Ra mắt hai tác phẩm của nhà báo Phan Đăng

Sáng 21-9, tại Hà Nội, Nxb Hội Nhà văn tổ chức buổi ra mắt hai cuốn sách: "39 câu chuyện cho tâm an" và "Tôi ngỡ tôi là người" của tác giả Phan Đăng.

Hai cuốn sách đều do Nxb Hội Nhà văn phát hành. Đây là lần đầu tiên nhà báo Phan Đăng ra mắt cùng lúc hai cuốn sách và anh cũng là một trong những tác giả có nhiều sách truyền cảm hứng cho bạn đọc đa dạng về lứa tuổi, tầng lớp trong xã hội. Phan Đăng được biết đến là một bình luận viên thể thao và là người dẫn chương trình quen thuộc với khán giả qua chương trình Ai là triệu phú. Anh là tác giả của nhiều cuốn sách: Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi; Trong đầu trí thức; 39 câu hỏi cho người trẻ; 39 cuộc đối thoại cho người trẻ; 39 đoản thiền để thấy... Một vài năm trở lại đây, anh quyết định lựa chọn bước ngoặt lớn đó là kiếm tìm con đường mới, sống đầy hứng khởi, trọn vẹn với hành trình trải nghiệm của mình.

Toàn cảnh buổi lễ ra mắt sách

39 câu chuyện cho tâm an là tập tản văn ghi lại những “nông nỗi” mà dường như ai cũng đều phải đối diện, nhìn thấu và nảy sinh mưu cầu được hàn gắn, chữa lành. Với vai trò là người dẫn chuyện, tác giả không ngại bóc trần những góc tối trong ý nghĩ, bản năng và lòng tham của con người.

Theo chia sẻ của tác giả, đó là những câu chuyện cuộc đời mang tinh thần Phật giáo đầy sự thấu cảm, chiêm nghiệm. Nhiều câu trả lời đã được tìm thấy trong một loạt những lát cắt, có khi nghĩ vụn nhưng lại là ý niệm và sự khai mở. Tất cả, chạm tới nơi hỗn mang nhất của mỗi người để rồi khi đã được khai mở thì đều biết nhìn nhận và đối diện. Nhà báo Yên Ba cho rằng cuốn tản văn này có giá trị ở tính đại chúng và sự dung dị của ngôn từ, chứ không nặng về thuyết giảng. Ông đánh giá cuốn sách như một bản hướng dẫn thiền, đúc kết từ những đấu tranh nội tâm mà tác giả đã thấm thía.  

Tôi ngỡ tôi là người là tập thơ đầu tay, ghi lại những suy nghĩ của tác giả về bản thể con người. Độc giả có thể thấy trong cuốn thơ này có một diễn giả Phan Đăng đầy tính triết lý, cũng có một thi sĩ Phan Đăng đầy những ưu tư. Tác giả vẫn lựa chọn con số 39 cho nhan đề tác phẩm bởi ở dấu mốc tuổi 39, anh bị bệnh nặng. Anh đã thực hành thiền và nhận ra những tổn thương bên trong mình được xoa dịu. Từ đó, anh cũng hiểu được rằng mình nên cảm nhận về cuộc sống bằng tất cả những suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác của mình, thay vì “thấy” qua những cảm nhận và triết lý của người khác.

Hai tác phẩm của nhà báo Phan Đăng

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: “Đọc tác phẩm của anh, thấy không phải anh phản ánh đời sống mà anh viết cái ấn tượng của anh, viết cái mà anh “ngộ” ra. Một đóng góp riêng của anh nữa, là kéo được người đọc vào câu chuyện của mình. Anh bao giờ cũng viết rất ngắn gọn súc tích, để người đọc nghĩ tiếp và như thế anh kéo người đọc vào cùng với anh sáng tạo tiếp. Vì thế đọc anh rất thú vị”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá đây không đơn thuần là những cuốn sách, mà còn là con đường của một người đi tìm chính mình để xác lập mình trong thế giới của chính mình. Theo ông, đó là con đường khó nhất và cũng chính là con đường duy nhất để tìm thấy ý nghĩa đích thực của đời sống.

Theo Nxb Hội Nhà văn, tập thơ đánh dấu bước chuyển trong hành trình viết sách của tác giả Phan Đăng. Một bước chuyển lớn, bắt đầu giai đoạn sáng tác, để “cái tôi” lên tiếng và chuyển tải tư tưởng bằng ngôn ngữ của văn chương. Tác giả dụng ý cuốn sách được phát hành dưới hình thức bộ đôi với mong muốn độc giả sẽ nhận được trọn vẹn nguồn năng lượng, sự tái tạo bên trong từng câu chữ. Cái chúng ta biết sẽ trở nên rời rạc, không đủ để hướng vào bên trong và hiểu về một tác giả trong giai đoạn viết rất mới này. Ngoài các bản phổ thông, bộ sách có thêm 300 bản đặc biệt dành cho người sưu tầm và độc giả thích sách đẹp.

NGÔ HỒNG VÂN

;