Quảng Trị là một tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, sở hữu khối di sản đồ sộ các di tích lịch sử cách mạng. Xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Trị đã chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch lịch sử - chiến tranh cách mạng. Đặc biệt, tại Lễ hội Vì Hòa bình diễn ra trong tháng 7 vừa qua, lượng khách du lịch đến với Quảng Trị có bước tăng trưởng mạnh.
Thành cổ Quảng Trị - Ảnh: Tuấn Minh
Bảo tồn, tôn tạo di tích gắn với công tác phát triển kinh tế du lịch
Quảng Trị hiện có 501 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng các cấp với 4 di tích quốc gia đặc biệt (gồm 28 điểm di tích thành phần), 20 di tích quốc gia (gồm 57 điểm di tích thành phần) và 477 di tích cấp tỉnh thuộc các loại hình di tích lịch sử văn hóa, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Trong đó, nổi bật là các di tích lịch sử cách mạng được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt như: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972; Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh; đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đi qua Quảng Trị. Ngoài ra, trên địa bàn Quảng Trị có 72 Nghĩa trang liệt sĩ, có 2 Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn và Đường 9 - nơi yên nghỉ của hàng vạn Anh hùng liệt sĩ…
Ông Hồ Văn Hoan – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Trị cho biết, xác định được vị trí vai trò và tầm quan trọng của hệ thống di tích lịch sử văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, Quảng Trị đã quan tâm đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích gắn với công tác phát triển kinh tế du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và tiến tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị.
Đến nay, toàn tỉnh có 11 di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia được đầu tư từ ngân sách Nhà nước thuộc Dự án “Quy hoạch tổng thể đầu tư tôn tạo di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị” của Chính phủ và từ các nguồn xã hội hoá bao gồm: Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Khu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Sân bay Tà Cơn, Nhà tù Lao Bảo, Cầu treo Bến Tắt, Đình làng Hà Thượng, Đình làng Câu Nhi và địa điểm vụ thảm sát Mỹ Thủy.
Ông Hồ Văn Hoan cũng cho biết, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm đầu tư của Chính phủ cũng như lãnh đạo chính quyền địa phương, các di tích đặc biệt quan trọng đã được quan tâm đầu tư hàng trăm tỷ đồng để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn.
Song song với nguồn lực đầu tư từ Trung ương, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 167/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 về đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025 với tổng kinh phí đầu tư hơn 43 tỷ đồng. Năm 2024, HĐND tỉnh đã ban hành một số Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án chỉnh trang một số hạng mục thuộc di tích quốc gia đặc biệt như Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc, Bến thả hoa thuộc di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị với kinh phí đầu tư hơn 3 tỷ đồng phục vụ các hoạt động tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 của tỉnh.
Bên cạnh công tác đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, công tác quy hoạch di tích luôn được quan tâm và hiện đang được ưu tiên đầu tư, đặc biệt là các di tích quốc gia đặc biệt và các di tích quốc gia quan trọng có lợi thế trong phát triển kinh tế du lịch của tỉnh. Đến nay, các di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia đều đang triển khai thực hiện lập nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch, như: Cảng quân sự Đông Hà; di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; di tích quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh; Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị; Di tích quốc gia Hệ thống khai thác và xử lý nước (14 giếng cổ), xã Gio An, huyện Gio Linh…
Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cũng như từ các nguồn xã hội hóa, hệ thống di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã từng bước được đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị, trở thành những địa điểm tham quan thu hút đông đảo du khách. Hệ thống di tích sau khi được đầu tư bảo tồn tôn tạo, đưa vào sử dụng đã phát huy tốt giá trị, đáp ứng tâm nguyện, sự mong mỏi và tình cảm của nhân dân cả nước đối với Quảng Trị, không chỉ phục vụ trực tiếp cho di tích mà còn phục vụ đắc lực nhiều mặt trong đời sống dân sinh cũng như mang lại những hiệu quả thiết thực có tính toàn diện về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của tỉnh.
Chương trình nghệ thuật Lễ hội Vì Hòa bình - Ảnh: Tuấn Minh
Thành công với sản phẩm du lịch lịch sử - chiến tranh cách mạng
Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế, tỉnh Quảng Trị xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, những năm qua, ngành Du lịch đã có bước phát triển mới và đạt được những kết quả quan trọng; kết cấu hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư; huy động được nhiều nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư phát triển du lịch, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách về lưu trú, tham quan, nghỉ dưỡng.
Được mệnh danh là “Bảo tàng sinh động nhất về di tích chiến tranh cách mạng”, trong đó xác định sản phẩm du lịch lịch sử - chiến tranh cách mạng là sản phẩm du lịch đặc thù, tỉnh Quảng Trị đã hình thành các chương trình du lịch DMZ, “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” - thương hiệu nổi tiếng của Quảng Trị hấp dẫn du khách. Cũng chính từ lợi thế, Quảng Trị trở thành cầu nối quan trọng cho các chương trình du lịch nối tiếp như: "Con đường di sản miền Trung", "Đường Hồ Chí Minh huyền thoại"…
Theo ông Hồ Văn Hoan, để phát triển loại hình du lịch này, trong thời gian sắp tới, Quảng Trị sẽ tập trung xây dựng thương hiệu điểm đến là: “Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình”. Bên cạnh việc tiếp tục tổ chức định hình thương hiệu Lễ hội Thống nhất non sông, Đêm hoa đăng trên Thạch Hãn… tỉnh sẽ tập trung nguồn lực để tổ chức Lễ hội “Vì Hòa bình” trở thành sản phẩm du lịch chủ đạo nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc, tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra; đồng thời tuyên truyền, quảng bá góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh về đất nước Việt Nam và mảnh đất, con người Quảng Trị, xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, góp phần kích cầu phát triển du lịch.
Nghĩa trang Trường Sơn - Ảnh: Tuấn Minh
Xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa Lễ hội Vì Hòa bình
Hòa bình và xây dựng một nền hòa bình lâu dài, hướng tới phát triển bền vững chính là mục tiêu cao cả và quan trọng nhất cần nỗ lực hướng tới ở cả bình diện quốc gia và quốc tế. Cùng hành động và hợp tác vì mục tiêu này sẽ đem lại cho nhân loại một cuộc sống yên bình, thịnh vượng và bền vững. Việt Nam - một quốc gia chịu hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh khốc liệt với nhiều đau thương, mất mát, nơi mọi người dân đều hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình và luôn quyết tâm hành động bảo vệ hòa bình. Quảng Trị là minh chứng, là hình ảnh thu nhỏ nơi tiêu điểm của chiến tranh hủy diệt gắn liền với những mất mát đau thương đau đáu suốt 21 năm trời ròng rã chia cắt đất nước thành 2 miền Bắc – Nam, nơi dòng sông Bến Hải, Vĩ tuyến 17 vang danh một thời. Chiến tranh qua đi, Quảng Trị thay mặt cả nước, chăm sóc trên 60.000 ngôi mộ liệt sĩ, những người con ưu tú đã hi sinh vì Tổ quốc. Đến với Quảng Trị, đồng bào, đồng chí và nhân dân cả nước luôn khắc sâu tấm lòng, bồi hồi với lòng biết ơn vô hạn, mảnh đất lắng đọng, sâu nặng nghĩa tình, trở thành niềm tự hào chung về một thời hào hùng và khát vọng hòa bình của một dân tộc Việt Nam anh hùng.
Xuất phát từ ý nghĩa nhân văn cao cả đó, năm 2019, UBND tỉnh Quảng Trị xây dựng Đề án tổ chức “Festival Vì Hòa bình” nhằm tôn vinh các giá trị của hòa bình, chuyển tải thông điệp về hòa bình của nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Đồng thời, với việc tổ chức Hội thảo về Đề án “Festival Vì Hòa bình” đã được các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao đánh giá rất cao về ý tưởng và ủng hộ tỉnh Quảng Trị là địa phương xứng đáng nhất để tổ chức Festival này. Năm 2020, Chính phủ đồng ý việc tổ chức 1 lễ hội mang thông điệp hòa bình tại Quảng Trị.
Sau một thời gian xây dựng kế hoạch tổ chức, Lễ hội Vì Hòa bình đã được tổ chức vào tháng 7/2024 với nhiều hoạt động ý nghĩa: Ngày hội đạp xe Vì Hòa bình; Khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình; Đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề Khúc ca hòa bình; Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực quốc tế với chủ đề Hương vị miền hoa nắng; Chương trình Ước nguyện hoà bình; chương trình nghệ thuật chính luận Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình…
Với sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL, Bộ Ngoại giao… nhân dân và du khách, các hoạt động đã thực sự tạo nên một không khí tràn ngập sắc màu hòa bình trên mảnh đất Quảng Trị, đáp ứng được mong muốn của người dân, trở thành nơi hội tụ của bạn bè bốn phương. Những ngày qua, người dân Quảng Trị được sống trong một không khí hân hoan, tràn ngập niềm vui, hứng khởi. Qua các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội, có thể nhận thấy sự háo hức, mong chờ của nhân dân trước mỗi sự kiện, mỗi hoạt động. Lễ hội góp phần lan toả thông điệp Vì Hòa bình của mảnh đất, con người Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế và đồng bào khắp cả nước.
Qua thống kê, trong tháng 7/2024, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Trị có bước tăng trưởng mạnh, ước khoảng 712.600 lượt (tăng 105,6% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó khách quốc tế ước đạt 30.570 lượt, khách nội địa ước đạt 682.030 lượt; khách lưu trú chuyên ngành ước đạt 273.350 lượt; khách tham quan ước đạt 439.250 lượt. Doanh thu xã hội ước đạt 577 tỷ đồng (tăng 82,3% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó doanh thu chuyên ngành ước đạt 163 tỷ đồng. Hy vọng, Lễ hội Vì Hòa bình sẽ sớm trở thành thương hiệu mạnh, thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài đến với Quảng Trị trong thời gian tới.
Lễ hội Vì Hòa bình là một lễ hội mở, chỉ có ngày khai mạc với chuỗi nhiều hoạt động mà không có ngày bế mạc. Mục tiêu mà Quảng Trị hướng đến là bất cứ lúc nào du khách đặt chân đến Quảng Trị cũng sẽ cảm nhận được những cảm xúc đặc biệt trên “Miền đất thiêng nở đóa hoa hòa bình”. Đây sẽ là sản phẩm độc đáo, riêng có của Quảng Trị nhằm mục đích tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay xây dựng nền hòa bình, cũng là cơ sở để tỉnh Quảng Trị quyết tâm thực hiện trong những năm tiếp theo. Lễ hội dự kiến được tổ chức định kỳ 2 – 3 năm 1 lần, sẽ trở thành điểm đến hòa bình cho toàn thể nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.
BÍCH NGỌC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 579, tháng 8-2024