“Vui Tết độc lập” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Từ ngày 1 đến 4-9-2023, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động hấp dẫn nhân dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, thể hiện nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thông qua không gian chợ vùng cao và các hoạt động của đồng bào vui mừng Ngày Quốc khánh, trình diễn các hoạt động dân ca dân vũ, giới thiệu ẩm thực, sản vật dân tộc, vùng miền góp phần quảng bá văn hóa, du lịch địa phương.

Các hoạt động nhân dịp Quốc khánh 2-9 sẽ có sự tham gia của hơn 200 nghệ nhân, đồng bào, nghệ sĩ gồm: hơn 100 đồng bào của 15 dân tộc đang hoạt động hằng ngày là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Nùng, Tày (Thái Nguyên); Dao (TP Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hòa Bình); Thái, Khơ Mú (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum); Raglai (Ninh Thuận); Ê Đê (Đắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng). Đồng thời, BTC huy động thêm khoảng 75 người của 4 dân tộc thuộc 3 địa phương tham gia lễ hội, hoạt động: 20 người dân tộc Nùng (Lạng Sơn), 40 người dân tộc Mông, Tày, Nùng (Cao Bằng); 15 người dân tộc Thái (Sơn La).

Trình diễn múa Ký Lắn của đồng bào dân tộc Nùng (Lạng Sơn) - Ảnh tư liệu: Tuấn Minh

Các chương trình, hoạt động điểm nhấn dịp sự kiện nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 chủ đề: “Vui Tết độc lập” gồm:

Tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc với điểm nhấn là không gian văn hóa chợ vùng cao với chủ đề “Chợ vùng cao Vui Tết độc lập”. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Nùng, Thái, Tày, Dao, Khơ Mú... Trung tâm của chợ vùng cao là các gian hàng của Sở VHTTDL tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La... trưng bày giới thiệu các sản vật dân tộc: rau củ quả như măng ớt, măng khô, quả móc mật…; các loại gia vị đặc trưng hoa hồi, thảo quả, móc mật...; ẩm thực (các món ăn đặc trưng của dân tộc: thắng cố, rượu ngô mèn mén, lợn sữa quay móc mật, vịt quay, phở chua, bánh cuốn trứng...; xôi nếp bảy màu, gà nướng, thịt lợn, cơm lam, cá nướng...); giới thiệu văn hóa - du lịch của tỉnh Cao Bằng, Sơn La, Lạng Sơn (trưng bày ảnh, sách, tờ rơi quảng bá du lịch tỉnh Cao Bằng, Sơn La, Lạng Sơn); giới thiệu và bán thổ cẩm của dân tộc Mông, Thái, Dao, Khơ Mú... (trang phục, khăn, vòng tay, đồ lưu niệm) tạo không khí đậm nét chợ vùng cao ấn tượng cho du khách đi chợ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian tại chợ vùng cao do cộng đồng dân tộc thực hiện, giới thiệu phục vụ du khách.

Cùng với đó là giới thiệu, trình diễn nghề Rèn Phúc Sen tỉnh Cao Bằng. Đây là công việc nặng nhọc cần có sự hỗ trợ lẫn nhau, một lò rèn thường có 2-3 thợ cùng rèn, trong đó có thợ cả và các thợ phụ. Thợ cả là người có tay nghề và kinh nghiệm lâu năm trong nghề, chỉ đạo mọi khâu trong quá trình rèn sản phẩm. Thợ cả kiểm tra độ nóng của lò, độ nung của sản phẩm, tạo dáng sản phẩm, đảm nhiệm việc tôi sản phẩm. Các thợ phụ làm việc theo hướng dẫn của thợ cả, trực tiếp quai búa đập dãn sắt cho mềm dẻo khi đã được nung đỏ, giúp thợ cả kéo bễ lò, mài, dũa sản phẩm. Những điều này đã làm nên sự khác biệt cho các sản phẩm của làng nghề.

Tái hiện nghi lễ cổ truyền của đồng bào dân tộc tại Làng Văn hóa - Ảnh tư liệu: Tuấn Minh

Một hoạt động nữa là trình diễn nghệ thuật múa Sư tử mèo của dân tộc Nùng (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Múa Sư tử mèo là một nét văn hóa truyền thống được hình thành qua nhiều thế hệ và gắn bó lâu đời với đồng bào các dân tộc Tày, Nùng. Hằng năm, khi bước vào các mùa lễ hội như: lễ hội Lồng tồng, lễ hội mùa xuân, Tết Trung thu... là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn lại tưng bừng mở hội múa Sư tử mèo. Điệu múa Sư tử mèo thể hiện tinh thần thượng võ của người Nùng, những động tác múa võ vừa nhanh vừa uyển chuyển kết hợp với tiếng trống. Đồng bào dân tộc Nùng quan niệm múa Sư tử mèo để xua đi những điều xấu nên khuôn mặt mèo càng dữ tợn càng tốt, điệu võ càng mạnh mẽ càng hay. Năm 2017, nghệ thuật múa sư tử mèo của đồng bào dân tộc Nùng, tỉnh Lạng Sơn đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Giới thiệu nghệ thuật múa Sư tử mèo tại không gian chợ góp phần quảng bá di sản văn hóa, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút thiếu niên gợi nhớ về Tết Trung Thu.

Bên cạnh đó còn có tái hiện nghi thức rước ma giữ lửa của đồng bào dân tộc Mông. Mời thần giữ lửa của gia đình, dòng họ; nghi thức đón "ma giữ lửa" vào trong nhà để nhận lễ của gia đình; nghi thức treo rọ (Thần giữ lửa) trong nhà… là hoạt động văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Mông. Nghi lễ truyền thống có từ rất lâu đời mang đậm nét văn hóa riêng biệt trong đời sống của mỗi gia đình, dòng họ đồng bào dân tộc Mông. Người Mông quan niệm mỗi dòng họ đều có vị thần giữ lửa riêng của mình, nên ngay sau khi kết hôn và dựng nhà mới, người chủ gia đình sẽ chọn ngày lành tháng tốt đưa bàn thờ tổ tiên vào nhà và thực hiện nghi lễ rước thần giữ lửa của dòng họ để phù hộ độ trì cho gia đình làm ăn phát đạt, vợ chồng hòa thuận và gặp nhiều may mắn.

Du khách cũng còn được xem tái hiện Lễ cưới của dân tộc Nùng với nhiều thủ tục, lễ nghi khá đặc sắc. Trước tiên phải kể tới lễ đón dâu. Lễ đón dâu của người Nùng phải đúng thời gian quy định như đã ước hẹn trong lễ ăn hỏi. Đoàn đón dâu của người Nùng thường là 6, 8 hoặc 10 người. Bởi theo quan niệm dân gian của người Nùng, số chẵn là số may mắn (đủ đôi, đủ cặp). Khi xuất hành đến nhà gái, chú rể phải thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên và cúi lạy. Có nơi, sau khi chú rể làm xong các thủ tục đó sẽ bị té nước, chú rể bị té nước càng nhiều thì coi như càng được nhiều may mắn. Trong lễ đón dâu, ông mối sẽ phải đối đáp bằng lối hát sli với nhà gái để xin rước cô dâu về. Khi đến nhà trai, cô dâu phải đứng ngoài sân làm một số thủ tục rồi mới được vào nhà. Về nghi lễ này thì mỗi nhóm người Nùng có cách làm riêng.

Các hoạt động tươi vui, đậm sắc màu dân tộc đang chờ du khách trải nghiệm, khám phá.

TUẤN MINH

 

 

;