Văn hóa đọc của học sinh tiểu học Trường Quốc tế Parkcity Hà Nội: Thực trạng và giải pháp

Trong xã hội hiện đại, khi công nghệ và truyền thông kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ, việc duy trì và phát triển văn hóa đọc (VHĐ) đang trở thành một thách thức không nhỏ đối với mỗi người, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Với học sinh tiểu học, đọc sách là một trong những kỹ năng đầu tiên và quan trọng nhất mà trẻ học được ở trường. Bài viết tập trung phân tích thực trạng VHĐ của học sinh tiểu học tại Trường Quốc tế Parkcity Hà Nội (ISPH - International School Parkcity Hanoi), từ đó đưa ra những nhận xét, đánh giá và đề xuất giải pháp nhằm phát triển VHĐ cho học sinh góp phần vào việc phát triển nhân cách cá nhân, nâng cao hiệu quả học tập cho học sinh trong nhà trường.

Ảnh: isph.edu.vn

1. Thực trạng văn hóa đọc của học sinh tiểu học Trường ISPH

Trường ISPH thành lập năm 2019, có địa chỉ tại khu đô thị Parkcity, đường Lê Trọng Tấn, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội. Nhà trường hiện có 300 học sinh đến từ nhiều quốc gia khác nhau với độ tuổi từ 3-18 đang theo học các lớp từ mầm non đến trung học phổ thông (lớp 11). Học sinh tiểu học có độ tuổi từ 5 đến 10, được chia thành 3 khối lớp, lớp 1 và 2 được gộp thành một khối (KS1), lớp 3 và 4 gộp thành một khối (Lower KS2), lớp 5 và 6 gộp thành khối Upper KS2. Từ các khối học này, chương trình đào tạo của nhà trường ngoài truyền đạt kiến thức theo từng môn học, học sinh khối KS1 được rèn luyện về thái độ, hành vi, thói quen và thái độ ứng xử; học sinh khối Lower KS2 được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng khác để rèn luyện khả năng làm việc nhóm và phát huy năng lực cá nhân; học sinh khối Upper KS2 được tham gia các dự án nhỏ tại lớp, trường, các hoạt động bên ngoài như tranh luận, thuyết trình… để phát triển các kỹ năng tư duy phản biện cũng như phát biểu trước đám đông.

Để nắm thực trạng VHĐ của học sinh, nhóm tác giả đã tiến hành điều tra bằng bảng hỏi với 122 học sinh tiểu học từ lớp 2 đến lớp 6. Bảng hỏi thiết kế dựa trên thang đo VHĐ của Hiệp hội thư viện trường học Anh, 2022 (SLA: School Library Association) kết hợp với quan điểm về VHĐ của Kodzaspirova, G. M (1) và Trần Thị Minh Nguyệt (2), gồm: năng lực định hướng của chủ thể đối tượng đọc; năng lực hiểu nội dung tài liệu; thái độ ứng xử với tài liệu.

Năng lực định hướng của chủ thể tới đối tượng đọc

Với 122 học sinh tham gia khảo sát, 81% học sinh cho rằng hoạt động đọc sách là quan trọng, đọc sách giúp các em thư giãn sau giờ học, học tập tốt hơn, hiểu biết nhiều hơn để thành công trong tương lai. Tỷ lệ học sinh dành thời gian đọc sách dưới 1 tiếng mỗi ngày chiếm 72%, từ 1-2 tiếng/ ngày là 18%, số còn lại dành từ 3 tiếng trở lên. Việc đọc sách dưới 1 tiếng mỗi ngày là phù hợp, giúp học sinh giảm bớt mệt mỏi, dễ tiếp thu và ghi nhớ thông tin.

Về loại hình tài liệu học sinh thường đọc: 2/3 học sinh cho biết các em thường đọc tài liệu in, 1/3 đọc tài liệu điện tử. Khi đọc sách in, học sinh ít bị phân tâm so với tài liệu điện tử, bắt buộc các em phải tập trung cao độ vào nội dung, cầm sách, lật giở từng trang sách, giúp các em phát triển khả năng chú ý, sự kiên nhẫn, tạo nền tảng cho đam mê đọc lâu dài. Bên cạnh tài liệu in, chỉ có 1/3 học sinh lựa chọn tài liệu điện tử là điều dễ hiểu, vì tài liệu này cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh, nên ở trường các em sẽ bị giới hạn thời gian sử dụng đọc tài liệu điện tử.

Với câu hỏi chủ đề học sinh yêu thích đọc, 62% học sinh thích đọc truyện viễn tưởng, truyện hài hước (75%) và đọc theo sở thích (42%)… các chủ đề khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, sách danh nhân, trinh thám… học sinh có nhu cầu tương đối thấp 27,5%.

Do ISPH là trường quốc tế nên ngôn ngữ tài liệu trong nhà trường khá phong phú, 100% học sinh sử dụng tài liệu tiếng Anh, vì nguồn tài liệu này chiếm 80% tổng số tài liệu của trường. Ngoài ra, 80% học sinh đọc tài liệu tiếng Hàn như ngôn ngữ mẹ đẻ, tiếng Việt 32%, 29% sử dụng tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung… để phục vụ cho các môn học ngôn ngữ tại Trường, đặc biệt các tài liệu song ngữ giúp ích cho các em trong việc hiểu thông tin trong tài liệu, từ đó ghi nhớ thông tin tốt hơn.

Khảo sát mục đích đọc của học sinh, trên 80% học sinh trả lời đọc để phục vụ nhu cầu học tập và giải trí. Tỷ lệ học sinh đọc với mục đích để nhận phần thưởng từ giáo viên, phụ huynh là khá thấp (10%).

Năng lực lĩnh hội tài liệu

Đa phần học sinh đã có khả năng lựa chọn và tìm kiếm tài liệu, 93% có khả năng tự lựa chọn tài liệu theo sở thích và hứng thú đọc, 36% đọc theo gợi ý từ giáo viên hoặc phụ huynh, 48% học sinh đọc theo gợi ý từ anh chị hoặc bạn. Vì trong tiết thư viện, các em được học cách thư viện tổ chức sắp xếp tài liệu trên giá, nên các em có thể tự tìm tài liệu theo theo tên sách, tên tác giả, theo trình độ đọc, theo chủ đề. Các em cũng có thể tra cứu trực tuyến để biết vị trí của tài liệu trên giá, tài liệu hiện có hoặc đã được mượn.

Về phương pháp đọc, hầu hết học sinh sử dụng phương pháp đọc chuyên sâu (72%) và đọc mở rộng (63%). Chương trình học ở trường có ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp đọc của học sinh, chủ yếu các em đọc và phân tích tác phẩm nổi bật của một số tác giả tiêu biểu: Julia Donaldson (đối với KS1), Roald Dahl (đối với KS2). Trong các tiết học đọc hiểu, giáo viên hướng dẫn học sinh đọc theo nhóm, giải nghĩa từ vựng, và trả lời câu hỏi. Với phương pháp này, học sinh có thể tiếp thu từ vựng, hiểu nội dung và ghi nhớ sâu, học sinh có khả năng nhớ các chi tiết và diễn biến trong nội dung sách, dễ dàng ứng dụng trong việc học ngôn ngữ và tăng khối lượng từ vựng.

Do chương trình giáo dục tiểu học được thiết kế theo từng chủ đề, theo học kỳ, từ yêu cầu thực tế, học sinh có nhu cầu mượn tài liệu, tìm kiếm tài liệu theo các chủ đề được học, vì thế phương pháp đọc mở rộng được các em sử dụng thường xuyên.

Khả năng hiểu, vận dụng tri thức trong tài liệu

Tùy theo năng lực và trình độ đọc, mỗi học sinh sẽ có khả năng lĩnh hội, hiểu nội dung tài liệu khác nhau. Ngoài ra, còn có một số yếu tố khách quan như học sinh nhập học muộn, chưa tiếp xúc với ngôn ngữ tiếng Anh… các em sẽ bị hạn chế trong khả năng hiểu và lĩnh hội nội dung tài liệu.

Khả năng hiểu nội dung tài liệu của học sinh được đánh giá theo 5 mức độ: không hiểu nội dung; không ghi nhớ nội dung; hiểu và ghi nhớ; hiểu, ghi nhớ và kể lại; hiểu, ghi nhớ, kể lại và vận dụng thực tiễn.

Giáo viên đánh giá mức độ hiểu nội dung tài liệu của học sinh giúp họ nắm bắt được trình độ đọc hiểu của các em, từ đó có những hướng dẫn, gợi ý để giúp các em phát triển kỹ năng, phương pháp đọc, giúp nâng cao chất lượng học tập; cán bộ thư viện (CBTV) dựa vào đánh giá năng lực đọc hiểu của học sinh để nâng cao chất lượng phục vụ, giúp các em học sinh lựa chọn tài liệu phù hợp với trình độ đọc, cũng như hứng thú, nhu cầu riêng biệt.

1/3 học sinh cho biết, các em có khả năng hiểu, ghi nhớ, và kể lại nội dung tài liệu, đồng thời có khả năng vận dụng tri thức trong tài liệu đã đọc vào học tập và cuộc sống hằng ngày (mức 5). Tỷ lệ học sinh có khả năng hiểu, ghi nhớ và kể lại nội dung tài liệu ở mức 4 là 29%. Số học sinh hiểu, nhưng không thể ghi nhớ được nội dung tài liệu ở mức 2 và 3 là tương đối cao 30%.

Trên 60% học sinh cho rằng, đọc sách luôn giúp bản thân học tập tốt hơn và giúp giải quyết các vấn đề thường ngày, 27,5% học sinh cho rằng đọc sách đôi khi giúp ích cho học tập, thi thoảng giải quyết vấn đề hằng ngày; việc đọc không thực sự giúp ích cho học tập là 6% và hiếm khi giải quyết được vấn đề trong thực tiễn là 11%.

Ứng xử đối với tài liệu

Tại Thư viện Trường ISPH, học sinh được học cách lật giở từng trang sách; giữ sách không bị ướt, bẩn bởi đồ ăn, đồ uống; để sách xa tầm tay của trẻ nhỏ và thú cưng, xa nơi dễ cháy; sử dụng đánh dấu trang (bookmark) để đánh dấu thay vì gập mép sách; không viết vẽ lên sách; sử dụng đánh dấu giá (shelf marker) để trả sách lại vị trí cũ trên giá, luôn dọn dẹp lại giá sách ngăn nắp sau khi sử dụng, luôn trả sách đúng hạn… Các em cũng được trực tiếp tham gia vào hoạt động bọc sách đầu năm học, hoạt động này giúp học sinh có thái độ ứng xử đúng với sách và tài liệu, để sách được bảo quản tốt, hạn chế hư hỏng, có thể sử dụng lâu dài.

Khi thấy tài liệu hư hỏng, 28% học sinh chủ động thông báo cho CBTV, thỉnh thoảng chiếm 53% và hiếm khi hoặc không bao giờ chiếm 18%, kết quả này không phải vì học sinh không có ý thức mà vì các em còn nhỏ nên các em cũng dễ quên nên thường bỏ qua thông báo đó.

61% học sinh khi sử dụng tài liệu luôn có ý thức bảo quản, giữ gìn tài liệu; trên 30% còn lại trả lời thi thoảng chưa thực hiện đúng vì các em vẫn còn để quên tài liệu ở sân trường, trên xe buýt, để quên sách sau kỳ nghỉ khi đi du lịch… Vì vậy, gia đình, nhà trường, CBTV cần nhắc nhở thường xuyên và hướng dẫn các em bảo quản tài liệu đúng cách.

2. Đánh giá chung

Thông qua phân tích thực trạng VHĐ của học sinh Trường ISPH, có thể thấy các em đã có năng lực định hướng đối tượng đọc, có hứng thú đọc và nhu cầu đọc khá rõ ràng về nội dung, hình thức, ngôn ngữ, dạng tài liệu, có mục đích đọc và nhận thức được lợi ích của việc đọc.

Điểm mạnh

Một trong những mục tiêu, định hướng của nhà trường là mang đến cho học sinh và giáo viên, nhân viên một môi trường học tập an toàn, hạnh phúc. Vì vậy, nhà trường luôn phối hợp với gia đình quan tâm đến sự phát triển của học sinh, trong đó có khía cạnh phát triển VHĐ.

Phụ huynh quan tâm đến quá trình học tập của con tại trường, hằng tuần phụ huynh đến thư viện trường để đọc sách cho con; trang bị giá sách tại nhà phục vụ cho nhu cầu đọc của các em; tiếp nhận email của CBTV trong việc mượn, trả tài liệu thư viện khi quá hạn, mất sách, hoặc trực tiếp trao đổi với CBTV; phụ huynh đóng góp tài liệu cho thư viện, đặc biệt là tài liệu có ngôn ngữ khác.

Đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường có trình độ, được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, được hướng dẫn các kỹ năng liên quan khác trong quá trình làm việc, được tham gia các khóa huấn luyện ngắn để nâng cao trình độ.

Học sinh được hướng dẫn cách sử dụng thư viện, cách lựa chọn, tìm kiếm tài liệu, bảo quản tài liệu, được trang bị kỹ năng và phương pháp đọc tùy theo mục đích đọc. Trên cơ sở kiến thức được học, các em có định hướng đọc rõ ràng, có khả năng hiểu và phân tích thông tin, có thói quen đọc/ mượn tài liệu.

CBTV quan tâm, hỗ trợ tạo mọi điều kiện để học sinh tiếp cận được thông tin trong tài liệu, hỗ trợ tối đa để phát triển năng lực đọc hiểu tài liệu của bản thân. Học sinh có cơ hội tự đọc, đọc và phân tích tác phẩm cùng thủ thư, đọc cùng giáo viên tại lớp, đọc to nghe chung theo nhóm...

Nhà trường thường xuyên hướng dẫn các em những nội dung liên quan đến hạnh phúc trong trường học thông qua những cuốn sách ở các buổi sinh hoạt đầu tuần. Sau những buổi sinh hoạt đó, học sinh tự đến thư viện để tìm đọc cuốn sách thày, cô, nhà trường đã giới thiệu.

Hạn chế

Nhà trường chưa tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến hoạt động đọc sách, ngoài câu lạc bộ sách, tuần lễ sách đang triển khai; CBTV trường chỉ có 2 người, chưa đủ đáp ứng khối lượng công việc hiện tại, khó khăn trong hướng dẫn hoạt động đọc với từng đối tượng cụ thể. CBTV đang được coi như “nhân viên hỗ trợ” mà chưa được nhìn nhận đúng vai trò của mình; Không gian thư viện hiện được chia thành 2 phòng lớn, một phòng dành cho thư viện tiểu học, một phòng dành cho thư viện trung học. Chưa có không gian riêng, để học sinh ngồi đọc sách khi không kiểm soát được cảm xúc tiêu cực. Cách bài trí và nội thất trong thư viện chưa tạo sự thoải mái và mang đến cảm giác thư giãn cho học sinh trong giờ nghỉ.

Vai trò của gia đình trong việc hướng dẫn học sinh có thói quen và kỹ năng đọc sách tại nhà chưa được phát huy tốt. Phần lớn học sinh đến từ Hàn Quốc, nên các em rất cần hỗ trợ khi đọc sách tiếng Anh, nhưng hầu hết phụ huynh chưa có khả năng giúp đỡ, hướng dẫn đọc tại nhà do rào cản về vấn đề ngôn ngữ.

Tỷ lệ học sinh không thích đọc sách tương đối cao, hứng thú đọc sách của các em giảm dần khi lên các lớp lớn hơn, do khối lượng bài tập nhiều, học sinh có nhiều sở thích cá nhân khác. Năng lực tra cứu, tìm tài liệu của học sinh chưa thực sự hiệu quả, do các em không thường xuyên luyện tập để nâng cao kỹ năng tìm kiếm và lựa chọn tài liệu.

Do rào cản về ngôn ngữ, học sinh gặp khó khăn trong quá trình đọc hiểu, giảm hứng thú, lựa chọn tài liệu không phù hợp với trình độ đọc.

Thái độ ứng xử với tài liệu của học sinh cần được cải thiện, một số học sinh chưa xây dựng được thói quen cất và xếp sách trở lại giá, để sách bị mất, bị ướt trong quá trình sử dụng và khi mang đi du lịch ở kỳ nghỉ.

3. Giải pháp

Đối với nhà trường

Ban Giám hiệu là người giữ vai trò quyết định trong định hướng phát triển VHĐ cho học sinh. Việc nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ, giáo viên của nhà trường trong quá trình làm việc là cần thiết. Nhà trường cần hỗ trợ và tạo điều kiện cho CBTV được thường xuyên tập huấn, học tập để nâng cao nghiệp vụ, trình độ chuyên môn; phân công, bố trí nhân sự làm việc tại thư viện hợp lý, tránh tình trạng kiêm nhiệm dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động của thư viện và không thực hiện tốt được vai trò và chức năng của thư viện nhà trường.

Nhà trường nên dành sự quan tâm nhiều hơn trong việc phát động, khuyến khích hoạt động đọc sách ở học sinh. Thúc đẩy sự phối hợp giữa giáo viên và CBTV để kịp thời chia sẻ thông tin hữu ích về những trường hợp học sinh cần được hỗ trợ, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, vì thời gian giáo viên tiếp xúc với học sinh trong tiết học tại lớp nhiều hơn so với CBTV.

Vai trò của thư viện trong việc thúc đẩy VHĐ là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. CBTV cần chủ động thay đổi và sáng tạo hơn trong phương thức phục vụ học sinh, nhằm giúp các em không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn biết vận dụng tri thức vào thực tiễn để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn; tăng cường kiến thức trực quan, hướng dẫn học sinh đặt câu hỏi về những gì được thấy, cách suy nghĩ và diễn giải thông tin, để thư viện là nơi đặt câu hỏi và khám phá, là nơi những vấn đề cần được hỏi và trả lời.

Hướng dẫn học sinh các kỹ năng, phương pháp đọc phù hợp, giúp các em lựa chọn tài liệu phù hợp với độ tuổi, với khả năng để hoạt động đọc không còn nặng nề, nhàm chán và áp lực. Kết hợp các hoạt động vẽ, đóng kịch, vận động có liên quan đến nội dung trong tài liệu để có những khoảng nghỉ ngơi thư giãn trong quá trình đọc. Liên hệ những kiến thức trong sách với trải nghiệm có thể thấy ở đời thực, nâng cao kỹ năng nhận thức, kỹ năng xã hội của học sinh.

Thư viện cần đảm bảo xây dựng bộ sưu tập tài liệu phù hợp với nhu cầu, mong muốn và sở thích của học sinh. Ý kiến đóng góp của học sinh về bộ sưu tập tài liệu sẽ giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn tài liệu của thư viện. Học sinh khi được tham gia vào quá trình lựa chọn tài liệu sẽ đem đến cảm giác gắn bó vì đề xuất của các em được lắng nghe.

Đầu tư cơ sở vật chất cho thư viện, bố trí và sắp xếp giá kệ hợp lý nhằm tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ cho học sinh khi sử dụng thư viện. Trang trí không gian thư viện gần gũi, thân thiện, sử dụng những sản phẩm của học sinh để bài trí các góc thư viện, giúp các em gợi nhớ những nội dung trong tài liệu, thảo luận về tài liệu và tự hào về khả năng, thế mạnh khác của bản thân (hội họa, thủ công…).

Đối với gia đình

Sự quan tâm, phối hợp của phụ huynh để phát triển VHĐ cho học sinh có ý nghĩa rất quan trọng. Phụ huynh cần khuyến khích con đọc sách có văn hóa, xây dựng tủ sách gia đình, tìm hiểu về thói quen, hứng thú đọc của con. Cùng con lựa chọn sách theo nhu cầu và phù hợp với lứa tuổi, trình độ đọc. Tạo thói quen đọc sách mỗi ngày cho con từ 10-15 phút và dài hơn, giải thích cho con về nội dung, từ vựng, bài học được truyền tải thông qua câu chuyện. Đây là bước khởi đầu để con dần làm quen và hình thành thói quen đọc sách. Thông qua hoạt động này, giúp con phát triển kỹ năng đọc hiểu, gắn kết mối quan hệ gia đình. Khơi gợi trẻ chia sẻ những suy nghĩ của bản thân.

Phụ huynh cần quản lý các em về thời gian sử dụng cho hoạt động đọc, hạn chế sử dụng thiết bị thông minh, đọc tài liệu điện tử trước giờ đi ngủ. Thời gian đọc lâu gây ra mệt mỏi, ức chế tinh thần. Thiết bị thông minh làm giảm thị lực và gây khó ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe, sự minh mẫn, tỉnh táo của học sinh.

4. Kết luận

Trong bối cảnh chuyển đổi số, các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo AI và nhiều công cụ, ứng dụng khác ra đời, nó cho thấy VHĐ ngày càng được coi trọng như một yếu tố quan trọng giúp phát triển trí tuệ và nhân cách của con người.

Phát triển VHĐ đóng vai trò quan trọng trong quá trình tự học của học sinh, đồng thời mang lại giá trị to lớn giúp định hướng thế giới quan, hoàn thiện nhân cách, để các em trở thành những thành viên có ích trong cộng đồng. Qua đó, trang bị cho học sinh kỹ năng xã hội, nhận thức và cải thiện hành vi, là những kỹ năng đặc biệt cần thiết để học sinh phát triển toàn diện.

Để hoàn thành mục tiêu phát triển VHĐ cho học sinh, cần đảm bảo quá trình thực hiện các văn bản pháp quy hiện hành, cũng như sự thay đổi tích cực đến từ nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh, CBTV, mang đến cho học sinh môi trường sống, học tập năng động, tích cực và yêu thương.

___________________

1. Коджаспирова, Г. М. и Коджаспиров, А. Ю., Г. М, Педагогический словарь (Từ điển giáo dục học), Học viện Mátxcơva, Maxcơva, 2005, tr.70.

2. Trần Thị Minh Nguyệt, Giáo dục văn hóa đọc trong thư viện trường tiểu học ở Hà Nội, Tạp chí Thư viện Việt Nam, 2016, số 5, tr.6-13.

TS NGUYỄN THỊ KIM DUNG - Ths NGUYỄN NGỌC ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 590, tháng 12-2024

;