Ngày 29-3-2025, Nhà hát Chèo Hà Nội đã ra mắt vở chèo “Nước mắt Trạng Quỳnh”. Vở diễn được lấy cảm hứng từ hình tượng nhân vật Trạng Quỳnh nổi tiếng trong văn học dân gian Việt Nam, người được biết đến với trí thông minh, tài ứng biến và tinh thần đấu tranh chống lại sự bất công trong xã hội.
Vở chèo pha lẫn yếu tố bi và hài, vừa tạo tiếng cười nhẹ nhàng vừa để lại những suy ngẫm sâu sắc trong lòng khán giả
Nước mắt Trạng Quỳnh không chỉ đơn thuần là tái hiện những câu chuyện hài hước, dí dỏm về Trạng Quỳnh mà còn khắc họa sâu sắc những nỗi oan ức, bi kịch của nhân vật này. Đồng thời, vở diễn cũng mang thông điệp còn nguyên giá trị đến ngày nay về việc sử dụng người tài.
Trạng Quỳnh thường dùng trí thông minh và lời lẽ sắc sảo để vạch trần sự bất công, bảo vệ quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, chính sự thẳng thắn và lòng chính trực của ông đã khiến ông rơi vào vòng xoáy của âm mưu và đàn áp từ các thế lực xấu xa. Vở diễn tập trung vào giai đoạn Trạng Quỳnh bị hãm hại, vu oan và phải chịu những đau khổ, mất mát. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất, Trạng Quỳnh vẫn giữ vững khí tiết, không khuất phục trước cường quyền.
Vở chèo Nước mắt Trạng Quỳnh là một tác phẩm mang đậm tính nhân văn và lòng yêu nước. Vở diễn không chỉ phơi bày nỗi oan ức và nỗi khổ tâm của Trạng Quỳnh mà còn thể hiện tình yêu thương sâu sắc ông dành cho quê hương, đất nước. Tinh thần đấu tranh chống lại bất công của Trạng Quỳnh là một biểu tượng cho sức mạnh của người dân Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ công lý và lẽ phải.
Khán giả thích thú với những phần giải đố thông minh của Trạng Quỳnh thắng sứ giả phương Bắc
Kịch bản Nước mắt Trạng Quỳnh được viết bởi hai tác giả Lê Chí Trung và Thiên Ân, do Mai Văn Sinh chuyển thể chèo. Thành công của vở diễn không thể không nhắc đến bàn tay dàn dựng tài hoa của đạo diễn - NSƯT Lê Tuấn. Vở chèo là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố bi và hài. Những tình huống hài hước, dí dỏm được lồng ghép khéo léo với những cảnh bi thương, xúc động, tạo nên một tổng thể hấp dẫn, lôi cuốn. Sân khấu của vở diễn được thiết kế đẹp mắt, đậm chất dân gian do họa sĩ Ngô Thắng thực hiện. Âm nhạc của vở diễn được nhạc sĩ Tất Trọng sáng tác và thể hiện theo phong cách chèo truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. NSƯT Hoài Anh đảm nhận biên đạo những tiết mục múa, NSND Minh Thu hướng dẫn các nghệ sĩ hát các điệu chèo truyền thống.
Bên cạnh đó, vở diễn có sự tham gia của nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng của Nhà hát Chèo Hà Nội: NSND Thanh Loan tràn đầy năng lượng trong vai Mẹ Mõ; NSƯT Quốc Phong vai Lý Trưởng rất nhuần nhuyễn; nghệ sĩ Khắc Huy vai Quan Nội Thị đầy cuốn hút; Nghệ sĩ Quang Dương vào vai Sứ thần Bắc Quốc, dù ngắn nhưng đủ để khán giả thấy được sự thủ đoạn của kẻ xâm lược, nhưng vẫn thua đau trước sự thông minh của Trạng Quỳnh… Nghệ sĩ hoạt động lâu năm như Trang Thơ cũng thực sự lột xác với vai diễn mẹ Trạng Quỳnh. Vở diễn quy tụ nhiều nghệ sĩ trẻ đầy triển vọng của Nhà hát như nghệ sĩ Quang Trưởng (vai Trạng Quỳnh), Hồng Vân (vai Điểm), Diệu Linh (vai Phi Hà Như), Tiến Đạt (vai Chúa Trịnh)...
Diễn viên trẻ đầy tài năng Quang Trưởng đã thể hiện xuất sắc vai diễn Trạng Quỳnh
Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội - NSND Thu Huyền, Chỉ đạo nghệ thuật của vở diễn, chia sẻ: “Vở diễn Nước mắt Trạng Quỳnh là nơi các nghệ sĩ trẻ thể hiện tài năng và đam mê của mình. Tinh thần của Nhà hát là luôn tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ có cơ hội thể hiện bản thân, vừa để thỏa mãn đam mê, vừa để học hỏi các thế hệ đi trước. Vì thế, chúng tôi phân công các nghệ sĩ lão luyện xuất hiện cùng các gương mặt trẻ để tạo sự giao thoa, tiếp nối thế hệ. Các nghệ sĩ trẻ rất hào hứng và họ tiến bộ rất nhanh”.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, nghệ sĩ trẻ Quang Trưởng trong vai Trạng Quỳnh cho biết: “Khi được ban lãnh đạo Nhà hát tin tưởng giao vai diễn Trạng Quỳnh, tôi vô cùng vinh dự và xúc động. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, tôi cũng không khỏi cảm thấy áp lực, bởi đây là một vai diễn đòi hỏi cả bản lĩnh sân khấu và kinh nghiệm diễn xuất dày dặn. Tôi vô cùng biết ơn sự dìu dắt tận tình của đạo diễn - NSƯT Lê Tuấn, cùng sự chỉ bảo, động viên từ các nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Việt Thắng, NSND Thanh Loan và các anh chị em diễn viên Đoàn 2. Sự hỗ trợ quý báu này đã giúp tôi vượt qua những lo lắng ban đầu và tự tin hơn trên sân khấu. Trạng Quỳnh không chỉ là một nhân vật thông minh, lém lỉnh, mà còn là biểu tượng của tinh thần phản kháng, đấu tranh cho công lý. Cái khó nhất khi hóa thân vào nhân vật này chính là làm sao thể hiện được khí phách hiên ngang, bản lĩnh kiên cường của ông trước cường quyền, đồng thời vẫn giữ được nét dí dỏm, hài hước vốn có. Tôi tin rằng hình tượng Trạng Quỳnh với tinh thần đấu tranh cho chính nghĩa sẽ mãi mãi sống trong lòng khán giả, truyền cảm hứng cho các thế hệ sau”.
Theo NSND Thu Huyền, vở diễn Nước mắt Trạng Quỳnh sau khi công diễn đã nhận được nhiều lời khen ngợi và góp ý của Hội đồng nghệ thuật thành phố Hà Nội và sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Vở diễn sẽ tiếp tục được công diễn, phục vụ đông đảo khán giả Thủ đô và cả nước yêu mến nghệ thuật chèo.
Vở chèo mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG