Bộ VHTTDL họp báo thường kỳ quý III năm 2023: Giải đáp nhiều vấn đề dư luận quan tâm

Chiều 9-10, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức họp báo thường kỳ quý III năm 2023. Chủ trì buổi Họp báo có: Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy và Chánh Văn phòng Nguyễn Danh Hoàng Việt - người phát ngôn của Bộ VHTTDL.

Cùng dự buổi họp báo có sự tham gia của lãnh đạo các Cục, Vụ và các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL.

Toàn cảnh buổi Họp báo

Trình bày tóm tắt công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch quý III năm 2023; nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2023 của Bộ VHTTDL, Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Hữu Ngọc cho biết, trong quý III, được sự quan tâm và chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành, ngành VHTTDL đã bám sát và triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, các Nghị quyết tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ; tập trung thực hiện các nhiệm vụ nhằm chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Bộ VHTTDL đã chủ động xây dựng Kế hoạch, phối hợp “từ sớm”, “từ xa” với các địa phương trong công tác quản lý nhà nước, tổ chức các sự kiện lớn của ngành theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm, có điểm nhấn và tạo sức lan tỏa lớn, kiên định mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa cơ sở thông qua hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, thể thao và du lịch diễn ra sôi động trong cả nước, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, được nhân dân đồng tình, ủng hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của văn hóa, từ đó quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư có hiệu quả hơn để phát triển văn hóa, đây chính là động lực quan trọng để toàn ngành không ngừng nỗ lực hơn nữa.

 

Lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng của Bộ VHTTDL và đội ngũ phóng viên các cơ quan báo chí tại buổi họp báo

Ông Nguyễn Hữu Ngọc cũng cho biết nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2023, tiếp tục chỉ đạo triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6-1-2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; hoàn thành các văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chương trình công tác năm 2023; tập trung phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam cho giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045...

Tại buổi họp báo, đại diện các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ đã trả lời các vấn đề báo chí quan tâm như: chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam; điều chỉnh chỉ tiêu đón khách du lịch quốc tế; ngày hội văn hóa các dân tộc; định giá tài sản của công nghiệp văn hóa; chấn chỉnh sự việc xảy ra ở đội bóng bàn trẻ...

Trả lời về việc điều chỉnh chỉ tiêu đón khách du lịch quốc tế, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết đến thời điểm hiện tại lượng khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam là gần 9 triệu, đã vượt qua con số 8 triệu lượt khách như kế hoạch đề ra. Thông thường số lượng khách quốc tế đến với Việt Nam từ tháng 10 năm nay và gối đầu sang tháng 4 năm sau, nhiều hơn so với các tháng đầu năm.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy trả lời về vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu số lượng đón khách du lịch quốc tế

Ông Phạm Văn Thủy cũng chia sẻ thêm về vấn đề thu hút khách quốc tế, bởi gần đây chính sách visa của Việt Nam đã cởi mở; cùng với các chính sách khác thì vấn đề về hợp tác song phương của Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới cũng đã góp phần tạo điều kiện và tác động tới lượng khách du lịch nước ngoài đến với Việt Nam; đồng thời, ngành VHTTDL đang trong quá trình chấn hưng về văn hóa nên tất cả các di sản, di tích đều trở thành tài nguyên để phát triển du lịch, các sản phẩm du lịch của nước ta trở nên độc đáo, riêng biệt và trở thành sự hấp dẫn đối với du khách quốc tế; bên cạnh đó thị trường khách Trung Quốc, và thị trường truyền thống cũng là nguồn khách tiềm năng. Vì vậy, đưa chỉ tiêu đón khách quốc tế lên 12,5 đến 13 triệu lượt khách là hoàn toàn khả thi, từ đó sẽ mở ra tiền đề cho năm 2024 và 2025 cũng là những nội dung đã định hướng nhằm vượt chỉ tiêu góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Liên quan đến các nội dung về Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Lê Hồng Phong cho biết, sự cần thiết về Chương trình mục tiêu quốc gia đó là Bộ VHTTDL thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, cụ thể là thực hiện Kế hoạch số 42-KL/TW về kinh tế, xã hội năm 2022-2023 (Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành) nêu rõ: “Triển khai Chương trình quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030”; Nghị quyết số 68/2022/QH15, Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 tiếp tục giao Chính phủ xây dựng Chương trình hoặc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; và Kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” đã nhấn mạnh về xây dựng Chương trình này. Việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm cụ thể hóa các quy hoạch, chiến lược, đề án, chương trình đã được phê duyệt; Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện nhằm triển khai những cam kết quốc tế; nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách mà hiện nay những nguồn lực sẵn có chưa giải quyết một cách rốt ráo.

Lãnh đạo các Cục, Vụ trả lời các vấn đề phóng viên báo chí đặt câu hỏi

Về vấn đề Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ đầu tư như thế nào để không dàn trải và có hiệu quả, ông Lê Hồng Phong nhấn mạnh, lĩnh vực văn hóa là rất rộng, chính vì thế ngay từ đầu Bộ VHTTDL đã xây dựng và xin ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương, Hiệp hội, các địa phương, đặc biệt là của các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực văn hóa. Để thực hiện, đã tiếp cận theo hướng: xây dựng Chương trình đảm bảo phát triển đồng đều các lĩnh vực văn hóa, đặc biệt thu gọn khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa đồng bào dân tộc và giữa các vùng miền; tạo ra các tác phẩm đỉnh cao; đầu tư cho những lĩnh vực văn hóa có thể có nguồn thu nhằm tái phát triển. Trên tinh thần đó, Chương trình mục tiêu quốc gia được thiết kế với 10 dự án thành phần cùng với các tiểu dự án...

Về vấn đề đội tuyển bóng bàn trẻ, việc các tuyển thủ của đội tuyển trẻ bóng bàn Việt Nam không được đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng, nêu quan điểm của Bộ VHTTDL về vụ việc này, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, hiện nay Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội không đủ điều kiện về diện tích để đảm bảo cho hơn 40 đội tuyển trẻ tập luyện hằng năm với số lượng khoảng 1000 người. Để đáp ứng được nhu cầu tập huấn, tập luyện của các đội tuyển phải tập huấn cả ở các cơ sở khác ở các địa phương. Việc chi trả chế độ tiền lương, chế độ dinh dưỡng hằng tháng cho huấn luyện viên và vận động viên vào tài khoản riêng của từng cá nhân. Đối với đội tuyển bóng bàn trẻ, việc sinh hoạt, tổ chức ăn uống được thực hiện từ tháng 2 năm 2023, được thực hiện tại Khu Liên hiệp thể thao quốc gia, và Trung tâm Thể thao quốc gia Hà Nội đã thanh toán, chi trả các chi phí theo đúng quy định.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, Bộ VHTTDL xác định đây là bài học lớn cho ngành thể dục thể thao, nhất là trong công tác phối hợp, đặc biệt đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những người tham gia làm công tác huấn luyện, đào tạo vận động viên trẻ nhưng chưa thực sự đặt mục tiêu, sự quan tâm cho việc đào tạo, huấn luyện, chế độ, bồi dưỡng cũng như đời sống của các vận động viên lên trên, mà còn có biểu hiện lo cho lợi ích của cá nhân.

Về việc xử lý, Thứ trưởng cho biết, ngay sau khi Bộ VHTTDL nhận được phản ánh trên các phương tiện truyền thông báo chí về sự việc này, Bộ VHTTDL ngay lập tức đã chỉ đạo Cục Thể dục Thể thao quan tâm, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý ngay sự việc này. Cục Thể dục Thể thao đã đình chỉ, cho thôi ban huấn luyện đã để ra sai phạm và thay thế Ban huấn luyện khác. Đồng thời, cũng đã đưa đội tuyển bóng bàn trẻ về tập luyện và sinh hoạt tại Trung tâm huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội. Đồng thời, Bộ VHTTDL đang chỉ đạo quyết liệt việc giao cho các cơ quan đơn vị liên quan kịp thời, nhanh chóng xác minh làm rõ trách nhiệm, trên cơ sở đó, Bộ VHTTDL sẽ xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân sai phạm theo đúng quy định pháp luật.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu kết luận buổi Họp báo

Phát biểu kết luận buổi họp báo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các cơ quan báo chí về những lĩnh vực, vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Bộ VHTTDL. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Bộ VHTTDL đang quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ hệ thống giải pháp từ hoàn thiện thể chế đến nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ.

Thứ trưởng mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành và hỗ trợ tuyên truyền Bộ VHTTDL trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt những nội dung mang tính chất mới cần có sự đồng thuận, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm của xã hội và sự thấu hiểu của các tầng lớp nhân dân đối với những nỗ lực cố gắng của ngành VHTTDL trên cả nước, như việc xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền xem xét về Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của Bộ VHTTDL, cũng như công tác thể chế hóa những chính sách mới của Đảng, Quốc hội, Chính phủ...

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

;