xung quanh với nhiều nét văn hóa khác nhau. Chúng tôi cảm thấy rất là may mắn khi được tham gia và mong muốn được tiếp tục tham gia nhiều hơn những ngày hội văn hóa các dân tộc. 

Bà Phạm Phương Hằng là người dân tỉnh Bình Định chia sẻ: tôi rất thích thú với Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung được tổ chức năm nay ở tình nhà. Từ hôm khai mạc đến hôm kết thúc, tôi luôn tới xem đồng bào trình diễn và biểu diễn các tiết mục nghệ thuật. Mặc dù thời tiết nắng nóng, nhưng các đồng bào vẫn nhiệt tình biểu diễn các bài hát, nhạc cụ độc đáo và các nghi lễ truyền thống. Các tiết mục đó luôn cuốn hút tôi và tôi hiểu hơn về sự đặc sắc của mỗi dân tộc. Đồng thời, các món ăn ẩm thực với cách chế biến mới lạ cũng là một điểm khá thu hút. Tôi mong rằng có nhiều Ngày hội như thế này để mọi người dân có thể hiểu thêm về những nét văn hóa đặc trưng của bà con dân tộc của đất nước.

NGỌC BÍCH, LIÊN HƯƠNG - Ảnh: TUẤN MINH

;