Tái hiện lễ mừng cơm mới của người Mường (tỉnh Hòa Bình)

Lễ mừng cơm mới của người Mường (tỉnh Hòa Bình) thường được tổ chức vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch hằng năm khi mùa màng bắt đầu vào dịp thu hoạch. Lễ mừng cơm mới còn được gọi là lễ mừng cơm non gạo mới. Dù được mùa hay mất mùa, các gia đình người Mường đều làm lễ cúng cơm mới để dâng lên ông bà tổ tiên.

Sáng 8-10, Lễ mừng cơm mới đã được đồng bào dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đang hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) tái hiện, trong khuôn khổ hoạt động tháng 10 “Khám phá nét ẩm thực dân tộc”.

Thầy cúng thực hiện nghi lễ mừng cơm mới

Các mâm lễ vật cúng tế cho các nhóm thần linh gồm: các vị thần bảo trợ nông nghiệp; thổ công, bản thổ, thổ địa, bà Chúa Thác Bờ, Thành Hoàng...

Theo quan niệm của người Mường, sau khi lúa được đưa về nhà, gạo mới nấu thành cơm phải đem cơm đó cúng ông bà tổ tiên trước, sau đó mới được ăn. Người Mường bắt đầu nghi lễ mừng cơm mới bằng việc đi rước vía lúa về nhà. Đến thời điểm lúa chín, người chủ gia đình chọn ngày tốt ra thăm ruộng, ngắt bảy hoặc chín bông nếp cái đẹp (tượng trưng cho bảy vía hoặc chín vía lúa) ở ruộng nhà mình tết lại thành một bó nhỏ đem về treo ở đầu cột cái trong nhà, nơi cạnh bàn thờ tổ tiên

Mâm cỗ cúng cơm mới của người Mường nhất định phải có các món: cơm, cá, gà, thịt lợn, canh măng chua nấu cá hoặc gà. Cơm dùng để cúng phải được nấu từ gạo mới trong vụ mùa vừa gặt

Thầy cúng cũng chính là chủ lễ, đại diện cho chủ nhà ăn mặc chỉnh tề bước lên bàn thờ tiến hành làm lễ. Người Mường rất coi trọng nghi lễ này, thế nên việc xem ngày và cúng thường phải nhờ đến các bậc cao niên, người có uy tín và am hiểu tục lệ

Đông dảo du khách tham dự buổi tái hiện lễ mừng lúa mới của đồng bào Mường tại Làng Văn hóa

Du khách tham quan cùng uống rượu cần chung vui với lễ mừng lúa mới của người Mường đã được tái hiện tại "Ngôi nhà chung"

Lễ mừng cơm mới diễn ra tại không gian làng dân tộc Mường để cúng đất trời, mời tổ tiên, cảm tạ các vị thần đã mang đến cho gia đình, bản làng vụ mùa no ấm, cầu mong cho các dân tộc anh em ăn nên làm ra, ăn yên ở lành, may mắn hạnh phúc và trừ khử điều xấu theo phong tục và tâm linh dân tộc Mường.

Lễ mừng cơm mới còn là dịp để người Mường tập hợp, giao lưu, gặp gỡ và cùng nhau tận hưởng niềm vui của một vụ mùa mới. Đây cũng là dịp để tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường trong xã hội hiện đại ngày nay.

Tin, ảnh: MINH PHẠM

 

 

;