PHÁT TRIỂN VĂN HÓA TRONG MỤC TIÊU XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Văn hóa giữ vai trò quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Trong xây dựng nông thôn mới, mục tiêu cuối cùng chính là nâng cao đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần cho người dân ở nông thôn. Nhằm thực hiện mục tiêu ấy, đầu năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 22/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Đề án nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, các quy định về văn hóa của người dân ở nông thôn; xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động, sáng tạo văn hóa.

Đề án hướng đến việc nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, thực hiện các tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn mới cấp xã, tạo nền tảng vững chắc để phát triển văn hóa nông thôn mới trên địa bàn xã; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng con người, gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Đề án đưa ra 7 tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn mới cấp xã, bao gồm: nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL; có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa; 100% thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt quy định; môi trường đạt chuẩn theo quy định của BộTNMT; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, xã đạt danh hiệu lành mạnh không có tệ nạn xã hội; bảo vệ tốt di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và các di sản văn hóa dân tộc; làm tốt công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (1).

Không thể phủ nhận sự vận động phát triển của nông nghiệp và sự đổi thay bộ mặt nông thôn sau gần 4 năm thực hiện mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới. Đời sống vật chất dần được nâng lên, nhiều nhu cầu về văn hóa  tinh thần được đáp ứng, mức độ giao lưu tiếp xúc với bên ngoài của nông dân được mở rộng hơn. Trường học được xây dựng nhiều hơn, khang trang hơn. Hệ thống chợ mở rộng hơn, sầm uất hơn, hàng hóa đa dạng, phong phú hơn, đời sống vật chất được nâng cao. Nhiều phong tục tập quán cổ hủ lạc hậu đã dần được loại bỏ. Các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần được mở rộng…

Tuy nhiên, tiến trình xây dựng nông thôn mới và vấn đề phát triển văn hóa nông thôn đang đặt ra nhiều vấn đề. Nhìn một cách tổng thể, nông dân vẫn là những người vất vả, thiệt thòi trong xã hội và nông thôn đã và đang tồn tại nhiều vấn đề bức xúc, nóng bỏng. Vòng xoáy đô thị hóa nhanh chóng góp phần m sáng bộ mặt làng quê, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị nhưng mặt khác cũng đem đến những nguy cơ, hiểm họa… Người dân mua sắm ti vi, loa đài, xe máy… Nhiều quán internet, nhà nghỉ, quán cà phê, cắt tóc gội đầu thư giãn… mọc lên. Nông thôn du nhập lối sống, cách ăn ở, sinh hoạt na ná dân đô thị... Bộ mặt kiến trúc nông thôn thay đổi, hệ thống giao thông bê tông, trải nhựa tương đối nhiều, nhà ở kiên cố, cao 3 - 5 tầng, kín cổng cao tường, kiến trúc thiếu quy hoạch, thiếu định hướng, biểu hiện một sự lai căng, chẳng thành đô thị cũng chẳng còn nét đẹp của nông thôn bao đời nay. Có thể nói, sự thay đổi ấy không phải là căn bản, đó chỉ là kết quả của sự nỗ lực thắt lưng buộc bụng, giảm ăn giảm mặc để xây dựng, mua sắm hay là sự giàu lên đột biến nhờ tiền đền bù giải phóng mặt bằng, lấy ruộng đất nông nghiệp cho các nhà máy, xí nghiệp khiến nhiều gia đình bỗng chốc có tiền thì sao nhãng làm ăn, đua đòi, tiêu pha hoang phí. Vì vậy, những thứ hiện đại, tiện dụng nổi lên kia có chăng chỉ là một thứ ăn đong của con nhà nghèo… Rồi hàng loạt những con đường, những bờ mương xây dựng bằng tốc độ rùa, nhưng lại tàn phá cây xanh bằng tốc độ phi mã, thôn xóm, đường làng bốc hỏa vì vắng bóng cây xanh… Tất cả đang tạo nên một bộ mặt nông thôn có hình thù của đổi mới nhưng bên trong nó là những điều bất ổn, tiềm ẩn những nguy cơ về lâu dài.

Không ít gia đình không đủ sức nuôi con ăn học, không có tiền để quan tâm chăm sóc sức khoẻ bản thân bằng những dịch vụ y tế tối thiểu. Nguồn nước sạch ngày càng khan hiếm vì bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rác thải ruộng đồng và sinh hoạt ngày càng nhiều và thải ra tùy tiện. Những nét đẹp truyền thống trong tình cảm gia đình, họ mạc, hàng xóm láng giềng cũng phai nhạt do sự gia tăng kiểu nhà cửa kiên cố, kín cổng cao tường, sự xâm lấn của quan điểm sống sòng phẳng, “tiền trao cháo múc”, rất cực đoan. Con cái bất hiếu với cha mẹ, nạn cờ bạc, nghiện ngập gia tăng... Không ít người trẻ tiếp thu nhanh xu thế hiện đại, ngược lại với đa phần người cao tuổi cố giữ những giá trị truyền thống, dẫn tới nhiều mâu thuẫn…

Đô thị hóa đang ngấm ngầm tàn phá nông thôn. Những khu thị tứ, thị trấn, những khu phố làng mọc lên cùng các nhà máy, xí nghiệp lởm chởm giữa những cánh đồng, làm ô nhiễm môi trường, vàng lá cây xanh, gia tăng các bệnh về hô hấp. Nước thải của nhà máy, xí nghiệp, của làng nghề đổ trực tiếp ra sông suối, mương máng, ngấm vào mạch nước ngầm…

Bên cạnh đó, khi xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương tập trung xây dựng đường sá, cầu cống, nhà cửa mà ít chú ý đến việc xây dựng các công trình văn hóa. Tiêu chí 06 quy định các xã xây dựng nông thôn mới phải có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn do Bộ VHTTDL đề ra, cụ thể là: Trung tâm văn hóa thể thao xã quy định diện tích tối thiểu 2.500m2 (vùng đô thị và đồng bằng), 1.500m2 (vùng núi, hải đảo); hội trường đa năng có tối thiểu 250 chỗ ngồi, vùng hải đảo tối thiểu 200 chỗ ngồi. Nhà văn hóa, khu thể thao thôn (làng, bản, ấp) có diện tích từ 500m2 đến 2.000m2 (vùng đồng bằng), từ 300m2 đến 1.50m2 (vùng núi). Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ có 90% số xã và 75% số thôn (làng, bản, ấp) có nhà văn hóa. Quy hoạch đất sử dụng cho các công trình văn hóa và hoạt động thể dục thể thao đến năm 2020 của các tỉnh, thành phố đều tăng lên so với hiện tại (2).

Tuy nhiên, trong thực tế đang diễn ra tình trạng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hoạt động kém hiệu quả, nhiều thiết chế chỉ hoạt động cầm chừng, không ít nhà văn hóa mở cửa xuân thu nhị kỳ, cho nên một số địa phương không quan tâm đến việc quy hoạch đất đai cho việc xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao. Ngược lại, một số địa phương lại đua nhau xây nhà văn hóa, khu thể thao thật hoành tráng, song không tổ chức hoạt động tốt chỉ mang tính hình thức, rất lãng phí. Nhiều nơi trong nhà văn hóa không sách báo, không đài, không ti vi, không dụng cụ thể thao. Nhiều nơi nhà văn hóa chỉ là nơi tập trung họp thôn xóm khi cần hoặc tụ tập cờ bạc dịp lễ tết, hội hè.

Ðể giải quyết tình trạng này, cần đến sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các địa phương với nhận thức: xây dựng nông thôn mới không thể thiếu việc xây dựng cơ sở vật chất cho văn hóa và thể thao nhưng không chỉ dừng lại ở chỗ chỉ xây cái vỏ tức là cái nhà, trụ sở mà phải đồng thời đầu tư cho cái ruột tức là bộ máy khỏe, hoạt động phong phú, đa dạng, lôi cuốn đông người tham gia. Như vậy phải giải quyết hàng loạt vấn đề như tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, đầu tư trang thiết bị và kinh phí cho hoạt động... Nhà văn hóa, khu thể thao phải thật sự là trung tâm sinh hoạt văn hóa, thể thao của mọi tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh việc xây dựng các công trình văn hóa, thể thao mới thì việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa là vô cùng quan trọng. Làng, xã Việt Nam là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc từ nghìn đời nay. Làng quê nào cũng có đình chùa, miếu mạo tôn thờ các anh hùng dân tộc và những người có công với dân, với nước, địa phương nào cũng có di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh với những lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Cả nước có tới hàng nghìn di sản vật thể và phi vật thể, trong đó có nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Quá trình xây dựng nông thôn mới là phải giữ bằng được những di sản, linh hồn của làng quê. Hiện nay, không ít di sản bị xâm hại do tác động của thiên nhiên và do các công trình xây dựng mới. Nhiều làng cổ đang mất dần vẻ đẹp cổ kính hiếm có. Vấn đề nổi cộm là giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển như thế nào. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản lịch sử và văn hóa chính là làm sao cho bộ mặt nông thôn mới hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc, giữ được cái hồn cốt của làng quê trong không gian sống và không gian văn hóa.

Muốn xây dựng nông thôn mới và phát triển văn hóa nông thôn một cách bền vững, vấn đề tiên quyết là con người. Vấn đề xây dựng con người cho nông thôn mới ngày càng trở nên cấp thiết. Nông thôn đang rất cần lớp người giỏi nghề nông lại nắm bắt được khoa học, kỹ thuật hiện đại. Các chính sách đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo và sử dụng cán bộ trẻ, áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất... có tác động rất lớn đến việc hình thành và phát triển lớp người ấy. Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, năm 2012 mới tổ chức dạy nghề cho 135.397 lao động nông thôn, đạt 28,4% kế hoạch năm. Việc dạy nghề còn đang gặp rất nhiều khó khăn và chưa có hiệu quả cao. Nông thôn mới chỉ thật sự phát triển khi chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao. Những con người mới của nông thôn phải làm chủ quá trình phát triển này và cũng từ đó, họ càng gắn bó với nông thôn, với quê hương. Và chính họ, với những tri thức, hiểu biết hiện đại sẽ giữ vai trò nòng cốt trong việc xây dựng đời sống văn hóa cho nông thôn mới, vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

Việc phát triển văn hóa khi xây dựng nông thôn mới phải tính đến nhu cầu văn hóa riêng của người nông dân. Người nông dân khác với thị dân, việc đáp ứng văn hóa cho nông thôn phải khác với cho đô thị. Vì thế, cần tìm hiểu kỹ, phân loại và định hướng nhu cầu văn hóa của người nông dân. Nếu không đề ra được một hệ thống tiêu chí phân loại nhu cầu của cộng đồng, gia đình, người dân, cá nhân ở nông thôn… thì rất dễ sa vào việc đáp ứng tràn lan mà không đạt được hiệu quả cao.

Trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu của người dân nông thôn chính là an toàn về đầu tư phát triển kinh tế hộ, có điều kiện cập nhật thông tin, công nghệ, khoa học kỹ thuật nhằm áp dụng vào sản xuất, được đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, giải trí… Đây là những vấn đề hết sức quan trọng. Nó đặt ra cho các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa xã hội ở nông thôn hàng loạt vấn đề cần giải quyết để đáp ứng nhu cầu ấy. Vì thế, ở tầm vĩ mô, cần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn, đồng thời tăng cường nguồn lực phát triển văn hóa nông thôn. Xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả Quỹ phát triển văn hóa nông thôn nhằm huy động các nguồn lực cho sự phát triển văn hóa nông thôn; lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch ở các cấp với việc thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa nông thôn. Ở những vấn đề cụ thể, trước hết, cần chú trọng quản lý và phát triển các hoạt động sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh hoạt động thông tin của phát thanh, truyền hình, báo chí. Các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đang có vai trò rất lớn trong đời sống cũng như việc hưởng thụ văn hóa của người dân nói chung và người nông dân nói riêng. Các hoạt động thư viện, bảo tàng, hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp chưa có điều kiện để phát triển mạnh ở nông thôn nên cần được gắn kết chặt chẽ với truyền thông đại chúng và hoạt động của nhà văn hóa ở từng địa phương cụ thể, để tạo cơ hội phát triển.

Thứ hai, thúc đẩy các hoạt động lễ hội truyền thống, văn nghệ quần chúng và các phong trào văn hóa, xã hội.

Thứ ba là khẳng định sức mạnh, tính tích cực của phong tục, tập tục, hương ước trong sinh hoạt văn hóa ở nông thôn hiện đại. Cần tôn vinh một số tục đẹp, phù hợp với truyền thống sinh hoạt và văn hóa truyền thống, như lễ mừng thọ, lễ cúng gia tiên, tục lên lão, thờ thành hoàng, lệ khuyến học…; loại bỏ dần những hủ tục, đặc biệt là hủ tục trong cầu cúng, tang ma, cưới xin, lễ hội…

Thứ tư, tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xem đây là giải pháp quan trọng để huy động sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực cho sự phát triển văn hóa nông thôn.

 Thứ năm, tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn nông thôn.

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn. Văn hóa nông thôn có những nét khác biệt khó có thể áp đặt cứng nhắc. Vì thế, phát triển văn hóa trong xây dựng nông thôn mới hiện nay là một vấn đề cực kỳ lớn và phức tạp mà riêng ngành văn hóa không thể giải quyết được. Đây là vấn đề có liên quan mật thiết và hữu cơ đến toàn bộ sự phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, giao thông vận tải, thương nghiệp, công nghiệp và nông nghiệp, môi trường, quản lý đất đai, những chính sách cụ thể, nguồn lực đầu tư cho văn hóa cũng như năng lực quản lý của các ngành, các cấp.

_______________

1. thuvienphapluat.vn.

2. chinhphu.vn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017

Tác giả : VŨ THỊ MINH PHƯỢNG

;