Tái hiện Lễ trưởng thành dân tộc Sán Chỉ (Cao Bằng)

Nằm trong khuân khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn năm 2024, Đoàn nghệ nhân, diễn viên tỉnh Cao Bằng đem đến Ngày hội tiết mục Lễ trưởng thành dân tộc Sản Chỉ ở xóm Khuổi Chủ, xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Người Sán Chỉ có đời sống văn hóa, tín ngưỡng truyền thống vô cùng phong phú. Những quan niệm về vũ trụ, linh hồn, con người, vạn vật đã tồn tại từ rất lâu và được lưu giữ cho đến tận ngày nay. Tín ngưỡng chủ yếu của người Sán Chỉ là: Thờ cúng tổ tiên, thờ thổ công, thần linh, thờ các loại ma, tín ngưỡng liên quan đến chu kỳ đời người, thờ cúng nông nghiệp.

Mở đầu Lễ trưởng thành là tiếng thanh la, tượng trưng cho mặt trời và tiếng trống hiện thân của mặt trăng được nổi lên

Với dân tộc Sán Chỉ huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, các nghỉ lễ vòng đời rất quan trọng. Trong đó có nhiều nghi lễ không chỉ gần với đời sống tâm linh, mà còn đánh dấu mốc quan trọng trong những chặng đường trưởng thành của mỗi con người như: Lễ đặt tên, lễ đầy tháng, lễ cưới, lễ cấp sắc... Đặc biệt trong những nghi thức đó có Lễ trưởng thành. Đây là một nghi lễ truyền thống có từ rất lâu đời mang đậm nét văn hóa riêng biệt đánh dấu mốc trưởng thành trong vòng đời của mỗi người đàn ông dân tộc Sán Chỉ.

Người Sán Chỉ thường chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ. Tại Ngày hội, Đoàn nghệ nhân tỉnh Cao Bằng đã tái hiện Lễ trưởng thành của dân tộc Sán Chỉ. Theo đó, gia đình anh Tẩn Văn Nghiền ở xóm Khuổi Chủ, xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng mời thày mo và anh em họ hàng đến làm lễ trưởng thành cho con trai. Thành phần gồm người hành lễ chính: thày mo Tẩn Văn Chích; thày mo phụ thứ nhất: Phón Văn Tẳng; thày mo phụ thứ hai: Tẩn Văn Ón cùng các thợ đánh nhạc cụ trống và thanh la. Người thụ lễ là Tẩn Văn Khìn cùng đông đảo bà con anh em trong xóm Khuổi Chủ.

Lễ vật được gia đình chuẩn bị gồm: rượu, gạo, thịt lợn, gà luộc và mâm xôi ngũ quả để cúng. Đồ lễ thờ và lễ cảm ơn thày có thể được sắp nhiều hay ít tùy vào điều kiện của gia chủ.

Trang phục của thày mo có sự phân biệt rõ ràng về màu sắc

Bắt đầu vào lễ

Khi đến giờ đẹp, các thày bắt đầu làm lễ. Mở đầu lễ trưởng thành là tiếng thanh la, tượng trưng cho mặt trời và tiếng trống hiện thân của mặt trăng được nổi lên. Người thụ lễ sẽ ngồi ở gian chính trước ban thờ ở trong nhà. Các thày mo bắt đầu múa theo nghi thức để báo cáo đến tổ tiên dòng họ: Hôm nay ngày đẹp tháng tốt, gia đình tổ chức làm lễ trưởng thành cho cháu Tẩn Văn Khìn, mong tổ tiên của dòng họ đến xem và chứng giám cho nghi thức.

Sau nghi thức báo cáo tổ tiên, các thày mo và người thụ lễ bắt đầu thực hiện nghi thức mặc trang phục hành lễ. Trang phục của thày mo có sự phân biệt rõ ràng về màu sắc. Mỗi màu tương đương với cấp bậc của mỗi thày. Thày mo chính có chức sắc cao nhất mặc trang phục làm lễ màu vàng, thày mo phụ thứ nhất có cấp bậc thấp hơn thày mo chính được mặc trang phục màu đỏ, thày mo phụ thứ hai có cấp bậc thấp nhất nên mặc trang phục màu xanh.

Lễ trưởng thành của người Sán Chỉ, tiếng địa phương còn gọi là lễ Thuổm Cuổn. Đây là một nghi lễ không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người đàn ông Sán Chỉ. Bởi theo tín ngưỡng dân gian của người Sán Chỉ, người con trai sau khi làm lễ mới được công nhận là người trưởng thành, biết giúp cha mẹ lo chuyện làm ăn và có tên âm như một lời trình báo với tổ tiên. Người Sán Chỉ làm lễ trưởng thành cho người con trai từ 12 tuổi trở lên, đàn ông ai cũng phải qua nghi thức này, kể cả khi đã có vợ con mà chưa làm lễ cũng vẫn phải làm.

Nghi thức truyền dạy gồm có 3 bài nhảy và dạy đọc chữ khác nhau

Nghi thức truyền dạy

Với những người đàn ông Sán Chỉ, việc truyền dạy làm thày mo sẽ được thực hiện luôn trong lễ cấp sắc. Nếu người nào được truyền dạy cấp đến 7 đèn thì tự mình có thể làm thày mo hành lễ cho người khác. Trong nghi thức này gồm có 3 bài nhảy và dạy đọc chữ khác nhau. Những bài văn dùng trong nghi lễ cấp sắc được các thày ghi chép cẩn thận bằng giấy bản và được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Bài thứ nhất mang ý nghĩa truyền dạy của thày mo chính, người Sán Chỉ gọi là Tềnh thênh giang nhùn: “Hỡi tổ tiên của dòng họ, hôm nay cháu Tẩn Văn Khìn đã được làm lễ trưởng thành, mong tổ tiên công nhận cho cháu. Từ hôm nay, cháu đã có tên trong danh sách của dòng họ. Giờ đây xin được truyền dạy lại các nghi thức trong bài cúng để sau này cháu có thể lưu truyền được bản sắc truyền thống của dòng tộc trong gia đình”...

Bài thứ hai mang ý nghĩa truyền dạy của thày mo phụ thứ nhất, người Sán Chỉ gọi là Tềnh thênh trọn nhùn: “Hôm nay, cháu đã được làm lễ trưởng thành, tổ tiên hãy tiếp nhận và phù hộ cho cháu ngày càng được tiến bộ, thông minh để giúp đỡ cho gia đình và mọi người xung quanh”.

Bài thứ ba mang ý nghĩa truyền dạy của thày mo phụ thứ hai, người Sán Chỉ gọi là Tềnh thênh gia nhùn: “Hỡi tổ tiên dòng họ, từ hôm nay hãy phù hộ độ trì cho cháu cùng mọi người luôn được mạnh khỏe, không ốm đau bệnh tật”.

Điều bắt buộc phải thực hiện để nghi lễ được tổ tiên gia tộc công nhận với người Sán Chỉ, trong thời gian tiến hành lễ cấp sắc, tất cả các thày mo, gia chủ, mọi người đến dự lễ đều phải ăn chay, không sát sinh, không ăn mỡ động vật. Đặc biệt, người được cấp sắc phải cách ly ở riêng trên gác một mình, mọi hoạt động của người được cấp sắc phải tuân theo chỉ dẫn của thày mo. Sau khi làm lễ xong cũng có những điều kiêng kỵ mà cả thày mo cùng gia đình đều phải thực hiện.

Theo đúng trình tự, lễ cấp sắc được diễn ra trong 3 ngày, qua hơn 20 nghi thức lớn nhỏ khác nhau như: Lễ dựng đàn Ngù Đài, đàn thờ trong nhà, lễ giáng sinh, lễ khao làng... và mỗi bài nhảy đều mang ý nghĩa tâm linh riêng của nó.

Ngù Đài tượng trưng cho lưng con rồng, người thụ lễ ngồi trên đài nghĩa là ngồi trên lưng rồng để giáng sinh xuống trần gian

Lễ trèo đài

Sau khi đã làm xong các nghi thức trong nhà, các thày cầm hương trình lên đàn lễ xin cho người thụ lễ ra ngoài đàn Ngù Đài để thực hiện lễ giáng sinh. Đàn Ngù Đài được lập ngoài trời, trên một khu đất rộng, làm bằng gỗ, cao hơn 2m. Ngù Đài tượng trưng cho lưng con rồng, người thụ lễ ngồi trên đài nghĩa là ngồi trên lưng rồng để giáng sinh xuống trần gian.

Người thụ lễ khi lên trên Ngù Đài cần ngẩng đầu nhìn trời lần lượt xoay mình về các phía, sau đó ngồi xuống Ngù Đài mặt quay về hướng Tây, lưng quay về hướng Đông. Ở bên dưới, các thày mo cùng các thanh niên trong bản căng rộng chiếc võng có lót tấm chăn ra như chiếc vỏ để khi người thụ lễ rơi từ trên xuống, tấm chăn là vật nâng đỡ và gói lại thành bọc. Người thụ lễ rơi xuống võng liền được gói kín, tấm lưới bao bọc xung quanh như bào thai. Trống chiêng nổi liên hồi mừng người thụ lễ từ trên trời giáng sinh về với trần gian. Bát nước đặt trên gói võng được thày làm phép đổ đi rồi mở võng, mở bọc chăn ra. Thày sẽ xem các ngón tay, ngón chân có còn chụm sát vào nhau hay không.

Tiếp theo, người thụ lễ được ngồi dậy, thày mo chính cầm bát cơm bón cho người thụ lễ ăn. Điều này tượng trưng cho việc trẻ sinh ra được thày chăm sóc, ăn no mặc ấm lớn lên và trưởng thành. Người thụ lễ sau khi giáng sinh được đưa về nhà để tạ ơn tổ tiên và được công nhận là người đàn ông đã trưởng thành, sống có trách nhiệm, trung thực, hiếu thuận với cha mẹ, chăm chỉ lao động, hòa thuận với anh em, giúp người khó khăn hơn mình... Sau đó, thày mo và người thụ lễ thay trang phục thường ngày và cùng nhau ăn uống chúc mừng cho gia đình.

Thày mo chính bón cho người thụ lễ ăn, tượng trưng cho việc trẻ sinh ra được thày chăm sóc, ăn no mặc ấm lớn lên và trưởng thành

Sau khi làm lễ xong, gia đình anh Tẩn Văn Nghiền tổ chức khao làng, để thể hiện lòng biết ơn đối với anh em làng xóm đã đến giúp đỡ chứng kiến cho sự trưởng thành của cháu Tẩn Văn Khìn và chung vui cùng gia đình, với những món ăn truyền thống của người Sán Chỉ. Mọi người mời nhau ăn uống vui vẻ thể hiện tình đoàn kết cộng đồng của con người nơi đây.

Lễ trưởng thành là một nghi thức rất đặc sắc của cộng đồng dân tộc Sán Chỉ, chứa đựng quan niệm giáo dục to lớn, triết lý nhân sinh nhằm hướng con cháu tới chân, thiện, mỹ. Đây là một nét độc đáo riêng trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Sán Chỉ cần được lưu giữ, báo tồn trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

HÙNG MẠNH - Ảnh: TUẤN MINH

;