Nhận diện giá trị di sản chạm khắc đá cổ tại xóm Chum (Hòa Bình)

Chạm khắc đá cổ là một trong những loại hình di sản sớm nhất, đặc biệt nhất và lưu giữ ký ức lịch sử - văn hóa vô giá trong quá trình phát triển của loài người. Các di sản chạm khắc đá cổ gồm hình chạm khắc, vật mang hình chạm khắc là những khối đá, địa điểm di sản, khu vực di sản là những mảnh ruộng, khu vườn, khoảnh rừng, vùng đất và môi trường cảnh quan tự nhiên, hữu hình, mang tính vật chất cụ thể. Bài viết tập trung nhận diện giá trị cảnh quan, lịch sử và văn hóa di sản chạm khắc đá cổ ở xóm Chum, xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình để góp phần vun đắp bản sắc dân tộc từ giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là những di sản mà tiền nhân để lại trên khu vực đá cổ.

Phiến đá có hình chạm khắc cổ tại thung lũng suối Cỏ - Ảnh: Tác giả cung cấp

1. Giá trị cảnh quan

Qua quan sát thực địa, khu di tích bãi đá cổ có hình chạm khắc nằm ở thung lũng suối Cỏ, xung quanh là đồi núi bao bọc, xen kẽ là các thửa ruộng bậc thang và những ngôi nhà sàn của người Mường. Đáng chú ý, cách dòng suối (nơi có tảng đá chạm khắc hình) khoảng 50m về phía Đông là ngôi miếu thờ của người Mường, gọi là miếu Đồng Đóng. Ngôi miếu là nơi người Mường ở xóm Chum thực hiện các nghi lễ nông nghiệp như lễ khai hạ (ngày 8 tháng Giêng theo lịch Mường) và lễ rửa lá lúa (ngày 8 tháng Ba lịch Mường), đồng thời còn là nơi để người dân thực hiện các nghi lễ cầu an mỗi khi gia đình có công việc trọng đại. Ngoài ra, cách hai khối đá có hình chạm khắc “mặt quỷ” khoảng 50m, còn có một khối granit lớn có hình như một con cá lớn. Trên thân phần đá hở ra đếm được 9 hốc đá lõm xuống dạng lòng bát. Đây có thể là dấu vết gắn liền với việc thực hành nghi lễ của con người.

Có thể thấy rằng, với cảnh quan tự nhiên gồm có đồi núi bao quanh, có dòng suối chảy và hệ thống ruộng bậc thang cùng hệ sinh thái cộng đồng thôn bản của người Mường ở sườn núi đã tạo nên cảnh quan “thung lũng” đẹp mắt, góp phần thu hút được du khách đến tham quan di sản bãi đá cổ có hình chạm khắc.

2. Giá trị lịch sử

Hình chạm khắc “mặt quỷ”

Người dân (lãnh đạo thôn, thày cúng, người cao niên và người có uy tín trong cộng đồng) tại xóm Chum (Hòa Bình) cho rằng: những hình chạm khắc “mặt quỷ” trên những phiến đá tại suối Cỏ đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, người dân hiện nay không biết được ai là người đã tạo ra những hình khắc, vì từ khi còn là đứa trẻ đi vào khu vực suối Cỏ, chơi thì họ đã thấy hình khắc đó, các thế hệ trước cũng chỉ truyền lại cho biết là có hình khắc, chứ không biết là do ai làm. Khi tìm hiểu, khảo sát từ các nguồn tư liệu như bài cúng, các câu chuyện được truyền lại… thông qua thày cúng và những người cao tuổi tại địa phương, cũng không thấy được nguồn gốc của các hình vẽ được chạm khắc trên phiến đá. Khi được hỏi, người dân chỉ biết hình được chạm khắc trên đá trông kỳ dị nên họ gọi chung là hình “mặt quỷ”.

Người dân cũng cho rằng, những hình vẽ được chạm khắc này chưa từng được xuất hiện trong quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất tại cộng đồng của người Mường nơi đây. Chẳng hạn, ở những ngôi nhà, dụng cụ lao động sản xuất (dao, cuốc…) cũng không thấy hình vẽ “mặt quỷ”. Từ những cơ sở trên, chúng tôi đoán định người Mường ở xóm Chum hiện nay không phải là chủ nhân của hình chạm khắc “mặt quỷ” trên phiến đá. Qua lời kể của các cụ cao tuổi trong vùng, “họ định cư tại đây tính đến nay đã nhiều đời, ông cha của họ có kể lại rằng khu vực này trước đó đã từng có một lớp người cư trú, vì khi họ chuyển đến đây đã thấy có một số thửa ruộng bậc thang. Khu vực trung tâm của bãi đá có hình khắc cổ khi đó còn là rừng rậm rạp, cây cối um tùm” (1).

Theo nhận định bước đầu của các nhà khảo cổ học, những hình chạm khắc trên phiến đá tại suối Cỏ có từ rất lâu đời. “Phát hiện hình khắc trên các khối đá granite ở suối Cỏ, xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình có ý nghĩa rất to lớn đối với nghiên cứu tiền sử, lịch sử của huyện, tỉnh và của đất nước ta, thậm chí có ý nghĩa quốc tế. Lý do ở chỗ đây là những hình khắc không phải tùy tiện mà có ý thức và kỹ năng rất rõ ràng liên quan đến tín ngưỡng cổ truyền của các cộng đồng cư dân cổ xưa sinh sống quanh vùng sơn khối lõi của tỉnh Hòa Bình, nơi phân bố nhiều di tích gốc của văn hóa Hòa Bình có niên đại trên 20 ngàn năm trước”…“phong cách nghệ thuật khá nhất quán với chủ đề chung là các khuôn mặt người dạng thú. Các vòng tròn đồng tâm mang phong cách trang trí Đông Sơn thể hiện mắt người và phần thu nhỏ thể hiện mũi, miệng khá đồng nhất ở cả 5 hình khắc” (2).

Như vậy, thông qua kết quả nghiên cứu ban đầu, các nhà khảo cổ phỏng đoán chủ nhân của hình chạm khắc “mặt quỷ” tại suối Cỏ, xóm Chum có thể là con người thuộc giai đoạn cuối của văn hóa Hòa Bình.

Miếu Đồng Đóng

Ngôi miếu nằm trong khu vực thung lũng suối Cỏ, cách vị trí phiến đá có hình khắc “mặt quỷ” ở suối khoảng 50-100m về hướng Đông. Theo người dân địa phương, đây là ngôi miếu do người Mường tại địa phương lập ra để thờ cúng người đã có công “khai hoang, mở bản” - Thành Hoàng của thôn xóm. Ngôi miếu thờ Ông Cung lang chàng Chúa Đóng. Trước đây, ngôi miếu được dựng theo kiểu cách miếu thờ của người Mường. Tuy nhiên, qua quá trình biến động của lịch sử, xã hội, năm 1967 ngôi miếu đã bị phá hủy hoàn toàn, không còn lưu giữ được những tài liệu hay di vật nào. Hiện nay, ngôi miếu đã được nhân dân địa phương xây dựng lại, nhưng mới chỉ dựng theo kiểu nhà một gian tạm bợ để người dân trong thôn xóm đến thực hành các nghi lễ truyền thống, chứ chưa xây theo kiểu miếu thờ của người Mường.

Về truyền thuyết Ông Cung lang chàng Chúa Đóng: “Xưa kia vùng Mường Cỏ là khu vực rậm rạp, cây cối um tùm, ít người sinh sống lại nhiều thú dữ. Ông Cung lang chàng Chúa Đóng là người vùng Kim Bôi khi đi dạo chơi ngang qua vùng Mường Cỏ đến chân đồi Đóng thì bị cọp bắt, nơi ông hóa mối đùn lên thành đống rất to, nhân dân truyền tai nhau nơi đây rất linh thiêng, đã lập miếu thờ và tôn ông là thành hoàng của làng, quanh năm hương khói thờ phụng. Cứ như vậy, từ đời này qua đời khác, ngôi miếu đã nổi tiếng linh thiêng. Hằng năm, cứ đến ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 8 cây tính theo lịch Mường), nhân dân lại chuẩn bị lễ vật dâng vào miếu để cầu mong sức khỏe, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm” (3).

Khối đá hình con cá có 9 vết lõm

Qua lời kể của người dân, khối đá này có từ lâu đời nay. Trước đây, người Mường có tổ chức lễ thức cổ liên quan đến khối đá này. Theo người dân, lễ thức này người Mường gọi là tục “đóng đuống” (4), với ý nghĩa cầu sự bình an, mong muốn mùa màng tươi tốt và xua đuổi tà ma, thú dữ. Tuy nhiên, trải qua những biến động lịch sử, xã hội, lễ thức này đang mất đi, không còn được truyền lại cho thế hệ hiện nay. Vì vậy, hiện nay tục “đóng đuống” không còn được người dân địa phương thực hiện.

Như vậy, qua các tư liệu thu thập được cùng với lời kể của người dân địa phương, có thể nhận thấy rằng: Những hình chạm khắc “mặt quỷ” trên hai phiến đá có từ lâu đời và có thể không phải do người Mường tại khu vực xóm Chum khắc họa. Vì khi họ di cư đến khu vực thung lũng suối Cỏ đã thấy có hình khắc “mặt quỷ” và thửa ruộng bậc thang. Người Mường vùng thung lũng suối Cỏ tiếp tục kế thừa khai thác ruộng bậc thang có sẵn và lập ngôi miếu thờ Thành Hoàng có công khai hoang đất. Đồng thời, khi đến sinh sống tại đây, người Mường cũng đã thực hiện nghi lễ tại phiến đá hình con cá có 9 vết lõm. Những vết lõm trên phiến đá đó có thể là do người Mường dùng chày (thân cây được cắt gọt thành gậy) đóng vào tạo thành. Đây là nghi thức cổ xưa của người Mường nơi đây gọi là “đóng đuống”, mà hiện nay đã bị mất.

3. Nhận diện giá trị văn hóa

Phiến đá có hình chạm khắc “mặt quỷ”

Do những hình chạm khắc “mặt quỷ” được chạm khắc trên những phiến đá ở suối Cỏ có thể không phải là của người Mường khu vực suối Cỏ hiện nay, nên trong sinh hoạt văn hóa của người dân nơi đây không thấy xuất hiện hình “mặt quỷ” thể hiện trên các hoa văn trang trí, thờ cúng, truyền thuyết, bài hát, bài cúng, điệu múa… Theo lời kể của thày cúng và những người cao tuổi tại địa phương, người Mường cũng không thực hiện nghi lễ nào tại hai phiến đá có hình chạm khắc “mặt quỷ”. Đối với người Mường nơi đây, trước kia ở khu vực bãi đá này có nhiều cây cối lớn, dòng nước chảy qua suối cũng nhiều nên người dân thường đến đây để tắm gội. Tuy nhiên, hiện nay do kinh tế, xã hội thay đổi, người dân không đến tắm tại dòng suối khu vực phiến đá chạm khắc hình “mặt quỷ”, mà họ dẫn nước từ trên núi về đến tận nhà phục vụ việc tắm rửa và sinh hoạt hằng ngày.

Có điểm đáng chú ý, hình “mặt quỷ” được chạm khắc trên các phiến đá tại thung lũng suối Cỏ đều nhìn về hướng Đông - hướng mặt trời mọc. Cũng thật trùng hợp là cách hai phiến đá có hình chạm khắc về hướng Đông khoảng 50-100m là ngôi miếu mà người dân xây dựng lên để thực hiện các nghi lễ cộng đồng và các lễ nghi trọng đại của mỗi nhà, mỗi người trong thôn xóm. Điều này có thể đoán định rằng hình vẽ chạm khắc có thể liên quan đến lễ tục của tộc người đến đây từ rất nhiều năm về trước.

Phiến đá hình cá có 9 vết lõm

Đối với phiến đá hình con cá có 9 vết lõm (người dân gọi là đá “đóng”) có thể do việc thực hành nghi lễ cổ xưa của người Mường trước đây. Theo lời kể của những người cao tuổi tại xóm Chum, các cụ có truyền lại rằng, xưa kia sau khi dân làng thực hiện các nghi lễ xong thì sẽ tiến hành nghi thức “đóng đuống” tại phiến đá “đóng” có hình con cá với 9 vết lõm. Để thực hiện “đóng đuống”, dân làng cử các nam nữ thanh niên khỏe mạnh của thôn xóm. Nhóm thanh niên được cử sẽ dùng thanh gậy đóng vào phiến đá để tạo ra âm thanh vang nhằm cầu xin thần linh ban cho sức khỏe, thôn xóm được an lành, mùa màng tốt tươi, vật nuôi được sinh sôi phát triển; xua đuổi những tà ma, thú dữ ở khu vực thung lũng. Với việc đóng vào đá tạo ra âm thanh vang vọng (đóng đuống), có thể giải thích rằng: âm thanh là việc thay lời cầu khấn của người dân gửi đến các vị thần linh với mong muốn gặp mưa thuận gió hòa, dân làng mạnh khỏe, vì vậy, tiếng đuống càng vang thì sẽ báo hiệu năm ấy dân làng gặp nhiều điều may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời, khu vực thung lũng suối Cỏ xưa kia có nhiều loại thú dữ như hổ, voi… sinh sống, đã có trường hợp con người bị hổ vồ lấy tha đi ăn thịt. Vì vậy, người dân nơi đây thực hiện nghi thức “đóng đuống” tạo ra âm thanh một phần nhằm để thú dữ nghe tiếng mà chạy đi nơi khác.

Theo tư liệu trong Lý lịch khu di tích bãi đá cổ suối Cỏ, xóm Chum, xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình do Bảo tàng tỉnh Hòa Bình thực hiện năm 2023 có đề cập đến tục “đóng đuống” của người Mường vùng mường Cỏ xưa (với 4 xóm là xóm Chum, xóm Rậm, xóm Cỏ Giữa và xóm Vó Cỏ) trong lễ hội khai hạ. Tư liệu cho biết: “Đuống được làm bằng đá, khoét các lỗ nhỏ trên mặt, còn dụng cụ để đâm đuống là đoạn gỗ tròn vừa, dài từ 1,2-1,5m. Để tạo nhịp đuống, mỗi dàn đuống thường có từ 4-8 thành viên đứng hai bên thành đuống (số lượng thành viên có thể nhiều hơn tùy theo chiều dài đuống), trong đó thày mo sẽ cầm đuống cái tạo nhịp, những người còn lại mang đuống con hưởng ứng. Hình thức gõ là giã vào lòng đuống để tạo ra âm thanh…” (5). Khi phỏng vấn hồi cố thày cúng, những người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng và lãnh đạo thôn xóm Chum được biết, họ chưa được tận mắt chứng kiến tục lệ đóng đuống trên phiến đá hình con cá trong lễ khai hạ, những gì họ biết chỉ là nghe truyền lại từ các thế hệ trước đó. Điều đó cho thấy, những vết lõm trên phiến đá hình con cá tại khu vực suối Cỏ có thể là do quá trình thực hành nghi thức đóng đuống của người Mường xưa kia tạo thành.

Hiện nay, tục “đóng đuống” trên phiến đá như thế này không được người Mường khu vực thung lũng suối Cỏ thực hiện, cho nên bị mất hẳn. Thậm chí, còn rất ít người có thể biết được tục này do đời trước truyền lại, vì bản thân những người cao tuổi nhất ở địa phương cũng chưa từng được nhìn thấy tục lệ này, họ chỉ được nghe truyền lại.

Miếu Đồng Đóng và ruộng bậc thang

Miếu Đồng Đóng nằm tại khu vực thung lũng suối Cỏ, cách hai phiến đá có chạm khắc hình “mặt quỷ” khoảng 50-100m về hướng Đông. Đây là nơi diễn ra các nghi lễ của người Mường xóm Chum như lễ khai hạ, lễ rửa lá lúa, lễ cầu an… Trong đó, lễ khai hạ và lễ rửa lá lúa là hai lễ hội cộng đồng có sự tham gia của người dân toàn thôn. Thông qua các lễ thức, người Mường nơi đây thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của cộng đồng; tưởng nhớ, tri ân, tôn vinh những công lao to lớn của các vị thánh thần, những người đã khai phá mảnh đất này. Đồng thời, đây cũng là hình thức giáo dục cho thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đây còn là dịp để cộng đồng được vui chơi và cầu xin thần linh giúp đỡ, che chở để cộng đồng luôn được an toàn, dân làng luôn khỏe mạnh, cây lúa tốt tươi không bị phá hoại, vật nuôi phát triển…

Vào ngày mùng 9 tháng Giêng (tức ngày mồng 8 tháng Giêng theo lịch Mường), người dân thực hiện lễ khai hạ. Trước đây, quy mô tổ chức lễ hội gồm có 4 xóm trong vùng mường Cỏ xưa tham gia là xóm Chum, xóm Rậm, xóm Cỏ Giữa và xóm Vó Cỏ. Để thực hiện tổ chức lễ hội, từ tháng Chạp năm trước, các bậc cao tuổi có vị trí cao trong cộng đồng đã ngồi họp bàn với nhau để phân công công việc đối với từng người, từng nhà như chuẩn bị lễ vật dâng cúng, quét dọn vệ sinh khu vực miếu thờ, chuẩn bị sân hội (dựng đu quay, cây còn…) tại khu vực ruộng bậc thang trước miếu. Đồng thời, dân làng cử người đại diện đến mời thày cúng vào ngày lễ hội đến thực hiện các nghi lễ cầu an cho cộng đồng. Khi đi, người được cử sẽ mang theo đồ lễ như rượu, hoa quả… đến nhà thày cúng trình bày công việc và nhờ thày cúng thu xếp thời gian, công việc giúp cho dân làng thực hiện các nghi lễ dâng lên thần linh.

Buổi sáng sớm ngày tổ chức lễ hội, thày cúng mặc quần áo chỉnh tề theo trang phục cúng lễ truyền thống của dân tộc để thực hiện nghi lễ thắp hương trình báo với tổ tiên và tổ nghề (các đời thầy đã có công truyền dạy nghề cho đến bản thân mình), mời vong linh của các thày tổ nghề đi theo phù hộ, giúp đỡ cho thày cúng hoàn thành buổi lễ của cộng đồng.

Sáng mồng 9 tháng Giêng, cộng đồng tổ chức các nghi lễ tại miếu. Lễ vật dâng cúng được gia đình thày cúng cũng là người trực tiếp trông coi, quản lý ngôi miếu chuẩn bị gồm: xôi, thịt lợn chia làm 24 mâm (6) đặt trên lá chuối, trên mỗi mâm cúng là 4 bộ bát đũa, 4 nắm xôi, 1 miếng thịt lợn luộc. Ngoài 24 mâm lễ chính do gia đình thày cúng (thày mo) chuẩn bị, các gia đình trong xóm đều tự chuẩn bị các lễ vật mang đến để dâng lên các vị thần linh. Sau khi các lễ vật được sắp xong, thày cúng trong trang phục nâu, tay cầm quạt giấy bước vào trong miếu trịnh trọng thắp nhang trên ban thờ. Sau nghi thức này, thày cúng bắt đầu đọc lời khấn để mời các vị thần về dự lễ. Nội dung lời khấn thể hiện ý nguyện được các vị thần che chở, phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, may mắn trong làm ăn cũng như trong cuộc sống, những hiểm họa tai ương của thiên nhiên tránh xa khỏi cuộc sống của dân làng. Sau khi cúng xong, thày cúng gieo quẻ xin âm dương và vái lạy 3 lần trước khi kết thúc các nghi lễ trong miếu (7).

Tại khu vực ruộng phía trước miếu thờ, người dân đã chuẩn bị sẵn sàng cho buổi giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian. Sau khi thụ lộc tại miếu xong, người dân địa phương bắt đầu tổ chức giao lưu văn nghệ như hát thường rang - bộ mẹng và các trò chơi dân gian như chơi đu quay, ném còn, đánh mảng…

Bên cạnh đó, cộng đồng cử những đứa trẻ trong thôn xóm cầm những thanh gậy đi đập vào hàng rào, cổng (trước đây, các gia đình đều rào bờ hàng bằng tre, nứa và bờ rào cây)… làm sao để tạo ra âm thanh càng to càng tốt. Những đứa trẻ được phân công sẽ đi xua, gõ từ nhà trong cùng của thôn bản ra tới tận ngoài làng. Việc đập các thanh gậy vào hàng rào và cổng của các hộ gia đình như vậy là nhằm mục đích xua đuổi tà ma, những điều xấu ra khỏi thôn xóm. Có như vậy thì thôn xóm mới luôn được bình an, mọi người, mọi nhà được mạnh khỏe, vật nuôi phát triển…

Trải qua quãng thời gian dài với nhiều biến động lịch sử, xã hội, hiện nay lễ khai hạ của người Mường vẫn được thực hiện tại miếu Đồng Đóng trong ngày mồng 9 tháng Giêng. Các nghi thức, lễ vật, quy trình tiến hành lễ hội vẫn được thực hiện, nhưng có phần đơn giản hơn trước.

Sau khi hoàn thành các nghi lễ trong miếu, thày cúng di chuyển ra phía ngoài để tiếp tục làm lễ cúng tại ban thờ thổ công với các bước giống như ở trong miếu. Sau khi cúng tại ban thổ công xong, những lễ vật dâng cúng được bày ra các bàn (đã được kê chuẩn bị sẵn) để người dân đến tham dự lễ thụ lộc.

Trước đây, tại các vùng Mường cổ dưới thời Lang Cun nói chung và khu vực thung lung suối Cỏ nói riêng, nếu chưa làm lễ khai hạ thì chưa được ai vào rừng lấy củi, săn bắt thú rừng, hái măng, đi làm đồng… Hiện nay, đối với người Mường ở xóm Chum, lễ khai hạ là nghi lễ cộng đồng rất quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Theo quy định của thôn xóm, để tổ chức lễ hội, đều phải có sự tham gia của mỗi gia đình, vì đây là việc chung của cả cộng đồng.

Ngoài nghi lễ chính là khai hạ được tổ chức vào ngày 9 tháng Giêng hằng năm, nhân dân địa phương còn tổ chức lễ rửa lá lúa sau lễ khai hạ hai tháng, tức vào ngày 9 tháng Ba âm lịch với mục đích cầu mong thần linh phù hộ cho cây lúa được khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, không bị sâu bệnh. Vào lễ rửa lá lúa các khâu chuẩn bị, tổ chức, lễ vật dâng cúng (xôi, thịt, hoa quả, trầu cau…) và các nghi thức trong ngày lễ cúng giống như cộng đồng tổ chức lễ khai hạ. Chỉ có điều, trong ngày lễ này không bắt buộc các gia đình phải tham gia đầy đủ, mà trên tinh thần tự nguyện. Khi tiến hành lễ cúng, thày cúng đọc bài cúng mời các vị thần linh về phù hộ cho dân làng, chứng giám sự thỉnh cầu của dân làng. Sau khi cúng lễ xong, dân làng bày các lễ vật ra sân miếu Đồng Đóng để thụ lộc.

Trước đây, người Mường xóm Chum còn tổ chức lễ cơm mới diễn ra vào ngày 12 tháng Mười âm lịch. Đặc biệt, trong lễ cơm mới, trước ngày làm lễ 1 ngày, người dân trong vùng tổ chức hội đánh bắt cá tại khoang Măng trên dòng suối Cỏ. Để việc đánh bắt các thuận lợi, nhân dân địa phương dùng đất bùng, đá đắp chặn dòng suối Cỏ phía thượng nguồn, để hạ nguồn khoang Măng cạn nước tạo điều kiện cho người dân quây lưới đánh cá. Mỗi người tham gia đánh bắt cá sẽ nộp lại một phần cho làng, cá trộn lẫn với gạo nếp vừa thu hoạch (gạo nếp được gặt từ khu ruộng thờ và tách hạt bằng cách đập lúa tại hòn đá đạp lúa trong khu vực Đồng Đóng), xôi với cá bắt được từ khoang Măng đem trộn lẫn đồ chín để làm lễ vật dâng Thành Hoàng làng trong lễ cúng cơm mới (8).

Liên quan đến miếu Đồng Đóng tại khu vực thung lũng suối Cỏ, nhân dân trong vùng (nhất là xóm Chum) vào các ngày mồng 1 và ngày rằm hằng tháng hay các việc trọng đại như xây dựng nhà, con cái đi làm ăn xa… đều đến đây thắp hương để cầu mong sức khỏe, gia đình gặp nhiều may mắn.

Kết luận

Qua nhận diện các giá trị của di sản chạm khắc đá cổ ở xóm Chum, có thể thấy rằng, những nét chạm khắc trên đá không phải là của người Mường cư trú hiện nay, nhưng họ vẫn thường gắn các sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian tại nơi đây. Nằm ở vị trí có cảnh quan thiên nhiên đẹp kết hợp cùng những hoạt động tín ngưỡng của người Mường cư trú nơi đây đã tạo cho khu vực suối Cỏ thành điểm “văn hóa thung lũng” mang nét đặc sắc của người Mường, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di sản chạm khắc đá cổ, nhất là gắn với phát triển du lịch sau này (9).

_______________________

1, 3, 5, 7, 8. Bảo tàng tỉnh Hòa Bình, Lý lịch khu di tích bãi đá cổ xóm Chum, xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, 2023.

2. Nguyễn Việt, Kết quả nghiên cứu Bãi đá có hình khắc nguyên thủy tại Suối Cỏ, Mỹ Thành, Lạc Sơn, Hòa Bình, vanhoavaphattrien.vn, 4-10-2022.

4. Tên gọi này do người dân địa phương cung cấp thông tin, chúng tôi chưa giải nghĩa được tên gọi.

6. Người Mường ở xóm Chum dùng cái mẹt thay cho mâm để đựng đồ cúng lễ. Mẹt được đan bằng nan theo kiểu mắt cáo. Chúng tôi gọi là mâm lễ cho dễ gọi.

9. Bài viết là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản chạm khắc đá cổ miền núi phía Bắc Việt Nam” của Dự án do Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn tài trợ.

Tài liệu tham khảo

1. Trương Quốc Bình, Bảo vệ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học quốc gia Hà Nội, tập 32, số 1S, 2016.

2. Nguyễn Quốc Hùng, Bảo tồn và phát huy giá trị Bãi đá cổ có chạm khắc tại Sa Pa, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, số đặc biệt về đá cổ Sa Pa, số 3, 2006.

3. Le Failler Philippe, Bãi đá có hình khắc cổ tại Sa Pa, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, số đặc biệt về đá cổ Sa Pa, số 3, 2006.

4. Le Failler, Philippe, Đá cổ Sa Pa, Bài nghiên cứu giới thiệu cuốn ca-ta-lốc về bãi đá có hình khắc cổ ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Việt Nam, Nxb Tri thức - EFEO, Hà Nội, 2014.

5. Trịnh Sinh, Bãi đá Sa Pa: Góc nhìn Khảo cổ học, Dân tộc học và khai thác du lịch, Hội thảo Khoa học Tìm hiểu giá trị văn hóa của di sản đá khắc Sa Pa, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết, Hà Nội, ngày 15-12 -2018.

TS BẠCH MỸ TRINH - Ths MAN KHÁNH QUỲNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 587, tháng 11-2024

;