SỰ BIẾN ĐỔI CỦA HÁT TRỐNG QUÂN Ở CHÂU THỔ SÔNG HỒNG

Trong đời sống văn hóa cộng đồng của cư dân Việt ở Bắc Bộ xưa, hát trống quân là một hình thức diễn xướng dân gian đối đáp giao duyên gần gũi, quen thuộc, phổ biến. Ngày nay, đứng trước hiện trạng nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian có nguy cơ bị mai một, thất truyền, hát trống quân ở đồng bằng sông Hồng cũng đã có nhiều biến đổi sâu sắc. Ngay cả những nghệ nhân cũng nhận thức rõ, thể hiện sự thông cảm của mình với thực tại. Đây là xu thế tất yếu, cũng như các loại hình văn hóa cổ truyền khác. Tuy nhiên, cần có sự nhận diện một cách rõ ràng những biến đổi này để có phương thức điều tiết sao cho hài hòa.

Những biến đổi về mục đích, ý nghĩa, tính chất

Ngày xưa, hát trống quân ở châu thổ sông Hồng là cuộc hát chơi thoải mái, mang tính giải trí sau những ngày lao động mệt nhọc. Lời hát mộc mạc nhưng rất trí tuệ, khuyến khích tri thức học vấn, sự sáng tạo ngôn ngữ, hiểu biết các địa danh, phong tục tập quán của địa phương, qua đó đề cao tính nhân văn, trào lộng, yêu đời, yêu quê hương.

Nhân nay gặp tiết trung thu

Trống quân lập đám ngao du chơi bời

Nhân sinh đứng ở trên đời

Chớ nài hơn kém miễn người người vui…

Đất Xuân Cầu là nơi phong cảnh

Thú thanh tao nửa tỉnh nửa quê

Đứng xa trông thẳng trở về

Lũy tre bao bọc tứ bề xanh xanh(1)

Bên cạnh đó, hát trống quân còn dùng hình thức nam nữ đối đáp để hát công khai trước đông đảo khán quan, về những khía cạnh tâm trạng của quá trình trai gái tìm hiểu, trao duyên, những nhớ thương, nghi ngại, cưới hỏi, chung sống, chia cắt. Đó còn là những tri thức thực hành về thiên nhiên, xã hội với thái độ vui vẻ, khoan hòa. Tất nhiên, cũng đã có không ít cặp trai gái dùng ngay cuộc hát để tỏ tình, gửi ý riêng tư, song bao trùm không khí toàn đám hát vẫn là chuyện khoe tài, đua trí bằng hát xướng của giới trẻ.

Anh nay quân tử ở đời

Thấy em thục nữ thực người đoan trang

Vậy nên anh mới hỏi han

Rằng nàng đã có đá vàng cho chăng?

Yêu em má lúm đồng tiền

Mày in lá liễu mắt nhìn đó đây

Mảnh tình em hãy còn ngay

Như hoa đương nụ còn say la đà(2)

Hơn thế nữa, hát trống quân ở châu thổ sông Hồng đã dùng nghệ thuật hát xướng để giáo dục nhận thức, kinh nghiệm sống của đông đảo dân chúng lúc nông nhàn trong xã hội nông nghiệp trước kia.

Tháng giêng em còn ở nhà

Tháng hai bắt ốc, tháng ba bắt nhồi

Tháng tư đi cắt cỏ phơi

Tháng năm em ngồi kéo kén quay tơ(3)

Ngày nay, các điệu hát trống quân ở châu thổ sông Hồng phần lớn đều nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần được phục hồi, bảo tồn, phát huy. Chính vì vậy mà mục đích, ý nghĩa, tính chất của những cuộc hát đã không còn như xưa. Điều này thể hiện rất rõ qua việc nhìn nhận về đối tượng, chủ nhân của các cuộc hát trống quân. Lê Văn Hảo cho rằng: “Hát trống quân là một loại tình ca mùa thu, loại hát của tuổi vị thành niên, dùng trong những giờ nguyệt tịch…” (4). Trong một nghiên cứu về hát trống quân của người Việt, Bùi Trọng Hiền cũng nhận định: “Thời xưa, chủ nhân khởi thủy của hình thức sinh hoạt nghệ thuật này là nam, nữ chưa lập gia đình. Trong sinh hoạt đó, trai gái có điều kiện tìm hiểu người bạn đời tương lai của mình. Như thế, chức năng xã hội của hát trống quân thuộc vào vòng sinh hoạt theo chu kỳ đời người, gắn bó mật thiết với lứa tuổi trai gái tuần cập kê” (5).

Như vậy, hát trống quân khi xưa là sinh hoạt văn hóa thường dành cho nam, nữ thanh niên chưa lập gia đình riêng. Thế nhưng, ngày nay trong phần lớn các cuộc hát trống quân ở châu thổ sông Hồng mà chúng tôi ghi nhận được ở nhiều địa phương, đối tượng tham gia đều là những người cao tuổi, nhiều người đã ở vào độ tuổi xưa nay hiếm. Vậy thì tính chất của cuộc hát liệu có còn được như xưa hay không? Những cảm xúc, tình cảm, sự chờ đợi, ngóng trông, hay những lời tán tỉnh, chọc ghẹo… liệu có được như thời trai trẻ?

Qua các đợt điền dã, gặp gỡ nghệ nhân, chúng tôi nhận thấy phần lớn các cụ tham gia hát trống quân bây giờ là để giải khuây, vui thú lúc tuổi già. Nhiều người tâm huyết đã tham gia xây dựng câu lạc bộ hát trống quân của thôn, xã hoặc truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Cũng qua điền dã cho thấy, ngày nay chủ yếu là tập luyện lại các bài bản hát trống quân đã sưu tầm được của thế hệ trước, sau đó trình diễn lại cho mọi người xem để biết, để thấy được những nét hay, nét đẹp trong văn hóa dân gian của dân tộc. Do đó, có thể nói rằng ở đây không có yếu tố ứng tác tại chỗ, sự thi tài, đua trí… giữa nam, nữ tham gia diễn xướng. Điều này đã làm giảm đi sự hấp dẫn của cuộc hát, tính chất của cuộc chơi đã không còn như xưa.

 
 
 
 
Hát trống quân ở Dạ Trạch, Hưng Yên. Ảnh Ng. Anh 
 

Trong xã hội đương đại, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều cuộc thi, liên hoan dân ca... Hát trống quân cũng là tiết mục lựa chọn của nhiều địa phương để tham dự thi. Tuy nhiên, ở đây không phải là người ta thi hát trống quân với nhau để phân định cao thấp, thắng thua như xưa, mà có thể được xem như một cuộc trình diễn tiết mục dân ca của các vùng miền, từ đó lựa chọn những tiết mục xuất sắc để trao giải. Điển hình là Liên hoan dân ca Việt Nam, được Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, là nơi để các nghệ nhân, nghệ sĩ giao lưu, tìm hiểu nét tinh hoa trong văn hóa dân ca, dân vũ các vùng miền, đồng thời giúp góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc. Nét đặc sắc riêng của các dân tộc được thể hiện qua từng tiết mục, tạo nên hành trình âm nhạc dân gian dọc theo chiều dài đất nước. Những tiết mục được trình diễn ấn tượng, đa dạng nhưng đều giữ nguyên bản cổ của những tác phẩm nhạc dân gian để có thể lưu truyền trong công chúng. Trong đó có nhiều tác phẩm còn tái hiện nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng, phong tục của người Việt. Có thể nói, đây là một cuộc giao lưu, trình diễn mang mục đích, ý nghĩa rất cao đẹp, không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, mà còn tạo động lực để các nghệ nhân, nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo, nâng tầm những tinh hoa văn hóa dân gian Việt Nam. Tuy vậy, tất cả những điều kể trên vẫn chưa đầy đủ, xứng tầm với cả kho tàng dân ca Việt Nam nói chung, hát trống quân nói riêng. Đặc biệt, với hát trống quân, trong liên hoan này chỉ được trình diễn như một tiết mục nghệ thuật thông thường, thiếu hẳn những yếu tố đấu trí, đua tài, ứng khẩu thành thơ… Như vậy, tính chất của cuộc hát trống quân đã không còn được như xưa nữa.

Sự biến đổi về môi trường thẩm mỹ

Môi trường thẩm mỹ, không gian văn hóa là những yếu tố ngoại cảnh tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến tổng thể cuộc hát, người tham gia diễn xướng. Môi trường thẩm mỹ là một thành tố quan trọng của hát trống quân ở châu thổ sông Hồng, có ảnh hưởng lớn đến chất lượng của cuộc hát. Một loại hình diễn xướng dân gian sẽ khó tồn tại, phát triển khi không có môi trường thẩm mỹ, không gian văn hóa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự mai một của các thể loại diễn xướng dân gian nói chung, hát trống quân nói riêng.

Theo mô tả của nhiều tài liệu, qua tư liệu điền dã, khảo sát cho thấy, môi trường thẩm mỹ của hát trống quân ở châu thổ sông Hồng mang đậm màu sắc bản địa, tùy thuộc vào địa lý, phong tục tập quán, điều kiện sống… ở mỗi địa phương. Tuy vậy, môi trường thẩm mỹ của phần lớn các cuộc hát trống quân ở khu vực này đều có những điểm tương đồng là sự gắn bó, gần gũi với thiên nhiên (ánh trăng, sông nước, cây cối...). Trần Việt Ngữ dẫn lời của nghệ nhân ở Xuân Cầu cho rằng: “Hát trống quân ban ngày, ban mặt cứ thấy chống chếnh làm sao, rất khó xô lên cho nổi. Trong phòng nhà tây, ánh điện sáng lòa, với tiếng trống da úp nghiêng trên nền nhà lát gạch nghe sao bức bối, chát chúa, khó chịu” (6).

Ở xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, Hà Nam ngày xưa lại có lối hát trống quân trên mặt nước vào những đêm trăng tháng 8. Do cuộc sống gắn liền với sông nước nên họ có nhu cầu giao tiếp trên mặt nước, sau nảy sinh nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa sông nước. Từ đó người ta đã đem lối hát trống quân trên cạn xuống thuyền, trở thành nét đẹp văn hóa của vùng đất này. Luật chơi của trống quân Thanh Liêm là khi 2 thuyền gần nhau, gặp nhau thì họ cất lên lời hát chào. Thuyền hát này, bè hát này muốn giao lưu, hát đối đáp với thuyền hát kia, bè hát kia thì chèo thuyền tới gần, có khi kề mạn, rồi họ nổi trống, cất lên lời hát chào, hát ra mắt. Những câu hát chào hỏi, ca ngợi, chọc ghẹo nhưng đậm chất giao duyên hóm hỉnh, tế nhị, sâu sắc cứ nối dài làm quên đi sự vất vả của công việc hàng ngày. Dù cho hội hát chính đã kết thúc, nhưng cuộc hát lẻ còn kéo dài tới hết tuần trăng. Những đêm trăng sau đó người ta vẫn nô nức chèo thuyền về cánh đồng làng Sông để tiếp tục hát, nghe hát.

Đó là những nét chính trong môi trường thẩm mỹ thời xưa của hình thức hát trống quân ở châu thổ sông Hồng. Ngày nay, do tác động của cuộc sống hiện đại, đô thị hóa, công nghiệp hóa, hậu quả của chiến tranh… đã làm cho môi trường thẩm mỹ của hát trống quân ở đây chịu nhiều biến đổi sâu sắc. Những hình ảnh như cây đa, giếng nước, sân đình, cầu tre, bến đò… dường như không còn gần gũi với cuộc sống của người dân. Không gian văn hóa để tổ chức diễn xướng trống quân đã có nhiều thay đổi lớn, do vậy hát trống quân cũng phải trải qua nhiều biến đổi không những về mục đích, ý nghĩa mà còn cả về tính chất của các cuộc hát.

Hiện nay, ở xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, Hà Nam đã không còn những địa điểm truyền thống, thường xuyên của các cuộc hát trống quân xưa như cánh đồng Lảnh, đồng Triều, đồng làng Chảy, làng Lau, làng Gừa... Địa điểm để tổ chức tập luyện là ngôi đình Chảy. Như vậy, hát trống quân ở nơi đây, trước kia được diễn xướng trên mặt nước, trên thuyền, bây giờ lại được đưa lên cạn, diễn xướng tại đình. Thông thường, người ta cũng chỉ tập luyện, biểu diễn khi có các quan khách cấp trên về thăm, các đoàn đến nghiên cứu, hoặc để tham gia liên hoan dân ca do huyện, tỉnh tổ chức.

Bên cạnh những thay đổi về không gian diễn xướng, chúng tôi còn ghi nhận được một sự thay đổi lớn nữa đó là thời điểm tổ chức diễn xướng. Trước kia người ta thường tổ chức hát trống quân vào dịp trung thu, trong những đêm trăng thanh gió mát... Ngày nay, người ta có thể tổ chức cuộc hát vào bất cứ thời điểm nào trong năm, bất cứ thời điểm nào trong ngày, khi có điều kiện hoặc khi có yêu cầu của lãnh đạo cấp trên… Như thế, hát trống quân đã bị thiếu đi yếu tố thiên thời mà ngày xưa cha ông ta vẫn thường coi trọng. Theo Nguyễn Hữu Thu: “Hội thu là ngày hội cổ truyền của cư dân nông nghiệp Việt. Xưa kia, đó là ngày hội của toàn dân, trai thì mạnh, gái thì tài làm bánh trái, thêu thùa, canh cửi… Đêm hôm rằm được coi như cao điểm của mùa hội thu với ý nghĩa cầu mong sự sinh sôi nảy nở, vạn vật giao hòa, đơm hoa kết trái…” (7).

Với những biến đổi về môi trường thẩm mỹ như trên, chúng tôi nghĩ rằng cuộc hát trống quân ở đây có thể được xem như một tiết mục dân ca thuần túy, biểu diễn để mọi người xem, để biết về văn hóa dân gian của địa phương. Người đi hát ở đây đóng vai trò là người trình diễn lại những sáng tạo của thế hệ trước cho công chúng xem. Cảm xúc đôi khi còn là sự miễn cưỡng, gò ép, thiếu đi tính tự nhiên, sáng tạo… Nguyễn Hữu Thu còn cho rằng: “Yếu tố ngoại cảnh kỳ thú đã tạo điều kiện cho sự xúc cảm thẩm mỹ, phát triển dân ca trống quân. Đồng thời, trăng sao, mây nước… cũng là nguồn đề tài vô tận của những canh hát giao duyên đầy hứng thú” (8). Đồng nhất với nhận định của Nguyễn Hữu Thu, chúng tôi cho rằng sự biến đổi về môi trường thẩm mỹ, không gian văn hóa của hát trống quân ở châu thổ sông Hồng trong xã hội đương đại cũng dẫn đến sự biến đổi sâu sắc về chất trong hình thức diễn xướng này.

Như vậy, sự biến đổi của hát trống quân ở châu thổ sông Hồng trong đời sống văn hóa đương đại đã được nhìn nhận qua nhiều thành tố. Những biến đổi này ít nhiều cũng làm cho diện mạo của hát trống quân ngày nay có sự biến dạng so với lối diễn xướng cổ truyền. Hiện nay, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách, quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều thể loại âm nhạc, loại hình văn hóa dân gian, trong đó có hát trống quân, đã được phục dựng, tiếp tục hiện diện trong đời sống tinh thần, văn hóa cộng đồng của nhân dân. Tuy vậy, phương thức tiến hành, tổ chức diễn xướng hát trống quân trong thực tế vẫn còn nhiều điều để mọi người phải suy nghĩ. Chúng tôi cho rằng cần phải có sự nghiên cứu, phân tích những tác động tích cực, tiêu cực của đời sống đương đại đến các thể loại diễn xướng dân gian nói chung, hát trống quân ở châu thổ sông Hồng nói riêng; từ đó có chiến lược trong công tác bảo tồn, phát huy cho phù hợp với xu thế phát triển của xã hội đương đại.

_____________

1, 2, 6. Trần Việt Ngữ, Hát trống quân, Nxb Văn hóa Dân tộc, 2002, tr.8, 50, 70, 82.

3. Nguyễn Hữu Thu, Lời ca trống quân, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2, 1987, tr.45.

4. Lê Văn Hảo, Sơ khảo về hát trống quân, dân ca Bắc Việt, Tập san Đại học Huế, số 31, 1963, tr.353.

5. Bùi Trọng Hiền, Hát trống quân người Việt, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 332, 2012, tr.35.

7, 8. Nguyễn Hữu Thu, Hát trống quân, hình thức diễn xướng dân gian của người Việt, Tạp chí Dân tộc học, số 2, 1981, tr.24, 28.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 - 2017

Tác giả : NGUYỄN ĐỨC HOÀNG

;