Về Quảng Trị, tri ân các Anh hùng, liệt sĩ

Tháng 7 về, cũng là lúc các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước đón nhiều đoàn khách đến thắp hương, thành kính tri ân công lao to lớn của các anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập nước nhà. Nằm trong số đó, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn… là những “địa chỉ đỏ” thu hút đông đảo người dân hướng về, cũng là nơi góp phần giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ.

Nằm bên dòng sông Thạch Hãn, di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị cách thành phố Đông Hà - tỉnh Quảng Trị khoảng 14km. Đây là địa danh gắn với cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ và thị xã Quảng Trị đầy khốc liệt vào “mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Hàng ngàn chiến sĩ giải phóng quân trên khắp cả nước cùng với đồng bào Quảng Trị đã chiến đấu, anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại nơi đây…

Du khách nghe giới thiệu về Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị - Ảnh: Tuấn Minh

Thành cổ Quảng Trị được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính Thành Cổ đã ngã xuống vì quê hương vì sự hòa bình thống nhất đất nước. Chính vì vậy, đến với nơi đây, trong lòng mỗi người dân là tấm lòng thành kính và niềm xúc động vô hạn.

Cùng dòng người về với Thành cổ, có rất nhiều cựu chiến binh trong trang phục màu xanh áo lính có mặt nơi đây để thắp nén tâm hương cho các đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến. Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Phát sống tại phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà, Quảng Trị, mỗi năm đều đến thăm các đồng đội đã khuất. Ông cho biết, năm 16 tuổi đã đến với tuyến lửa. Công việc của ông khi đó là phục vụ tuyến sau với công việc tải đạn, vận chuyển lương thực vào chiến trường Thành cổ và chuyển thương binh về hậu phương. “Khi đó, cứ có lệnh là chúng tôi đến phục vụ chiến trường, không màng sống chết. Có rất nhiều đồng đội của tôi đã ở lại nơi đây. Vì thế cứ vào dịp tháng 7 tôi lại đến đây để thắp hương và nhớ về họ. Lúc này, trong lòng tôi vô cùng xúc động, thương nhớ, cảm xúc dâng lên không thể diễn tả bằng lời” - cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Phát chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Phát cũng cho rằng, bản thân ông cảm thấy rất vui khi trong những ngày này, tại Quảng Trị có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về tri ân các anh hùng liệt sĩ, “có nhiều sự kiện đang được diễn ra thu hút đông đảo người xem tại Lễ hội Vì Hòa bình, người dân Quảng Trị nói chung, bản thân tôi nói riêng cảm thấy vui mừng và phấn khởi. Tôi nhận thấy, Đảng, Nhà nước, tỉnh Quảng Trị rất quan tâm đến những người có công với đất nước, những hoạt động này cũng sẽ góp phần phát triển địa phương nhằm nâng cao đời sống cho người dân”.

Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Phát đến thắp hương cho đồng đội và các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị - Ảnh: Bích Ngọc

Vượt hơn 700km từ Bắc Kạn đến với Quảng Trị, chị Nguyễn Thị Vân, 32 tuổi chia sẻ: Mỗi khi đến tháng 7, người dân cả nước đều hướng đến và tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh bảo vệ Tổ quốc, vì thế tôi cũng muốn đến và thăm Khu di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị. Tôi đến đây để được hiểu hơn về cuộc chiến khốc liệt cũng như chiến công lẫy lừng của các anh hùng. “Khi nghe thuyết minh của người hướng dẫn tại khu di tích, kể về lòng dũng cảm, sự hy sinh quên mình của các chiến sĩ, trong tôi bùi ngùi, dâng dâng niềm xúc động. Tôi tự hứa, sẽ cố gắng học tập, lao động để cống hiến, nhằm góp phần công sức nhỏ bé đối với đất nước, xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng”.

Cùng nằm trong tỉnh Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của 10.263 liệt sĩ. Vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước hay dịp 27-7, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn cũng là một nơi thu hút đông đảo người dân, các em học sinh đến thắp hương tưởng niệm, nhằm bày tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ sâu sắc công lao của các anh hùng liệt sĩ. 

Trong những ngày đầu tháng 7, gia đình anh Đỗ Lê Linh (Hà Nội) đã đưa các con đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Anh Đỗ Lê Linh cho biết, con gái anh vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên gia đình đã cho con đến thắp hương, tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho đất nước để có được nền hòa bình như ngày hôm nay. “Gia đình chúng tôi ở Hà Nội, các con rất ít có dịp đi xa và được đến với các địa điểm ý nghĩa này. Vì thế, năm nay, chúng tôi quyết định đi ô tô riêng từ Hà Nội vào Quảng Trị để đưa các con đi thăm những di tích lịch sử cách mạng mang nhiều ý nghĩa như Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn… để các cháu hiểu về lịch sử của Việt Nam cũng như sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng” – anh Linh cho biết.

Gia đình và bạn anh Đỗ Lê Linh từ Hà Nội đưa các con đến thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn - Ảnh: Bích Ngọc

Được cùng với bố, mẹ, những người bạn đến nơi vô cùng ý nghĩa này, con gái anh Linh – Đỗ Hà Chi chia sẻ: Cháu thấy đây là một nơi rất linh thiêng, bên cạnh những ngôi mộ của các liệt sĩ đã có tên thì còn có rất nhiều anh hùng liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi, quê quán. Điều đó cho thấy, mặc dù các anh vào chiến trường khi còn rất trẻ, nhưng các anh đã không tiếc máu xương để bảo vệ đất nước.

Đỗ Hà Chi cũng cho biết, là một người trẻ, cháu sẽ tiếp tục học tập để có thêm nhiều kiến thức, đặc biệt tiếp thu và tìm hiểu nhiều hơn nữa về lịch sử của dân tộc ta để ghi nhớ, biết ơn các anh hùng liệt sĩ. Đồng thời, sẽ nỗ lực học tập, nhằm đóng góp công sức nhỏ bé của mình đối với đất nước.

BÍCH NGỌC 

;