Quảng Trị: Tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số

Nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh Quảng Trị đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản nhằm thực hiện hiệu quả về lĩnh vực này. Vì thế, qua nhiều năm thực hiện, công tác bảo tồn những giá trị văn hóa của các DTTS trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc luôn được quan tâm kịp thời

Theo báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Quảng Trị, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 31 xã và 11 thôn thuộc vùng DTTS miền núi, tập trung ở các huyện Đakrông, Hướng Hóa, Gio Linh, Vĩnh Linh, chủ yếu là hai tộc người Vân Kiều và Pa Cô.

Trong những năm qua, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo, tạo điều kiện cho vùng đồng bào DTTS phát triển, củng cố khối đoàn kết toàn dân. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Trị đã quan tâm, tập trung chỉ đạo ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch, Chương tình công tác trọng tâm về thực hiện chính sách dân tộc, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa trong đó có vùng đồng bào DTTS.

Vì thế, công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa của các DTTS trong tỉnh có bước phát triển mới về quy mô cũng như chiều sâu. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Nhiều dự án lớn về sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa được thực hiện.

Phục dựng Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Vân Kiều

Việc xây dựng thể chế và thiết chế văn hóa đã chú ý đến những yêu cầu của thời kỳ mới. Các thiết chế văn hóa vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa được tăng cường cơ sở vật chất, tổ chức và hoạt động bước đầu đã có sự đổi mới, phát huy được hiệu quả. Công tác đào tạo đội ngũ những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa được chú trọng.

Một số di sản văn hóa của vùng đồng bào các DTTS được tôn vinh. Tăng cường giao lưu văn hóa qua những hoạt động mang tính chất vùng, miền góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong đó, các lễ hội truyền thống của người Vân Kiều, Pa Cô được phục dựng, bảo tồn như: Lễ hội Ariêuping/lễ cải táng của người Pa Cô, Lễ hội mừng lúa mới, Lễ hội Ra pựp tía/tổ chức đám tang lần thứ 2 cho người đã chết (nghi lễ đưa linh hồn người chết sang hẳn thế giới bên kia) của người Bru - Vân Kiều.

Một số ngành nghề truyền thống của các DTTS như: nghề dệt thổ cẩm ở làng Klu, làng A Ròng Dưới, làng Cu Tài (ở huyện Đakrông), nghề làm chổi đót ở xã Linh Trường (huyện Gio Linh), nghề đan lát đồ gia dụng và đồ dùng bằng các nguyên liệu bản địa ở khắp 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông được bảo tồn và phát huy.

Văn hóa ẩm thực được dùng trong lễ hội (các loại rượu, bánh... được chế biến từ gạo nếp), các bài thuốc dân gian của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều được giới thiệu rộng rãi. Các loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của dân tộc Vân Kiều, Pa Cô: dân ca, dân nhạc, dân vũ; được trao truyền qua các hội thi, hội diễn hay qua việc phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu. Các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc như: Calơi, Chachấp, Oát, Xà nớt... cùng với kỹ thuật chế tác, sử dụng nhạc cụ luôn được truyền dạy, trao truyền qua các thế hệ. Chữ viết dân tộc Vân Kiều được bảo tồn và phổ biến; “Trường ca dân tộc Pa Cô” được triển khai tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê.

Cùng với đó, công tác tập huấn kiến thức cho cán bộ văn hóa cơ sở phổ biến, tuyên truyền những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được tỉnh quan tâm đầu tư. Hằng năm, tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí cho Sở VHTTDL mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ cơ sở, đặc biệt mở các lớp học hát dân ca Vân Kiều, Pa Cô ở các huyện miền núi. Thông qua các lớp học này, 4 làn điệu dân ca truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô như: Cha chấp, Ca lơi, Ta- Oát, Xà Nớt và một số lý thuyết tìm hiểu về nền dân ca Việt Nam và dân ca Pa Kô, Vân Kiều đã được truyền dạy lại cho các thế hệ trẻ.

Nhằm phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các đồng bào dân tộc, Quảng Trị đã tham gia tích cực các hoạt động do trung ương tổ chức mang lại nhiều hiệu quả như: Ngày hội văn hóa văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III tại tỉnh Quảng Nam, năm 2018; Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các DTTS 5 tỉnh vùng biên giới Việt Nam- Lào khu vực miền Trung, Tây Nguyên, năm 2019 tại huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế; tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I tại Đăk Nông; tham dự Hội nghị gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn khu vực phía Bắc và miền Trung...

Đồng thời, để tổ chức những hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống, các địa phương đã xây dựng nhiều đội văn nghệ và các Câu lạc bộ (CLB) văn hóa văn nghệ dân gian. Ở mỗi xã xây dựng một đội văn nghệ truyền thống, trong đó xây dựng từ 2-3 CLB sinh hoạt văn hóa như: CLB cồng chiêng, CLB diễn xướng dân gian (hát Calơi, Chachấp, Oát, Xà Nớt...), CLB nhạc cụ truyền thống (bộ gõ, bộ hơi, bộ dây...). Các CLB do các chủ thể văn hóa tự xây dựng và tổ chức hoạt động tại các trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đội văn nghệ truyền thống và các CLB sẽ được tham gia biểu diễn trong những dịp có lễ hội, ngày hội văn hóa các dân tộc của tỉnh, khu vực và quốc gia.

Lễ cúng mùa lên rẫy của đồng bào Pa Cô

Tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các đồng bào DTTS

Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các đồng bào DTTS trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát, kiểm kê các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS nói chung, văn học dân gian của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nói riêng; đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu văn hóa, văn nghệ quần chúng; trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống trong sự kiện Ngày hội Văn hóa - Thể thao các DTTS.

Tổ chức phục dựng và phát huy giá trị một số loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc tiêu biểu của các DTTS trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch; hỗ trợ và nghiên cứu tổ chức phục dựng, trình diễn, truyền dạy, phổ biến giá trị dân ca và kho tàng văn học dân gian của các DTTS trong cộng đồng gia đình, trường học tại các điểm du lịch.

Xây dựng CLB văn học dân gian đồng bào DTTS kết hợp phát triển du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu văn hóa truyền thống đồng bào DTTS Quảng Trị.

Có chính sách hỗ trợ đối với các nghệ nhân còn lưu truyền văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô tỉnh Quảng Trị. Khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đối với thế hệ trẻ; thực hiện một số chính  sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân, tạo điều kiện để các nghệ nhân truyền dạy và thực hành di sản văn hóa thông qua các đợt tập huấn tại địa phương…

AN NGỌC - Ảnh: Cổng TTĐT Sở VHTTDL tỉnh Quảng Trị

;