Nhóm sáng tạo HAY tiếp tục ra mắt nhạc kịch “Hoàng tử bé”

Tiếp nối sự thành công của nhiều vở nhạc kịch đặc sắc như: “Cô bé bán diêm”, “Phù thủy Phù thủy”, “Matilda”, “Totto Chan”, “Không gia đình”, ngày 7 và 8-10-2023, tại Nhà hát Tuổi trẻ, nhóm sáng tạo HAY (Hanoi Arts for Youth) tiếp tục giới thiệu nhạc kịch “Hoàng tử bé” tới cộng đồng yêu nghệ thuật nhạc kịch, đặc biệt là các em thiếu nhi Thủ đô.

Được thành lập từ tháng 10-2017, nhóm kịch HAY gồm những cá nhân từ nhiều ngành nghề khác nhau, cùng có niềm đam mê nghệ thuật và mong muốn làm điều gì đó tốt đẹp cho con em mình. HAY quyết định chọn nhạc kịch - loại hình nghệ thuật tổng hợp nhiều kỹ năng: vũ đạo, thanh nhạc, diễn xuất và chọn tiếng Anh là ngôn ngữ biểu diễn.

Bằng những nỗ lực của nhóm HAY, vở nhạc kịch "Hoàng tử bé" đã thực sự tạo nên sân chơi nghệ thuật bổ ích cho các em nhỏ

Nhạc kịch Hoàng tử bé, được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Hoàng tử bé (Le petit prince) của nhà văn, phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry, xuất bản năm 1943. Cuốn sách gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ độc giả toàn thế giới. Tác phẩm đã được dịch sang hơn 250 ngôn ngữ (bao gồm cả tiếng địa phương) và cho đến nay đã bán được hơn 200 triệu bản khắp thế giới, trở thành một trong những sách bán chạy nhất của mọi thời đại và được phát triển trở thành một sê ri truyện tranh có 39 chương. Ở Việt Nam, Hoàng tử bé luôn dẫn đầu danh sách những tác phẩm văn học thiếu nhi bán chạy nhất.

Bà Hoàng Thu Hường, Giám đốc dự án HAY chia sẻ: “Chuyển thể một tác phẩm văn học nổi tiếng sang hình thức nghệ thuật khác luôn là một quyết định liều lĩnh; đặc biệt với tác phẩm được nhiều người yêu thích như Hoàng Tử Bé. Các nhà sản xuất phim thế giới đã từng đưa tác phẩm này lên màn ảnh rộng, nhưng với thời lượng 2 tiếng của bộ phim thật khó truyền tải hết hồn cốt của tác phẩm đã đi sâu vào lòng người ấy. Với nghệ thuật sân khấu, sự thách thức càng nhân lên gấp bội với sự hạn hẹp cả về không gian và thời gian của việc biểu diễn. Tuy nhiên vì rất yêu tác phẩm, khao khát được “gặp” những nhân vật yêu thích của mình thật gần gũi, chúng tôi vẫn quyết tâm đưa Hoàng tử bé lên sân khấu. Qua ước mơ của Hoàng tử bé trong hành trình khám phá điều mới lạ, được gặp gỡ những con người với hoàn cảnh, số phận và tính cách khác nhau trên nhiều hành tinh, nhân vật nhận được nhiều bài học về cuộc sống”.

Hoàng tử bé đã giúp ông vua thay đổi, không còn khát khao quyền lực, không còn muốn có thật nhiều thần dân để trị vì sai khiến

“Hoàng tử bé” là câu chuyện triết học giàu chất thơ, đề cập đến những chủ đề sâu sắc như cuộc sống và tình yêu, cái chết, tình bạn

Hơn 10 ca khúc được sáng tác mới dành riêng cho vở nhạc kịch, hòa cùng phần trình diễn vũ đạo và lời thoại mang đến một không gian kịch nghệ nhiều cảm xúc cho khán giả. Và trên hết, dự án là trải nghiệm nghệ thuật khó quên với các diễn viên nhí không chuyên được hóa thân vào những nhân vật yêu thích trong tác phẩm nổi tiếng. Em Trần Quốc Vượng chia sẻ: “Ở trong vở kịch này, con rất ấn tượng với nhân vật phi công vì ông ấy đã cố gắng sống sót sau khi máy bay bị rơi xuống sa mạc và luôn tràn đầy niềm tin, sự hy vọng”. Các em là những học sinh từ các trường trên địa bàn Hà Nội, từ việc yêu thích nghệ thuật đã chuyển mình từ vị trí của những khán giả thành người biểu diễn sau hơn 5 tháng nỗ lực tập luyện.

Tuy nhiên, để dàn dựng thành công vở kịch, nhóm HAY cũng gặp không ít khó khăn, không chỉ khó khăn vì các diễn viên nhí ở nhiều độ tuổi và không chuyên nghiệp mà: “Vở nhạc kịch Hoàng tử bé có cái khó riêng, đó là truyện không có mâu thuẫn, xung đột rõ ràng mà trải dài và ẩn chứa dưới các tình huống, nhân vật. Ngoài ra, tác giả cũng gửi gắm thông điệp cho cả người lớn chứ không đơn thuần tác phẩm này dành cho trẻ em. Do vậy, tôi đã phải tổ chức nhiều hơn những hoạt động phân tích để các bạn diễn viên nhí có thể cảm nhận sâu sắc hơn về diễn xuất, lời hát hay điệu nhảy” - biên kịch, đạo diễn, nghệ sĩ Hoàng Tùng chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

Vở nhạc kịch hàm ẩn nhiều triết lý nhân sinh từ những cuộc phiêu lưu qua các hành tinh của nhân vật Hoàng tử bé

Cuộc du ngoạn của Hoàng tử bé qua 6 tiểu tinh cầu khiến cậu bắt đầu tiếp xúc với cách nói chuyện và cư xử của những người lớn, từ đó cậu hiểu được rằng những người lớn luôn đi tìm kiếm quyền lực, họ tự làm khổ chính bản thân mình, họ làm theo những quy tắc nhất định và thực sự họ không biết mình cần và muốn gì. Thông qua ước mơ của Hoàng tử bé trong hành trình khám phá điều mới lạ, được gặp gỡ những con người với hoàn cảnh, số phận và tính cách khác nhau trên nhiều hành tinh, nhân vật Hoàng tử bé đã nhận ra nhiều bài học về cuộc sống. Nhìn nhận một cách chuẩn xác hơn, chính những nhân vật “người lớn” khi được tiếp xúc với vẻ đẹp thuần khiết của trẻ thơ (mà đại diện là Hoàng tử bé), đã nhận ra được những điều quý giá mà họ đã không lưu giữ được. Họ là: một ông vua khát khao quyền lực muốn có thần dân để trị vì sai khiến, một thần tượng muốn có thật nhiều người hâm mộ, một nhà buôn muốn sở hữu mọi thứ hay người say rượu luôn dằn vặt với chính thói nghiện rượu của mình, rồi cả nhà địa lý sợ hãi việc trải nghiệm cuộc sống hay người thắp đèn miễn cưỡng gắn bó với công việc nhàm chán mà không dám thoát ra…

Hoàng tử bé đã nhìn những sự vật hiện hữu trên cuộc đời bằng chính trái tim trong sáng, thuần khiết của cậu

Nhóm HAY mong muốn thông qua vở nhạc kịch Hoàng tử bé sẽ góp phần làm phong phú hơn đời sống nghệ thuật cho giới trẻ tại Việt Nam. Đồng thời, tạo sân chơi cho các em nhỏ, tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ Việt Nam quan tâm làm mới tác phẩm văn học kinh điển nói riêng, tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung, bằng hình thức thể hiện phong phú và đa dạng, mang lại cảm xúc mới mẻ cho khán giả.

Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG

;