Sự biến động giá trị văn hóa ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX - Nhìn từ hiện tượng quyên sinh

Vào đầu TK XX, ở Nam Kỳ hiện tượng tự tử (quyên sinh) lan rộng (nhất là trong phụ nữ) đến mức trở thành một căn bệnh. Nguyên nhân thường được nhắc đến coi tự tử như một cách phản kháng của giới trẻ đối với những áp chế của gia đình và xã hội. Khai quật lại vấn đề này qua tư liệu báo chí đương thời, bài viết đưa ra một góc nhìn đa chiều, đặt hiện tượng tự tử trong mối quan hệ với sự biến động các giá trị văn hóa của vùng đất Nam Bộ đầu TK XX.

Đường phố Sài Gòn đầu TK XX - Nguồn: kienthuc.net.vn

1. Bối cảnh sự biến động giá trị văn hóa tại Nam Kỳ đầu TK XX

Nam Kỳ là vùng đất phía Nam của lãnh thổ Việt Nam. Từ khi được khai phá đến nay, vùng đất này đã nhiều lần thay đổi tên. Tên gọi Nam Kỳ xuất hiện năm 1834 theo chỉ dụ của Vua Minh Mạng và được sử dụng đến năm 1945.

Trước khi tiếp xúc - tiếp biến với văn hóa phương Tây, nền kinh tế Nam Kỳ nhìn chung về cơ bản vẫn là một nền kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp quy mô nhỏ mang tính chất gia đình, chưa có được những cơ sở sản xuất quy mô lớn. Và cũng do hình thức giao dịch chủ yếu là bán lẻ, trả tiền mặt nên lúc này ở Nam Kỳ, ngoài những thương nhân người Hoa với kinh nghiệm kinh doanh lão luyện và sự liên kết hỗ trợ nhau rất chặt chẽ thông qua tổ chức bang hội, vẫn chưa có tầng lớp đại phú thương người Việt - yếu tố quan trọng tạo nên diện mạo cho đô thị.

Trên bình diện tư tưởng, cũng như ở các vùng miền khác trên toàn cõi Việt Nam, Nho giáo vẫn là hệ tư tưởng chính thống của người dân Nam Kỳ và đi cùng với nó là hệ thống giáo dục Hán học được phổ biến đến tận các làng xã. Thông qua các nguyên tắc như: Tam tòng - Tứ đức - Ngũ luân... Nho học và Nho giáo đã hỗ trợ, giúp cho sự liên kết cộng đồng của người dân Nam Kỳ thêm bền chặt.

Có thể thấy, Nam Kỳ thời kỳ tiền Tây hóa luôn bị níu kéo bởi hai thế lực: một bên là sự quản lý theo kiểu “trọng nông, ức thương” của triều đình nhà Nguyễn và bên kia là sức mạnh bủa vây của cộng đồng làng xã nông thôn cùng với những quy tắc của Nho học. Chính sự co kéo hai đầu này đã khiến cho Nam Kỳ chưa thể vươn lên tồn tại như một vùng đất tự do phát triển kinh doanh với những đô thị mang chức năng kinh tế đúng nghĩa và cũng chính vì vậy mà cộng đồng cư dân đô thị Nam Kỳ cũng chưa thể rũ bỏ được nguồn gốc nông dân của mình.

Sau khi chiếm được Nam Kỳ, để đẩy nhanh quá trình khai thác thuộc địa, nhà cầm quyền Pháp đã có nhiều tác động trên các lĩnh vực kinh tế, giao thông và phát triển đô thị khiến bộ mặt Nam Kỳ đã thay đổi nhanh chóng. Nhiều công trình kiến trúc được xây dựng, các trường học theo mô hình giáo dục của Pháp cũng được đầu tư như Trường Petrus Ký, Trường Áo Tím, Trường Marie Curie… Những Tân thư du nhập vào Nam Kỳ giai đoạn này với những hệ tư tưởng mới như dân chủ tư sản, vô sản cũng tác động mạnh mẽ. Sài Gòn trở thành trung tâm hành chính của Nam Kỳ trong toàn cõi Đông Dương (trước khi Pháp chuyển Thủ đô Đông Dương ra Hà Nội vào năm 1900).

Tất cả các hoạt động này vô hình trung đã làm cho nền kinh tế thuần nông của Nam Kỳ có những biến động nhất định, tạo điều kiện cho người Việt Nam tham gia vào cuộc cạnh tranh trên các lĩnh vực vốn là độc quyền của các nhà tư bản người Hoa, người Pháp. Nếu năm 1870, tại Chợ Lớn và Sài Gòn chưa có nhà buôn và nhà sản xuất hàng hóa nào là người Việt Nam thì chỉ sau 18 năm (đến năm 1888), Chợ Lớn đã có 188 nhà buôn và Sài Gòn có 102 nhà buôn người Việt (1). Tầng lớp tư sản đầu tiên của người Việt đã hình thành. Bên cạnh đó, những tầng lớp xã hội mới như tiểu tư sản thành thị, trí thức tân học, thị dân công nhân, phu đồn điền... cũng đã xuất hiện.

Do Nam Kỳ là vùng đất trẻ, năng động, mối liên hệ với văn hóa truyền thống khá mỏng, đồng thời lại là vùng đất trực trị của Pháp, nên việc chuyển đổi giá trị văn hóa theo phương Tây có chiều hướng dễ dàng, thuận lợi hơn so với các vùng khác trong cả nước. Cũng chính vì vậy mà sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa với phương Tây đã tạo ra sự chuyển biến có tính bước ngoặt trong hệ tư tưởng truyền thống của người dân nơi đây. Ngoài hệ tư tưởng Nho giáo đã có sẵn, người dân Nam Kỳ đã tiếp nhận thêm hệ tư tưởng dân chủ tư sản và cả hệ tư tưởng vô sản. Các hệ tư tưởng cũ và mới này cùng tồn tại, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau, đấu tranh với nhau tạo nên một bầu không khí sôi động, mới mẻ nhưng đồng thời cũng mang đến nhiều hệ luỵ góp phần dẫn đến “căn bệnh tự tử” ở vùng đất này trong những năm cuối thập niên 20 của TK XX.

2. Sự biến động giá trị qua hiện tượng tự tử nhìn từ nhận thức về quyền con người và đời sống gia đình - xã hội

Tự sát là một trong những “nạn dịch” của giới trẻ ở Việt Nam những năm cuối thập niên 1920 có ở cả 3 miền, riêng ở Nam Kỳ chỉ trong 2 năm 1931-1932 đã có 14 trường hợp tự tử được đăng trên báo Phụ nữ tân văn. Cầu Bình Lợi với đặc tính là nơi có dòng nước chảy xiết (người dù có biết bơi giỏi cũng rất khó bơi được qua đoạn sông này) được mệnh danh là “mồ chôn những người con gái bạc mệnh ở Sài Gòn” (2). Để lý giải nguyên nhân, một số trí thức thời kỳ này đã đổ lỗi cho tiểu thuyết. Trong bài Cái hại đọc tiểu - thuyết của Vũ Hữu San đã lý giải: “Các tiểu thư nhàn rỗi… cũng mắc nghiện tiểu - thuyết… Các tiểu thư xem đến đó rồi cũng oán giời, trách đất bầy chi những cuộc bể dâu... cũng than than, khóc khóc mà chia buồn, sẻ sầu với vai trong truyện” (3).

Tranh biếm họa tự tử ở Hà Nội (nguồn: Phong hóa tuần báo)

Việc chỉ chăm chăm đổ lỗi cho tiểu thuyết là thủ phạm của “nạn dịch” tự tử mà không nhìn rộng ra những tác động của quá trình biến động giá trị văn hóa trong đời sống của người dân thời kỳ này là một cách nhìn phiến diện.

Đầu TK XX, sự tiếp xúc với văn hóa phương Tây dẫn đến sự đổi mới trong nhận thức về quyền con người, quyền được đối xử bình đẳng giữa nam và nữ. Vấn đề bình đẳng giới đã được một số trí thức và nhà hoạt động xã hội đương thời cực kỳ quan tâm, Phan Khôi chủ trương: “Khi phụ nữ đã trở thành ra vấn đề, có nghĩa những gì liên quan tới phụ nữ hoặc thuộc về phụ nữ đã trở nên không còn phù hợp nữa và phải giải quyết” (4). Diệp Văn Kỳ thì cho rằng việc bình quyền là một xu thế tất yếu: “bất chấp nam giới có muốn hay không… Chính họ sẽ tự giải phóng lấy”, đồng thời ông cũng trấn an xã hội: “Người ta hay nói tự do là con dao hai lưỡi. Song thiết tưởng có đứt tay qua rồi mới biết dùng chớ. Đàn bà cũng vậy, cứ giữ họ vĩnh viễn là kẻ vị cập thành nhơn sợ rằng có hại thì biết bao giờ cho đến thời kì giải phóng” (5).

Việc xới lên những tư tưởng cấp tiến này đã gieo vào đầu óc của phụ nữ và giới trẻ hy vọng về một cuộc sống mới, nơi họ được giải phóng khỏi sự trói buộc của những phép tắc lễ nghi, dẫn đến sự xung đột mạnh mẽ về hệ giá trị với truyền thống Nho giáo. Cao Văn Chánh có lý khi lo lắng rằng việc người Việt tiếp thu tư tưởng mới trong hoàn cảnh đã quen với những phép tắc lễ nghi của Nho giáo “là một sự bạo quá, không hề có liên tiếp, có trật tự, như vậy e rằng óc chúng ta sẽ vỡ, lòng chúng ta sẽ đau vì cũng như người nhảy cao phải té nặng vậy”. Và ông đề xuất: “sự giáo dục phải từ từ, phải có buổi giao thời để dung hợp hai nền văn hóa” (6).

Những tư tưởng cấp tiến táo bạo của Phan Khôi, Diệp Văn Kỳ... không chỉ gặp phải sự phản đối của những nhà Nho bảo thủ muốn duy trì những nguyên tắc “tam tòng”, “tứ đức”, quan niệm về trinh tiết xưa cũ mà còn gặp phải sự phản đối của cả một số trí thức Tây học, những người có hiểu biết cả về thực tế văn hóa Việt Nam. Nguyễn Phan Long chỉ ra rằng thực ra ở Việt Nam “trong nhiều nhà, đàn bà nắm cả quyền hành trong tay” cho nên “nào họ có bị nô lệ gì” mà phải nói đến việc giải phóng phụ nữ, đòi bình quyền, bình đẳng. Với việc phụ nữ tham gia hoạt động xã hội, ông cho rằng: “Đàn bà chậm hơn đàn ông trên đường học vấn - nếu không phải cả năm chục năm, thì cũng là hai chục năm - mà đàn ông còn chưa biết dùng quyền chính trị, thì nói chi tới đàn bà” và ông kết luận: “thiết tưởng đàn bà chỉ nên trọn đạo làm kẻ nội trợ”(7).

Một trí thức Tây học, tốt nghiệp đại học ở nước ngoài khác là Bùi Quang Chiêu cho rằng “ở đời chẳng hề có bình đẳng bao giờ, có chăng trong lý thuyết. Thế gian làm sao có bình đẳng được”. Đối với phụ nữ, ông cho rằng “chẳng nên đòi bình quyền”, thậm chí “bình quyền làm chi? Phận sự của đàn bà ở trong nhà cũng hệ trọng, cũng danh dự”. Ông lo ngại rằng giúp phụ nữ đòi bình quyền là “gây thêm kẻ phản đối... từ trong gia đình đến ngoài xã hội”. Vì vậy, “chẳng nên gây cho đàn bà trở thành kẻ phản đối ta” (8). Nếu nhớ rằng vào đầu TK XX, ở châu Âu phong trào nữ quyền mới chỉ được khởi xướng, phải đợi đến những năm 1960 mới đạt đến đỉnh cao thì có thể hiểu được quan điểm của những trí thức và nhà quản lý như Nguyễn Phan Long, Bùi Quang Chiêu.

Và như thế, chính sự “co kéo hai đầu”, “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong dư luận xã hội là nguyên nhân dẫn đến xung đột giá trị, đẩy người phụ nữ đến bước đường tự tử. Trong bài viết Tống Nho với phụ nữ, Phan Khôi cho rằng “chính quan niệm “chữ trinh” xuất phát từ tính ích kỷ của đàn ông đã làm hình thành cái luật bất công vô đạo đó. Tuy chỉ là quan niệm luân lý, nhưng trên thực tế nó có hiệu lực còn mạnh hơn luật thực sự. Vì luân lý mà nhiều người phụ nữ góa chồng không dám cải giá, sợ mang tiếng thất tiết. Với trường hợp có cô gái khi nghe tin chồng chưa cưới chết cũng phải tự tử chết theo để giữ chữ tiết trinh”. Phan Khôi cho rằng cô gái ấy chết không phải vì quá yêu thương chồng chưa cưới mà chỉ vì nghĩ rằng: “dẫu có sống cũng chẳng lấy được chồng, thà chết đi thì lại được tiếng tiết liệt để đời, nên cái chết đó là cái chết vì luân lý bó buộc mà chết” (9).

Không chỉ quan niệm trinh tiết của Nho giáo mà nhiều vụ tự tử ở Nam Kỳ còn liên quan đến vấn đề đa thê trong các gia đình Việt Nam. Bài viết Một tuần lễ hai cái án phụ nữ tự sát đăng trên Phụ nữ tân văn ngày 21-1-1932 bàn về vụ tự tử của cô Nguyễn Thanh Vân nhảy lầu khách sạn tự tử ở Sài Gòn ngày 29-12-1931 và tiếp ngay sau đó một tuần là cô Thị Cái trẫm mình ở cầu Bình Lợi ngày 6-1-1932 cho biết hai vụ tự tử này giống nhau ở chỗ cả hai cô đều là vợ lẽ. Thân phận người vợ lẽ đã được dân gian đúc kết qua bài ca dao: Lấy chồng làm lẽ khổ thay/ Đi cấy đi cày, chị chẳng kể công/ Đến tối chị giữ lấy chồng/ Chị cho manh chiếu nằm không nhà ngoài/ Đêm đêm gọi những: Bớ Hai/ Trở dậy nấu cám, thái khoai, đâm bèo!. Đa phần phụ nữ thời kỳ này đã ý thức được về giá trị của bản thân, nhưng do bị gia đình ép duyên, hoặc do khó khăn về kinh tế, hoặc cũng bởi vì yêu nhầm người có gia đình mà không biết nên bị rơi vào thân phận lẽ mọn. Đi tìm căn nguyên gây nên tình trạng trên, Phan Khôi cho rằng: “sở dĩ có hiện tượng tự tử đến độ “thành bịnh” là vì bên cạnh sự khó khăn về kinh tế còn “bởi học thuyết mới, tư tưởng mới tràn vào, bởi kẻ bị áp chế lâu ngày quá thì sanh ra phản động” (10). Khi nhận thức của con người về quyền tự do, về phẩm giá cá nhân đã xuất hiện mà thực trạng xã hội vẫn duy trì chế độ đa thê đã dẫn đến sự xung đột dường như không có lối thoát về giá trị. Quyên sinh trong trường hợp này nên được xem là hậu quả tất yếu của sự biến động giá trị văn hóa trong đời sống gia đình người Nam Kỳ đầu TK XX.

Chính việc tiếp thu giá trị văn hóa phương Tây một cách tự phát, không có sự thống nhất, thiếu cái nhìn hệ thống và không có kế hoạch, không được định hướng bài bản đã khiến cho đến tận năm 1931, phong trào nữ quyền ở Nam Kỳ rơi vào tình trạng “thỉnh thoảng chỗ này có một cô đọc bài diễn thuyết, chỗ kia có một bà đứng ra cổ động về một cuộc thể thao hay là hữu ích khác. Song quang cảnh vẫn là quang cảnh quạnh hiu, lạnh lẽo” như bà Nguyễn Đức Nhuận đã tổng kết (11). Tình trạng đó khiến cho giới trẻ hoang mang, không định hướng được tương lai, đã trở thành một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến hiện tượng tự tử nơi giới trẻ.

3. Tính cách người Nam Kỳ nhìn từ hiện tượng tự tử

Khi nghiên cứu về những vụ tự tử xảy ra ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ giai đoạn này, chúng tôi thấy có điểm chung là tự tử ở trong Nam ngoài Bắc đều cùng là hệ quả của sự biến động về các giá trị trong gia đình và ngoài xã hội, dù rằng mức độ đậm nhạt mỗi nơi có sự khác nhau. Thế nhưng qua cách thức đi tìm cái chết, ta thấy có sự khác biệt khá rõ nét: những vụ tự tử ở Nam Kỳ hầu hết đều thể hiện tính cách quyết liệt và đều có kết cục hết sức bi thảm, hầu như chẳng có mấy vụ được cứu sống bởi lẽ một khi đã quyết định tìm đến cái chết, những người tự tử luôn chọn những toà nhà cao tầng, hoặc ra nơi có dòng nước chảy xiết như cầu Bình Lợi, sông Thị Nghè. Thậm chí ở Nam Kỳ thời đó trong dân gian còn lưu truyền câu nói: “Người ta khác với cầm thú chỉ vì biết tự tử”. Sở dĩ như vậy là vì “chẳng có sự tự tử nào là không có mục đích hoặc vì mình, hoặc vì người, hoặc để cảnh tỉnh người đời… Mà dầu sự tự tử không ích đến ai chăng nữa cũng đủ tỏ ra cái ý chí tự do của mình” và “Khoan nói đến mục đích thế nào, chỉ kể một cái ý chí của người tự tử đã làm cho chúng ta phải khâm phục. Vì họ có một là cái lòng bạo dạn; hai là cái lòng quả quyết” (12). Trong khi ở Hà Nội, theo miêu tả của Lê Hoa Anh trên Hà thành Ngọ báo ngày 13-7-1927, người tự tử “phần nhiều là các tiểu thư, ăn vận rất lượt là hoa mỹ, hình như con nhà tử tế cả, mà thường thường xuân xanh chỉ độ trong vòng mười tám đôi mươi có lẻ là cùng!”. Nơi tự tử thường là hồ Gươm và hồ Trúc Bạch là những hồ nước nông, rất ít người chọn Hồ Tây. Và do vậy các vụ tự tử thường là đều được cứu sống. Đương nhiên tự tử ở nơi công cộng dễ dàng đánh động sự quan tâm chú ý của công chúng, thế nhưng việc các cô “ăn vận rất lượt là hoa mỹ” đi tìm cái chết đã gợi nên sự hoài nghi của xã hội đối với hiện tượng này. Thậm chí trong giới phu kéo xe còn xuất hiện thêm một nghề phụ là cứu các cô gái tự tử để nhận tiền thưởng: Các anh phu kéo xe thường lảng vảng ở hồ Gươm, hồ Trúc Bạch chờ có các cô gái nhảy xuống hoặc có người kêu cứu rồi xuống vớt lên để nhận tiền thưởng của gia đình. Trong một bức tranh biếm họa đăng trên Phong hóa tuần báo ngày 25-11-1932, cô gái (mặc áo dài) “bị” một người đàn ông giữ lại trên bờ hồ Gươm đã nói: “Ông cứ để tôi nhảy xuống cho ướt rồi ông hãy cứu!”; ở một bức biếm họa khác, cô gái bảo người phu kéo xe vừa vớt mình lên: “Nhân tiện bác mò giùm hộ tôi chiếc giày!”.

Sự khác biệt trong cách quyên sinh trên thực tế của phụ nữ ở Hà Nội và Sài Gòn đầu TK XX hoàn toàn trùng khớp với cách tự vẫn của hai nhân vật chính trong hai truyện thơ nổi tiếng là Vương Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du và Kiều Nguyệt Nga trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Cả hai cùng có một hành động giống nhau là nhảy xuống sông tự tử, nhưng cách thức hành động của hai nàng thì trái ngược nhau. Kiều của Nguyễn Du trước khi nhảy xuống sông còn đứng ngắm dòng nước chảy với biết bao cân nhắc đắn đo, suy đi tính lại (trong 30 dòng thơ: 2605-2635). Trong khi Kiều Nguyệt Nga một khi đã quyết định tự tử thì bèn ôm bức tượng của Lục Vân Tiên và “Nhắm dòng nước chảy vội vàng nhảy ngay”. Đồng cảm với Kiều, Hoài Thanh đã phê bình Kiều Nguyệt Nga nào là “nhảy xuống sông tự tử mà vô tâm như người ta nhảy trên sân vận động”, nào là “nhịp điệu câu thơ cũng gấp gáp, láu táu đến buồn cười!”. Xuân Diệu thì đã hiểu nên nhận xét: cô Nguyệt Nga của cụ Nguyễn Đình Chiểu là dân Nam Bộ, còn cô Kiều của cụ Nguyễn Du là gái Bắc Kỳ, nên tính cách hai cô khác nhau. Người Nam Bộ thường rất mạnh ở tính quyết đoán, tính hành động, còn người Bắc thường lại hay cả nghĩ, vân vi. Bởi thế cô Kiều Nguyệt Nga Nam Bộ khi đã quyết tự tử rồi thì nhảy ngay, không cần nghĩ, còn cô Kiều Bắc Kỳ thì nghĩ mãi rồi mới nhảy (13).

Một khía cạnh khác rất có thể cũng là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trong hiện tượng tự tử ở hai miền Nam - Bắc, đó chính là sự khác biệt về mức độ ràng buộc của tính cộng đồng làng xã đối với con người cá nhân trong cộng đồng đó. Miền Bắc vốn mang đậm tính cộng đồng làng xã, con người cá nhân dễ dàng bị khuất phục trong sức mạnh của dư luận cộng đồng và có lẽ chính vì vậy mà các cô gái trẻ miền Bắc thường chọn cách (dọa) tự tử như một phương thức đánh động, gây áp lực với gia đình và kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng hơn là muốn tự giải phóng cuộc sống bế tắc. Trong khi đó với tính cách xem trọng tự do cá nhân được hình thành và phát triển trong suốt quá trình di dân, khai phá và xây dựng vùng đất Nam Kỳ nên khi đối diện với sự bế tắc trong cuộc sống cùng với sự chông chênh trong quá trình biến động giá trị khi xã hội du nhập văn hóa phương Tây một cách thiếu hệ thống, thiếu định hướng thì người Nam Kỳ đã quyết liệt chọn cái chết như một sự giải thoát.

Có thể thấy, tính cách quyết liệt của Kiều Nguyệt Nga giữa TK XIX hay sự quyết liệt đi tìm cái chết của những người phụ nữ trẻ ở Nam Kỳ đầu TK XX đều thể hiện sự thống nhất trong tính cách người phương Nam là tính bộc trực và quyết đoán. Và nếu như hiện tượng tự tử ở Hà Nội ít nhiều mang lại sự hoài nghi vì tính chín chắn nơi những người đi tìm cái chết thì hiện tượng tự tử ở Nam Kỳ đã thực sự trở thành hồi chuông cảnh báo, lôi kéo sự chú ý của công luận và thực sự tạo thành một phong trào đấu tranh cho những giá trị mới của phụ nữ trong đời sống xã hội Nam Kỳ đầu TK XX.

Kết luận

Từ bức tranh tổng quan về quá trình biến động giá trị văn hóa ở Nam Kỳ đầu TK XX nhìn từ hiện tượng tự tử có thể thấy: cũng như ở các quốc gia khác trong khu vực, ở Nam Kỳ đầu TK XX đã diễn ra sự biến động giá trị văn hóa rất mạnh mẽ dưới tác động của quá trình tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, tùy sự khác biệt của mỗi quốc gia đối với tiến trình này ở: Thái độ: chủ động hay bị động; Mức độ: mạnh hay yếu; Tốc độ: nhanh hay chậm; Hiệu quả: cao hay thấp; Mối tương quan với văn hóa gốc: mức độ bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc nhiều hay ít mà sự biến động giá trị ở mỗi quốc gia sẽ có sự khác nhau. Ở Nam Kỳ đầu TK XX, về cách thức thực hiện, quá trình tiếp nhận các giá trị văn hóa phương Tây mang tính chất tự phát, phần nào manh mún, thụ động, thiếu sự kiểm soát, điều phối từ phía nhà nước. Do hoàn cảnh riêng của mình mà ở Nam Kỳ nói riêng và các đô thị lớn trong cả nước nói chung, phong trào tiếp nhận các giá trị văn hóa phương Tây chủ yếu là do tầng lớp trí thức thực hiện. Chính bởi tính chất tự phát, thiếu cái nhìn hệ thống và không có kế hoạch, không được định hướng bài bản đã khiến cho những giá trị tích cực và những phi giá trị tồn tại đan xen vào nhau và hậu quả là nhiều người không thể trụ nổi và đã buông tay trong quá trình biến động đó.

______________

1. Nguyễn Công Bình, Tìm hiểu giai cấp tư sản Việt Nam thời Pháp thuộc, Nxb Văn - Sử - Địa, Hà Nội, 1959, tr.22.

2. Nguyễn Nam, Phụ nữ tự sát - lỗi tại tiểu thuyết?, khoavanhoc-ngonngu.edu.vn, 2010.

3. Vũ Hữu San, Cái hại đọc tiểu-thuyết, Đông Pháp thời báo, 8-1-1929.

4. Phan Khôi, Cuộc trưng cầu ý kiến của Phụ nữ Tân văn các danh nhơn trong nước đối với vấn đề phụ nữ, Phụ nữ tân văn, 7-6-1929.

5. Diệp Văn Kỳ, Ý kiến của ông Diệp Văn Kỳ đối với vấn đề phụ nữ, Phụ nữ tân văn, 1-8-1929.

6. Cao Văn Chánh, Ý kiến của ông Cao Văn Chánh đối với vấn đề phụ nữ, Phụ nữ tân văn, 8-7-1929.

7. Nguyễn Phan Long, Ý kiến của ông Nguyễn Phan Long đối với vấn đề phụ nữ, Phụ nữ tân văn, 11-7-1929.

8. Bùi Quang Chiêu, Ý kiến của ông Bùi Quang Chiêu đối với vấn đề phụ nữ, Phụ nữ tân văn, 30-6-1929.

9, 10. Phan Khôi, Tống Nho với phụ nữ, Phụ nữ tân văn, 13-8-1931.

11. Nguyễn Đức Nhuận, Cơ quan giáo dục và phấn đấu của phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ tân văn, 21-5-1931.

12. Phan Khôi, Luận về phụ nữ tự sát, Phụ nữ tân văn, 26-9-1929.

13. Trần Đăng Khoa, Hầu chuyện các em học sinh, vov.vn,14-5-2012

TS NGUYỄN THỊ THÚY VY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 590, tháng 12-2024

;