Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành di sản văn hóa

Ngày 21-12-2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký xác thực văn bản hợp nhất số 5134/VBHN-BVHTTDL về việc ban hành Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành di sản văn hóa.

Thông tư gồm 4 chương, 14 điều nhằm áp dụng đối với viên chức chuyên ngành di sản văn hóa làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ngoài tiêu chuẩn chung, Thông tư quy định rõ tiêu chuẩn riêng cho từng chức danh.

Đối với Di sản viên hạng IV - Mã số: V.10.05.18, về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: Có bằng trung cấp trở lên phù hợp với lĩnh vực di sản văn hóa; Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành di sản văn hóa. Về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Nắm được những quy định của pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Có kiến thức cơ bản về nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ yêu cầu nhiệm vụ.

Đối với Di sản viên hạng III - Mã số: V.10.05.17, về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: Có bằng đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực di sản văn hóa; Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành di sản văn hóa.

Về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chiến lược phát triển trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Nắm vững kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Có năng lực phân tích, tổng hợp những vấn đề được giao tham mưu, quản lý; Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.

Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng III: Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng IV hoặc tương đương từ đủ 2 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trình độ cao đẳng hoặc từ đủ 3 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trình độ trung cấp. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng IV tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Đối với Di sản viên hạng II - Mã số: V.10.05.16, về trình độ đào tạo, bồi dưỡng quy định như chức danh Di sản viên hạng III.

Về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chiến lược phát triển trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Am hiểu kiến thức về nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Có năng lực phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa và đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy trình, quy phạm về các hoạt động nghiệp vụ, kỹ thuật bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được giao tham mưu, quản lý; Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.

Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng II: Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng III hoặc tương đương từ đủ 9 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng III tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng. Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng III hoặc tương đương đã tham gia nghiên cứu, xây dựng ít nhất 1 đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản nghiệp vụ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa từ cấp cơ sở trở lên đã được cấp có thẩm quyền ban hành, nghiệm thu hoặc phê duyệt.

Đối với Di sản viên hạng I - Mã số: V.10.05.29, về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: Có bằng thạc sĩ trở lên phù hợp với lĩnh vực di sản văn hóa; Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành di sản văn hóa.

Về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chiến lược phát triển trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Có kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Có năng lực phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa và đề xuất, tham mưu xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chương trình về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Có năng lực tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.

Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng I: Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng II hoặc tương đương từ đủ 6 năm trở lên. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng II tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng. Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng II hoặc tương đương đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng ít nhất 2 đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, ngành trở lên trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu, phê duyệt hoặc đã chủ trì thực hiện ít nhất 2 cuộc sưu tầm, khai quật khảo cổ, trưng bày quy mô quốc gia và quốc tế.

Cách xếp lương viên chức chuyên ngành di sản văn hóa: việc thực hiện xếp bậc lương theo chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm như sau: Trường hợp khi tuyển dụng viên chức có trình độ đào tạo tiến sĩ, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng III: xếp bậc 3, hệ số lương 3,00, ngạch viên chức loại A1; Trình độ đào tạo thạc sĩ, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng III: xếp bậc 2, hệ số lương 2,67 ngạch viên chức loại A1; Trình độ đào tạo đại học, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng III: xếp bậc 1, hệ số lương 2,34, ngạch viên chức loại A1; Trình độ đào tạo cao đẳng, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng IV: xếp bậc 2, hệ số lương 2,06, ngạch viên chức loại B; Trình độ đào tạo trung cấp, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng IV: xếp bậc 1, hệ số lương 1,86, ngạch viên chức loại B; Việc chuyển xếp lương đối với viên chức từ chức danh nghề nghiệp hiện giữ, sang chức danh nghề nghiệp chuyên ngành di sản văn hóa quy định tại Thông tư này, thực hiện theo hướng dẫn tại Mục II Thông tư số 02/2007/TTBNV ngày 25-5-2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5-2-2022; bãi bỏ Thông tư liên tịch số 09/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 11-12-2015 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành di sản văn hóa. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản mới đó.

THANH DANH

;