Phim chiến tranh - cần thêm cách làm mới

Tuy không còn giữ thế thượng phong (về số lượng và chất lượng) nhưng không thể phủ nhận dòng phim chiến tranh vẫn luôn có một chỗ đứng riêng trong điện ảnh Việt Nam.

Phim Bình minh đỏ

Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước với bao cuộc chiến tranh liên miên đã tạo ra một nét riêng của mảnh đất hình chữ S. Tinh thần yêu nước, sự hy sinh vì độc lập, vì sự toàn vẹn của lãnh thổ đã như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Từ các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê… đến thời đại Hồ Chí Minh, những cuộc chiến giành độc lập, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ luôn phản ánh tinh thần thời đại. Tinh thần ấy đã phả vào văn hóa, vào lối sống và đi vào các loại hình nghệ thuật từ thơ ca, hò vè, sách truyện đến các bộ môn nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, hát bài chòi... Các môn nghệ thuật hiện đại như mỹ thuật, điêu khắc, tranh, ảnh, sân khấu, điện ảnh cũng ảnh hưởng bởi tinh thần chung đã làm nên văn hóa, cốt cách và đặc điểm riêng của dân tộc. 

Cũng thông qua các loại hình nghệ thuật, trong đó có điện ảnh, khán giả hiểu thêm về cuộc chiến, về những hy sinh cao cả của các tầng lớp nhân dân cho cuộc chiến giành độc lập và bảo vệ sự toàn vẹn của đất nước. Nhìn lại các bộ phim về chiến tranh, hầu như không thiếu một thành phần nào không được khắc họa. Những bà mẹ Việt Nam, những người phụ nữ quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, quanh quẩn bên lũy tre làng sẵn sàng gửi ra chiến trận những người chồng, người con, người cháu của mình. Những người vợ sẵn sàng sát cánh, thay chồng chăm sóc bố mẹ, con cái, trở thành hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm ngoài chiến trận. Đặc biệt là những chàng trai, cô gái đang hừng hực tuổi thanh xuân không ngại từ bỏ giảng đường, xếp lại ước mơ học hành để lên đường nhập ngũ. Những lá đơn tình nguyện được viết bằng máu, những chàng trai thấp bé nhẹ cân còn giấu gạch trong túi để đủ cân nặng sung vào quân ngũ. Những cô gái phơi phới tuổi xuân cũng sẵn sàng gửi lại thanh xuân trên chiến trường khi xung phong vào những đội thanh niên phá đá, mở đường, thậm chí lái xe chở thương binh, tử sĩ góp phần mình vào cuộc chiến. Ngay cả những em nhỏ cũng tùy theo sức của mình để đóng góp vào công cuộc giải phóng đất nước bằng những vị trí riêng như liên lạc, giao liên, đưa đường cho bộ đội, chiến sĩ... Cả một dân tộc đã sát cánh và trong chiến thắng chung ấy có sự góp mặt về sức người, sức của của cả một tập thể, những người dân cùng chung một Tổ quốc, một đất nước. 

Ghi ơn những người con vì nước quên mình, tất cả các ngành nghệ thuật đã đều có những tác phẩm để khắc họa, ghi công. Nếu văn học, thơ ca có anh Núp trong Đất nước đứng lên, chị Út tịch trong Người mẹ cầm súng, Lê Anh Xuân trong Dáng đứng Việt Nam thì điện ảnh có anh hùng Lê mã Lương trong Bài ca ra trận, Chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên, chị Sứ trong Hòn đất… Còn biết bao những anh hùng vô danh mà tinh thần của họ được gửi gắm, khắc họa vào trong hàng loạt hình tượng tiêu biểu của màn ảnh. Không chỉ chiếm phần lớn các đề tài khi đất nước còn chiến tranh mà ngay cả khi đất nước đã thống nhất, non sông đã liền một dải thì cảm hứng chiến tranh vẫn thôi thúc các nghệ sĩ tiếp tục đề tài này với những góc nhìn, cách tiếp cận riêng. 

Cần sự đổi mới

Không phủ nhận nhiều bộ phim chiến tranh đã trở thành kinh điển như Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Cánh đồng hoang… nhưng khi cuộc chiến càng lùi xa thì cách tiếp cận đề tài, nhân vật đã có những thay đổi. Thay vì chủ nghĩa anh hùng ca là tâm thế chủ đạo nơi con người được nhìn nhận ở khía cạnh chiến công nhiều hơn con người cá nhân thì dần dần con người cá nhân đã hiện hữu rõ nét hơn. Phải khi chiến tranh đã có độ lùi nhất định thì những phút yếu lòng, những xao động vì bom rơi đạn nổ mới được nhìn nhận một cách thấu đáo hơn để hiểu, để cảm thông. Những bộ phim như Vào Nam ra Bắc, Sinh mệnh, Ngã ba Đồng Lộc, Người đàn bà mộng du... đã đi vào những khía cạnh cá nhân khi đằng sau bom rơi đạn nổ là những nỗi lo, nỗi sợ rất nhân bản, rất con người. Vào Nam ra Bắc đã khắc họa hình ảnh một anh lính trẻ vì quá sợ hãi đã đào ngũ rồi chính những ngày trốn chạy ấy, sự hồn nhiên, vô tư của cô bé Nụ đã khiến anh dần lấy lại dũng khí để đi tiếp tìm về phía trước và tìm về với đội ngũ. Sinh mệnh lại là sự hy sinh của một cô gái, khi vượt qua mọi điều tiếng nhằm giữ lại dòng giống cho một người lính, một đồng đội khi anh là người con trai cuối cùng của gia đình nằm lại nơi chiến trường. Ngã ba Đồng Lộc bên cạnh sự hy sinh cao cả của các cô gái thì đời sống cá nhân, những va chạm, nghi ngờ, thậm chí cả chuyện có con của nữ thanh niên xung phong cũng được khắc họa khi mà giữa cái sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc và con người vẫn cần sống, cần yêu thương... Với Người đàn bà mộng du, lần đầu tiên dòng phim về đề tài chiến tranh đi tìm và giải mã những ám ảnh tâm lý trong và sau cuộc chiến. Với Quỳ thì chiến tranh chưa bao giờ kết thúc dù cô đã sống sót, đã trở về sau cuộc chiến. Nhưng hàng đêm, giữa những giấc ngủ, giữa những cơn mộng du những đồng đội cũ, những người lính đã ngã xuống năm xưa vẫn hiện về và cô mãi không thoát ra hay chính cô không muốn thoát ra khỏi những ám ảnh của cuộc chiến. 

Phim Người đàn bà mộng du

Có thể nói, càng có độ lùi thì các phim về đề tài chiến tranh càng có thêm những góc nhìn mới, cách tiếp cận cuộc chiến ở những khía cạnh mới. Đường thư từng giúp đạo diễn Bùi Tuấn Dũng ghi điểm khi không đề cập trực tiếp đến những người lính trên trận chiến mà đi vào những anh lính bưu tá. Những người giúp nối mạch thông tin giữa chiến trường và quê nhà. Và dù ở “mặt trận” nào thì người lính trực tiếp chiến đấu hay lính bưu tá vẫn đối diện với hiểm nguy, với bom đạn và cả sự hy sinh.

Mới đây, bộ phim Bình minh đỏ (đạo diễn: NSND Nguyễn Thanh Vân, Trần Chí Thành) cũng chọn một lát cắt mới khi đi vào khắc họa tiểu đội nữ lái xe đầu tiên tại Trường Sơn. Những hy sinh của các cô gái lái xe cũng khốc liệt, anh dũng không kém những chiến sĩ trực tiếp đối đầu trên chiến trận. Nó cho thấy đề tài chiến tranh vẫn luôn có một chỗ đứng riêng, và vẫn có những cách nhìn mới khi tiếp cận với mảng đề tài này. 

Vấn đề đặt ra là cần làm gì để những bộ phim về chiến tranh có sự hấp dẫn, tươi mới với các khán giả trẻ, những người sinh ra sau cuộc chiến? Bên cạnh sự khốc liệt của bom rơi, đạn nổ, những hy sinh cao cả thì có lẽ cái mà thế hệ trẻ cần chính là những cảm nhận, suy nghĩ, thậm chí là cả những toan tính rất con người khi đứng trước lằn ranh sinh tử. Làm sao để bên cạnh cái lớn lao là đất nước, Tổ quốc vẫn có những suy nghĩ, đau đáu về gia đình, bố mẹ, vợ con, người yêu, bạn bè hay chính bản thân mình trong các lựa chọn, những tình huống của cuộc chiến. Bởi, con người chỉ có thể đồng cảm, thu hút khi người khác gần gũi với họ hay là một phần hình bóng của chính họ trong những khoảnh khắc đời thường hoặc khi buộc phải lựa chọn. Và đề tài chiến tranh để hấp dẫn lớp khán giả mới cũng cần phải có những cách tiếp cận mới, những sự lựa chọn mới để phù hợp với lớp khán giả trẻ, với thời đại mới.

NGUYÊN AN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 502, tháng 6-2022

;