Một số giải pháp xây dựng môi trường văn hóa quân sự của Bộ đội Đặc công trong tình hình mới

Môi trường văn hóa quân sự và việc xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng các yếu tố của chính trị - tinh thần của bộ đội nói chung và Bộ đội Đặc công nói riêng. Tuy nhiên, môi trường văn hóa quân sự ở các đơn vị cơ sở của Bộ đội Đặc công vẫn còn những hạn chế nhất định, cần được khắc phục kịp thời. Bài viết đề xuất một số biện pháp nhằm xây dựng môi trường văn hóa quân sự Bộ đội Đặc công thực sự lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng chính trị - tinh thần cho mọi cán bộ, chiến sĩ đặc công.

Ảnh: tsqdc.edu.vn

Môi trường văn hóa quân sự là một bộ phận của môi trường văn hóa xã hội thường xuyên tác động đến xây dựng chính trị - tinh thần của bộ đội nói chung và Bộ đội Đặc công nói riêng. Môi trường văn hóa quân sự bao gồm những hệ thống giá trị văn hóa quân sự, hệ thống những quan hệ văn hóa quân sự, hệ thống những hình thái hoạt động văn hóa quân sự và hệ thống những thiết chế văn hóa quân sự. Việc xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng các yếu tố của chính trị - tinh thần. Sự hình thành, phát triển và hoàn thiện của môi trường văn hóa quân sự dựa trên cơ sở phát huy những điều kiện, nguồn lực thuận lợi để hướng vào phát triển những đặc trưng cơ bản nhất trong xây dựng chính trị - tinh thần, đồng thời, cho phép chủ động khắc phục tác động tiêu cực đến Bộ đội Đặc công trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giúp họ chấp hành kỷ luật, nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm cho Binh chủng luôn hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thực tế cho thấy, quá trình xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong thời gian qua đã góp phần xây dựng yếu tố chính trị - tinh thần của Bộ đội Đặc công, nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định, cần được khắc phục kịp thời. Kết quả xây dựng môi trường văn hóa quân sự ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, làm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Để xây dựng môi trường văn hóa quân sự Bộ đội Đặc công thực sự lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng chính trị - tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ Đặc công, cần tập trung vào một số nội dung, biện pháp sau:

Một là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm, hướng quá trình xây dựng môi trường văn hóa quân sự vào xây dựng chính trị - tinh thần của Bộ đội Đặc công

Xây dựng môi trường văn hóa quân sự chỉ có ý nghĩa thực sự khi gắn với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của xã hội và từng tập thể đơn vị. Những dự định, kế hoạch xây dựng môi trường văn hóa quân sự phải bám sát vào tình hình, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị cũng như những thuận lợi và khó khăn, những chỉ tiêu trước mắt và lâu dài của đơn vị cần phấn đấu thì mới có tính khả thi, không bị động và mới phát huy được sức mạnh của tập thể.

Việc xây dựng chính trị - tinh thần của Bộ đội Đặc công cần bám sát vào trình độ nhận thức, tâm tư tình cảm, nguyện vọng và yêu cầu về nhiệm vụ. Nội dung giáo dục, bồi dưỡng phải mang tính thiết thực, cụ thể và phải được vận dụng ngay vào quá trình thực hiện nhiệm vụ, vào giải quyết các mối quan hệ hằng ngày.

Trong xây dựng chính trị - tinh thần của Bộ đội Đặc công, các yêu cầu đặt ra phải phù hợp với từng đối tượng và từng lĩnh vực công tác, không nên hạ thấp, hoặc đặt ra các yêu cầu quá cao so với khả năng của bộ đội. Mặt khác, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng, nhiều kênh tác động, lấy gương người tốt, việc tốt trong đơn vị để giáo dục, rèn luyện nâng cao trình độ nhận thức chính trị, đạo đức, tâm lý và nghề nghiệp quân sự cho Bộ đội Đặc công.

Quá trình xây dựng môi trường văn hóa quân sự phải gắn với xây dựng đời sống văn hóa - tinh thần tiên tiến, cách mạng, giàu tính nhân văn của dân tộc, mà cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH theo quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và tập thể, con người và xã hội. Môi trường ấy góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gìn giữ và trân trọng những giá trị tinh hoa của dân tộc, của Quân đội và của Binh chủng Đặc công Anh hùng, được vun đắp trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội Đặc công.

Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 1172/CT-BCĐC, ngày 14-4-2023 của Tư lệnh Binh chủng Đặc công về việc xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong Binh chủng. Nội dung Chỉ thị nêu rõ: “Tăng cường giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc các quan điểm, chủ trương của Đảng về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, các chỉ thị, quy định, quy chế về “Xây dựng môi trường văn hóa”, “Tiêu chuẩn đơn vị có môi trường văn hóa” trong Quân đội; nội dung thi đua về xây dựng văn hóa nơi công sở trong Quân đội giai đoạn 2019-2025 do Tổng cục Chính trị phát động” (1).

Giáo dục, bồi dưỡng những giá trị và truyền thống văn hóa tiêu biểu, tốt đẹp của dân tộc, Quân đội và Binh chủng, như chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn, cốt cách, bản lĩnh, trí tuệ của con người và dân tộc Việt Nam, của người chiến sĩ đặc công đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, tạo ra động lực, động viên, thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ tích cực rèn luyện, nỗ lực phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, tiêu biểu, xây dựng Binh chủng vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu trong thời kỳ mới.

Hai là, xây dựng môi trường văn hóa làm việc của Bộ đội Đặc công năng động, hiệu quả, thực sự dân chủ, đoàn kết, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ phát huy trí tuệ, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Cán bộ, chiến sĩ, cấp trên, cấp dưới phải chung sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo, tích cực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, chức trách được giao, nêu cao trách nhiệm, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ trong xử lý công việc chung, không đùn đẩy trách nhiệm. Nâng cao tinh thần tự học, tự rèn, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, thực sự mẫu mực, tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực và hiệu quả công tác.

Phải xây dựng niềm tin cho bộ đội, đây là vấn đề quan trọng, quyết định đến thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, phải xây dựng được tinh thần đoàn kết; ý chí quyết tâm cao; sự chung sức đồng lòng của cán bộ, chiến sĩ. Cán bộ cấp trên phải luôn tin tưởng vào cấp dưới; cấp dưới tin tưởng tuyệt đối vào cấp trên; đồng chí, đồng đội tin tưởng lẫn nhau; tin tưởng vào nghệ thuật tác chiến đặc công, vào vũ khí trang bị và đặc biệt phải luôn tự tin, tin tưởng vào khả năng của chính bản thân mình. Khi đã xây dựng được niềm tin, cán bộ, chiến sĩ sẽ gắn kết chặt chẽ, gắn bó keo sơn, cùng nhau thi đua huấn luyện giỏi, rèn luyện nghiêm, cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Cần tập trung xây dựng tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể. Tinh thần đoàn kết trong tập thể quân nhân không phải hình thành tự phát mà là thành quả của sự nỗ lực tích cực, tự giác cao độ của mọi cán bộ, chiến sĩ. Mặt khác, cần xây dựng tính phê phán, đấu tranh chống mọi hành vi sai trái, bởi đó chính là một trong những biểu hiện cơ bản nhất sức mạnh, sự hoàn chỉnh của tập thể quân nhân. Tập thể quân nhân là nơi chắp cánh để mỗi cán bộ, chiến sĩ đặc công tự khẳng định mình trước tập thể, tự mình đứng vững trước những tác động xấu của xã hội và “miễn dịch” đối với những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, đồng thời khẳng định, quá trình xây dựng chính trị - tinh thần đòi hỏi sự nghiêm khắc đối với nhau của các quân nhân trong tập thể.

Xây dựng tốt các mối quan hệ trong tập thể quân nhân Bộ đội Đặc công là vấn đề cấp thiết hiện nay. Trong đó, cần chú trọng: “Xây dựng mối quan hệ đoàn kết, thống nhất, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa lãnh đạo với chỉ huy, cấp trên với cấp dưới, cán bộ với chiến sĩ, giữa cơ quan với đơn vị, Nhà trường trong Binh chủng; quan hệ, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương; cấp dưới kính trọng, phục tùng cấp trên, quyết tâm thực hiện ý chí, nhiệm vụ cấp trên giao; cấp trên tin tưởng, tôn trọng, lắng nghe ý kiến cấp dưới, tạo điều kiện thuận lợi, khơi dậy sức mạnh, ý chí quyết tâm, tinh thần cống hiến vì lợi ích chung của tập thể; cấp trên không quân phiệt cả bằng lời nói và hành động, như đánh đập, chửi mắng, miệt thị, coi thường cấp dưới. Thường xuyên giáo dục, rèn luyện quân nhân chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, nền nếp, chế độ điều lệnh, điều lệ. Đẩy mạnh xây dựng chính quy, cải cách hành chính quân sự, duy trì nền nếp, tác phong làm việc khoa học” (2).

Ba là, xây dựng và phát huy vai trò hệ thống thiết chế văn hóa quân sự nhằm xây dựng chính trị - tinh thần của Bộ đội Đặc công

Hệ thống thiết chế văn hóa quân sự được coi là cơ sở - vật chất của quá trình “sản xuất, trao đổi, phân phối, điều khiển” các hoạt động văn hóa của đơn vị. Hiện nay, hệ thống này bao gồm các thiết chế lãnh đạo - chỉ huy; các thiết chế tổ chức thực hiện như tổ chức đoàn, cơ quan chức năng, nhà văn hóa; các thiết chế cơ sở vật chất văn hóa như thư viện, bảo tàng, câu lạc bộ. Hệ thống các thiết chế này đóng vai trò trực tiếp trong việc lựa chọn, định hướng các giá trị văn hóa trong xây dựng, phát triển chính trị - tinh thần của Bộ đội Đặc công.

Để phát huy vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa trong xây dựng, phát triển chính trị - tinh thần của Bộ đội Đặc công, cần quan tâm xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”, phát huy vai trò của từng tổ chức, từng lực lượng trong xây dựng chính trị - tinh thần của Bộ đội Đặc công. Đây là nội dung rất cơ bản và thiết thực nhằm tạo ra môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, tác động tích cực đến quá trình phát triển chính trị - tinh thần của Bộ đội Đặc công. Tuy có vai trò, vị trí khác nhau, nhưng, vai trò của các tổ chức, các lực lượng ở đơn vị cơ sở thống nhất mục đích chung là không ngừng nâng cao chất lượng Bộ đội Đặc công, trong đó có chính trị - tinh thần, để họ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng phải không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu trong việc tự tu dưỡng, tự rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tác phong công tác; đồng thời, cần theo dõi, đánh giá đúng thực trạng chất lượng của từng tập thể quân nhân cũng như chất lượng của từng đơn vị, nhất là chất lượng chính trị, đạo đức, trình độ kỹ thuật, chiến thuật... một cách khách quan, chính xác. Trên cơ sở đó, đề ra chủ trương, biện pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, nhiệm vụ để kịp thời định hướng về chính trị tư tưởng, nâng cao chất lượng chính trị - tinh thần của Bộ đội Đặc công.

Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hình thái hoạt động văn hóa quân sự nhằm xây dựng chính trị - tinh thần của Bộ đội Đặc công

Hệ thống những hình thái hoạt động văn hóa quân sự tạo nên diện mạo đặc trưng của môi trường văn hóa quân sự, bao gồm các hoạt động như: sinh hoạt văn nghệ, giao tiếp quân sự, trao đổi thông tin đại chúng, diễn đàn thanh niên, tham quan, hội thảo, rèn luyện kỷ luật, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nếp sống chính quy… Chất lượng và hiệu quả của các hoạt động đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng chính trị - tinh thần của Bộ đội Đặc công.

Hiện nay, ở các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong Binh chủng Đặc công đều rất chú ý tổ chức đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội; điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Tuy nhiên, có một thực tế là nội dung, hình thức và chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của Bộ đội Đặc công còn nhiều vấn đề bất cập. Quỹ thời gian dành cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chưa nhiều; hình thức hoạt động ít đổi mới dẫn đến sự nhàm chán, kém hiệu quả không thu hút được sự tham gia đông đảo của bộ đội; cơ sở vật chất, phương tiện bảo đảm cho các hoạt động đó còn thiếu. Cho nên, các hoạt động trên mặc dù có, nhưng không thường xuyên, chỉ mang tính chất “thời vụ”, ít nhiều mang tính hình thức.

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, để nâng cao hiệu quả xây dựng chính trị - tinh thần của Bộ đội Đặc công, cần củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội. Theo đó, trước tiên cần đổi mới hình thức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Các hoạt động này phải được duy trì thành nề nếp, có tổ chức chặt chẽ và không ngừng nâng cao chất lượng nhằm tạo ra những “sân chơi” bổ ích cho bộ đội, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tạo bầu không khí tinh thần vui tươi lành mạnh, tích cực trong đơn vị. Qua đó, góp phần nâng cao tính định hướng, cảm xúc, thị hiếu, thẩm mỹ cho Bộ đội Đặc công, hạn chế sự xâm nhập của văn hóa xấu độc, giữ vững trận địa văn hóa, tư tưởng. Tổ chức tốt các hoạt động diễn đàn, hội thao, hội diễn, tham quan, giao lưu giữa các đơn vị, giữa đơn vị với địa phương. Trong quá trình tổ chức, cần chuẩn bị chu đáo về mọi mặt gắn với điều kiện và khả năng của đơn vị; cần đặt ra và hướng tới những mục tiêu nhất định, vừa bảo đảm tính giáo dục, phát huy tính chiến đấu của văn hóa, tư tưởng, vừa thúc đẩy quá trình học tập, rèn luyện của Bộ đội Đặc công. Kiên quyết chống biểu hiện hình thức, chạy theo thành tích, thoát ly quần chúng và thiếu tính giáo dục.

Xây dựng môi trường văn hóa quân sự là một nội dung biện pháp rất quan trọng nhằm góp phần ổn định tư tưởng, tâm lý, tăng cường tính kỷ luật, rèn luyện nề nếp chính quy, củng cố sự vững chắc của tập thể quân nhân về mọi mặt; tận dụng và phát huy tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực từ ngoài xã hội vào đơn vị. Trên cơ sở xây dựng môi trường văn hóa quân sự tốt đẹp, lành mạnh, đảm bảo cho quá trình xây dựng chính trị - tinh thần của Bộ đội Đặc công luôn vững chắc. Trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Đặc công; xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị Đặc công luôn vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

_____________________

1. Binh chủng Đặc công, Chỉ thị số 1172/CT-BCĐC ngày 14-4-2023 của Tư lệnh Binh chủng Đặc công về việc xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong Binh chủng, Hà Nội, 2023.

2. Binh chủng Đặc công, Bài phát biểu của Tư lệnh Binh chủng tại Hội nghị quân chính toàn quân 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội, 2023.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng bộ Binh chủng Đặc công, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Binh chủng Đặc công lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Nội, 2020.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

3. Hồ Chí Minh về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1997, tr10-11.

4. Nguyễn Phú Trọng, Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024.

 

NGUYỄN ĐẠI VĂN PHÚ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 587, tháng 11-2024

;