Sáng 15-8, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững. Hội nghị được thực hiện trực tiếp và trực tuyến ở 61 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước và 2 đầu cầu tới Bộ NNPTNT và Bộ Ngoại giao. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung tâm ở Hà Nội.
Cùng tham gia điều hành Hội nghị còn có: Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu.
Dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm ở Hà Nội có lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội, Sở VHTTDL Hòa Bình; lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,6 triệu lượt, lượng khách du lịch nội địa vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ước đạt khoảng 76,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 7-2023, Việt Nam đã đón và phục vụ 1,04 triệu lượt khách, đây là tháng đầu tiên trong năm 2023 chúng ta đón được trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Bên cạnh đó, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam vẫn tăng, năm 2021 tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52/117 quốc gia/nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá là 1 trong những quốc gia có mức độ cải thiện chỉ số xếp hạng cao nhất thế giới.
“Để đạt được những kết quả nêu trên, đó là nhờ sự nỗ lực và quyết tâm cao của toàn ngành, sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi đã ban hành các chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho du lịch phục hồi và phát triển. Bên cạnh đó, còn có sự chủ động, vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương, sự đồng hành, sát cánh của doanh nghiệp và công tác chỉ đạo định hướng kịp thời, hiệu quả về cơ cấu lại thị trường, làm mới sản phẩm dịch vụ, liên kết phát triển và quảng bá xúc tiến du lịch, chính sách xuất nhập cảnh mới... từ đó đã đóng góp tích cực trong việc duy trì tốc độ phục hồi và bước đầu vượt qua khó khăn sau dịch bệnh của ngành Du lịch” – Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.
Nhằm thúc đẩy tăng tốc, quyết liệt hành động để tạo ra đột phá trong việc phục hồi và phát triển du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, bền vững cũng như triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 18-5-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, theo đó Nghị quyết đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong thời gian tới. Cùng đó, đối với mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết cũng xác định rõ và gắn với trách nhiệm, vai trò cụ thể của từng bộ, ngành liên quan, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp du lịch theo quan điểm “tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm, chung tay tháo gỡ khó khăn”.
Toàn cảnh Hội nghị
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL ngày 2-3-2023 về việc phê duyệt Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu xác định quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Đồng thời, ban hành Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14-7-2023 về Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, theo đó xác định mục tiêu là phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao; cùng đó, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: việc tổ chức Hội nghị ngày hôm nay nhằm tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung về các văn bản mới của ngành Du lịch hướng tới những nhóm đối tượng là các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch hoặc có liên quan; đồng thời, nâng cao vai trò, đề cao tính trách nhiệm của toàn ngành trong việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn; tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành Du lịch, các ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân.
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương cũng như sự quan tâm, đồng hành của các đối tác, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp du lịch và toàn xã hội, tại Hội nghị này, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị các đại biểu tham dự tập trung vào một số nội dung: Phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung các văn bản mới. Cần nắm thật vững các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm trong triển khai thực hiện Nghị quyết. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện kế hoạch hành động, cụ thể hóa các văn bản mới của ngành du lịch bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực, có tính khả thi cao, được triển khai thực hiện và thường xuyên có sự kiểm tra, đôn đốc, gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Tăng tốc, quyết liệt hành động nhằm tạo ra đột phá trong phát triển du lịch. Coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực phát triển hoạt động du lịch, nắm bắt nhanh các xu hướng du lịch mới, định hướng các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp du lịch. Kịp thời nắm bắt cơ hội do chính sách visa thông thoáng hơn làm đòn bẩy giúp ngành Du lịch phát triển vượt bậc, tăng nhanh lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển du lịch. Các hiệp hội du lịch phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đẩy mạnh kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn, chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo; xây dựng hệ sinh thái du lịch, mô hình du lịch mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu báo cáo nội dung, giải pháp phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP và Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030
Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đã báo cáo nội dung, giải pháp phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP và Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18-5-2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững được ban hành với 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững; Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; Nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Bộ VHTTDL phê duyệt với mục tiêu: Quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh điều hành phiên thảo luận Hội nghị
Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, Sở Du lịch Hà Nội trình UBND thành phố xem xét ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82 trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2023-2025 và thời gian tiếp theo. Kế hoạch gồm 8 nhiệm vụ trọng tâm, chi tiết cho từng sở, ngành, quận, huyện, kèm theo đó là thời gian thực hiện các nhiệm vụ, qua đó có thể kiểm tra kết quả việc chấp hành các nhiệm vụ theo từng giai đoạn. Trong đó, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tập trung vào một số nhóm nội dung mang tính đột phá như: xây dựng phát triển du lịch đường sông, kết nối với các địa điểm du lịch dọc sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội cũng như các sản phẩm du lịch kết nối giữa Hà Nội với các địa phương. Trước mắt, hình thành tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - đền thờ Chử Đồng Tử; đề xuất phương án quy hoạch từ một đến 2 mô hình outlet (mô hình thương mại, bán lẻ) có vị trí phù hợp, thuận lợi cho phát triển du lịch để thu hút nhà đầu tư, triển khai xây dựng giai đoạn từ nay đến năm 2025, qua đó, xây dựng và hình thành mô hình du lịch mua sắm tại Thủ đô; thúc đẩy mô hình hợp tác công tư trong đầu tư, vận hành, khai thác một số điểm đến di tích, di sản, thiết chế văn hóa phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn…
Về phát triển mô hình du lịch đêm, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết, Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng kế hoạch và thời gian tới sẽ tổ chức: chương trình tọa đàm phát triển du lịch đêm Hà Nội trong tháng 9 tới; tổ chức và đưa vào hoạt động không gian trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng đêm Hà Nội “Điểm chạm của những cảm xúc” tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm; tổ chức cuộc thi rewiew online Đêm Hà Nội chào đón bạn trong tháng 10… Để phát triển dài hạn, ngành Du lịch Hà Nội sẽ nghiên cứu phát triển du lịch theo hai hướng: hoàn thiện và nâng cao chất lượng mô hình du lịch đêm tại các quận trung tâm: Hoàn Kiếm và Tây Hồ; xây dựng các tổ hợp du lịch đêm riêng biệt, chuyên nghiệp dự kiến tại các khu vực ngoại thành…
Thảo luận tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Hồng Hiếu nhấn mạnh vai trò của mô hình phát triển du lịch đêm sẽ là đòn bẩy, sự thúc đẩy lớn cho các tỉnh, thành trong việc phát triển các sản phẩm du lịch tại địa phương. Lợi thế của du lịch đêm, sẽ thu hút khách du lịch, tạo điểm nhấn và màu sắc đặc biệt của từng địa phương trong mỗi vùng, miền. Bà Bùi Hồng Hiếu cũng cho biết: TP.HCM với lợi thế là “thành phố không ngủ”, trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 đã xác định, du lịch - giải trí và hoạt động về đêm là một trong ba sản phẩm du lịch mà du khách quan tâm nhất. TP.HCM có gần 32.000 cơ sở dịch vụ, nhà hàng ăn uống có địa chỉ cố định và đây cũng là thế mạnh của thành phố. Trong thời gian qua, TP.HCM đã đẩy mạnh xây dựng các khu ẩm thực đặc trưng, các hoạt động văn hóa, các hoạt động giải trí kết hợp trải nghiệm về đêm. Đặc biệt, xây dựng mỗi huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng và đã phát huy được tối đa.
Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Hồng Hiếu phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết: UBND tỉnh đã giao cho Sở Du lịch Khánh Hòa chủ trì phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện kế hoạch và triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18-5-2023 của Chính phủ và Quyết định 1726 của Bộ VHTTDL về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 82/NQ-CP. Trong đó, Sở Du lịch Khánh Hòa đã tập trung một số nhiệm vụ mang tính cấp bách, đó là: triển khai phát triển kinh tế đêm của tỉnh Khánh Hòa, tập trung triển khai thí điểm các khu vực dịch vụ tại các địa điểm thành phố Nha Trang, khu du lịch Vinpearl Land, bến du thuyền quốc tế Ana Marina…
Về triển khai du lịch kích cầu du lịch giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 thông qua các hoạt động xây dựng điểm đến và truyền thông cũng đã được UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định phê duyệt. Trong đó, tập trung triển khai nhiệm vụ giải pháp về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã tổ chức các sự kiện quy mô mang tầm khu vực, quốc tế và tập trung cho các xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Nha Trang, Khánh Hòa ra các nước trên thế giới và đa dạng hóa các kênh xúc tiến quảng bá, cung cấp thông tin đến các thị trường đặc biệt của du lịch Khánh Hòa. Thực hiện số hóa các địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho công tác quảng bá. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác các địa điểm du lịch trong tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước và quốc tế. Phối hợp với các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên trong việc quy hoạch định hướng các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và từ đó kết hợp, hợp tác với các tỉnh trong vùng. Tăng cường liên kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học, qua đó đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Kết hợp với các doanh nghiệp du lịch trong việc chú trọng dạy nghề ngắn hạn nhằm trang bị kỹ năng, kiến thức về du lịch cho lực lượng lao động gián tiếp, dân cư nhằm phát triển du lịch… Đồng thời, Sở Du lịch Khánh Hòa đang từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng để thời gian tới số hóa các sản phẩm du lịch…
Hội nghị đã nghe 11 tham luận, trong đó các đại biểu đưa ra các kiến nghị, đề xuất: đề nghị Bộ VHTTDL sớm tham mưu, đề xuất Chính phủ phê duyệt hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, qua đó tạo cơ sở để các địa phương triển khai kế hoạch, thu hút đầu tư, phát triển các khu du lịch trọng điểm của quốc gia; đề nghị Bộ VHTTDL xây dựng chiến lược tổng thể trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế; Bộ VHTTDL là cơ quan chủ trì, kết nối với tất cả các địa phương, thành phố nhằm quảng bá du lịch, thương hiệu đất nước đến du khách quốc tế…
Về phát triển kinh tế đêm, đề nghị cần có sự phối hợp giữa các cấp chính quyền và nhân dân để xảy ra trường hợp tự phát, gây ra rào cản của du lịch đêm; mỗi người dân, mỗi hộ kinh doanh phải là một hướng dẫn viên, một đại sứ của du lịch để vừa là kinh doanh phát triển kinh tế, vừa phải mang những đặc sắc phục vụ du khách; cần có các tiêu chuẩn cho mỗi loại hình kinh doanh, phân rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng đơn vị; bố trí nguồn nhân lực có kinh nghiệm để phát triển kinh tế, du lịch đêm trong hoạch định quản lý và khuyến khích các doanh nghiệp uy tín trên địa bàn tham gia, cũng như tạo ra các sản phẩm đặc thù để khách du lịch trải nghiệm, nhằm tăng sự chi tiêu của du khách; cần đảm bảo môi trường tiếng ồn, vì hoạt động ban đêm sẽ ảnh hưởng đến người dân khu vực xung quanh; kinh doanh phải lành mạnh và đảm bảo vệ sinh môi trường…
Đại diện Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu thảo luận tại Hội nghị
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: sau một buổi sáng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đã hoàn thành các nội dung, chương trình với kết quả tốt. Hội nghị đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thực chất, tâm huyết, có trách nhiệm về các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững sau khi nhiều chính sách, văn bản có tính đột phá có hiệu lực thi hành.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh bày tỏ: mặc dù ngành Du lịch đã đạt được một số kết quả nhất định, giúp củng cố niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới, chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức: Phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội. Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng còn hạn chế. Sự kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ du lịch còn hạn chế. Việc hoạch định chiến lược về thị trường, đối tác chưa kịp thời điều chỉnh trước những biến động của tình hình du lịch thế giới, khu vực. Liên kết trong phát triển sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực, liên kết trong hoạt động quản lý, đầu tư phát triển du lịch chưa thực sự được quan tâm. Nhu cầu của khách du lịch liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về cả chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo. Nguồn lực đầu tư cho du lịch còn hạn chế so với các nước cạnh tranh trong khu vực...
Vượt qua những thách thức trên, một trong những thành công của ngành Du lịch trong thời gian qua, đó là ngay trong giai đoạn khó khăn nhất, ngành Du lịch đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn để tạo nên sức bật mới cho du lịch Việt Nam. Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18-5-2023 cũng như Bộ VHTTDL ban hành các Quyết định phê duyệt Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm mà quý vị đại biểu đã được nghe trình bày sáng nay cũng sẽ hỗ trợ ngành Du lịch vượt qua khó khăn, thách thức sau dịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi; đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém hướng tới tạo ra bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa, có tính đột phá trong khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển và phát huy vị trí, vai trò quan trọng của du lịch trong nền kinh tế quốc gia.
Điểm cầu tại các địa phương được kết nối trực tuyến
Để tổ chức thực hiện tốt, có kết quả thiết thực các văn bản mới, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh tiếp thu ý kiến đóng góp và đề nghị Sở Du lịch các địa phương tập trung một số nội dung trong thời gian tới:
Tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, bảo đảm phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, có quy hoạch và định hướng lâu dài trên cơ sở nghiên cứu và hội nhập sâu rộng với sự phát triển của ngành du lịch ở các nước phát triển trên thế giới.
Phát triển du lịch một cách toàn diện và sâu rộng nhằm phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước xây dựng, xác lập và định vị thương hiệu du lịch Việt Nam.
Tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo ra đột phá trong phát triển du lịch. Các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp du lịch khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 82/NQ-CP.
Từ nay đến cuối năm, Bộ VHTTDL sẽ trình Chính phủ Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, phê duyệt một số đề án như Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; Nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt tại một số thị trường du lịch trọng điểm. Rất mong các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả.
NGỌC BÍCH - Ảnh: TRẦN HUẤN