Ca sĩ Sao Mai Bích Hồng ra mắt MV "Người con của dòng sông"

Ca sĩ Bích Hồng vừa chính thức phát hành MV “Người con của dòng sông” vào ngày 6-10 nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023). MV gây chú ý với khán giả bởi phần âm nhạc dễ nghe, dễ cảm mà sâu lắng cùng với giọng hát nhẹ nhàng, đằm đượm, da diết. Đặc biệt, phần hình ảnh của MV do đạo diễn Trần Xuân Chung thực hiện đẹp như một thước phim điện ảnh đã khắc họa nên một câu chuyện nhiều ấn tượng, khó quên.

Toàn cảnh buổi ra mắt MV

Ca khúc Người con của dòng sông là sáng tác mới của nhạc sĩ Xuân Trí dành tặng riêng Bích Hồng. Sau khi cùng hợp tác với Bích Hồng trong hai ca khúc về Hà Nam, nữ ca sĩ ngỏ ý nhờ anh viết một bài hát mang âm hưởng dân gian về sông Hồng. Ý tưởng khá mới mẻ và thú vị nên Xuân Trí đồng ý ngay.

Nhạc sĩ Xuân Trí cho biết Người con của dòng sông không khó về học thuật, phù hợp với những người tông giọng thấp. Đây là dụng ý của anh khi muốn bài hát có sức lan tỏa tốt, phù hợp với nhiều người. Cái khó của ca khúc là người thể hiện phải có độ đằm nhất định, thể hiện được chất tình, sự từng trải trong lời hát. Theo đánh giá của Xuân Trí, giọng hát cũng như con người Bích Hồng có độ chân thành, mộc mạc, tuy còn trẻ nhưng có nhiều trải nghiệm cuộc sống nên Bích Hồng thể hiện ca khúc này khiến anh rất ưng ý.

MV Người con của dòng sông tựa như một tác phẩm điện ảnh, hình ảnh, câu chuyện không chỉ là nói về chuyện đời của người con gái mang tên dòng sông, mà còn chuyên chở những nét ký ức văn hóa thú vị, đầy rung cảm về cuộc sống ven sông Hồng, Hà Nội mà không phải ai trong chúng ta cũng biết hoặc từng có cơ hội để thấy.

Cảnh Bích Hồng vao vai cô gái hát tuồng trong MV

Câu chuyện MV kể về một tình bạn đẹp thời thơ ấu. Cô gái là con của một gia đình làm nghề hát tuồng dọc bờ sông. Gia đình cô quanh năm suốt tháng đi thuyền dọc theo dòng sông Hồng để diễn tại các làng quê Bắc Bộ. Cậu bé như bao đứa trẻ khác trong vùng, mỗi ngày gánh tuồng tới đều háo hức, hân hoan. Cả làng đều vui vẻ nhộn nhịp khác thường mỗi khi đón gánh tuồng. Ngày gánh tuồng rời đi, đám trẻ tíu tít đưa cô gái ra đến tận bờ sông và cứ chạy theo cho đến khi con thuyền khuất hẳn.

20 năm sau, cô gái quay trở lại tiếp nối nghề truyền thống của gia đình năm xưa và gặp lại chàng trai. Thế nhưng khán giả bây giờ không còn mặn mà với gánh hát năm nào. Biết cô gái buồn, chàng trai đã lén tự hóa trang mặt mình như diễn viên tuồng thật sự và cùng cô tập những động tác tuồng đầy hào hứng. Một tình cảm trong trẻo, thuần khiết cùng tình yêu với bộ môn nghệ thuật truyền thống như trăng sáng giữa đêm yên tĩnh, trong những khuôn hình thật mơ mộng bên dòng sông. Thế nhưng, cô gái không ở lại, cô gửi lại chàng trai chiếc mặt nạ gốm ngày nào mà cô luôn mang bên mình... Câu chuyện không đọng lại trong lòng người xem một kết thúc buồn mà là dư vị ngọt ngào về kỷ niệm đẹp của những rung cảm đầu đời. Ban đầu, ê-kíp đã có một kịch bản khác nhưng khi nghiên cứu bài hát, đạo diễn Trần Xuân Chung đã quyết định chọn hình tượng cô gái với gánh hát tuồng lênh đênh sóng nước, cùng hình ảnh làng gốm Phù Lãng đậm chất thơ.

Đạo diễn chia sẻ: “Câu chuyện trong MV Người con của dòng sông được xây dựng từ những quan sát và những ký ức từ khi còn nhỏ của mình. Dòng sông quê hương là một điều gì rất đỗi thân thuộc với tuổi thơ của rất nhiều người, đôi khi cả những rung động đầu đời cũng luôn có hình ảnh sông quê ẩn hiện trong đó. Những bến sông như là một nhân chứng gắn liền với cuộc sống và dường như nó thường gắn bó với những cuộc chia ly và hội ngộ. Thông qua câu chuyện giản dị trong MV, tôi muốn gợi lên cho người xem ký ức đẹp đẽ về những ngày xưa cũ, những hình ảnh mà sau này mỗi chúng ta vẫn hay gặp lại trong “miền nhớ” của riêng mình”.

NSND Thu Hiền xúc động chia sẻ khi xem MV

Từ câu chuyện, hình ảnh, từng chi tiết trong MV đều tạo nên những xúc cảm rất đặc biệt cho người xem. Không giấu được sự xúc động, NSND Thu Hiền chia sẻ: MV gợi lại trong bà cả một tuổi thơ. Từng trưởng thành từ nhà hát tuồng, bà cảm thấy có nhiều tương đồng với nhân vật nữ chính trong bài hát. Bà cũng thấy hãnh diện vì thế hệ trẻ như Bích Hồng tiến bộ rất nhiều và luôn tâm huyết, sáng tạo để gìn giữ và làm giàu thêm cho dòng nhạc dân gian truyền thống.

NSND Quốc Hưng - Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng có chung cảm xúc như NSND Thu Hiền, anh cho biết: “Toàn bộ MV như gói tuổi thơ tôi ở đó. Nhà tôi cũng ở ven sông, mỗi khi làng có một đoàn tuồng, đoàn chèo về biểu diễn, cả làng đổ ra rất sớm, không mang chiếu thì xếp gạch, nấu cơm sớm ra giành chỗ. Tác phẩm viết cảm xúc, phối khí cảm xúc cộng thêm một giọng hát cũng rất cảm xúc ...”.

Ca sĩ, tiến sĩ âm nhạc Tân Nhàn - cho biết chị thực sự “nể phục” Bích Hồng, chị bày tỏ: "Tôi thấy bài hát không hề dễ hát vì đoạn hai có phần chuyển giọng rất khó nhưng Bích Hồng là người có kỹ thuật tốt nên mọi người cảm giác cô ấy không dùng kỹ thuật. Khi nghe MV Bích Hồng, tôi thấy có chút nghèn nghẹn, có lẽ bởi cô ấy quá xúc động và đó là điều đặc biệt trong sản phẩm này. Cô ấy hát như chính con người cô ấy, dung dị mộc mạc và rất ngọt ngào. Dân gian là ngọt ngào, không phải trưng trổ kỹ thuật".

Ca sĩ Bích Hồng bên người thân và gia đình tại buổi ra mắt MV

MV Người con của dòng sông là món quà chan chứa cảm xúc mà Bích Hồng dành tặng cho Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 và cũng là câu chuyện đẹp về người con gái mang tên dòng sông được kể nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10.

Ca sĩ Bích Hồng được khán giả chú ý khi đạt giải Ba dòng nhạc Dân gian và giải Ca sĩ được khán giả yêu thích Sao mai 2011. Hiện cô đang là giảng viên khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Bích Hồng dùng sản phẩm âm nhạc đặc biệt này để tri ân, tôn vinh Hà Nội, mảnh đất gắn bó với cô từ lúc thơ bé đến khi là một ca sĩ thành danh, trở thành một giảng viên thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dìu dắt bao thế hệ sinh viên trưởng thành, đồng thời ca ngợi những người chị, người mẹ đã một đời âm thầm như dòng sông, dùng tình yêu sâu nặng của mình để bồi đắp cho thế hệ tương lai.

THANH TÂM

;