Quảng Ninh: Đột phá trong phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao

Thời gian qua, với nhiều cơ chế chính sách mang tính đột phá, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của Quảng Ninh tiếp tục được xây dựng phát huy và khai thác hiệu quả, góp phần thúc đẩy xây dựng văn hóa, con người để đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

 

Cơ chế chính sách đột phá

Nhìn lại những năm qua, Quảng Ninh luôn kiên trì kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Tỉnh đã nỗ lực khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh, truyền thống cũng như sự năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng đổi mới vượt lên mạnh mẽ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong Vùng đồng bằng sông Hồng được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đời sống của người dân được đặc biệt quan tâm, nâng cao chất lượng; tạo bước chuyển lớn trong phát triển văn hóa - xã hội, con người, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo. Các công trình phúc lợi xã hội được tỉnh quan tâm và đầu tư mạnh, trong đó có hệ thống thiết chế văn hóa thể thao từ tỉnh đến cơ sở  đồng bộ, hiện đại, góp phần rút ngắn khoảng cách thụ hưởng đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Việc huy động các nguồn lực cho xây dựng, phát triển văn hóa, thể thao của tỉnh có bước đột phá.

Những kết quả tốt đẹp đó là nhờ sự chỉ đạo cụ thể, thiết thực, đúng đắn, thông qua các Nghị quyết, Kế hoạch quan trọng. Đặc biệt, sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động số 105/CTr-UBND về triển khai thực hiện Nghị quyết. Kế thừa và phát huy Nghị quyết 11-NQ/TU, năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xây dựng và ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30/10/2023 về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, trong đó đưa ra nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đầu tư, khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa thể thao, không gian công cộng phục vụ phát triển văn hóa chất lượng cao, hướng đến đẳng cấp quốc tế.

Nhờ những chủ trương đến cách làm đúng đắn và phù hợp, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong tỉnh cơ bản đã và đang dần được hoàn thiện về số lượng cũng như chất lượng hoạt động. Trên bình diện cấp tỉnh có Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, Khu liên hợp Thể thao Quảng Ninh, Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi, Cung Văn hóa Lao động Việt - Nhật.

Những công trình thiết chế văn hóa thể thao hiện đại, quy mô quốc gia, quốc tế được đầu tư từ ngân sách như: Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, Bảo tàng, Khu Liên hợp Thể thao, Sân vận động Cẩm Phả đã phát huy khai thác hiệu quả hoạt động phục vụ nhiều sự kiện quốc gia quốc tế và hơn 30 giải thể thao cấp tỉnh/năm. Hầu hết các công trình văn hóa thể thao ngoài phục vụ nhiệm vụ chính trị đã trở thành điểm đến, ngày càng thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến với Quảng Ninh.

Đối với cấp huyện, 13/13 huyện, thị xã, thành phố có cơ sở vật chất Trung tâm Văn hóa, thể thao; có 13/13 thư viện. Cấp xã có 71/177 Nhà Văn hoá cấp xã, phường, thị trấn; cấp thôn có 1450/1452 thôn khu có Nhà Văn hóa thôn khu.

Sân golf Tuần Châu

 

Đẩy mạnh xã hội hóa

Cùng với hệ thống thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định: Xã hội hóa các hoạt động văn hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với quy luật vận động và phát triển của lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đây là chính sách lâu dài, là phương châm nhằm đạt tới hiệu quả xã hội ngày càng cao trong các hoạt động văn hóa. Những năm qua, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa nói chung và xã hội hóa trong xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng của tỉnh đã thu được kết quả quan trọng, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh các thiết chế văn hóa, thể thao do Nhà nước đầu tư và quản lý, các thiết chế văn hóa thể thao do doanh nghiệp, tư nhân xây dựng xuất hiện ngày càng nhiều, đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Tỉnh đã chủ động kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước như Amata (Thái Lan), Công ty Cổ phần Trung Đông (UEA), Texhong (Hồng Kông - Trung Quốc), Vingroup, Sun Group, Bim Group, Tập đoàn Thủy sản Việt - Australia, Tập đoàn Thành Công...

Quảng Ninh cũng rất thành công trong thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư lớn để tập trung đầu tư hạ tầng du lịch và đô thị. Theo đó, hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, khách sạn mang tính đẳng cấp quốc tế được đầu tư, như: Công viên Đại Dương của Tập đoàn Sun Group; khu nghỉ dưỡng biển cao cấp Vinpearl Hạ Long Bay Resort của Tập đoàn Vingroup; khu du lịch đảo Tuần Châu, cảng tàu Tuần Châu; các trung tâm thương mại Vincom, BigC (nay là Go), sân golf Ngôi sao Hạ Long... góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.

Song song với cách làm trên, Quảng Ninh tiếp tục khuyến khích các tầng lớp nhân dân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, đồng thời vận dụng nguồn vốn hoạt động theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm động viên sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng và phát triển văn hóa; huy động các nguồn tài trợ của các tổ chức và cá nhân bằng các chính sách, ghi công danh dự cho những cá nhân và tổ chức xã hội trong việc xã hội hóa. Các cấp các ngành, các địa phương đã vận động để mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức tích cực tham gia xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thiết chế văn hóa, thể thao.

Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khơi thông nguồn lực xã hội hóa thiết chế văn hóa thể thao như Nghị quyết số 208/2015/NQ-HĐND, ngày 15/7/2015 của HĐND tỉnh về một số chính sách khuyến khích thúc đẩy xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn; Quyết định số 2433/2015/QĐ-UBND, ngày 20/8/2015 của UBND tỉnh về một số chính sách khuyến khích thúc đẩy xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương căn cứ tình hình thực tế cũng đã ban hành nhiều văn bản nhằm khuyến khích và thức đẩy xã hội hóa xây dựng,  phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa thể thao.

Nhờ đó, công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thiết chế văn hóa thể thao từ nguồn lực xã hội hóa ngày càng gặt hái được nhiều quả ngọt. Tính từ năm 2016 đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, kinh doanh các thiết chế văn hóa thể thao quy mô lớn, hơn 500 công trình, tổng kinh phí đầu tư trên 10.000 tỷ đồng.

Tại địa bàn TP Hạ Long, các nhà đầu tư lớn đã xây dựng khu vui chơi văn hóa thể thao hiện đại, cao cấp, tạo điểm nhấn để thăm quan du lịch của tỉnh như khu vui chơi Sun World Hạ Long, Sân golf Tuần Châu...

Một số huyện, thị, thành phố cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư khu văn hóa thể thao như: Đông Triều, Móng Cái, Quảng Yên, Cẩm Phả. Trong số này, nổi lên điểm sáng Đông Triều với sân golf Đông Triều có 27 lỗ, diện tích 130,1ha, tổng mức đầu tư đầu tư khoảng 2.239 tỷ đồng. Cùng với đó là Công ty TNHH Hà Lan đầu tư khu văn hóa, thể thao trên 250 tỷ đồng, Công ty CP đầu tư xây dựng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc đầu tư trên 100 tỷ đồng xây nhà luyện tập và thi đấu đa năng, sân bóng đá, sân golf, bể bơi, trung tâm tổ chức sự kiện với sức chứa trên 3.000 người; Công ty CP Gốm Đất Việt xây dựng sân bóng đá mini, sân quần vợt, Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà đầu tư xây dựng Điểm du lịch Quảng Ninh Gate.

Sân vận động Cẩm Phả

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có 165 công trình văn hóa thể thao như: Sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo, sân tennis, bể bơi, nhà luyện tập bóng bàn, cầu lông, nhà sinh hoạt công nhân, Nhà Văn hóa, phòng Truyền thống của 38 công ty có kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng với cơ sở vật chất hiện đại, được đầu tư nâng cấp thường xuyên, có đội ngũ cán bộ công tác chuyên trách hướng dẫn các hoạt động vui chơi giải trí tại chỗ…

Các công ty than Núi Béo, than Hà Tu, than Hà Lầm, than Vàng Danh, tuyển than Cửa Ông, Đèo Nai, Cao Sơn, Mạo Khê, Mông Dương, Tuyển than Cửa Ông, Cọc 6, Thống Nhất, Đèo Nai, Dương Huy v.v... đã hoàn thiện đầy đủ các thiết chế văn hóa thể thao phục vụ công nhân.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 điểm chiếu phim, 30 sân tennis, 167 bể bơi, 133 sân bóng đá cỏ nhân tạo... do doanh nghiệp, tư nhân đầu tư xây dựng. Đối với thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở, đã có một số trung tâm văn hóa thể thao cấp xã tiêu biểu kinh phí xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Đặc biệt, 6 xã thuộc huyện Bình Liêu xã hội hóa khoảng 5 tỷ đồng cho mỗi công trình. Trung tâm Văn hóa phường Xuân Sơn, TP Đông Triều xã hội hóa hơn 100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng. Các Nhà văn hóa thôn, khu trên địa bàn tỉnh cũng đã huy động nguồn lực từ nhân dân và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ gần 100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng.

Một số các hoạt động tổ chức sự kiện văn hóa quy mô cấp tỉnh có sự vào cuộc của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn để đầu tư, đã trở thành “thương hiệu” của tỉnh Quảng Ninh như: Liên hoan Xiếc thế giới - Hạ Long 2019, Festival áo dài Quảng Ninh các năm 2020, 2022; Giải chạy VnExpress Marathon Amazing Hạ Long, Giải chạy Halong Bay Heritage Marathon, Lễ hội Hokkaido. Đặc biệt, chương trình Carnaval Hạ Long qua 15 năm tổ chức đã huy động kinh phí xã hội hóa luôn chiếm hơn 50% tổng kinh phí nhằm tiết kiệm ngân sách, khơi dậy các nguồn lực đầu tư, đáng chú ý là nguồn lực được đóng góp từ những doanh nghiệp, đơn vị của ngành du lịch trong và ngoài tỉnh.

Chưa hết, 100% các lễ hội truyền thống của địa phương được tổ chức từ nguồn đóng góp, công đức của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Có thể thấy sự tham gia, đồng hành của các doanh nghiệp trong việc tổ chức các sự kiện đã giúp cho các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao của tỉnh ngày càng phong phú với quy mô hoành tráng, thu hút đông đảo sự tham gia, hưởng ứng của người dân và khách du lịch. Với các hoạt động tại thiết chế văn hóa cấp xã và cấp thôn, nguồn xã hội hóa chủ yếu do nhân dân đóng góp từ các đội, nhóm, câu lạc bộ yêu thích để tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ thường xuyên.

Tại hội thảo văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Ban Tuyên giáo Trung ương; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức, bằng sự tham gia nhiệt huyết, trách nhiệm, các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đã bổ sung cho Quảng Ninh những tầm nhìn mới, góc nhìn mới, hiểu biết mới về giá trị văn hóa, con người để tiếp tục chuyển hóa thành mục tiêu, tầm nhìn dài hạn mang tính động lực phát huy sức mạnh tổng hợp gắn với các chiến lược hành động cụ thể để đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững. Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Bộ VHTTDL), cho biết: “Thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo bằng cách thông qua HĐND, Tỉnh ủy, UBND tỉnh để xây dựng những cơ chế, chính sách phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó có Quảng Ninh với rất nhiều thiết chế văn hóa phát huy được hiệu quả. Điển hình là Bảo tàng Quảng Ninh đã nổi lên như một hình mẫu không chỉ ở địa phương mà đối với nhiều bảo tàng trung ương. Bảo tàng Quảng Ninh cũng rất xứng đáng là mô hình đáng để học tập, nơi mà vừa đảm bảo được hiệu ích xã hội, vừa có thể khai thác được hiệu ích kinh tế. Những thành công của Quảng Ninh cũng mang đến cho các đại biểu về cách nhìn trực quan, sinh động hơn trong phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao”.

Có thể khẳng định, công tác xã hội hóa trong xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa thể thao đã tạo bước đột phá mới cho sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh, làm thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân; từng bước tạo ra sự cân bằng về mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng nông thôn và thành thị; góp phần tích cực vào việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa mới theo hướng lành mạnh, tiến bộ, văn minh. Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhận định: “Qua nghiên cứu cách làm của các địa phương, tôi thấy rằng, Quảng Ninh có những chủ trương, cách làm rất phù hợp phát triển thiết chế văn hóa, thể thao của địa phương cả về số lượng cũng như chất lượng hoạt động. Đặc biệt, công tác xã hội hóa trong xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở Quảng Ninh đã tạo đột phá mới cho sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh, làm thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của văn giá trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Từ đó, từng bước tạo cân bằng về mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng nông thôn và thành thị; góp phần tích cực giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa mới theo hướng lành mạnh, tiến bộ, văn minh. Tôi hy vọng các địa phương khác sẽ đi theo hướng như thế để hiện thực hóa quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa phát triển văn hóa với phát triển con người”.

Nhìn về con đường dài phía trước, Quảng Ninh sẽ phát huy những gì đã làm được, đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, đề ra các giải pháp để hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Khu vui chơi Sun World Hạ Long

 

PHẠM VĂN HỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 585, tháng 10-2024

;