SƠ LƯỢC VỀ SÁCH LÁ Ở ĐÔNG NAM Á

Tài liệu viết trên lá là một trong những di sản văn hóa có giá trị ở Đông Nam Á, xuất hiện ở Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam… Các tài liệu viết tay trên lá (gọi tắt là sách lá) luôn là niềm tự hào của những thư viện quốc gia các nước khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, nhằm duy trì, bảo quản di sản văn hóa vô giá, thiêng liêng này, thư viện quốc gia các nước này đã không ngừng thực hiện các chương trình bảo quản nhằm giữ gìn cho thế hệ tương lai, giới thiệu nguồn tài liệu vô giá này đến những nhà nghiên cứu trong, ngoài nước.

Sơ lược về sách lá ở Đông Nam Á

Đông Nam Á là vùng đất nằm trong khu vực châu Á, gồm hai vùng lãnh thổ khác nhau rõ rệt là phần lục địa với phần hải đảo. Đây là vùng đất có vị trí đặc biệt quan trọng trên đường giao lưu quốc tế, nằm trọn giữa 2 đại dương: Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, là cửa ngõ trên tuyến đường hàng hải quốc tế, nối liền Đông Á với Tây Âu, châu Phi. Cùng sinh ra, phát triển trên một khu vực địa lý, cư dân Đông Nam Á đã sáng tạo ra một nền văn hóa bản địa riêng biệt, độc đáo, có cội nguồn chung từ thời tiền sử, sơ sử, trước khi tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ. Cư dân Đông Nam Á lấy sản xuất nông nghiệp lúa nước làm phương thức hoạt động kinh tế chính, được coi là cái nôi của cây lúa nước.

Đặc biệt trong văn tự ở Đông Nam Á có một loại hình tài liệu khá độc đáo là tài liệu viết tay trên lá. Tài liệu này sử dụng lá cọ là chất liệu để viết nhưng kỹ thuật khắc, màu sắc trên chữ viết, chất liệu bìa… ở mỗi quốc gia có khác nhau, tạo nên sự đa dạng. Nội dung chủ yếu ghi chép các kinh nghiệm trong y khoa, lịch sử, luật tục, tu hành, luận bàn Phật giáo... Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về tài chính, kỹ thuật, đào tạo cán bộ thư viện về kinh nghiệm bảo quản… một số thư viện quốc gia Đông Nam Á đã thực hiện những chương trình bảo quản, bảo tồn nguồn tài sản quý giá này.

Mô tả về sách lá ở Đông Nam Á

Tài liệu viết tay trên lá được làm từ lá cây cọ. Lá cọ là chất liệu được dùng để viết đầu tiên ở Nam Á, Đông Nam Á từ TK V TCN, sau đó lan truyền sang những nơi khác. Với sự lan truyền của văn hóa Ấn Độ đến các nước Đông Nam Á như Indonesia, Campuchia, Malaysia, Philippines, Thái Lan... các quốc gia này cũng đã trở thành ngôi nhà của bộ sưu tập sách lá rộng lớn.

Một trong những sách lá còn tồn tại lâu đời nhất là sách viết bằng tiếng Phạn ở TK IX, được phát hiện ở Nepal. Sách này hiện được lưu giữ tại thư viện trường Đại học Cambridge. Đến TK X, sách lá được các nhà khảo cổ phát hiện trong thư viện tại đền thờ Hindu ở Indonesia, Campuchia như Angkor Wat, Banteay Srei.

Sách lá được làm từ lá cọ, lá buông... Nhìn chung, về kỹ thuật sách lá ở các nước khu vực Đông Nam Á được xử lý tương tự nhau. Mỗi tấm lá được cắt thành hình chữ nhật dài 45-55cm, rộng 4-5cm. Ở một số sách lá, mỗi tấm lá còn có chiều dài đến 91cm, rộng 7cm. Chúng được làm khô bằng cách xông khói hoặc luộc, phơi khô giúp lưu giữ tấm lá lâu hơn, sau đó mang ép phẳng. Ở giữa mỗi tấm lá có một lỗ thông, qua đó người ta luồng sợi dây vải để xâu chuỗi từng tấm lá với nhau, cột dây thành một quyển sách. Phần bìa bên ngoài của sách lá được làm bằng tấm gỗ.

Tuy nhiên, sách lá không chỉ là tài liệu cổ ghi chép những kinh nghiệm của cha ông mà còn được xem là vật thiêng liêng, các tấm bìa gỗ ở bìa sách lá cũng được trang trí rất đẹp với khắc, khảm, sơn hoặc đính đá quý bằng những chất liệu quý giá. Ở Thái Lan, hai tấm bìa của sách lá được làm bằng ngà voi hoặc gỗ chạm xà cừ với hoa văn rất đẹp, tinh xảo.

Người ta viết chữ lên các tấm lá bằng kim hoặc bút có đầu kim loại, sau đó phủ lớp mực đen hoặc mực màu lên các dòng chữ khắc làm hiện rõ nội dung của bản khắc. Phần mực thừa trên lá được lau đi thật sạch. Một số sách lá có chữ viết được phủ bằng nhũ vàng. Sau khi được đóng thành sách, sách lá được bao bọc một lớp vải bên ngoài rất đẹp mắt nhằm bảo quản tài liệu khỏi những ảnh hưởng về không khí, nhiệt độ, côn trùng gây hại.

Sách lá trong một số thư viện quốc gia ở Đông Nam Á

Việc lưu giữ, bảo quản sách lá

Thư viện quốc gia có vai trò quan trọng trong việc bảo quản các di sản văn hóa thành văn của dân tộc nói riêng, của nhân loại nói chung. Việc bảo quản nguồn tài liệu này nhằm mục đích giữ gìn, lưu truyền cho thế hệ tương lai đồng thời giới thiệu nguồn tài liệu này đến tất cả cộng đồng trong, ngoài nước được biết đến, được tiếp cận. Các bộ sưu tập sách lá được xem là những di sản văn hóa thành văn được các thư viện quốc gia gìn giữ, bảo tồn nhằm kéo dài tuổi thọ hữu ích, phát huy tối đa giá trị văn hóa của chúng.

Các thư viện quốc gia ở Đông Nam Á không ngừng thu thập, gìn giữ nguồn di sản văn hóa thành văn này. Đối với Thư viện Quốc gia   Myanmar, từ khi thành lập đã duy trì bộ sưu tập sách lá phong phú của mình. Tính đến năm 2011, Thư viện Quốc gia Myanmar đã lưu giữ được 17.511 bộ sách lá. Phần lớn các tài liệu của thư viện có nội dung về tu hành, luận bàn Phật giáo, một số nội dung khác như toán học, công nghệ, lịch sử, y học, luật tục. Hầu hết sách lá có ít nhất 100 năm tuổi, một số là khoảng 200 năm tuổi. Ở thư viện, mỗi quyển sách lá được bọc bằng vải, đặt trên các giá kệ trong phòng lưu giữ đặc biệt.

Ngoài ra, mỗi sách lá có kèm thêm vài tấm lá chưa viết chữ nhằm mục đích dự phòng khi sửa chữa, thay thế những tấm lá bị hư hại. Nhằm bảo quản sách lá luôn có màu sắc tươi sáng, sạch sẽ, phòng bảo quản của thư viện thường sử dụng dầu cỏ chanh hoặc dầu cirtronella lau trên bề mặt lá. Dầu cirtronella thường được sử dụng lau chùi sách lá để tránh côn trùng cũng như những tác động của môi trường giúp tuổi thọ của tài liệu được lâu dài hơn. Ngoài ra, trên các kệ hoặc tủ lưu trữ tài liệu viết tay trên lá thường đặt long não để xua đuổi côn trùng. Do thiếu các phương tiện, chuyên gia bảo tồn, các sách lá ở Thư viện Quốc gia Myanmar đang dần hư hỏng do điều kiện thời tiết, ô nhiễm không khí, độ ẩm, nhiệt độ cao, côn trùng; một số sách lá xuất hiện những vết bẩn, các đốm đen trên các tấm lá hoặc màu trên bề mặt của lá chuyển sang màu nâu hoặc màu nâu sẫm; một số sách lá đã suy yếu, trở nên mong manh, dễ gãy, dễ vỡ hơn, số khác bị hư hỏng ở mép… Phòng bảo quản, bảo tồn của Thư viện Quốc gia Myanmar đã thực hiện sửa chữa phần hư hỏng của những tấm lá bằng cách thay thế tấm lá dự phòng, áp dụng phương pháp truyền thống, chuyển dạng tài liệu nhằm kéo dài tuổi thọ của sách lá.

Tương tự, Thư viện Quốc gia Lào, Campuchia đang bảo quản sách lá trong điều kiện còn thiếu thốn về tài chính, nhân sự, trang thiết bị bảo quản, phục chế… Thư viện Quốc gia Lào đang lưu giữ 6.000 bản sách lá.

Thái Lan là một trong những quốc gia có số lượng sách lá khá lớn trong các thư viện quốc gia khu vực Đông Nam Á hiện nay. Thư viện hiện đang lưu giữ 225.733 bản với 30.742 tên sách. Nội dung trong sách lá ở Thư viện Quốc gia Thái Lan đề cập đến các nội dung như y khoa Thái, văn học, tôn giáo, chiêm tinh, pháp luật, văn học dân gian... Bộ sách lá của hoàng gia gồm 3 tập được mạ vàng thời vua Rama III. Bộ sách lá đồ sộ này được xem là một phần quan trọng trong lịch sử, văn hóa Thái Lan, được đánh giá là tài sản quốc gia. Do vậy, chúng được Thư viện Quốc gia Thái Lan lưu trữ trong phòng đặc biệt với môi trường nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, côn trùng được kiểm soát nghiêm ngặt. Tuy nhiên, theo thời gian một số đã bị mối mọt tấn công, lá cũng dần chuyển màu. Ngoài Thư viện Quốc gia Thái Lan, sách lá còn được lưu giữ nhiều ở các chùa, trong cộng đồng thuộc vùng Bắc Thái trong điều kiện thiết bị, kỹ thuật bảo quản đơn giản, một số bị cháy, bị mối mọt…

Ở Việt Nam, sách lá của người Khơme cũng là một di sản thành văn quý báu, góp phần làm giàu bản sắc dân tộc nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng. Loại hình tài liệu này chủ yếu được lưu giữ nhiều ở các chùa Khơme thuộc các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Các vị sư trong chùa, người Khơme luôn gìn giữ, coi như báu vật thiêng liêng vì đây là những cuốn kinh sách viết trên lá buông với hàng trăm năm tuổi. Đó là vật lưu giữ, trao truyền hầu hết những giá trị văn hóa tinh thần của người Khơme từ xưa đến nay.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Khơme thì hầu hết kinh Phật, văn học từ xa xưa được chép trên lá buông thường gọi là xatra, được lưu giữ cẩn thận ở các ngôi chùa Khơme. Có 4 loại xatra: Xatra tes ghi chép những Phật thoại, kinh Phật, trong các dịp lễ lớn ở chùa thường được các nhà sư bắt thăm để thuyết pháp; xatra rương là xatra truyện, phần lớn được sáng tác trên cơ sở các câu truyện cổ dân gian, xây dựng trên quan điểm tôn giáo, phong kiến, được kể theo lối tự sự, thể hiện bằng một thể thơ nhất định tùy theo tình huống của truyện; xatra lbeng ghi chép về các hội hè, trò chơi dân gian, các lý thuyết nhân quả của đạo Phật; Xatra chbăp là những bài giáo huấn ca, có nhiều thể loại, dành riêng cho từng thành phần trong xã hội. Trong số đó, đặc biệt nhất là những cuốn kinh Phật, chứa đựng không chỉ các giáo lý đơn thuần mà còn là những triết lý sống, nhân sinh quan, thế giới quan theo tinh thần Phật giáo. Kinh lá buông được bọc trong vải cẩn thận, để nơi khô thoáng, chỉ được mở ra trong những dịp quan trọng như lễ kiết giới, lễ Phật đản, lễ dâng y cà sa, lễ cúng trăng...

Tình trạng bảo quản sách lá buông ở ĐBSCL chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của các sư trong chùa. Sách lá buông được cất giữ trong tủ kính, rương; hàng năm được mang ra phơi nắng, quét dọn rương, tủ một vài lần; sửa chữa lại những tập sách đứt chỉ… Đến nay, sách lá buông ở Việt Nam vẫn chưa được thống kê một cách cụ thể về số lượng, chưa tổ chức các lớp tập huấn bảo quản cho các sư, người dân Khơme, các chế độ chính sách dành cho người sưu tầm, dịch thuật những tài liệu cần thiết, trang thiết bị cơ bản cho bảo quản sách lá buông…

Sách lá ra đời từ rất lâu, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á hiện đang lưu giữ những sách lá từ TK XIX. Tài liệu này có chất liệu lá tự nhiên nên dễ bị hư hỏng do các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, côn trùng gây hại. Các thư viện quốc gia ở Đông Nam Á dù nhận thức được vai trò quan trọng của mình trong gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc tuy nhiên không tránh khỏi những hạn chế do điều kiện tài chính, chuyên gia bảo quản chuyên nghiệp, trang thiết bị bảo quản, phục chế… Mặc dù vậy, các thư viện quốc gia ở Đông Nam Á luôn nỗ lực không ngừng trong tìm kiếm các giải pháp, xây dựng các chương trình bảo quản sách lá với sự hỗ trợ của các tổ chức bảo quản trên thế giới, những quốc gia quan tâm đến bảo tồn các di sản văn hóa của nhân loại.

Chương trình bảo quản sách lá của một số thư viện quốc gia ở Đông Nam Á

Sách lá là nguồn tài liệu quý giá, được xem như là di sản văn hóa quốc gia do vậy bảo quản nguồn tài liệu này là một nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, song song với việc bảo quản, duy trì nguồn tài liệu quý giá này, thư viện quốc gia còn phải giới thiệu tính độc đáo về hình thức, ý nghĩa lịch sử, các giá trị nội dung của chúng để cộng đồng trong, ngoài nước được chiêm ngưỡng, truy cập dễ dàng.

Thái Lan là một trong những quốc gia Đông Nam Á giữ gìn các bộ sách lá như tài sản quốc gia. Thư viện Quốc gia Thái Lan đã thực hiện nhiều chương trình bảo quản nguồn tài liệu sách lá quý hiếm này. Ngoài việc bảo quản sách lá trong điều kiện môi trường tối ưu với thiết bị điều hòa, kho lưu trữ an toàn..., các bộ sách lá còn được các nhân viên thư viện sửa chữa, định kỳ vệ sinh kho lưu trữ, được tiến hành số hóa. Thái Lan hiện có thư viện số các sách lá với 4247 bản trong đó có những tài liệu có tuổi thọ lên đến 500 tuổi. Thư viện số là kết quả của dự án bảo quản các sách lá vùng Bắc Thái Lan, được chính phủ Đức tài trợ với tổng vào năm 1987. Dẫn đầu nhóm nghiên cứu số hóa sách lá của dự án là giáo sư Harald Hundius, một viện sĩ, chuyên gia người Đức chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ Bali cổ. Bộ sách lá quý giá này được số hóa tạo cơ hội cho mọi người có cơ hội đọc miễn phí trên máy tính cá nhân, máy tính bảng, điện thoại di động bằng tiếng Anh hoặc tiếng Thái.

Lãnh sứ quán Mỹ tại Lào đã tài trợ các dự án bảo tồn các di sản văn hóa của Lào từ năm   2001-2013. Năm 2008, dự án này cho phép thư viện quốc gia thực hiện việc tập huấn bảo quản sách lá ở 2 trung tâm của tỉnh Savanakhet, Champassak. Các nhà sư, phật tử của hai trung tâm này được tập huấn kỹ thuật về phương pháp bảo quản, sử dụng hợp lý các sách lá. Các sách lá nguyên bản này đại diện cho bộ sưu tập sách lá lớn nhất của di sản văn hóa ở khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2009, dự án này cho phép Thư viện Quốc gia Lào tổ chức tập huấn nâng cao về kỹ thuật bảo quản sách lá ở 2 trung tâm của tỉnh Luang Phabang, thành phố Viêng Chăn. Các sách lá nguyên bản này đại diện cho bộ sưu tập sách lá lớn nhất của di sản văn hóa ở khu vực Đông Nam Á.

Cũng được lãnh sự quán Mỹ dành kinh phí cho dự án bảo quản sách là Thư viện Quốc gia Campuchia. Năm 2001, bằng nguồn quỹ của lãnh sự quán Mỹ tại Campuchia dành cho bảo quản, bảo tồn các di sản văn hóa, Thư viện Quốc gia Campuchia được tài trợ 15.000 USD cho dự án bảo tồn văn hóa nhằm mục đích bảo tồn những tài liệu lịch sử quý hiếm, những bộ sách lá từ TK XIX. Năm 2007, Thư viện Quốc gia Campuchia được UNESCO tài trợ kinh phí cho chương trình bảo quản với các hoạt động như sửa chữa sách giấy, sách quý hiếm trong đó có sách lá, đóng gói hoặc làm hộp bảo vệ các tài liệu có nguy cơ bị hư hỏng cao, các tài liệu quý hiếm được sao chụp lại, phiên bản điện tử được lưu trữ.

Sách lá là một loại hình tài liệu rất đặc trưng với chất liệu là lá tự nhiên, được các cư dân Đông Nam Á sử dụng trong viết văn bản. Chữ viết là những bản khắc bằng tay với những nội dung là kinh nghiệm của cha ông. Đặc biệt, sách lá có nội dung về tôn giáo, được lưu giữ trang trọng trong các ngôi chùa, được xem như vật thiêng liêng. Các thư viện quốc gia ở Đông Nam Á không ngừng thu thập, bảo quản, giới thiệu nguồn tài liệu quý giá này đến với cộng đồng. Tuy nhiên, sách lá sử dụng chất liệu tự nhiên là lá cọ, lá buông… nên dễ bị hư hỏng, do vậy bên cạnh những phương pháp bảo quản truyền thống, các thư viện đồng thời thực hiện phương pháp hiện đại là số hóa các tài liệu này. Các dự án số hóa sách lá là cơ hội giúp mọi người có thể truy cập trên internet để học tập, nghiên cứu, phát huy hết giá trị văn hóa của di sản văn hóa quý báu này.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ HỒNG THẮM

;